Xây dựng nhân vật qua miêu tả tính cách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện ngắn hà lâm kỳ (Trang 79 - 81)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Xây dựng nhân vật qua miêu tả tính cách

Có thể nói, trong các tác phẩm của mình, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã tập trung xây dựng, làm nổi bật nhân vật của mình không phải bằng ngoại hình hay nội tâm, mà bằng chính tính cách của nhân vật. Đọc tác phẩm của ông, ta thấy phẩm chất của nhân vật được bộc lộ ngay qua tính cách nhân vật. Các nhân vật được xây dựng với cách mộc mạc, giản dị, có sao nói vậy. Để khắc họa nhân vật, nhà văn không quá cầu kỳ trong việc dùng các thủ pháp nghệ thuật. Tác giả đặt nhân vật của mình vào các tình huống đời thường để nhân vật tự bộc lộ tính cách qua lời nói, hành động. Đây chính là nét riêng của văn phong Hà Lâm Kỳ, không lẫn với bất cứ một tác giả nào.

Đọc Kỷ vật cuối cùng ta dễ dàng nhận thấy nhân vật Hoàng Văn Thọ ngoài đời và Hoàng Văn Thọ được xây dựng trong tác phẩm dường như mang nét tính cách giống nhau. Một chàng trai khi đã nhận thức rõ ý nghĩa của việc mình làm thì kiên quyết đến cùng: “Thọ chưa nhìn thấy nhưng mười người già trong làng thì cả mười đều bảo thằng Tây ác hơn con cọp. Nghĩ cũng ngài ngại, nhưng không thể khác Thọ nhất quyết đi một mạch qua hai cánh rừng già, vượt bốn năn lòng suối cạn để đến lán Gốc Hồng” [21, tr. 5]. Thọ biết rằng cuộc kháng chiến dù đầy gian khó nhưng vân kiên quyết: “Anh Dũng, anh cho em đi thôi, em dứt khoát rồi, em đã trốn mẹ và cái Thậm” [21, tr. 6]. Và ngay cả hành động Thọ chém một nhát dao thật mạnh vào mô đất: “Thay mặt các đội viên, Thọ chém một nhát dao thật mạnh và mô đất đỏ Gò Bằng, mỗi người nhặt một viên bằng đầu ngón tay cái đưa cho Dần, Dần nắm tất cả lại thành một khối tròn rắn chắc” [21, tr. 25]. Hành động ấy đã minh chứng cho tính cách kiên quyết của Thọ.

Còn Lồng lại là một cậu thiếu niên có tính cách hồn nhiên, “xông xáo, đã nói là làm, đi rừng một mình không biết sợ hổ”, nhưng “Lồng có một nhược điểm là vui miệng, hay nói những diều mình biết với người khác”. Chính điều

này khiến những việc mật mà giao cho Lồng thì rất dễ lộ. Tuy thế nhưng Lồng lại có một tính cách vô cùng cam đảm, kiên cường. Khi bị hai tên lính bẻ quặt tay Lồng, Lồng đã “cắn răng chịu đựng, không thèm nói, kệ nó”.

Đối lập với Lồng là tính cách của Tính. Nhân vật này tuy không hay nói như Lồng, nhưng lại có một tính cách rất đáng khâm phục: “Tính lầm lỳ, nhỏ nhẹ như con gái nhưng suy nghĩ sâu, cẩn thận”. Còn Thảo, dù xuất hiện rất ít nhưng lại để lại ấn tượng sau sắc về một cô gái vô cùng tình cảm, đặc biệt trong chi tiết “Thảo không khóc, nước mắt của cô gái mười bốn tuổi ấy đã làm ướt đẫm tấm áo mà người bạn trai thân yêu gửi lại từ mấy hôm trước”.

Tác giả tập trung xây dựng tính cách những nhân vật là người dân tộc Mông, mang đặc trưng của dân tộc mình. Đó là những con người khảng khái, bộc trực, chất phác như Lý Nủ Chu, Giàng Sáy Tu, hay những cô gái Mông khéo léo, chăm chỉ, đảm đang và thủy chung như Vừ Mỷ Say, Vàng Seo May. Không chỉ thế, họ còn là những con người trẻ tuổi sống có lý tưởng, có khát vọng, giàu lòng yêu thương, vô cùng bản lĩnh. Đối lập với họ là những nhân vật phản diện: Một Quan hai Sooc Xăng dữ tợn, một Qánh chột hung hăng, tàn bạo… Tất cả được thể hiện rõ nét trong Gió Mù Căng, Chim Ri núi.

Trong Con trai bà Chúa Nả, đó là nhân vật người con trai bà Chúa Nả được xây dựng là một nhân vật có bản lĩnh, có ý chí. Trước khi lên trời tìm mẹ, nhân vật ấy đã hoàn thành ý tưởng của mình, đó là đoàn kết các dân tộc lại với nhau, lo cho cuộc sống của họ được ấm no: “Người xóm Bằng không ai ngăn nổi, một mình cậu bé Hoàng Thìn vật nhau với mảnh đầm lầy. Vụ đầu tiên đó, lúa đầm tốt bằng lúa nương. Năm sau trời hạn nặng, lúa nương không ra hạt, lúa đầm của cậu được mùa, người xóm Bằng không bị chết đói” [21, tr. 506]. Sự hóa thân của nhân vật Hoàng Thìn phảng phất nét tính cách, bản chất của người Việt xưa.

Một nhân vật A Ly hiền lành, chăm chỉ, đảm đang, chịu thương chịu khó, biết thương bố mẹ, và đặc biệt giàu đức hy sinh. A Ly có thể nghỉ học đi lấy củi bán lấy tiền lo cho các em chứ nhất định không để các em phải bỏ học

(A Ly không xuống chợ). Một nhân vật Cánh cam có tính tình kiêu sa, tự mãn một cô Bìm Bìm gian xảo, ích kỷ sẽ có một kết cục không có hậu…

Như vậy, miêu tả nhân vật qua hành động, tính cách chính là một trong những nét thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Hà lâm Kỳ. Bằng những tình huống chân thực nhất, nhà văn đã để nhân vật của mình tự bộc lộ những nét tính cách vốn có một cách tự nhiên nhất của người dân miền núi. Qua đó, con người miền núi hiện lên một cách chân thực, cụ thể: Đó là những con người hồn nhiên, hiền lành, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, những con người dũng cảm, kiên cường và có một tình yêu son sắt với quê hương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện ngắn hà lâm kỳ (Trang 79 - 81)