7. Cấu trúc của luận văn
2.3.1. Cảm hứng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha
Bất cứ một dân tộc nào cũng đều có những giá trị văn hóa truyền thống của riêng mình. Đó là những giá trị thiêng liêng về cả vật chất lẫn tinh thần. Trong tác phẩm của mình, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã khắc họa hình ảnh những người con của các dân tộc Tày, Mông, Thái, Mường, Thổ… cùng sinh sống trên mảnh đất quê hương Đại Lịch yêu dấu. Trong cảm nhận của nhân vật “tôi”, quê hương gắn liền với câu chuyện về đôi mắt không còn biết sáng của người bà, nhưng “mỗi lần kể chuyện cổ tích bà vẫn nói say sưa, vẫn cười cười vỗ vào lưng từng đứa, rồi lại sờ vào má, vào trán từng đứa” nhưng “bà có nhìn thấy gì đâu” [21, tr. 432]. Bà đã khao khát được nhìn thấy khuôn mặt của từng đứa cháu nội như thế nào. Kí ức về bà được khắc sâu trong trái tim của nhân vật “tôi” mỗi khi những câu thơ ấy được cất lên:
“Mỗi lần nhà mình chuyển lán Thế mà giặc vẫn tìm ra
Cán bộ không ai bị bắt
Thương bà, nó đánh mắt lòa” [21, tr. 432]
Những câu thơ ngắn gọn nhưng gợi trong lòng người đọc biết bao cảm xúc, ngậm ngùi. Càng thương “bà” bao nhiêu thì lòng căm thù bọn giặc lại sôi sục bấy nhiêu, bởi người bà đôn hậu ấy bị “nó đánh mắt lòa”. Quê hương còn hiện lên qua những câu chuyện kể của ông cụ Cận về chuyện Bà Chúa Nả, câu chuyện của Bác Dũng về người thanh niên anh dũng Hoàng Văn Thọ và câu chuyện “năm năm đánh Pháp, làng Làn, chỉ riêng làng Làn đã có mấy chục người ngã xuống, du kích, tự vệ, thanh niên, phụ nữ, người già và cả trẻ con. Trẻ con, thằng Pháp nó giật khỏi tay mẹ quang xuống hủm cây, thằng Pháp cười hô hố, người mẹ gào lên theo đứa con, đứa bé bị đập đầu vào gốc cây không thở nữa” [21, tr. 431]. Tất cả, tất cả những câu chuyện ấy đã gợi lên một hình ảnh quê hương đau thương trong kháng chiến nhưng rất đỗi kiên cường. Càng yêu quê hương, đất nước bao nhiêu thì lòng căm thù giặc trong mỗi con người vùng cao càng lớn lao, sâu sắc bấy nhiêu. Với Kỷ vật cuối cùng. Chim ri núi, Gió Mù Cang, Làng nhỏ, ta thấy có biết bao thế hệ những người con anh hùng đã chiến đấu vì quê hương, đất nước. Họ đã tiếp bước truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha để đứng lên chiến đấu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đó có thể là những thế hệ đàn anh đi trước như thầy Quý, anh Vịnh, anh Dũng, anh Hùng hay những thế hệ thiếu niên tiếp bước như Thọ, Lồng, Liên, Dần, Thảo, Thận, Dảo, Nhạn, Uyên, những chàng trai cô gái Mông như Lý Nủ Chu, Vàng Seo May, Giàng Sáy Tu, Vừ Mỷ Say, Giàng Kua Kỷ…dù ở lứa tuổi nào, dân tộc nào thì họ vẫn luôn mang trong mình truyền thống yêu nước của cha ông, nguyện đứng lên chiến đấu để bảo vệ mảnh đất quê hương, mảnh đất mà tất cả họ đều mong muốn sẽ trở thành “những người con làng Làn”.
