7. Bố cục của luận văn
1.2.1. Vai trò tầm đón đợi của chủ thể tiếp nhận
Trước một hiện tượng văn học mới ra đời, tại sao lại có thể đem lại những sự hiểu,sự cắt nghĩa khác nhau? Người khen kẻ chê? Điều gì đã chi phối những cách cắt nghĩa phong phú đa dạng và sự tiếp nhận khác biệt như vậy. Có rất nhiều yếu tố đã tác động đến sự tiếp nhận văn học nhưng trong lí luận văn học hiện đại, các nhà lí luận đã đưa ra khái niệm tầm đón đợi để giải thích điều này. Tầm đón đợi "là một trong những khái niệm trung tâm của mĩ học tiếp nhận được hiểu là" đồng bộ các ý niệm thẩm mĩ, xã hội chính trị, tâm lí...quy định quan hệ của tác giả và của tác phẩm với xã hội (và với những dạng công chúng độc giả khác nhau) cũng như quan hệ của độc giả với tác phẩm. Như vậy nó quy định cả tính chất sự tác động của tác phẩm đến xã hội lẫn việc xã hội tiếp nhận tác phẩm [51, tr.124]. Có thể hiểu rằng mỗi một người đọc, trước thời điểm sẵn sàng đọc tác phẩm, họ đã có sẵn một tầm đón. Với tư cách là chủ thể tiếp nhận, người đọc vốn có một tầm đón nhận được hình thành từ thực tiễn cuộc sống, từ sự giáo dục văn hóa, từ thái độ chính trị, khuynh hướng tình cảm, hứng thú thẩm mĩ... Nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính cũng tác động tới tầm đón nhận của người đọc. Lưu Hiệp đã từng nhận xét trong Văn tâm điêu long: “Những người khảng khái thấy thanh âm hùng tráng thì liền vỗ tay. Những người hàm súc thấy những lời chặt chẽ tinh mật thì khoái trá. Những người trí tuệ nông cạn thấy câu văn đẹp thì đã sướng mê. Những người thích cái mới lạ đối với những việc kì quặc thì nghe sốt sắng”. Đó chính là một hệ quy chiếu thuộc về kinh nghiệm văn học của người tiếp nhận, là tầm hiểu biết về văn học, là nhu cầu, trình độ thưởng thức kết tinh từ kinh nghiệm sống, hứng thú, quan điểm và lý tưởng thẩm mĩ của người đọc. Tầm đón đợi được biểu hiện cụ thể ở ba phương diện: sự hứng thú và đòi hỏi đối với hình thức, thi pháp tác phẩm gắn liền với những hình thức thể loại đã biết; năng lực văn
học gắn với môi trường lịch sử văn học cụ thể;sự đối lập của tưởng tượng và thực tại, của các chức năng thực tế và chức năng nghệ thuật của ngôn ngữ. Mĩ học tiếp nhận khẳng định tầm quan trọng của tầm đón đợi trong việc quyết định số phận của tác phẩm văn học, của sáng tác mỗi thời. Trong công trình Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học của Hans Robert Jauss do nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung dịch ra Tiếng Việt in trong cuốn Tác phẩm văn học như một quá trình có nhấn mạnh: Một tác phẩm khi xuất hiện hoặc là đáp ứng những đón đợi của công chúng (như thị hiếu, lí tưởng thẩm mĩ, các chuẩn mực giá trị) hoặc ngược lại, nó đòi hỏi sự thay đổi tầm đón đợi lúc tiếp nhận, các khoảng cách giữa tác phẩm vừa xuất hiện và tầm đón đợi của công chúng càng nhỏ thì tác phẩm văn học càng đạt tới trình độ văn học " gây hứng thú thưởng thức"[27]. Có thể thấy trong quan niệm về tầm đón đợi người ta đề cao vai trò chủ động của người đọc - chủ thể tiếp nhận khi đối diện với văn bản. Người đọc không phải là tờ giấy trắng mà người đọc đã có sẵn một tri thức văn hóa nên đón đợi với tư thế chủ động. Mỗi người có tầm đón đợi khác nhau tùy theo trình độ, thị hiếu, văn hóa,...Vì vậy tiếp nhận văn học của mỗi người không ai giống ai. Mỗi người tiếp nhận văn bản theo nhiều cách khác nhau. Văn bản không đến tất cả người đọc bằng một gương mặt duy nhất mà mỗi người đọc sẽ tự mình làm cho văn bản theo ý của mình. Khi nhà văn viết xong thì số phận văn bản tùy thuộc vào người đọc.
