8. Cấu trúc của luận văn
1.2.2.3. Quá trình vận động và phát triển của thơ trẻ Thái Nguyên
Thái Nguyên - mảnh đất giao lưu của nhiều nền văn hóa đã trở thành nơi hội tụ của những giá trị văn hóa, văn học. Văn học Thái Nguyên hôm nay là một quá phát triển lâu dài, vừa chọn lọc, vừa kế thừa và sáng tạo, trong đó
không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của lực lượng sáng tác là những nhà thơ trẻ Thái Nguyên.
Trong sự phát triển chung của thơ ca Việt Nam đương đại, thơ Thái Nguyên cũng không nằm ngoài quy luật phát triển chung. Về hình thức và khuynh hướng sáng tác, thơ ca Thái Nguyên nói chung, thơ trẻ Thái Nguyên nói riêng chủ yếu sáng tác theo hai khuynh hướng: khuynh hướng trung thành với thơ truyền thống và khuynh hướng cách tân nghệ thuật trong thơ. Thơ Thái Nguyên không có những tác giả sáng tác theo khuynh hướng nổi loạn. Những tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng truyền thống có thể kể đến như Doãn Long, Phan Thái. Những tác giả đi theo khuynh hướng cách tân nghệ thuật có số lượng đông đảo hơn với những tên tuổi tiêu biểu như Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy, Trần Thị Nhung, Gia Hân, Hoàng Thị Hiền… Đây cũng là khuynh hướng sáng tác có những cây bút gặt hái được nhiều thành công và khẳng định vị trí của mình trong nền thơ trẻ Thái Nguyên nói riêng và thơ trẻ Việt Nam đương đại nói chung.
Nhìn chung, thơ trẻ Thái Nguyên đã bước đầu bắt kịp sự phát triển của nền thơ trẻ toàn quốc, có những tác giả với những sáng tác được đánh giá cao qua các cuộc thi, các giải thưởng văn học trong cả nước. Tiêu biểu cho những thành tựu của thơ trẻ Thái Nguyên có thể kể đến hai gương mặt: Phạm Văn Vũ là Nguyễn Nhật Huy. Họ đều là những người đến với văn chương nghệ thuật từ rất sớm và sớm khẳng định được bản thân với phong cách sáng tác riêng qua những tập thơ chủ yếu theo khuynh hướng tìm tòi, cách tân nghệ thuật mới mẻ. Bên cạnh hai gương mặt tiêu biểu trên, thơ trẻ Thái Nguyên có một đội ngũ sáng tác đông đảo vẫn luôn say sưa, cần mẫn, đam mê trong sáng tạo văn chương nghệ thuật, luôn cố gắng tìm tòi những cái hay, cái mới trên hành trình đổi mới và phát triển của thơ Thái Nguyên nói riêng và nền thơ ca nước nhà nói chung. Hầu hết những nhà thơ trẻ đều là những trí thức, những nhà giáo, nhà báo, thiết nghĩ, đó là là lực lượng sáng tác quan trọng, là đội ngũ
nuôi dưỡng và vun đắp tình yêu văn chương trong thế hệ trẻ Thái Nguyên hôm nay.
Có thể nói, chưa có giai đoạn nào, thơ ca lại xác lập cho mình diện mạo phong phú, đa dạng với nhiều phong cách, nhiều xu hướng, nhiều giọng điệu riêng biệt như giai đoạn hiện nay. Thơ trẻ Thái Nguyên thực sự trở thành một bộ phận trong nền thơ ca Thái Nguyên có lẽ bắt đầu từ năm 2000 đến nay. Trước đó, thơ Thái Nguyên ghi nhận một vài gương mặt thơ trẻ như Dương Thu Hằng, Vũ Thị Tú Anh và Phạm Văn Vũ.
Tác giả trẻ Dương Thu Hằng có tác phẩm đăng báo từ khi còn rất trẻ với 2 tập thơ: Men đầu (2000), Đón lá (2004). Bên cạnh đó chị đã xuất bản 2 tập truyện ngắn Ngày cho em (2002), Lá thư không gửi (2003), đến nay chị đã có hàng trăm bài thơ, truyện ngắn được đăng tải với một số giải thưởng văn học như: Giải ba Hương đầu mùa báo Hoa học trò năm 1993 - 1994, Giải thưởng Văn học tuổi xanh (1994), Tặng thưởng tác phẩm Văn học tuổi xanh báo Tiền phong (1997), Giải thưởng Truyện ngắn báo Gia đình và Trẻ em (2004),… Thơ chị không cầu kỳ, gọt giũa mà có sự trong trẻo, tinh khôi của tuổi trẻ nhưng không kém phần sâu sắc và nhạy cảm.
Thơ Vũ Thị Tú Anh khá thông minh, sâu sắc và có phần tinh nghịch. Song chị viết ít, thi thoảng độc giả mới bắt gặp một vài bài thơ của chị trên các trang báo Thái Nguyên.