Không chỉ trân trọng truyền thống yêu quê hương đất nước của ông cha, mà những người con nơi đây đã luôn nhận thức, tiếp thu và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương. Nếu chàng thanh niên Thọ ngỏ ý muốn bỏ học và bỏ việc giúp bố để tham gia cách mạng thì sau lời khuyên của anh Vịnh:
“Không được đâu chú ạ. Các ông lý hào sẽ hỏi thăm ngay. Yêu cầu chú phải đi học đều và học giỏi” [21, tr. 16] thì cậu thanh niên ấy đã thực sự ham học hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là sự ham học hỏi kiến thức trong sách vở, đó còn là sự học hỏi để làm tốt nhất công việc của cán bộ Việt Minh giao phó. Bọn trẻ con trong làng thì “tíu tít” khi biết được tin “thầy giáo là người làng mình chúng mày ạ, thầy Vịnh”. Bởi thế, chúng thi nhau đăng kí đi học: “Thế thì tao cũng đi học”, “Tao cũng đi học nữa”. Thế nhưng, khi đọc A Ly không xuống chợ có lẽ ta thực sự cảm phục trước tinh thần hiếu học của cô bé vùng cao nhỏ tuổi này. Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều nghiện thuốc phiện, hàng ngày em phải lên núi lấy củi xuống chợ bán để nuôi bố mẹ và các em. A Ly chỉ có một ước mơ cháy bỏng: “Ôi, ước gì mình cũng biết chữ như thằng Pao, như con Yến, mình sẽ trốn khỏi nhà’ [21, tr. 468]. Nhưng không, cô bé nhỏ tuổi ấy đã quyết định phải ở lại để lấy củi nuôi bố mẹ, nuôi lũ em, để con Mỷ, thằng Tỏa, thằng Súa được xuống trường thiếu nhi vùng cao học chữ. Bởi “ở lại đây, cả bản muốn nghiện hút, nó sẽ bị khổ…”. Chao ôi! Đây là những suy nghĩ, những khao khát của một cô bé chưa đầy mười lăm ư? Một mơ ước đơn giản là được đi học, các em được đến trường để thoát khỏi cảnh “nghiện thuốc phiện’. Ước mơ ấy thật giản dị nhưng thật đáng trân trọng biết bao.
Đi cùng truyền thống hiếu học của cha ông, là truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ về nguồn cội, tổ tiên, về tình cảm trong những ngày nghèo đói khi xưa được thể hiện trong câu chuyện Những đứa con lên núi , hay truyện
Con trai Bà Chúa Nả lại là lời nhắc về cách dạy người, dạy nghề, về sự đoàn kết các cộng đồng dân tộc, kết nối miền xuôi với miền ngược. Và khi đọc Quả nhạc xòe của mẹ, đó lại là lời nhắc những thế hệ hãy biết trân trọng giá trị của âm nhạc truyền thống được gửi gắm trong quả hạc xòe. Quả nhạc xòe ấy là của
hồi môn ba đời mà bà nội Thính đã giao lại cho mẹ Thính, là quả nhạc xòe mà mẹ nó vẫn dùng trong những lễ hội Thẩm Thóng hàng năm. Vậy mà đến ngày hội này, quả nhạc xòe ấy không còn, chỉ bởi thằng Thính đã cho các bạn mình mượn, để rồi chúng nó đã bán đi với giá quá “bèo”. Năm ấy, Lễ hội Thẩm Thóng diễn ra, “Lễ hội Thẩm Thóng vui thật là vui, có cả bắn cung, đua ngựa, leo núi. Trai gái Mông thì mùa điệu khèn sinh tiền, người Tày hát nôm, đội xòe Thái của cô Ải được dân bản quây tròn đứng xem nhưng họ bảo tiếng nhạc nghe không được hay như lần trước. Thằng Thính nhìn khuôn mặt ai cũng tròn chặn tươi vui, chỉ riêng có mẹ là buồn. Mọi lần đi xòe ngón tay bên trái của mẹ đeo trùm nhạc con, ngón tay bên phải đeo quả nhạc cái làm cho dải khăn xanh lơ vắt qua gáy cứ nâng lên nâng xuống và thân hình mềm mại trẻ trung của mẹ uốn lượn nhịp nhàng theo điệu đàn tính. Còn bây giờ ngón tay bên phải để trống trơ” [21, tr. 478]. Và giọt nước mắt của mẹ trong đêm ấy chính là sự tiếc nuối, mong muốn những giá trị của âm nhạc truyền thống sẽ không bị mai một đi trước những trào lưu hiện đại. Hiểu được nỗi đau ấy của mẹ “Thằng Thính khóc, tự nhiên nó khóc to như bị ai vu oan điều gì”, bởi nó nhận ra chính nó là người có lỗi. Qua tác phẩm, nhà văn Hà Lâm Kỳ như muốn gửi gắm một thông điệp, đó là cần giáo dục cho trẻ em biết bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà ở đây chính là nền âm nhạc truyền thống của dân tộc được chứa đựng trong “quả nhạc xòe”.
