Cảm hứng thế sự trong thơ trẻ Thái Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong thơ trẻ thái nguyên (Trang 33 - 41)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1. Cảm hứng thế sự trong thơ trẻ Thái Nguyên

Cảm hứng thế sự không phải là loại cảm hứng mới mẻ trong thơ nói chung và thơ trẻ Thái Nguyên nói riêng.Có thể nói cảm hứng thế sự là sự phát triển tất yếu của một nền thơ ca. Bởi lẽ, khi đã hoàn thành sứ mệnh chính trị cách mạng thiêng liêng thì thơ ca có xu hướng quay về với những lo toan, trăn trở đời thường, những vấn đề cốt lõi trong cuộc sống và con người... Đó là những trạng thái phức tạp của tâm hồn người cầm bút trước những vấn đề gai góc của cuộc sống và con người, là hạnh phúc và khổ đau, là được mất - hơn thua, là thật thà và gian trá, là bản ngã và chân lí… Tất cả đều được soi chiếu qua lăng kính thơ. Trong những thập niên đầu thế kỉ XXI cảm hứng thế sự đã in dấu rất đậm trong thơ của các tác giả Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Kiến Thọ, Lưu Thị Bạch Liễu… Họ là những người đã từng dằn vặt, trăn trở để tìm ra một định nghĩa về cuộc đời vốn dĩ rất phức tạp.

Mẹ không muốn ru

Bằng những câu chuyện thần tiên Rằng chỉ cần sống hiền là đủ

Con hay nhìn những đóa hoa tội nghiệp kia Chúng không nỡ làm đau một cánh bướm Mà lũ sâu vẫn cắn xé tơi bời

(Lưu Thị Bạch Liễu – Hát ru)

Đến thế hệ các nhà thơ trẻ 8X, 9X, cảm hứng thế sự cũng là nỗi niềm, là những suy ngẫm trở đi trở lại trong thơ. Bởi lẽ, thơ là một hình thức biểu hiện cái tôi cá nhân của tác giả. Thông qua những hình ảnh, biểu tượng trong thơ, qua ngôn ngữ nghệ thuật thơ, nhà thơ thể hiện những trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm về thế giới.

Con người giữa cuộc sống hiện đại tấp nập, ồn ào nhưng đâu đó vẫn là những góc khuất, những con người như đứng ngoài nhịp sống xã hội. Nguyễn Thúy Quỳnh cũng đã từng xót xa về những số phận như thế, đó là hình ảnh em bé bán củi bị ướt mưa:

Phiên chợ ngày mưa, thưa thớt bóng người Em cõng củi dầm chân đứng đó

Tôi khoác túi bồn chồn về phố Có vệt khói dài lặng lẽ lan theo

(Một sáng Đồng Văn)

Hay một người hát rong (Nghe câu hát từ xe hàng rong) hay người dân quê nghèo phải đến nơi đất khách quê người kiếm sống (Một chuyến xe khách)… Đến Doãn Long, thì đó là hình ảnh “người điên” đầy trăn trở:

Không áo

Che đầu là mái tóc xù Có chiếc quần đính thân Lũ trẻ trâu – không đùa nữa! Trước quán ăn

Manh quần cộc hẫng

Tóc cũng cần một chút nắng trưa Mượn nơi cỏ nằm để đứng

(Doãn Long – Người điên)

Giữa trăm nghìn người lướt qua trong cuộc sống, hình ảnh người điên hiện lên như một mảnh ghép đặc biệt. Và hơn hết, hình ảnh ấy được đặt trong một không gian đối lập:

Trong quán ăn

Khách nâng chén lên, rượu tràn mâm lênh láng Chảy xuống gầm sàn…

Kẻ bên đường vẫn ngồi bất động Chỉ còn đôi môi nhấp nháy Đợi miếng thức ăn văng xa!

Nếu như trước quán ăn là hình ảnh người điên với đầu trần, “không áo”, và “manh quần cộc hẫng” thì trong quán ăn là hình ảnh “khách” nâng chén, “rượu tràn mâm lênh láng”. Đối lập giữa một bên cái gì cũng thiếu và một bên là sự thừa thãi bỏ đi. Con người đang đứng ngoài quán kia chỉ chờ miếng thức ăn thừa “văng ra” từ bữa tiệc đang diễn ra trong quán. Sự đối lập càng được tác giả diễn tả ở một mức cao hơn:

Họ cụng ly chúc điều tốt lành

Người đứng bên đường mơ một bữa qua ngày Mọi điều thất vọng!

