7. Cấu trúc của luận văn
3.1.1. Cốt truyện lịch sử
Trong các truyện ngắn của Hà Lâm Kỳ, những tác phẩm có cốt truyện lịch sử chiếm một phần không nhỏ. Nhà văn đã dựa trên cốt truyện có thực trong lịch sử dân tộc để “nhào nặn” nên tác phẩm của riêng mình. Đó là các tác phẩm như Kỷ vật cuối cùng, Gió Mù Căng, Chim Ri núi, Tướng công lên ngựa, …
Kỷ vật cuối cùng là tác phẩm có cốt truyện từ lịch sử. Nhà văn đã dựa trên những sự kiện và những nhân vật có thật để xây dựng nên cốt truyện cho tác phẩm. Nhân vật chính là người thiếu niên Hoàng Văn Thọ, sinh năm 1932, người dân tộc Tày. Hoàng Văn Thọ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Thanh Tú, xã Đại Lịch, huyện Vưn Chấn, tỉnh Yên Bái. Vào tháng 6 năm 1947, giặc Pháp ở Sơn La bất ngờ quay trở lại càn quét , đánh chiếm Ba Khe, lập các đông bốt Ca Vịnh, Dọc, Kháo, Đồng Bồ, tạo nên vòng vây bao quanh Đại Lịch. Trong hoàn cảnh đó người thiếu niên Hoàng văn Thọ được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho xã bộ Việt Minh, cùng các anh đứng ra lập đội du kích thiếu niên trung kiên hỗ trợ cho đội du kích võ trang của xã. Ra đời rồi dần dần trưởng thành, Đội du kích thiếu niên Đại Lịch, cũng giống như Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Bắc Ninh lúc bấy giờ, với những chiến công nho nhỏ nhưng đã mang lại ý nghĩa vô xùng lớn lao, góp phần xứng đáng vào phon trào kháng chiến của toàn xã, trở nên nổi tiếng ở khắp các thôn bản vùng huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Đến ngày 20 tháng 11 năm 1947, giặc Pháp từ đồn Đồng Bồ mở trận càn quét vào Đại Lịch, Nguyễn Văn Thọ xin tham gia chiến đấu và được giao nhiệm vụ giạt mìn ở đèo Din. Mìn nổ, một tên Pháp, mấy tên ngụy chết và bị thương tại chỗ. Lúc này Hoàng Văn Thọ đã nhảy ra tháo khẩu xìten trên tay của một tên giặc rồi chạy vào ven rừng. Thật không may, lúc đó anh bị trúng đạn phản kích của giặc. Uất ức vì bị thua đau, quân giặc đã trả thù một cách dã man bằng cách chặt đầu anh rồi treo lên cây sâng suốt một ngày để phục bắt du kích. Du kích phải chờ đến đêm mới lấy được thi thể của anh đưa về truy điệu và chôn cất. Khi đó, Hoàng Văn Thọ mới tròn mười sáu tuổi. Với sự cống hiến và hy sinh cho cách mạng, Hoàng Văn Thọ được truy tặng Huân chương chiến công hạng Ba và bằng Tổ quốc ghi công. Năm 1998, Hoàng Văn Thọ đã được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Điều tạo nên sự đặc biệt và hấp dẫn trong Kỷ vật cuối cùng đó là nhà văn không chỉ kể lại nguyên cốt lõi lịch sử mà đó là “văn kể sử”. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ và lối kể chuyện tài tình, nhà văn đã đưa và tác phẩm những yếu tố khác để tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm của mình. Bạn đọc dễ dàng nhận thây, nhân vật chính trong Kỷ vật cuối cùng chính là nhân vật Hoàng Văn Thọ đã được nhắc đến trong lịch sử. Tuy nhiên, ở đây, tác giả không để Thọ chiến đấu đơn độc một mình. Anh được xây dựng trong một bức tranh toàn cảnh: Một vùng quê miền núi trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bao bọc quanh anh là không gian, thời gian cụ thể, là rất nhiều các nhân vật của một thời kỳ lịch sử. Từ những người Việt Minh yêu nước như anh Hùng, anh Dũng, thầy Vịnh, thầy Quý… tới những người làm cho quân Pháp như Chánh Lự, Lý Bùi, Bá Tảo…Đặc biệt trong tác phẩm, ta thấy Hoàng Văn Thọ được sống trong một tập thể đoàn kết và chiến đấu vì lý tưởng chung. Đó là Liên, Nhạn, Lồng, Thận, Ký, Thảo… Bằng sự mưu trí của mình, bằng lòng căm thù đối với bọn Tây, dưới sự hướng dẫn của các anh Việt Minh, Thọ và các bạn đã chiến đấu và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao như: Dò
la tin tức của giặc, vận động nhân dân tham gia kháng chiến, cướp súng của địch, chống càn quét, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bao vây. Khi bị giặc dụ dỗ, bị bắt thì các em vẫn một lòng can đảm, trung trinh với cách mạng. Câu chuyện tham gia các mạng của các bạn thiếu niên trẻ tuổi còn gắn với biết bao kỷ niệm đẹp của cuộc đời. Với Thọ, đó là câu chuyện của ‘tấm áo chàm chưa thùa hết khuy” mà Thọ gửi lại Thảo trước khi ra đi.