Đọc tác phẩm của Hà Lâm Kỳ, ta không khó để nhận ra những giá trị văn hóa truyền thống được truyền tải qua những ngày Tết, những lễ hội của đồng bào các dân tộc.
Ta từng bắt gặp trong sáng tác của nhà văn miền xuôi Tô Hoài, Tết của người Mông được hiện lên bằng những nét vẽ đẹp lãng mạn: “Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên các mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ. (…) Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. (…) Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi
chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy…”[39, tr. 7]. Trở lại với các sáng tác của Hà Lâm Kỳ, hình ảnh đồng bào vùng cao hân hoan đón Tết cũng được tái hiện vô cùng đậm nét. Khi mùa xuân đến, niềm vui, niềm hạnh phúc trong mỗi con người đó là được cùng nhau vui chơi đón Tết. “Vẫn như mọi năm, Tết này làng Thanh Bồng mở hội lồng tồng to lắm. Ngày thì chơi đu, ném còn, tát yến, bắn nỏ, đua ngựa, đêm thì múa xòe, hát lượn, hò lơ… hôm nay cả làng, cả xã nhộn nhịp sắm Tết” [21, tr. 70]. Tết trong họ còn là những lễ hội vô cùng ý nghĩa: “Hội Gầu Tào năm nào cũng vui; lần ấy cả bản kéo xuống chân đèo Khau Phạ cùng người Thái, người mường ở Tú Lệ vui tết. Những điệu khèn, điệu xòe hoa của người Thái, múa chiêng đồng của người Mường, múa sinh tiền của người Mông làm rinh ran một vùng, ai cũng thích” [21, tr. 104]. Mỗi dân tộc một bản sắc riêng, một nét văn hóa riêng. Tất cả hòa quyện với nhau để tạo nên một mùa lễ hội hân hoan và hạnh phúc. Họ đến với lễ hội là để gặp gỡ, để chuyện trò, để cùng nhau cầu chúc một năm mới mùa màng tốt tươi, để mong một năm mới an lành, may mắn đến với mọi người. Những ý nghĩa thật giản đơn nhưng luôn thường trực trong trái tim, trong suy nghĩ của mỗi người dân khi đến với lễ hội của dân tộc mình. Ý nghĩa của những ngày Tết quê hương còn được tái hiện qua nỗi nhớ của những người lính như Bắc, Hà - những người con vùng cao xa quê để đón Tết nơi núi rừng Trường Sơn. Kí ức về Tết trong họ là “thịt mỡ, dưa hành”, là những phong tục riêng chứ “không có tục hai ba tháng Chạp ông Táo cưỡi cá chép lên trời như người Kinh” [21, tr. 244], là những nỗi lo của người dân cần cù, lam lũ khi “rét căm căm, lo mạ chết hơn lo thiếu thịt mỡ dưa hành”. Nghĩ về Tết, những người lính xa quê lại càng xót xa: “Khổ thật, ông bà bố mẹ mình quanh năm áp mặt vào mảnh ruộng và mảnh nương mà chả đủ ăn, nhà nào khấm khá thì hai mươi tám, hai mươi chín mổ lợn gọi là làm nhân bánh, rồi luộc nồi bánh chưng tròn, làm cối bánh nẳng, bánh dậm đặt lên bàn thờ. Hết tháng giêng là lại lo tìm cho được một chú ỉn mười mười lăm cân ném vào chuồng chuẩn bị cho Tết sang năm. Đấy, cứ thế. Còn nhà nào nghèo,
