Cốt truyện cổ tích, dân gian

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện ngắn hà lâm kỳ (Trang 72 - 76)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Cốt truyện cổ tích, dân gian

Bên cạnh những tác phẩm về đề tài kháng chiến, có cốt truyện lịch sử, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã xây dựng rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, với cốt truyện cổ tích. Nhà văn đã xây dựng những tác phẩm này bằng cách mượn cốt truyện cổ tích, tức là những câu chuyện cổ tích có thật do sưu tầm được rồi hư cấu thêm để tạo nên sự hấp dẫn với các bạn đọc nhỏ tuổi. Nhà văn chia sẻ: Cách hư cấu ấy là nhà văn học được từ tác giả Phạm Hổ, từ những câu chuyện như Chuyện hoa chuyện quả của Phạm Hổ. Theo Hà Lâm Kỳ, “một trong những lý do để chúng thích, đấy là hình ảnh, tính cách của các nhân vật, cảnh quan, các phong tục tập quán… gần gũi với dân tộc mình, quê hương, bản làng mình. Do vậy mà truyện vào lòng các trẻ em rất nhanh, dễ hiểu và gây được ấn tượng bền vững” [46]. Hiểu được điều ấy, Hà lâm Kỳ đã vận dụng một cách vô cùng linh hoạt vào tác phẩm của mình.

Một trong những tác phẩm mang đậm cốt truyện cổ tích đó là Con trai Bà chúa Nả. Tác phẩm dựa trên câu chuyện Bà chúa núi Nả (chuyện cổ tích của vùng Văn Chấn - Yên Bái). Trong truyện cổ tích chỉ có nhân vật Bà chúa Nả (nàng Na là tên hư cấu, Nả tức là Núi), có trong giai thoại về bà Lê Thị Ngọc Anh. Nhà văn đã mượn cốt truyện này để phóng tác lên, thêm vào đó các nhân vật như ông cụ Chu, bố mẹ nàng Na, cậu con trai… Việc tác giả hư cấu thêm nhân vật người con trai của nàng Na nhằm thể hiện sự yêu mến của mọi người đối với nhân vật này. Đây là nhân vật có vai trò đoàn kết các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, khuyên họ không nên du canh du cư nữa mà tập trung canh tác để có một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn. Việc hư cấu nhân vật này nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn, đó là nhấn mạnh vai trò của người con trai bà chúa Nả trong việc dạy nghề, nhưng thực chất nhân vật này không có thật trong cốt truyện cổ tích.

Truyện Thủ lĩnh nàng Han ban đầu cũng lấy cốt truyện từ Sự tích nàng Han hay Sự tích thẩm Han (thẩm Han - cái Hang) ở huyện Văn Chấn - Yên Bái. Câu chuyện xuất phát từ sự tích một người con gái đứng lên vận động lực lượng đứng lên chống lại nhà Tấn, nhà Tần, nhưng sau đó bị thất bại và người con gái ấy bị quân giặc bắn chết. Dựa trên cốt truyện này nhà văn đã phóng tác thêm các nhân vật là những người anh em của nàng Han cùng nhau chống lại giặc Cờ vàng (ở thế kỷ XIX)

Trong những tác phẩm dành cho thiếu nhi, có một câu chuyện mượn cốt cổ tích kể về nguồn gốc tổ tiên của loài người. Mượn theo truyện cổ tích Sự tích con tườu hay Sự tích quả đài hái của dân tộc Tày, nhà văn đã sáng tác tác phẩm Những đứa con lên núi- một câu chuyện gây được nhiều ấn tượng cho bạn đọc. Câu chuyện về “ngày xửa ngày xưa”, có một gia đình nông dân nhà nghèo nhưng lại đông con. Vì ăn uống thiếu thốn nên con cái đứa nào đứa ấy “gầy còm trông như cây sậy giữa dòng nước”. Thương con nhưng không biết làm cách nào, một hôm người chồng đã bàn với vợ đưa tạm các con vào trong rừng sâu, đến mùa lúa lại đón chúng về. Thế nhưng vụ sau, rồi những vụ sau nữa vẫn liên tiếp mất mùa, đến một năm nọ, khi “sấm nổ vang trời, mưa rào từng trận, hoa cau rụng trắng cả gốc. Vụ đó gia đình người nông dân được mùa, lúa nếp đầy bịch, lúa tẻ đầy bồ, lợn gà đầy chạn”. Hai vợ chồng bèn nướng cơm lam, đem thịt mỡ lợn nái vào rừng để đón các con. Vào rừng, nghe tiếng “léo nhéo” trên bè giang, bè nứa, hai vợ chồng đã gọi các con, thế nhưng chúng đáp rằng:

“Phải rồi con mẹ con cha Ở rừng ở núi bỏ nhà đã lâu Ăn thì ăn quả rừng sâu

Sống thì đùm bọc thương nhau quen rồi Chúng con ở lại đây thôi” [21, tr. 452].

Nói rồi chúng lau nước mắt và kéo nhau đi, mặc cho hai vợ chồng kêu khóc thảm thiết. Đám con ở rừng lâu ngày chúng hóa thành những con tườu,

con khỉ. Và hàng năm cứ mỗi mùa hoa nở, người người nhà nhà vui đón Tết, người ta thường nhớ về tổ tiên, về tình cảm trẻ con nghèo đói khi xưa.