Đại diện cho thơ trẻ Thái Nguyên trước năm 2010 nổi bật hơn cả đó là Phạm Văn Vũ. Anh sinh năm 1984, là người dân tộc Tày, quê ở Định Hóa, Thái Nguyên. Phạm Văn Vũ đã từng dạy học tại huyện Định Hóa và hiện làm việc tại Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên.
Phạm Văn Vũ là người có niềm đam mê đối với văn chương, anh theo học tại trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và trở thành hội viên trẻ nhất của Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên khi là sinh viên năm thứ hai của Khoa Ngữ văn. Là cây bút sớm có tình yêu và bén duyên với văn chương nghệ thuật,
Phạm Văn Vũ đến với sáng tác và trở thành hội viên hội văn học nghệ thuật từ khi còn rất trẻ. Năm 2005, khi đang là sinh viên Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Phạm Văn Vũ đạt giải thưởng cuộc thi Bút Hoa – Báo Tài hoa Trẻ. Năm 2006, Phạm Văn Vũ dự Hội nghi ̣ Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7 ở Hô ̣i An, khi ấy Phạm Văn Vũ 22 tuổi và cũng là đa ̣i biểu trẻ nhất của hội nghị.
Là cây bút sáng tác với tuổi đời còn trẻ nhưng Phạm Văn Vũ đã sớm gặt hái được những thành công trên con đường nghệ thuật với những giải thưởng khẳng định tài năng và tạo cá tính sáng tạo riêng. Tập thơ đầu tay mang tên
Trong nỗi nhớ màu chàm (2007) bộn bề những nỗi niềm của mô ̣t người trẻ cô đơn, nhiều suy tư, trăn trở..., một người trẻ tuổi nhưng “già” trước tuổi. Nhưng có thể nói, đáng quý nhất là của tập thơ là sự trong trẻo trong tâm hồn của một cây bút trẻ. Ngoài tập thơ đầu tay Trong nỗi nhớ màu chàm (2007), Phạm Văn Vũ còn khẳng định cá tính thơ của mình với tập thơ Mọc (2016). Bên cạnh sáng tác văn học, anh còn xuất bản tác phẩm Ngẫu luận (trò chuyện văn chương, 2011) là những cuộc trò chuyện với các nhà thơ, nhà văn của Thái Nguyên. Mỗi cuộc trò chuyện là một quan niệm về các vấn đề văn chương nghệ thuật được các tác giả và người viết cùng nhau trao đổi, qua đó cung cấp cho người đọc những tư liệu quan trọng khi tìm hiểu về cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật của các cây bút Thái Nguyên mọi lứa tuổi.
Nói đến thơ trẻ Thái Nguyên trong những năm gần đây, chúng ta còn nhắc đến một tác giả khá tiêu biểu là Nguyễn Nhật Huy. Anh sinh ngày 18/6/1987, trước đây là sinh viên Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và hiện nay là cán bộ giảng dạy ở bộ môn Lý luận văn học – Văn học nước ngoài tại khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Trong cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Nhật Huy, Phạm Văn Vũ từng nhận xét: “Là một giảng viên Sư phạm, nhưng anh chưa bao giờ có ý định xây dựng hình ảnh mô phạm trước học trò và đồng nghiệp. Là người sáng tác,
nhưng anh không có thói quen ngồi trầm tư, mà luôn bắt tay vào những công việc có thể kiếm ra tiền bằng sức lao động. Thật ra, đằng sau cái vẻ ngoài của một trai trẻ bông phèng đến bất cần ấy là một con người nghiêm túc, tự trọng, mang tư chất của một nghệ sĩ đầy khao khát” [65].
Thơ Nguyễn Nhật Huy mang một cá tính riêng, và thơ anh nhiều khi khiến người ta khó đọc, khó hiểu. Tự nói về bản thân mình, nhà thơ Nguyễn Nhật Huy từng chia sẻ: “Tôi không đại diện được cho những người viết trẻ, nhưng bản thân thấy cái “tạng” tôi không thích sự ổn định của thể loại. Nó như một thứ đạo đức cũ đôi khi trói buộc con người. Tôi rất thích phá vỡ các thể loại. Đi tìm cái mới thì anh phải chấp nhận đập vỡ cái cũ, đập vỡ chính bản thân mình. […] Tất nhiên tôi không phủ định quá khứ. Tôi chỉ luôn có cảm giác không thỏa mãn với những lý giải của người đi trước, thậm chí có nhiều vấn đề không phục. Nó thúc đẩy tôi đi tìm một hình thức mới, một lý giải mới về cuộc sống” [65]. Nguyễn Nhật Huy cho ta thấy một cái tôi rất đời thường nhưng cũng luôn trăn trở với những điều trong cuộc sống, luôn cố gắng lý giải, cắt nghĩa những vấn đề của cuộc sống hiện đại bằng con mắt của người trẻ tuổi. Bằng cuộc sống và sáng tác, Nguyễn Nhật Huy cho ta hình ảnh một con người luôn nghiêm túc và đầy khát khao trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.
