7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Xây dựng nhân vật qua khắc họa yếu tố ngoại hình
Trong thế giới nhân vật của mình, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã xây dựng rất nhiều nhân vật mang vẻ đẹp riêng của người dân tộc thiểu số vùng cao. Đó là các nhân vật ở mọi lứa tuổi: từ những thanh thiếu niên hồn nhiên nhưng giàu lý tưởng, những cô gái xinh đẹp, duyên dáng, những người phụ nữ đảm đang đến những người già đầy lòng nhân hậu. Nhà văn đã xây dựng nhân vật của mình ở nhiều bình diện khác nhau. Một trong những yếu tố khiến người đọc dễ dàng nhận thấy đó là yếu tố ngoại hình.
Trước hết, trong sáng tác của Hà Lâm Kỳ, các nhân vật thanh thiếu niên được miêu tả mang vẻ đẹp hồn nhiên của người miền núi. Đó là vẻ đẹp của Thọ, “cậu con trai trắng trẻo” - người đội trưởng Đội thiếu nhi trung kiên xã Đại Lịch, hay “khuôn mặt măng tơ”, thân hình “to khỏe” của chàng thiếu niên Lồng. Trong cái nhìn của nhà văn, đó là những chàng thanh thiếu niên trẻ tuổi, “những khuôn mặt còn bấm ra sữa, những đôi vai chưa căng tấm áo chàm”, nhưng học lại vô cùng có ý chí, dũng cảm và kiên trung.
Một trong những nhân vật để lại dấu ấn trong lòng người đọc đó là những người phụ nữ, những cô gái mang đậm vẻ đẹp miền sơn cước. Đó là vẻ đẹp của cô bé Thảo trong “bộ quần áo bà ba thon thả, xách nón lá”, cô gái với “ngấn cổ trắng hút vào đôi vai tròn nịch”. Hay đó là vẻ đẹp của Seo May - cô gái người Mông trong tác phẩm Gió Mù Căng khiến bao chàng trai mê đắm:
“Em như bông hoa tớ zảy Anh ngắt gài lên ngực
Ngực anh khóc, bông hoa cũng khóc
Bao giờ hai ta như đôi chim cứ cư” [21, tr. 118]. Trong cảm nhận của Giàng Sáy Tu, Seo May đẹp như một bông hoa rừng, trong “bộ váy của người thiếu nữ Mông lung linh sắc nắng”. Cô gái có “đôi môi đỏ như dấu son”, đôi môi “xinh xắn”, thơm như quả đùm đũm”, cô gái có thân hình “tròn mịn’, “thân hình ấy đã đi qua hai mươi mốt mùa rẫy mà
vẫn trắng hồng thơm ngọt tựa quả bắp đang giữa thời kỳ đầy hạt”. Còn trong trong ánh nhìn của Vàng Sống Chua, Seo May là cô gái đẹp mà chàng đã theo đuổi bấy lâu nay: “Bộ váy áo Mông đẹp nhất cô đem mặc trong ngày hôm nay càng làm cho Seo May xinh thêm, tươi tắn thêm”. Vẻ đẹp ấy còn được thể hiện qua đôi tay khéo léo của Seo May. “Seo My khéo ty nên cắt lá rừng thành con chim, thành con chó cún. Lúc di đường lại tranh thủ xâu lanh, thêu những tấm thổ cẩm giúp mẹ”.
Đó là vẻ đẹp của cô gái Thính trong “Chuyện riêng của Nghĩa”. Cố gái có vẻ đẹp riêng của “con gái miền rừng” không thể lẫn vào đâu: “Khuôn mặt trái xoan pha nét tròn trịa làm nổi giữa lòng má hai lúm đồng tiền, đôi mắt như long nhãn đầu mùa vừa sâu thẳm, vừa dịu dàng, cặp môi đỏ làm duyên cho nụ cười nửa miệng”.
Cao Duy Sơn khi miêu tả về vẻ đẹp của người phụ nữ thường ví von với hương sắc của những đóa hoa rừng. Trong Hoa bay cuối trời, vẻ đẹp của cô gái
tên Dinh được ví như những bông hoa đào: “Mặt nàng đẹp như bông hoa đào trong nắng. Nụ cười bẽn lẽn, mắt chớp như cánh vẫy của loài bướm hoa”, hay vẻ đẹp của cô gái trong Dưới chân núi Nục Vèn: “Cô gái có đôi mắt đẹp như con chim lửa, cổ trắng như ruột cây chuối rừng, môi đỏ như cánh hoa gạo”. Mã A Lềnh lại miêu tả vẻ đẹp của người con gái đầy ấn tượng qua Nấm mồ hoang:
“Em rắn rỏi như hột đào róc, trán hơi dô và sáng sủa, tóc mai xoăn tự nhiên, cổ cao, bộ ngực đầy đặn hơi quá cỡ nhưng gọn gàng, chắc nịch”.Không giống Mã A Lềnh hay Cao Duy Sơn, mỗi nhà văn có một cách miêu tả, khắc họa nhân vật theo một cách riêng, nhưng điểm gặp gỡ của họ chính là vẻ đẹp của những cô gái ấy đều mang nét thanh khiết, trong trẻo của núi rừng vùng cao.
