Các nghiên cứu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ thông lương phú phú bình thái nguyên​ (Trang 26 - 29)

Nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu, đưa ra một số yếu tố ảnh hưởng đến stress ở vị thành niên, thanh niên nói chung và học sinh trung học phổ thông nói riêng. Theo một nghiên cứu do TS. Đỗ Ngọc Khanh hướng dẫn cho thấy dường như có mối liên quan giữa kết quả học tập với tỷ lệ mắc stress của học sinh. Nghiên cứu cho thấy những học sinh có kết quả học tập càng cao thì tỷ lệ mắc stress càng lớn. Cụ thể, trong số những học sinh có kết quả học tập loại giỏi thì có đến 33% có dấu hiệu của stress trong khi đó ở nhóm học sinh có kết quả học tập trung bình tỷ lệ này chỉ có 21,1%, và tỷ lệ nhóm học sinh khá là 24,5% [31]. Một nghiên cứu về stress trong học tập của học sinh trung học phổ thông (2007) của tác giả Phạm Thanh Bình nhận định có 2 nhóm nguyên nhân chính: Nguyên nhân khách quan như: phương pháp giảng dạy của giáo viên, sự quan tâm của giáo viên đối với một số học sinh khá hay kém trong lớp, mục đích của môn học đối với kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới… nguyên nhân chủ quan như: chưa biết phân bố hợp lý thời gian học tập và nghỉ ngơi, thời gian vui chơi giải trí ít… Nguyên nhân chủ quan có ảnh hưởng thường xuyên và mạnh mẽ đến mức độ stress hơn so với nguyên nhân khách quan [4]. Tác giả Lê Thị Thanh Thủy thực hiện một nghiên cứu định tính trên 65 học sinh có dấu hiệu stress có 89,2% học sinh cảm thấy căng thẳng vì thời gian dành cho việc học quá nhiều, trong đó mức độ rất căng thẳng chiếm 49,2%. Các em học sinh lớp 12 cho rằng quỹ thời gian hạn hẹp với lịch học

dày đặc được coi là điều lo lắng nhất, bên cạnh đó các em còn chịu áp lực vì khối lượng kiến thức phải tích lũy quá lớn. Áp lực trong học tập của học sinh khối 12 lớn hơn khối 10 và 11 bởi 2 kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và thi vào đại học [24]. Tác giả Phạm Tiến Sỹ trong một bài tổng quan có nhận định: trong điều kiện hiện tại, môi trường học đường còn chứa đựng nhiều nguy cơ, trong thời gian gần đây, trên các website thường xuất hiện các clip đánh nhau, hành hạ, lột đồ, mại dâm, điều đó cũng dần len lỏi và ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên, tạo cảm giác mất an toàn, lo âu ở trẻ. Áp lực học hành đến từ chương trình học, sự kỳ vọng của cha mẹ vào con cái, tâm lý bằng cấp, không đánh giá đúng năng lực của bản thân con cái để có những đòi hỏi phù hợp,… cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên. Số lượng học sinh mắc chứng nhiễu tâm (lo âu, trầm cảm, hoảng loạn, hung tính, tự sát…) do học tập ngày càng lớn [24]. Theo một nghiên cứu khác, có 47% số học sinh được khảo sát nói rằng mình bị nhiều áp lực bởi việc học hằng ngày và 34% cho rằng có quá nhiều cạnh tranh trong lớp học; 60% trả lời có áp lực do nghĩ về tương lai và 32% than phiền về việc bị phụ huynh quan tâm quá nhiều đến việc học tập, từ đó tạo nên áp lực cho các em. Cũng theo kết quả nghiên cứu, khối lượng học tập là một gánh nặng đối với học sinh, có 70% học sinh được khảo sát đều nhận định: có quá nhiều bài tập ở trường, chưa kể số lượng bài tập được giao về nhà và các bài thi, kiểm tra thường xuyên gây áp lực cho học sinh. Hơn 80% học sinh bày tỏ mối lo lắng về điểm số, bởi điểm số không như mong đợi dễ làm cho cha mẹ các em thất vọng và bản thân các em cũng thấy lo sợ về tương lai… Tất cả những hiện tượng nêu trên nếu kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, không chỉ thể chất mà còn cả tinh thần của học sinh. Điều này được minh chứng qua kết quả nghiên cứu: hơn 71% học sinh có biểu hiện chán nản, thất vọng trong học tập. Các triệu chứng khác như thiếu tự tin, khó tập trung trong học tập cũng chiếm một tỷ lệ tương đối cao [21].

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số các huyện và thành phố của Tây Ninh đã qua khảo sát, điều tra, tỷ lệ học sinh bị stress do học tập có sự khác biệt. Nơi mà học sinh có biểu hiện stress cao nhất là Hoà Thành, thấp nhất là huyện Tân Biên. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở những gia đình có từ hai con trở lên thì tỷ lệ con em bị căng thẳng thần kinh thấp hơn những gia đình chỉ có một con. Những học sinh có tranh cãi gay gắt với thầy cô giáo hoặc bị thầy cô la mắng, hăm dọa hoặc bị phạt thì tình trạng bị stress cao hơn khoảng từ 22 - 40% so với những học sinh khác. Điều này nói lên việc học sinh bị căng thẳng tinh thần không chỉ do học hành, bài vở mà còn do các nguyên nhân khác có liên quan đến vai trò của gia đình và nhà trường [21].

Trong nghiên cứu “Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh THCS ở Hà Nội và nhu cầu tham vấn sức khỏe tâm thần học đường” stress liên quan đến gia đình, quan hệ với bố mẹ và các chấn thương ở trẻ… [14]. Nghiên cứu của Hồ Hữu Tính và Nguyễn Doãn Thành (2010) tại trường THPT Phan Bội Châu, Phan Thiết, Bình Thuận chỉ ra các mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa stress ở học sinh lớp 12 với giới tính và học lực; đứng ở góc độ gia đình, có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa stress với sức khỏe người thân và những áp lực, kỳ vọng học tập từ gia đình; đứng ở góc độ nhà trường, có mối liên quan giữa stress với những áp lực học tập và thi cử; đứng ở góc độ bản thân học sinh là những cạnh tranh trong học tập, ngoại hình bản thân, những bệnh lý liên quan đến học tập (cận thị, cong vẹo cột sống) và việc không tập thể dục thể thao đều đặn; đứng ở góc độ xã hội như không có bạn bè thân và những lo lắng về an ninh nơi ở. Ngoài vấn đề học tập, mối quan hệ với bạn bè cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress trong học sinh. Nghiên cứu cũng cho kết quả như sau: số học sinh bị bắt nạt về thể chất và tinh thần khiến sinh ra stress chiếm tỷ lệ tương đương với số em bị stress do học tập [25].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ thông lương phú phú bình thái nguyên​ (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)