Cảm hứng trân trọng những phong tục, nếp sống sinh hoạt đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện ngắn hà lâm kỳ (Trang 62 - 68)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Cảm hứng trân trọng những phong tục, nếp sống sinh hoạt đời thường

của người dân

Không chỉ trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, truyện ngắn Hà Lâm Kỳ còn thể hiện sự trân trọng, nâng niu, gìn giữ những phong tục tập quán, những nếp sống sinh hoạt đời thường. Điều này dường như được gửi gắm trong hầu hết các truyện ngắn của ông.

Trước hết, có lẽ đó là sự trân trọng vẻ đẹp của con người trong cuộc sống, đặc biệt là vẻ đẹp, sự khéo léo tài hoa của người phụ nữ. Cô gái người Mông - Vừ Mỷ Say - “cô gái Pú Luông đẹp người, lại thêu ren khéo như con nhện giăng tơ lọt vào mắt của cả hai chàng trai Lý Nủ Chu và Vàng Sống Chua”[21, tr. 104], cô gái có giọng hát làm say đắm lòng người:

“Em chọn chàng trai có tiếng khèn xôn xao núi đá Cầm cái bút, bút thành hoa, cầm cái cuốc, cuốc thành lá Cây súng kíp biết nhắm vào bọn người cướp lúa

Chàng trai có tấm lưng như đèo Khau Phạ. Em chờ”. [21, tr. 104].

Sự khéo léo ấy không chỉ có nơi Vừ Mỷ Say mà dường như đó là vẻ đẹp riêng của những người phụ nữ Mông ở nơi đây, những người phụ nữ như bà Vần Mỷ: “Từ ngày lấy chồng, bà Vần Mỷ thấy sung sướng bởi vì gặp được một người chồng tốt. Ngày ngày xuống bản hay đi lên nương rẫy, anh Sống Dìn cứ việc ngồi trên lưng con ngựa nâu. Còn chị, chị nắm đuôi ngựa theo sau, vừa đi vừa hát bài hát mà anh Sống Dìn thích. Rồi những tấm lanh, những mảnh vải

thổ cẩm đều do tay chị thêu nên. Phụ nữ Mông có lẽ chỉ lúc ngủ là bàn tay không làm việc thôi”[21, tr. 106]. Với đôi bàn tay khéo léo, họ không chỉ dệt nên những mảnh vải thổ cẩm đẹp đẽ, mà họ còn biết hy sinh vì người mình yêu thương để dệt nên hạnh phúc của riêng mình. Những trang văn của tác giả như muốn khẳng định: Hãy trân trọng những người phụ nữ Mông khéo léo và đảm đang ấy. Trong Làng nhỏ ngòi bút của nhà văn còn thể hiện sự trân trọng nét văn hóa của đời thường được thể hiện qua những trò chơi dân gian của trẻ con. Đó là trò đánh trận giả gắn với kỷ niệm về cây bứa gạo của lũ trẻ chăn trâu: “…đám trẻ chăn trâu chúng tôi chia làm quân ta và quân địch đánh trận giả trên đồi mua, bên nào mà gặp được cây bừa gạo chín thì y như là bên đó thua trận vì cả tướng lẫn quân đang bận quây lại đánh cây bứa gạo trước” [21, tr. 390]. Đó là những trò chơi như “mèo đuổi chuột”, chơi “trốn tìm”… Ở ngôi Đình làng , nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của làng thì với bọn trẻ con lại khác. “Trẻ con vào đình chơi “mèo đuổi chuột”, chơi “trốn tìm”, chơi mệt thì ngồi xuống câu con “lui lui”. Con lui lui thật hay, con nào to cũng chỉ bằng đầu chiếc lạt giang, trẻ con tìm dưới đám đất khô và tơi, chỗ nào có lỗ xoáy hình chũm cau, y rằng dưới đấy có con lui lui. Thằng Cộng tìm được ba bốn cái chũm cau như thế, nó lấy que tăm gẩy gẩy” [21, tr. 395]. Những trò chơi dân gian ấy giường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong kí ức về tuổi thơ của những đứa trẻ vùng cao ấy.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ được mệnh danh là nhà văn của thiếu nhi. Phải chăng bởi các sáng tác của ông phần nhiều dành cho lứa tuổi thiếu nhi? Nhưng nếu chỉ bởi như vậy thì có lẽ là chưa đủ. Một trong những lý do khiến ông có thể trở thành nhà văn của thiếu nhi vùng cao, có lẽ còn bởi dù là những tác phẩm, những câu chuyện ngắn gọn, cốt truyện đơn giản nhưng đều ẩn chứa trong đó giá trị giáo dục đối với trẻ thơ, ẩn chứa sự trân trọng những thông điệp, những nét văn hóa tốt đẹp của cuộc sống đời thường. Đọc Mèo con đi dự hội - câu chuyện về chú mèo con theo lời rủ của các bạn Cún Bông, Thỏ Ngọc,