Bên cạnh những tác phẩm mượn cốt truyện cổ tích có thật, nhà văn Hà Lâm Kỳ còn xây dựng một số tác phẩm có cốt truyện hư cấu hoàn toàn, nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn cho bạn đọc, bởi dù là hư cấu nhưng nó tự nhiên đến mức khiến người đọc lầm tưởng đó là cốt truyện có thực. Với Bìm Bìm kết bạn, đó là câu chuyện trong giấc mơ của nhân vật Thúy, câu chuyện cổ tích mà Thúy được nghe bà kể về sự tích của dây Bìm Bìm. Chuyện rằng: xưa kia, Bìm, Nho và Dưa là ba người bạn cùng xóm chơi thân với nhau, cả ba đứa đều cùng cảnh nhà nghèo. Vào một ngày, chúng rủ nhau và rừng để lấy củi, nhưng phải đi cùng nhau kẻo gặp phải “con heo nó vồ đấy”. Khi vào rừng chúng kết thân thêm cả chim sâu và Hổ vàng. Bọn chúng luôn thân thiết và giúp đỡ lẫn nhau. Thế rồi, ngày tháng đi qua, tất cả đều lớn thêm vài tuổi, Bìm lại nảy sinh tính xấu, nó rủ Hổ vàng đến một vùng đất mới, nó làm tất cả mọi việc, kể cả những việc xấu nhất để vượt lên trên những người bạn của mình. Chẳng mấy chốc, Bìm đã chiếm toàn bộ dinh cơ của Hổ vàng. Chưa dừng lại ở đó, khi Dưa và Nho đi tìm bạn, gặp lại nhau, Bìm còn muốn chiếm cả viên ngọc quý của gia đình nhà Nho, muốn bằng mọi giá phải chiếm được chỗ ở của kẻ khác để biến thành của nó. Đó là cốt cổ tích về dây Bìm Bìm mà qua lời kể của bà, Thúy cảm thấy mình như thức tỉnh và muốn ra ngay ngoài vườn, “phải cứu lấy những cây dưa lê, cứu lấy những chùm nho ngọt mọng đang bị bìm bìm lấn tới” [21, tr. 484]. Qua đó nhà văn muốn gửi tới bạn đọc nhỏ tuổi một thông điệp: Hãy sống thật chan hòa với tất cả mọi người, đừng lam lam, ích kỷ như chính loài bìm bìm kia.

Còn với Chiếc vương miện bằng lá, nhà văn đã cho bạn đọc, đặc biệt là

các em thiếu nhi hiểu được về sự ra đời của loài cây Vạn Tuế. Nhà văn chia sẻ: Có một lần, tác giả đứng trên tầng hai, nhìn xuống sân Tỉnh ủy Yên Bái, thấy có một loài cây vạn tuế rất đẹp, và hoa của nó khiến nhà văn liên tưởng đến

chiếc vương miện. Và thế là câu chuyện Chiếc vương miện bằng lá được ra đời. Câu chuyện bắt nguồn từ nỗi oan của nàng Thảo Tuế khi xưa, vì bị khép vào tội lừa dối Hoàng đế, đáng lẽ phải chém đầu, nhưng vì là Hoàng phi nên bị hạ xuống cuối hàng tì nữa. Đau đớn trước nỗi oan khuất của mình, “nàng Thảo Tuế khóc ba ngày ba đêm, cuối cùng nàng quyết định lên đỉnh đồi hoa kết một chiếc mũ bằng lá mang hình vương miện đội lên đầu rồi cứ thế ngồi lặng cho đến khi nàng hóa thành một khóm cây, khóm cây có mần vàng như nỉ và những cành lá nhọn sắc tủa ra bốn phía” [21, tr. 466]. Sau khi nhà Vua thấy gốc cây lạ và đẹp bèn mang về trồng trước của Vương phủ và đặt tên cho nó là Vạn Tuế. Sự tích về cây Vạn Tuế bắt nguồn từ đó. “Người đời sau bình rằng mầm vàng như nỉ giữa cây vừa là lòng thành, vừa là lời trách cứ của nàng Thảo Tuế đối với nhà Vua. Còn những ngọn lá sắc nhọn kia, nàng mãi mãi dành cho hoàng hậu và bọn nịnh thần” [21, tr. 466].

Nếu sự tích về cây Vạn Tuế gắn liền với nỗi oan khiên của nàng Thảo Tuế thì sự tích về loài hoa “thân trắng lá xanh cánh đỏ nhụy vàng” nở suốt mùa xuân ấy - Hoa Trạng Nguyên lại gắn với câu chuyện về những con người học giỏi, tài cao, đã tìm ra được loài hoa đẹp nhất. Nhưng điều quan trọng hơn, họ là người lao động rất đỗi bình thường chứ không phải những vị quan. Qua đó tác phẩm muốn đề cao những con người lao động bình dị nhưng thông minh, sắc sảo. Hay Đi tìm chú Cuội lại gắn với những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, không

thể phai mờ.

Có thể nói, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã sử dụng dày đặc các yếu tố lịch sử và yếu tố cổ tích trong cốt truyện của mình. Tuy nhiên, những yếu tố lịch sử hay cổ tích đó chỉ là sự gợi ý cho các sáng tác của nhà văn. Từ những gợi ý đó, tác giả đã sáng tạo thêm các chi tiết để tạo nên sự phong phú và hấp dẫn cho tác phẩm của mình. Việc sáng tạo cốt truyện như vậy sẽ khiến cho người đọc, đặc biệt là các độc giả thiếu nhi thêm hiểu hơn về cội nguồn văn hóa và lịch sử của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện ngắn hà lâm kỳ (Trang 72 - 76)