thôi thì chung đụng đâu cân thịt và một con gà cúng tổ tiên cho qua ngày mồng một” [21, tr. 244]. Kí ức về Tết còn là những nét riêng của đồng bào dân tộc Tày, chưa đựng những quan niệm về tâm linh của họ:
-“À này, tại sao bên bàn thờ thì người Tày mình lại có hai cây mía nhỉ? Thịnh lại hỏi cắt ngang
-Đấy, cái riêng đấy. Thường thì có quả phật thủ hay quả bưởi để trên nải chuối xanh giữa bàn thì gọi là mâm quả, bên mâm quả bao giờ cũng có những chùm hoa gió cắm vào một khúc thân cây chuối cắt ngắn, hương hoa gió thoang thoảng như cái gì thơm thảo của con cháu ngày xuân dâng ông bà tổ tiên, còn cây mía vừa là lộc vườn, vừa là chiếc “gậy” để đón vong linh các cụ về vui với con cháu” [21, tr. 245].
Trong kí ức của họ, Tết còn hiện lên với rất nhiều những phong tục, tập quán, trong đó có những phong tục mà họ chưa thể hiểu hết ý nghĩa. Với Thịnh, Tết ở làng quê cậu là những lễ hội cầu Đình đông vui và náo nhiệt, là sự chuẩn bị vô cùng chu đáo của cả làng. Hàng năm “Làng tớ cứ mồng năm mồng sáu tháng Giêng là mở hội cầu Đình, đình năm gian lợp cọ, cột to ôm cả vòng tay chưa hết” [21, tr. 247]. Đình còn là nơi gắn với câu chuyện của những người có công khai phá làng bản đất đai, với câu chuyện đánh Tây còn mãi lưu truyền: “Các cụ bảo thờ ông thần hoàng nào đấy, ông là người đầu tiên tìm về đây khai phá thành làng thành bản, bây giờ cả làng phải thờ phụng. Các cụ còn nói Đình thiêng lắm, hồi bọn Tây đến có hai thằng thay nhau giơ lửa đốt nhưng không hiểu sao châm mãi mà lủa chẳng bắt vào mái cọ, hai thằng Tây sợ quá bỏ chạy, tiếng đồn xa nhờ đó mà cả làng được yên ổn. Lợi dụng việc Tây không dám vào đình ông Cánh tổng họ Trần đã cho du kích đưa súng vào tận hậu cưng cất giữ chuẩn bị cho trận đánh đồn Ca Vịnh” [21, tr. 247]. Đó là những kí ức về Đình. Còn riêng đêm hội cầu, đó là sự háo hức chuẩn bị đồ lễ của tất cả mọi người. “Từ tối mồng bốn tết, cả làng háo hức lo bánh trái hoa quả, sáng mồng năm, ông trưởng tộc lên đình đánh một hồi trống gọi họ gọi làng. Nghe hiệu trống, các cụ già thì khăn vấn áo the, thanh niên khiêng kiệu, người đi lễ bưng
mâm phúng, phường bát âm có đông xướng tây xướng xếp sẵn hai hàng chuẩn bị khai lễ… Nói về hội đình thì dài, kéo suốt đêm đến chiều hôm sau, vui và mệt” [21, tr. 247].
Như vậy, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông từ truyền thống yêu nước, yêu quê hương đến văn hóa của những ngày lễ hội, ngày tết đều được thể hiện sắc nét trong sáng tác của Hà Lâm Kỳ. Nhà văn đã khắc họa những nét văn hóa ấy trong sự trân trọng, gìn giữ và phát huy của lớp lớp các thế hệ đồng bào dân tộc thiếu số vùng cao, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.