Không chỉ tập trung miêu tả vẻ đẹp người thiếu nữ, nhà văn Hà Lâm Kỳ còn dành tình cảm của mình để khắc họa hình ảnh khỏe khoắn của những chàng trai Mông: “Ba chàng trai khúc tay cuộn như khúc con trăn gió thi nhau quai búa xuống thỏi sắt cho đến lúc nó nhọn ra thành ngọn giáo , nó cuộn lại thành nòng súng mới chịu dừng”[21, tr. 119]. Đó là hình ảnh những chàng trai
đang ra sức rèn lưỡi giáo, rèn nòng súng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Hay vẻ đẹp của nhân vật Lý Nủ Chu, “chàng trai tuổi mới bằng cây thông non trước nhà mà ai cũng nể phục. Thân hình Lý Nủ Chu chắc nịch, đôi mắt hơi xếch, giọng nói sang sảng”[21, tr. 119]. Dù nhỏ tuổi như Nủ Chu đã cùng các chàng trai ra sức để đấu tranh bảo vệ quê hương, bản làng.
Ngoài việc miêu tả vẻ đẹp của những nhân vật chính diện thì các nhân vật phản diện cũng được tác giả khắc khọa nhằm thể hiện tính cách của nhân vật. Trong Kỷ vật cuối cùng ta bắt gặp hình ảnh một “thằng Tây thân dài lêu đêu, mắt xanh, mũi lõ, râu quai nón vàng trên nền mặt trắng” khiến dân bản vô cùng căm ghét. Hay trong Chim ri núi, đó là hình ảnh của “một người lạ mặt cao to, râu quai nón, mắt xanh dã, chân tay đầy lông, trông dữ tợn”. Người đó chính là Sô - nhe, quan Pháp, hay những tên lính da đen, da trắng. Trong Gió Mù Căng, đó là tên Pháp “gầy khẳng, mũi quăm quăm, râu vàng như sâu cây bắp”, có “bộ lông mày sâu róm”. Theo sau bọn Pháp là “Quánh chột” làm tay sai cho chúng. Tên Quánh mặc “quần áo chàm, đầu quấn khăn,súng kíp, súng hai nòng”, cái thằng “mắt chột, cằm bạnh, nốt ruồi có một chỏm lông ở mang tai”. Tất cả ngoại hình của chúng đều gợi lên vẻ dữ tợn và đầy hung hãn.
Có những nhân vật, dù chỉ được nhắc đến bởi một chi tiết ngoại hình nhưng cũng đủ để gây ấn tượng trong lòng bạn đọc. Trong cảm nhận của nhân vật Lâm, bà nội là người “lòa cả hai mắt sau một trận vây bắt của giặc Pháp”, nhưng bà vẫn rất hiền từ, đặc biệt trong mỗi câu chuyện kể. Hay đó là những đưa con lên núi, “đứa nào đứa đấy gầy còm trông như cây sậy giữa dòng nước” bởi gia đình cặp vợ chồng quá nghèo khó, cơ cực. Đó có thể là những nhân vật có ngoại hình vô cùng dễ thương: Những con Cún Đốm có “đôi mắt hạt na xinh xinh nghiêng ngó khắp bốn góc nhà, hễ cứ thấy tiếng động là chúng lũn cũn chạy vào gầm giường, có đứa giương cái giọng bé xíu lách nhách mấy câu như muốn dọa ai”, hay chú cánh cam kiêu sa với “bộ cánh nâu óng”, một cô Bìm Bìm “tròn trặn, nước da trắng mịn, đôi mắt luôn tình tứ, môi lúc nào cũng chúm chím”.
Khắc họa ngoại hình nhân vật, nhà văn Hà Lâm Kỳ thường đặt nhân vật dưới góc nhìn ngợi ca, trân trọng. Chỉ có một số ít nhân vật có ngoại hình xấu
xí, hung dữ nhằm thể hiện vai trò của nhân vật phản diện như một ý đồ nghệ thuật của nhà văn.