đã không làm theo lời chị Thúy,không trông nhà giúp chị mà mải miết đi chơi, chỉ bởi “rừng hôm nay đẹp thế, hoa trắng, hoa vàng, hoa tím. Cả núi đồi bỗng nghiêng nghiêng như cầu vồng uống nước”. Và bởi “đám xòe mỗi lúc một gần, trẻ con ở đâu kéo theo rối rít, ai cũng mặc áo mới, ai cũng đeo khăn quàng đỏ, hình như có cả hoa? Đúng rồi, có cả bong bóng màu bay lơ lửng và tiếng trống cà rình rộn rã sau đám hội” [21, tr. 448]. Thiên nhiên đẹp đến thế, lễ hội vui đến thế, lại có cả bạn bè đông vui đến thế, vậy cớ sao lại không đi chơi chứ? Thế là mèo con mải miết, quên cả việc nhà, quên cả lời hứa với chị Thúy. Cho đến khi nhận được lời nhắc của chị Vàng Anh và đàn chim chích: “Bạn Mèo con ơi, người không giữ đúng lời hứa là người xấu đấy”. Lúc này chú Mèo con sực tỉnh: “Thế thì mình là người xấu rồi, chẳng những xấu mà biết đâu lúc này lũ chuột rừng…. Nghĩ vậy, Mèo con thấy người “run run”. “Không ngần ngừ gì nữa, chú quay người nhằm hướng ngôi nhà sàn nhỏ bé ven đồi và cắm đầu cắm cổ chạy một mạch chẳng kịp nói với chị Vàng Anh, với các bạn Cún Bông, Thỏ Ngọc lời nào” [21, tr. 450]. Như vậy, câu chuyện không chỉ kể về cuộc du xuân của Mèo con, mà qua đó tác giả muốn gửi gắm đến các bạn nhỏ một thông điệp vô cùng ý nghĩa, đó là hãy biết giữ lời hứa của chính mình, đó mới là người tốt.

Mỗi câu chuyện dành cho thiếu nhi của nhà văn Hà Lâm Kỳ lại gửi gắm một thông điệp riêng. Nếu Mèo con đi dự hội là sự giáo dục cho con trẻ việc hãy biết giữ lời hứa của mình, thì Đặt tên con Cún Đốm lại mang một thông điệp khác. Việc đặt tên cho chú chó nhỏ trong tác phẩm cũng hàm chứa một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Việc đặt tên cho Cún Đốm là cả một quá trình phân tích, tranh luận của lũ trẻ. Nếu đặt nó là “Dà Dinh” thì không được. Bởi chúng ý thức được: thuốc phiện độc lắm. Còn nếu dặt cho nó một cái tên tiếng Mông: “Mông háy tua hác trơ” thì cũng không được, bởi nó vừa dài, rất khó gọi, mà lại có nghĩa là “đi nơi đây nơi đó”, mà “nhà cậu chẳng lang thang mãi rồi còn gì”. Cuối cùng, sau sự lựa chọn kỹ lưỡng và thấu đáo, lũ trẻ quyết định đặt cho Cún Đốm cái tên Bơs, có nghĩa là “Tình bạn”. Bơs, một cái tên thật thân thiện

và gần gũi biết bao. Bởi lẽ cái tên ấy đã thể hiện tình cảm yêu thương với loài vật của lũ trẻ, qua đó gửi gắm đến các bạn trẻ một thông điệp: Hãy yêu thương và quý trọng loài vật, bởi nó chính là những người bạn thân thiết trong đời sống của con người.

Bên cạnh câu chuyện giáo dục cho thiếu nhi tình yêu thương động vật thì

Cánh cam kiêu sa lại như một lời cảnh tỉnh với các em nhỏ: Nếu quá tự kiêu, ngạo mạn thì sẽ gặp phải tai họa khôn lường. Cũng giống như bạn Cánh cam trong tác phẩm. Vì quá kiêu sa trước vẻ đẹp của mình, suốt ngày chỉ biết chải chuốt, phấn son, vì kiêu kỳ và khoái chí trước những lời tâng bốc của Gián Đất mà Cánh cam mãi mãi đã mất đi bộ cánh long lanh, đẹp đẽ của mình. Từ đó Cánh cam không còn kiêu sa như ngày trước nữa. Câu chuyện như một lời nhắc nhở các em hãy từ bỏ thói kiêu căng, ngạo mạn của mình, hãy sống một cách khiêm tốn và chan hào với tất cả mọi người xung quanh. Chỉ có như vậy thì mình sẽ không trở nên cô độc và cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Nổi bật trong số các truyện ngắn viết cho thiếu nhi, có lẽ là câu chuyện A Ly không xuống chợ. Qua câu chuyện, nhà văn muốn thể hiện tình thương của mình với các em nhỏ vùng cao có bố mẹ sa vào cảnh nghiện ngập như A Ly. Thật đáng thương cho cô bé khi “chưa kịp đặt bát cơm độn chuối xuống sàn nhà, nước mắt đã chạy vòng quanh. Sùng A Ly nhớ ngay đến cây lá ngón ngoài đồi. Chỉ cần mấy cái lá ngón như thằng A Lử thôi, từ mai A Ly không còn phải đi kiếm củi rừng nữa. Không đi kiếm củi thì cả bố cả mẹ chẳng còn tìm đâu ra thuốc phiện mà hút. Nghĩ vừa thương bố, vừa giận bố, vừa thương mẹ, lại vừa giận mẹ. Dưới Ly là bảy đứa em, tuổi Ly mới mười lăm, mỗi ngày hai gùi củi xuống chợ huyện, một gùi đổi lấy gạo, đổi lấy bắp. Còn một gùi đổi lấy thuốc phiện” [21, tr. 467]. A Ly muốn ăn lá ngón để tự tử, để không còn phải đi kiếm củi rừng mà đổi thuốc phiện nữa. Thế nhưng, nếu không đi thì ngồi vào mâm là cảnh “hạt cơm cõng miếng chuối xanh”,là bố mẹ k có thuốc phiện hút, là lũ em không được đến trường. Thương em bé vùng cao, “người Ly thì bé mà bó củi thì to”, nhà văn như muốn gửi gắm một sự dự báo: “Sớm muộn những cái cây

