nông thôn, do vậy đặc điểm dân tộc của đối tượng tham gia nghiên cứu cũng cần được quan tâm. Yếu tố dân tộc và các vấn đề liên quan đến văn hóa của mỗi dân tộc có thể có mối liên quan đến các yếu tố tâm lý của đối tượng. Qua nghiên cứu cho thấy đa số học sinh tham gia nghiên cứu đều là dân tộc kinh (91,9%), các dân tộc khác chỉ chiếm 8,1%.
4.1.2. Các đặc điểm chung về nhóm cha mẹ học sinh
Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát trên 113 cha mẹ học sinh tham gia nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy độ tuổi của cha mẹ học sinh tham gia nghiên cứu từ 30 tuổi trở lên, độ tuổi tham gia nghiên cứu nhiều nhất là 40 – 50 tuổi chiếm 51,3 %, từ 30 – 40 tuổi chiếm 39,8%, trên 50 tuổi chỉ chiếm 8,9%. Trình độ học vấn của cha mẹ học sinh đa số từ trung học phổ thổng trở lên chiếm 57,5%, từ trung học cơ sở trở xuống chiếm 42,5%. Với độ tuổi chủ yếu dưới 50 tuổi và trình độ học vấn đa số từ trung học phổ thông trở lên nên có thể kiến thức, thái độ của cha mẹ học sinh về chăm sóc rối loạn stress ở học sinh sẽ đa số ở mức độ tốt.
4.2. Thực trạng stress ở học sinh trường THPT Lương Phú – Phú Bình – Thái Nguyên Thái Nguyên
Nghiên cứu khảo sát vấn đề stress ở học sinh trường Trung học phổ thông Lương Phú – Phú Bình - Thái Nguyên bằng thang đo DASS 21 cho thấy tỷ lệ học sinh bị stress là 31,1%, trong đó nhẹ là 39%, vừa 30,9%, nặng
22% và rất nặng 8,1%, với các biểu hiện thường gặp nhất là hay suy nghĩ quá mức (99,2%), khó thư giãn được (95,9%) và cảm giác không thoải mái (95,1%). So sánh với một số nghiên cứu khác trong phần tổng quan, kết quả nghiên cứu của chúng tôi khá tương đồng. Kết quả nghiên cứu của tác giả Noelle R. Leonard về căng thẳng, đối phó và sử dụng chất gây nghiện trong thanh thiếu niên các trường tư thục, tỷ lệ học sinh bị stress là 31% [54]. Một nghiên cứu về stress ở học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Đông Hà – Quảng Trị sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, sử dụng thang đo tự đánh giá về stress của Cohen cho thấy tỷ lệ học sinh bị stress là 30,4% [3]. Theo Hoàng Cẩm Tú và Đặng Hoàng Minh khảo sát sức khỏe tâm thần trên 1727 học sinh Trung học cơ sở Hà Nội cho thấy có 25,76% tổng số học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung và 29,7% học sinh có biểu hiện về cảm xúc stress nói riêng [14]. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết quả thấp hơn một số nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Theo tác giả Ahmad Ali Eslami và cộng sự nghiên cứu trên 126 học sinh ở Iran cho thấy tỷ lệ học sinh bị stress là 49,2% [41]. Kết quả nghiên cứu của Trần Thị Hồng Vân sử dụng thang đo DASS 42 trên 482 học sinh trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội nhận thấy 46,1% học sinh bị stress ở các mức độ khác nhau, nhẹ 18,9%, vừa 20,1%, nặng 5,2% và rất nặng là 2,5% (tính trên tổng số học sinh tham gia nghiên cứu) [29]. Nghiên cứu của Hồ Hữu Tính và cộng sự về thực trạng stress lo âu và mối liên quan trên 287 học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu, Phan Thiết, Bình Thuận cho kết quả 38% học sinh bị stress lo âu [25]. Một nghiên cứu khác về tình trạng stress và các yếu tố liên quan ở học sinh một trường Trung học phổ thông tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ học sinh bị stress là 44,8%, trong đó stress nhẹ là 34,8%, nặng là 10%, chia theo hai mức độ [18]. Nghiên cứu của Lê Hải Yến trên 678 sinh viên trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên sử dụng thang đo DASS 21 cho thấy 49,5% sinh viên có biểu hiện stress ở các mức độ, nhẹ 16,2%, vừa 14,7%, nặng 13% và
