Phân tích mối liên quan giữa khối học và stress, kết quả định tính cho thấy hầu hết các ý kiến đều cho rằng khối 12 có nguy cơ bị rối loạn stress cao hơn khối 10 và 11 do các áp lực về học tập thi cử cuối cấp làm gia tăng stress ở học sinh, tuy nhiên kết quả định lượng cho thấy không có mối liên quan giữa các khối học với stress ở học sinh (p>0,05). Kết quả này tương tự nghiên cứu của tác giả Trần Thị Hồng Vân tại trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội, sự khác biệt về tỷ lệ stress giữa các khối 10, 11, 12 không có ý nghĩa thông kê (p>0,05) [29].
Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết quả không có mối liên quan giữa giới tính của học sinh với tỷ lệ mắc stress ở học sinh (p>0,05). Kết quả này tương tự với nghiên cứu của tác giả Leslie R. Rith-Najarian và cộng sự (2014) tại Mỹ, không có sự khác biệt về giới tính với stress ở học sinh
(p>0,05) [47] và nghiên cứu của Trần Thị Hồng Vân (2014), không có sự khác biệt về tỷ lệ stress giữa nam và nữ (p>0,05) [29]. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu lại chỉ ra có sự liên quan giữa giới tính và stress, nghiên cứu của tác giả Noelle R. Leonard và cộng sự (2015) về stress, đối phó và sử dụng chất gây nghiện trong thanh thiếu niên trong các trường tư thục cho thấy stress ở nam cao hơn ở nữ với p<0,05 [54]. Nghiên cứu của tác giả Hồ Hữa Tính và Nguyễn Doãn Thành (2009) về thực trạng stress lo âu và những yếu tố liên quan ở học sinh cấp 3 trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu, Phan Thiết, Bình Thuận cũng cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thông kê giữa stress với giới tính của học sinh (p<0,05) [25]. Sở dĩ có sự khác nhau giữa các nghiên cứu có thể là do cỡ mẫu, loại hình nghiên cứu và công cụ sử dụng nghiên cứu khác nhau.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự khác biệt về dân tộc với stress ở học sinh không có ý nghĩa thông kê (p>0,05). Nghiên cứu của chúng tôi giống với nghiên cứu của tác giả Đàm Thị Bảo Hoa và cộng sự (2014), khi đánh giá hiệu quả mô hình phát hiện và can thiệp sớm rối loạn tâm thần ở học sinh từ 6 – 15 tuổi tại thành phố Thái Nguyên, không có mối liên quan giữa dân tộc và stress ở học sinh (p>0,05) [9]. Kết quả này cũng giống với nghiên cứu của tác giả Leslie R. Rith-Najarian và cộng sự (2014) tại Mỹ, không có sự khác biệt giữa yếu tố dân tộc với stress ở học sinh (p>0,05) [48]. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ stress ở nhóm học sinh dân tộc kinh là 32,1%, nhóm các dân tộc khác là 18,8%. Mặc dù không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ mắc bệnh theo yếu tố dân tộc, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm dân tộc thiểu số nhỏ hơn rõ rệt so với nhóm đân tộc kinh, điều này gợi ý cho một nghiên cứu rộng hơn về vấn đề này.