Những ánh nhìn day dứt buổi trưa

(Doãn Long – Người điên)

Thu lại từ sự chờ đợi ấy chỉ là cơn đói vẫn cồn lên trong bụng và sự thất vọng đến vô cùng. Tiếng cụng ly chúc mừng nhau những điều tốt đẹp trong quán ăn đối lập hoàn toàn với sự cô đơn, trống trải, lẻ loi một mình của “người điên” đang đứng chờ trước quán ăn. Từ sự đối lập ấy, ta thấy cái tôi nhạy cảm, trăn trở nhưng cũng đầy nhân văn của tác giả. Dẫu luôn trăn trở trong lòng nhưng làm sao có thể thay đổi hiện thực cuộc sống đang diễn ra, và rồi người điên không còn đứng đó, chỉ còn bụi đường “xoáy vào tiệc vui”. Nỗi buồn lẫn vào niềm vui, khổ đau lẫn cùng hạnh phúc, thiếu thốn hòa cùng dư thừa, đó vẫn là những điều ta vẫn gặp nhưng không khỏi khiến ta day dứt, trăn trở, không thể khiến ta có những giây phút thấy lòng lặng đi trước những điều tưởng chừng rất bình thường trong cuộc sống.

Nếu Doãn Long trăn trở với hình ảnh “người điên” thì Phạm Văn Vũ lại đầy suy tư về hình ảnh những em bé ở lớp trẻ tật nguyền khi hát quốc ca:

Các em hát quốc ca bằng tay

Miệng không cất được lên từ “Tổ quốc” Các em hiểu thế nào là đất nước

Mà tay nhịp nhàng Câu hát vô thanh

Những đứa trẻ tật nguyền hát bài hát quốc ca không thành lời đã trở thành nỗi ám ảnh của bất cứ ai chứng kiến cảnh tượng ấy đang diễn ra trước mắt. Không phải một bài hát bình thường nào khác mà chính là quốc ca – là bài hát đại diện cho Tổ quốc mình nhưng những đứa trẻ tật nguyền không thể cất lên hai từ “Tổ quốc”. Tiếng hát ấy không vang lên bằng âm thanh mà vang lên bằng âm điệu của trái tim yêu nước, người nghe không thể nghe bằng thính giác mà phải cảm nhận trọn vẹn bằng chính tâm hồn và trái tim mình. Các em bé tật nguyền hát quốc ca bằng tình yêu Tổ quốc, bằng sự cảm nhận trọn vẹn thế nào là đất nước. Bài hát quốc ca bỗng chốc trở nên thiêng liêng theo một cách rất riêng:

Chưa bao giờ gặp bài hát vẹn tròn như thế Vậy mà không dám vỗ tay

Bỏ chạy

Bước chân vô thủy vô chung Nhẩm quốc ca

Câu nào cũng vấp

Mới hay mình tật nguyền

(Phạm Văn Vũ – Một lần hát)

Một bài hát “vẹn tròn” nhưng lại mang đến bao ngậm ngùi cho những người nghe. Một bài hát không có âm thanh, không có tiếng nhạc mà chỉ lắng nghe nó bằng nhịp đập trái tim của những con người cùng chung Tổ quốc. Những đứa trẻ tật nguyền dù không cất lên được hai từ “Tổ quốc” nhưng Tổ quốc luôn nằm trong trái tim mỗi đứa trẻ. Ấy vậy mà với những người bình thường, những con người hoàn toàn lành lặn thì “Nhẩm quốc ca câu nào cũng vấp”. Nếu không có hoàn cảnh của những đứa trẻ tật nguyền có lẽ con người kia cũng chưa một lần nghĩ đến mình không thuộc quốc ca. Phải chăng, những đứa trẻ tật nguyền kia chỉ là tật nguyền của cơ thể chứ hoàn toàn vẹn tròn trong trái tim, trong tâm hồn. Còn những người lành lặn, bình thường mới chính là

những người sống với tâm hồn sứt mẻ, thiếu thốn, mang một trái tim tật nguyền. Từ những điều bình dị diễn ra trong cuộc sống khiến nhà thơ không thôi trăn trở, suy tư về những chuẩn mực giá trị của cuộc sống, những điều đáng trân trọng và cả những điều đáng phê phán ở cuộc sống hôm nay.