rất nặng là 4,6% (tính trên tổng số sinh viên tham gia nghiên cứu) [30]. So với một số nghiên cứu khác kết quả của nhóm nghiên cứu cũng cao hơn như nghiên cứu của Kamlesh Singh và cộng sự tại Ấn Độ sử dụng thang đo DASS 21 trên 1812 học sinh từ 12 đến 19 tuổi cho thấy tỷ lệ học sinh bị mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần là 14,4% - 31,7%, trong đó rối loạn stress là 20% [58]. Nghiên cứu của Trường Đại học Giáo dục (2012), “Đánh giá mức độ căng thẳng tâm lý của học sinh tiểu học ở Hà Nội” cho kết quả 25,8% học sinh bị mắc stress [31]. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này có thể do thời điểm tiến hành nghiên cứu, địa điểm nghiên cứu, đối tượng và công cụ sử dụng trong các nghiên cứu là khác nhau.
Bên cạnh rối loạn stress thì những ảnh hưởng của stress như dẫn đến lo âu, trầm cảm cũng là những vấn đề sức khỏe tâm thần mà chúng tôi quan tâm. Tỷ lệ học sinh bị rối loạn trầm cảm do stress là 65.9% và tỷ lệ học sinh bị rối loạn lo âu do stress là 56,1%. Nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu về stress, lo âu, trầm cảm ở sinh viên y khoa của tác giả Trần Kim Trang (2011), cho thấy có mối liên quan giữa stress với lo âu và trầm cảm (p<0.001), trong đó rối loạn kết hợp stress – trầm cảm là 46.8%, lo âu – trầm cảm là 21.1%, rối loạn kết hợp cả stress – lo âu – trầm cảm là 52.8% [26]. Vậy đáng lưu ý khi nghiên cứu của chúng tôi có 65,9% học sinh bị rối loạn kết hợp dạng stress – trầm cảm và 56,1% học sinh bị rối loạn kết hợp dạng stress - lo âu với các biểu hiện nặng chiếm tỷ lệ khá cao như biểu hiện của lo âu do stress là lo lắng về những tình huống gây hoảng sợ hoặc biến học sinh thành trò cười chiếm 91,4%, có tới 61,7% học sinh có biểu hiện sợ vô cớ và gần như hoảng loạn là 49,4%. Biểu hiện của trầm cảm do stress như cảm thấy chán nản, thất vọng (94,2%), không hăng hái với bất kỳ việc gì (84,1%) và không có chút cảm xúc tích cực nào (84,1%), tiếp đến là biểu hiện không có gì để mong đợi (78,3%), có tới 60,9% học sinh cảm thấy cuộc sống vô nghĩa
và thậm chí là cảm thấy mình không đáng làm người (44,9%). Những rối loạn này khiến cho việc học tập, sức khoẻ và quan hệ xã hội của học sinh bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi, hơn nữa đây có thể là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả khôn lường của stress là tự sát ở các em học sinh. Hiện nay có rất ít nghiên cứu về rối loạn lo âu, trầm cảm do stress ở học sinh do đó đây là điểm mới trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi, tuy nhiên trong nghiên cứu này vẫn còn những yếu tố liên quan giữa stress – lo âu – trầm cảm chưa được khai thác, đây sẽ là hướng đi mới cho những nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi.
4.3. Một số yếu tố liên quan đến stress ở học sinh trường Trung học phổthông Lương Phú – Phú Bình – Thái Nguyên