Như vậy có thể hiểu "tầm đón đợi" chính là một hệ quy chiếu thuộc về kinh nghiệm văn học của người tiếp nhận,là tầm hiểu biết về văn học, là nhu cầu, thị hiếu, trình độ thưởng thức kết tinh từ kinh nghiệm sống, hứng thú, quan điểm và lí tưởng thẩm mỹ của người đọc có sẵn trước khi đọc tác phẩm. “Tầm đón đợi” của người đọc giúp họ phân biệt tác phẩm mới hay cũ, quen thuộc hay xa lạ. Đây là một trong những thuật ngữ cơ bản của mỹ học tiếp nhận. Từ thuật ngữ này làm nảy sinh hai kiểu người đọc: Thứ nhất là người đọc tầm thường (Trương Đăng Dung gọi là người đọc ngây thơ), gồm những người đọc có trình độ thấp, không chuyên. Thứ hai, là người đọc đặc biệt (Trương Đăng Dung gọi là người đọc lí tưởng), có sự tiếp nhận khác với người đọc tầm thường ở tính chất nghề nghiệp và trình độ chuyên sâu, họ bao gồm nhà văn và nhà phê bình. Và vì thế “tầm đón đợi” của hai kiểu người này là khác nhau. Đối với kiểu người thứ nhất nếu tác phẩm thấp hơn tầm đón đợi của họ thì họ sẽ thích đọc vì dễ hiểu. Nếu tác phẩm cao hơn tầm đón đợi của người họ thì họ sẽ chán chường, mệt mỏi, lúng túng do không hiểu tác phẩm viết về vấn đề gì. Và do đó,
đúng như Trương Đăng Dung đã nói: "Đối với một bạn đọc ngây thơ thì không tồn tại một văn bản văn học và tác phẩm văn học riêng. Trong ý thức của họ, tác phẩm văn học là một khách thể. Đối với họ, từ một câu, chữ đến một cuốn sách in đều rõ ràng,
không có điều gì ẩn kín cần phải suy nghĩ. Tác phẩm phản ánh cuộc sống thì nó phải như cuộc sống. Người đọc ngây thơ luôn đối chiếu, so sánh cái hiện thực khách quan với cái
hiện thực có trong tác phẩm để thẩm định điều họ quan niệm đúng sai" [11, tr.30]. Ngược lại, đối với kiểu người thứ hai, nếu tác phẩm thấp hơn tầm đón đợi của họ thì họ sẽ không thích đọc vì quá tẻ nhạt và tầm thường. Nếu tác phẩm cao hơn tầm đón đợi của họ sẽ buộc họ phải suy nghĩ, trăn trở để phân loại, tìm ra giá trị đích thực của tác phẩm văn chương và nâng cao thêm tầm đón đợi của mình. Như thế cũng có nghĩa, tầm đón đợi không phải bất biến. Việc đọc tác phẩm mới và khó có tác dụng nâng cao tầm đón đợi của người đọc. Đến lượt mình, tầm đón đợi mới đòi hỏi văn học phải không ngừng sáng tạo đổi mới. Như vậy, tiếp nhận văn học không chỉ giúp khám phá nhiều mặt nội dung và nghệ thuật tiềm tàng trong tác phẩm mà còn góp phần nâng cao trình độ của người đọc, kích thích văn học văn học sáng tạo cái mới. Người ít đọc sẽ có tầm đón đợi nghèo nàn, sẽ tự mình tụt hậu so với tiến trình chung của văn học dân tộc và nhân loại.
Ở đây cũng cần phân biệt 2 thuật ngữ tầm đón đợi truyền thống và tầm đón đợi mới. Tầm đón đợi truyền thống chính là khả năng tiếp nhận của người đọc hay có thể hiểu là năng lực của người tiếp nhận đã có sẵn, là hệ quy chiếu thuộc về kinh nghiệm văn học của những người đọc bị ảnh hưởng chi phối của tư tưởng kinh điển và tôn giáo, những chuẩn mực thẩm mĩ truyền thống đến thế giới quan, nhân sinh quan của người đọc. Còn tầm đón đợi mới ở đây được hiểu là năng lực những phẩm chất mới của người đọc trước những cách tân nghệ thuật mới mẻ. Đó là tác động của người đọc ở tư thế chủ động đến sự phá vỡ những quy tắc chuẩn mực thẩm mĩ truyền thống. Sự xuất hiện của tầm đón đợi mới của một công chúng văn học mới thường diễn ra khi có những bước ngoặt lịch sử hoặc sự tiếp xúc của một nền văn hóa khác.