Bên cạnh công việc giảng dạy, Nguyễn Nhật Huy còn tham gia cộng tác với một số báo như: Báo Văn nghệ, Văn nghệ Thái Nguyên, Tạp chí Cửa biển, Tạp chí Non nước, Báo tuổi trẻ.... Anh cũng là thành viên của Câu lạc bộ Văn học Trẻ Thái Nguyên, Có truyện ngắn và thơ đăng trên các báo: Văn nghệ Thái Nguyên, Tuổi trẻ, Văn nghệ… Đồng thời, Nguyễn Nhật Huy cũng khẳng định vị trí của mình với một số giải thưởng như: Giải ba thơ Người đô thị của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng, Giải Nhì thơ, Giải Ba truyện ngắn trong Cuộc thi Sáng tác văn học 2014 – 2016 trên báo Văn nghệ Thái Nguyên. Những giải thưởng đó cho dù không phải là tất cả nhưng phần nào đã khẳng định được vị thế của tác giả với một cái tôi riêng, một cá tính mạnh mẽ trong
Thơ trẻ Thái Nguyên giai đoạn từ năm 2010 đến nay có sự tăng mạnh về số lượng người cầm bút. Bên cạnh những cái tên như Dương Thu Hằng, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy còn có thể kể đến những cái tên khác như Doãn Long, Hoàng Thị Hiền, Trần Thị Nhung, Gia Hân… Lí giải cho sự xuất hiện của một loạt các tác giả mới ấy có lẽ phải kể đến sự quan tâm, chăm lo của Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên và Báo Văn nghệ Thái Nguyên khi đã tổ chức các lớp bồi dưỡng viết văn trẻ, mời các nhà thơ, nhà văn tiêu biểu (Y Phương, Cao Duy Sơn,…), các nhà thơ hiện đại có sự cách tân (Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương). Đây là dịp các nhà thơ trẻ Thái Nguyên có dịp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các bậc chú, bác trong nghiệp thơ. Hơn nữa, ngày thơ Việt Nam như một liều thuốc tinh thần, kích thích sự đam mê sáng tác của các tác giả trẻ. Ngoài ra, sự giao lưu giữa các nhà thơ trẻ của các địa phương cũng là dấu ấn quan trọng có tác dụng kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển của thơ trẻ Thái Nguyên. Điều đặc biệt không thể không nhắc tới đó là các tác giả của thơ trẻ Thái Nguyên đa phần đều xuất thân là nhà giáo. Họ may mắn được sinh ra và học tập ở nơi trung tâm về văn hóa giáo dục với nhiều thế hệ tác giả am hiểu sâu sắc và yêu quý, đam mê thơ ca. Đó là những tiền đề quan trọng cho sự ươm mầm tài năng văn chương cũng như điều kiện thuận lợi góp phần tạo nên một lực lượng sáng tác đông đảo về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng cho thơ trẻ Thái Nguyên hôm nay.
* Tiểu kết chương 1:
Trong chương 1, chúng tôi khái quát một số vấn đề lí luận và thực tiễn làm cơ sở cho việc nghiên cứu luận văn.
Trước hết, thế giới nghệ thuật là một phạm trù rất quan trọng của sáng tạo nghệ thuật, được xây dựng trên những nguyên tắc tư tưởng, thẩm mĩ nhất định. Nó là một chỉnh thể của sáng tạo nghệ thuật, phản ánh những quan niệm của người nghệ sĩ về thế giới, đồng thời thể hiện chiều sâu cảm xúc trong tâm hồn người viết.
Cái tôi là sự khẳng định bản thân, khẳng định cá tính, bản chất vốn có của mỗi con người. Đó là khái niệm đánh dấu ý thức của con người về bản thể tồn tại của chính mình.
Thái Nguyên là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa, hơn thế nữa lại là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng. Nơi đây còn được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, văn học. Tất cả những điều kiện ấy đã trở thành nền tảng và mạch nguồn nuôi dưỡng tình yêu văn chương nghệ thuật, hun đúc nên một đội ngũ những nhà thơ Thái Nguyên trong đó có những nhà thơ trẻ hôm nay.
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, thơ trẻ Thái Nguyên đang từng bước khẳng định mình không chỉ trong nền thơ Thái Nguyên mà còn trong sự phát triển chung của thơ ca đương đại trên toàn quốc. Đội ngũ các nhà thơ trẻ Thái Nguyên là một lực lượng sáng tác quan trọng, triển vọng để đưa thơ Thái Nguyên phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của nền thơ ca Việt Nam.
Trong chương 1, chúng tôi đã khái quát những vấn đề lí luận về thế giới nghệ thuật, cái tôi trữ tình cũng như những nét chung nhất về mảnh đất Thái Nguyên - mảnh đất khởi nguồn cho thơ và phác thảo diện mạo chung của thơ trẻ Thái Nguyên trên hành trình phát triển. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu cụ thể về thơ trẻ Thái Nguyên mà chúng tôi sẽ trình bày ở những chương sau.
Chương 2
ĐẶC ĐIỂM VỀ CẢM HỨNG VÀ CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ THÁI NGUYÊN