Vòng xoáy của đồng tiền khiến người ta quên đi những giá trị đích thực, quên đi những điều thiêng liêng của cuộc sống mà hình ảnh người bình thường mới hay mình hát quốc ca “câu nào cũng vấp” chỉ là một trong số rất nhiều những biểu hiện thờ ơ của cuộc sống hiện đại. Cuộc sống mỗi ngày lại thêm tấp nập, nhộn nhịp nhưng giữa dòng đời bon chen ấy, con người lại có cảm giác “nhạt” trong thế giới của chính mình:

Cái bắt tay hờ Câu chuyện ve vuốt Lời chào lệ

Cuộc rượu suông Câu hát hụt hơi Bài thơ nhạt thếch

Đến cả nụ hôn còn mở mắt… Anh về dốc muối pha trà Mặn toát mồ hôi!

(Phạm Văn Vũ – Nhạt)

Có lẽ, sự giả dối, hư danh trong cuộc sống hiện đại không còn là điều xa lạ. Để tìm được một chút chân thành khó hơn so với việc tìm những hành động giả dối hướng đến những cái đích nhất định. Và để đạt được cái đích đó con người cần “học” nhiều điều:

Ngoài việc nhem nhuốc và chai sần

Còn phải học cách trắng trẻo và mềm mại Ngoài việc cầm nắm mang vác

Còn phải học cách vuốt ve và xoa tay

Và cũng sẵn sàng làm nhiều điều khó tưởng:

Có người

Cầm dao kề cổ bố mẹ

Vắt chân bình thiên hạ làm ăn Bán ruộng mua áo mới

(Hoàng Thị Hiền - Con đường nằm trong bàn tay) Cuộc sống phức tạp, đa chiều khiến nhà thơ cảm thấy bất an, nhưng đồng thời cuộc sống cũng không thiếu những điều giản đơn, ý nghĩa và đáng trân trọng. Với một nhà giáo như Phạm Văn Vũ, có lẽ một bài văn điểm mười của học sinh là niềm vui không có gì sánh được đối với một người thầy. Và những lời tâm sự, suy ngẫm về tương lai, về cuộc sống bên ngoài trang sách, những điều mà một người thầy nhìn thấy trong ánh mắt của học trò là những điều trăn trở của người thầy:

Thầy không thể bắt các em thôi đọc truyện ngôn tình Có nhà xuất bản nào cầm tay phụ huynh

kí hợp đồng mua sách Chúng ta tự mua bán chính mình?

Thầy không thể bắt các em thôi chơi game Khi lúc nào thầy cũng dạy học trò

phải thành người chiến thắng Chúng ta ai cũng một cuộc chơi?

Thầy muốn dạy các em bằng tin cậy, say mê Nhưng những điều mắt thấy tai nghe

Chẳng lẽ chỉ biết say mê, tin cậy? Thầy không muốn nghe nói dối Nhưng khi nhiều người cùng nói dối Chẳng lẽ nói thật lại thành có lỗi?

Giữa trang sách trong nhà trường và cuộc đời đang trôi chảy ngoài kia luôn có một khoảng cách. Người thầy muốn dạy học trò không đơn thuần là những điều trong sách vở mà hơn thế nữa là những bài học của cuộc đời. Những trăn trở, suy tư, những điều tâm sự về cuộc sống đã được Phạm Văn Vũ gửi gắm qua những lời tâm sự với học trò để sau này mỗi người sẽ trưởng thành, “sẽ lớn lên”.

Trần Thị Nhung được biết đến là cây bút có giọng thơ nhẹ nhàng nhưng đôi khi những câu thơ của chị cũng đầy suy tư, trăn trở. Trong bài thơ Mưa, đi qua những khổ thơ đầu với giọng thơ hồn nhiên trong trẻo, nhà thơ còn cho ta thấy một cái tôi đầy suy ngẫm trong dòng đời:

Giờ con đi tìm

Chẳng thấy bông cau Nơi góc vườn trăng đẹp Thấy cơn mưa ngày xưa Con dầm trong dòng đời

có những màu trắng đen, trong đục Lại muốn mẹ ngồi

Đính lại một màu cho con

(Trần Thị Nhung – Mưa)

Một cơn mưa gợi về trong lòng người bao cảm xúc. Thời gian trôi chảy, vẫn là một cơn mưa bất chợt nhưng những điều thân quen xưa kia không còn nữa. Giờ đây, con không chỉ dầm trong cơn mưa của đất trời mà “dầm trong dòng đời” tấp nập, bon chen. Những điều thân thương, bình dị đã trở thành quá khứ, hình bóng mẹ cũng mãi đi xa, chỉ còn lại cơn mưa và hình ảnh con đơn độc trong dòng đời trôi chảy. Dẫu chỉ là một cơn mưa nhưng lại gợi về bao nhớ nhung, bao yêu thương, bao điều thân thuộc của một thời. Trái tim của cây bút trẻ đã rung lên những nhịp đập khi nhớ về những kỉ niệm một thời đã qua.