độc ác trong vườn kia cũng sẽ bị nhổ bỏ đi thôi”, bởi nếu còn tồn tại nó thì cả bản ấy sẽ còn khổ, còn chìm trong tăm tối.

Ngoài ra, còn rất nhiều tác phẩm của nhà văn Hà Lâm Kỳ chứa đừng giá trị văn hóa truyền thống nhằm giáo dục cho thiếu nhi như: Bả Khó đánh trời, Viên đá xanh, Chiếc vương miện bằng lá, Bìm bịp kết bạn, Hoa Trạng nguyên…

Bên cạnh việc ca ngợi những phong tục tập quán, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhà văn Hà Lâm Kỳ còn phê phán, lên án những hủ tục lạc hậu, có phần mê tín của đồng bào miền núi. Trong quan niệm của người Mông: trong thiên nhiên, ma tồn tại ở muôn dạng, muôn vẻ. Điều này được thể hiện rõ trong quan niệm của bố nhân vật Thọ: “Ông không thể tin rằng, thế giới này không có ma tà, thần linh ngự trị. Theo ông, con người có số cả, muốn số không bị tối thì phải thường xuyên xin âm dương, bắt quyết, phải xua đuổi ma tà, phải đeo bùa buộc vía. Tóm lại phải thịt xôi thờ cúng mới lành” [21, tr. 12]. Vì điều đó đã ăn sâu và trong tiềm thức của ông, nên khi được khuyên ngăn, giảng giải, ông vẫn không nghe và nhất mực khẳng định: “Trong người tôi có ma rồi, anh đừng nói nữa” [21, tr. 12].

Ngay cả khi trong nhà có người ốm, họ đều cho rằng tất cả là do ma quỷ gây ra, do bị ma bắt mất hồn mất vía. Trong trường hợp đó, theo họ, cách duy nhất để chữa khỏi đó là mời thầy cúng về gọi hồn gọi vía. Trong Làng nhỏ, tác giả đã tái hiện câu chuyện của gia đình nhân vật Lâm. Khi mẹ Lâm ốm, Lâm phải đi đón thầy về buộc vía cho mẹ và cả cho mình. Sau khi thầy cúng buộc vài sợi dây gai vào tay người ốm thì sẽ “thổi phù và nói: Hồn vía em là Hoàng Thị Vình ở đâu thì về với chồng với con với bố với mẹ với anh với em với dân với bản. Con khe, con suối có quỷ có ma khí độc đất độc nước đắng nước chát mau trả sinh linh vô tội về cho trần gian” [21, tr. 366]. Lâm không biết cách ấy có hiệu quả không, nhưng với bản thân mình, Lâm vẫn “chẳng thấy mình khác đi tí nào”. Điều đó phải chăng đã khẳng định: việc chưa bệnh bằng cách cúng gọi hồn không phải là cách hiệu quả. Qua lời khuyên của nhân vật Vịnh, nhà văn muốn gửi gắm sự thức tỉnh đối với đồng bào dân tộc nơi đây.

Tiểu kết chương 2

Là người con có tấm lòng tha thiết yêu quê hương, Hà Lâm Kỳ đã gửi gắm tình cảm sâu đậm của mình trong mỗi tác phẩm. Những trang viết của Hà Lâm Kỳ quả thực đã để lại trong lòng bạn đọc dấu ấn về một vùng đất quê hương vùng cao tươi đẹp, hùng vĩ và nên thơ. Thiên nhiên ấy không chỉ mang vẻ đẹp thuần khiết, một vẻ đẹp thiên phú mà còn gắn bó thân thiết và nuôi dưỡng tâm hồn con người nơi đây. Bởi thế, mảnh đất ấy đã sinh ra những người con dũng cảm, kiên cường và có tình yêu quê hương sâu nặng. Đồng thời đó còn là cái nôi của những phong tục, tập quán, những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao.

Chương 3

CỐT TRUYỆN, NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT,

NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN HÀ LÂM KỲ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện ngắn hà lâm kỳ (Trang 62 - 68)