Một tác phẩm khác cũng viết về đề tài kháng chiến và mang cốt truyện lịch sử đó là Gió Mù Căng. Khoảng tháng 6/1984, nhân ngồi trò chuyện với ông Hoàng Chúng - Phó ban dân vận tỉnh Hoàng Liên Sơn kể: “Ở Mù căng Chải có em Lý Thị Mùi cháu của Lý Nủ Chu, bị Pháp bắt, em chịu ăn lá ngón rồi hy sinh chứ nhất định không khai ra bác mình đang ở đâu. Xúc động trước lời ông Hoàng Chúng, tôi liền ghi vào sổ tay. Năm sau (1985), tôi lên Mù Căng Chải công tác và đem chuyện trên nhờ ông Sùng Nhà Chu (Phó Chủ tịch huyện), ông Chu đã đi hỏi giùm nhưng gần như không ai rõ về nhân vật em Lý Thị Mùi, mà lại cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý khác về Mù Căng Chải, về Khau Phạ, đặc biệt đội du kích của Lý Nủ Chu, “nhân vật mà tôi nặng lòng yêu quý, cảm phục” [45]. Ông Lý Nủ Chu sau này làm đến chức Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính khu tự trị Thái Mèo. Năm 1963, chia khu thành ba tỉnh Sơn La, Nghĩa Lộ, Lai Châu, ông Lý Nủ Chu không biết chữ nên đã xin nghỉ hưu. Ông mất năm 2000, sau ngày Cao Phạ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp. Riêng ông được thặng Huân chương chiến công. Ông Giàng Sống Tu lên huyện làm Phó Chủ tịch huyện Mù Căng Chải rồi nghỉ hưu. Con cháu của họ hôm nay đều là cán bộ huyện, xã. Vì thế Gió Mù Căng chỉ có hai nhân vật là Lý Nủ Chu và Giàng Sáy Tu là con người có thật ngoài đời cả về cá tính và hành động. Đó là hai chiến sĩ du kích người Mông rất anh dũng và gan dạ. Những gì nói về hai ông trong truyện mới chỉ dừng ở buổi đầu đánh Pháp và cũng mới nói được rất ít. Ngoài hai nhân vật này, các nhân vật chính diện khác như Giàng Khua Kỷ, Vừ Mỷ Say, Giàng Seo Pả, Vừ A Sềnh, và những nhân vật phản diện như Vàng Sống Chua, Cai Quánh, quan hai
Sooc - Xăng… là sự hư cấu trên cơ sở những tư liệu có được. Còn riêng với nhân vật Vàng Seo May, nhiều em học sinh (trong thư gửi Hà Lâm Kỳ) không đồng ý với tác giả để cô gái Seo May hy sinh, có em còn muốn “khóc cả lên” khi đọc đoạn cuối truyện. Nhà văn trăn trở: “Tôi muốn nhân vật của mình phảng phất một chút Lý Thị Mùi nào đó mà ông Hoàng Chúng đã kể, tiếc là đến nay tôi chưa có điều kiện tìm hiểu để làm rõ con người này” [45].
Tác phẩm Tướng công lên ngựa là tác phẩm viết về cuộc kháng chiến Cần Vương. Vị “Tướng công lên ngựa” ấy chính là Nguyễn Quang Bích, thống lĩnh toàn bộ quan đội ở miền Bắc. Khi thất bại ở Hưng Hóa, vị tướng quan đã đưa quân lên vùng đất Nhĩa Lộ - Yên Bái và xây dựng một căn cứ kháng chiến hầu hết là người dân tộc thiểu số để đánh Pháp. Tuy nhiên, điều sai lầm của vị tướng quân này ở chỗ: Ông đã dựa vào hầu hết tầng lớp chức sắc của người dân tộc để đánh Pháp, chứ không phải dựa vào số đông quần chúng nhân dân người dân tộc thiểu số. Về sau này vị tướng quân đã bị một số người phản bội (một số người cốt cán vì bế tắc nên đã chạy theo quân Pháp). Điều đáng chú ý trong tác phẩm của Hà Lâm Kỳ đó là từ sự thật lịch sử, nhà văn đã hư cấu lên, xây dựng cuộc kháng chiến ấy thành cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc Tây Bắc ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Và các nhân vật trong tác phẩm đều là những nhân vật có thật. Thông qua tác phẩm nhà văn muốn phản ánh được sự tài tình của vị tướng Nguyễn Quang Bích đã thu nạp, tập hợp được đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số kiên cường đánh Pháp. Đây là một điều hiếm có mà không phải bất cứ vị tướng nào cũng có thể làm được. Đồng thời cũng lý giải nguyên nhân sự thất bại của cuộc kháng chiến Cần Vương đó là do chủ trương chưa đúng đắn. Khi tập hợp lực lượng tham gia kháng chiến, thì đã dựa vào các thủ lĩnh người dân tộc thiểu số quá nhiều mà quên mất vai trò của đông đảo quần chung nhân dân.
Như vậy, dựa vào những cốt truyện có thật trong lịch sử, nhà văn đã xây dựng nên những tác phẩm văn học mang cốt lịch sử nhưng lại đậm chất vất văn để ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của những người anh hùng, những người
con của các dân tộc thiểu số vùng núi cao trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ quê hương mình.