Tâm sự suy tư, trăn trở là nỗi lòng không của riêng ai trong cuộc sống. Trong bài thơ Và mỗi sớm mai chim vẫn hót, tác giả Phan Thái từ những điều

Bị nhốt trong lồng, chim quên mình bị nhốt Mỗi sớm mai vẫn hót gọi mặt trời

Ta vùi mặt giữa hư danh, cơm áo

Chẳng như chim thản nhiên đón ánh ngày Đời trong đục, vui buồn không thể giấu Đôi khi nén khóc cười rót tỉnh vào say

(Phan Thái - Và mỗi sớm mai chim vẫn hót) Cuộc sống con người vốn dĩ phức tạp, con người quay cuồng trong vô vàn trắng đen. Sự đối lập giữa hình ảnh chim bị nhốt trong lồng nhưng quên mình bị nhốt, vẫn hót chào ngày mới vào mỗi buổi sớm mai. Hoàn cảnh bị nhốt trong lồng không hề chi phối đến việc ngày mai mặt trời vẫn mọc, và loài chim chỉ đi theo những lối mòn quen thuộc của sự vận động tự nhiên hết đêm đến ngày. Nhưng con người thì khác, không thể thản nhiên đón ánh bình mình vì “vùi mặt giữa hư danh, cơm áo”. Con người nhận ra đó chỉ là hư danh, hão huyền, là những giá trị “ảo” những vẫn cố công theo đuổi; con người bị cuốn vào vòng cơm áo gạo tiền quẩn quanh khiến việc đón bình minh thản nhiên cũng trở thành điều xa xỉ. Con người không sống theo nhịp vận động của tự nhiên mà quay cuồng trong vòng quay của đời sống xã hội, đôi khi là sự dối trá chính lòng mình: “nén khóc cười rót tỉnh vào say”. Cuộc sống của con người khi trưởng thành có quá nhiều điều khiến con người bận lòng suy nghĩ và đôi khi trong sự mỏi mệt của cuộc sống ta lại mong được quay về với tuổi thơ.

Cuộc sống hiện đại đầy rẫy bon chen, xô bồ, con người bị cuốn vào vòng quay không ngừng của hư danh nhưng trong một lúc nào bỗng như dừng lại khi ta nhớ về với câu hát ru ngọt ngào của mẹ:

Trái tim ta đâu chỉ để yêu thương Học im lặng khó hơn học nói

Lưng mẹ gập trên đồng như dấu hỏi Câu hát ru con thanh thản ru mình

Cuộc sống của người mẹ xưa kia có thể vất vả “Lưng mẹ gập trên đồng như dấu hỏi” nhưng lại thanh thản với câu hát ru con như tự ru mình. Cuộc sống lao động ấy dù có vất vả nhưng con người có được sự thảnh thơi trong tâm hồn, nó đối lập hoàn toàn với đời sống biến động không ngừng ngày hôm nay. Những sự đối lập ấy khiến nhà thơ không thôi trăn trở, không thôi suy ngẫm về cuộc sống của chính mình trong vòng quay không ngừng nghỉ của đời sống hiện đại.

Tóm lại, thơ ca của các cây bút trẻ Thái Nguyên nói chung mang dấu ấn của thời đại họ đang sống và họ phản ánh cuộc sống ấy một cách chân thực, thẳng thắn. Họ không ngại nói ra những mặt khuất lấp, những mặt trái của cuộc sống nên thơ của họ không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp nhận. Đặc biệt là với những bạn đọc vốn quen với thơ ca truyền thống. Cũng có thể nói, viết về cảm hứng thế sự với các tác giả trẻ như một cách để đấu tranh, để gìn giữ những giá trị đích thực của cuộc sống.

Có thể thơ hôm nay khiến người ta suy ngẫm, giật mình hoặc thậm chí bất an trước xã hội đang sống nhưng chính điều đó phần nào lại thôi thúc con người bước tiếp trên hành trình thanh lọc xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong thơ trẻ thái nguyên (Trang 33 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)