7. Bố cục của luận văn
1.1.2. Bản chất của văn bản văn học trong quan hệ với người đọc
Lí luận truyền thống coi trọng quá trình khám phá ý đồ sáng tạo của tác giả. Tác phẩm trong quan điểm truyền thống được đồng nhất với thế giới tư tưởng của nhà văn, bị hệ tư tưởng của nhà văn chi phối hoàn toàn. Việc đọc tác phẩm trong quan niệm truyền thống, vì thế gắn bó mật thiết với những ý tưởng của tác giả. Ý nghĩa của tác phẩm bị chi phối bởi tác giả dựa trên những ấn tượng, phán đoán chủ quan của người đọc. Nhưng sang thế kỷ XX, nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học ra đời. Những thành tựu của các lĩnh vực khoa học xã hội như: Ngôn ngữ học, Cấu trúc luận,Hiện tượng luận, Ký hiệu học, Lý thuyết thông tin, Tường giải học, Tâm lí học…là cơ sở cho những kiến giải mới của nhiều trường phái lý luận ở thời kỳ hiện đại xuất hiện. Rõ ràng, thế kỷ XX đã đánh dấu một bước chuyển biến mới của lý luận văn học.Đối với văn bản văn học, những khám phá về bản chất ngôn ngữ đầu thế kỷ XX, cho thấy, tuỳ theo cách nhìn nhận về bản chất ngôn ngữ mà tư duy lí luận văn học hiện đại có cách tiếp cận văn bản văn học tương ứng với bản chất ngôn ngữ. Bởi vì, ngôn ngữ trong văn học không đơn giản là cái vỏ của tư duy mà nó chính là tư duy, là yếu tố có khả năng sinh tạo tư tưởng. Triết học ngôn ngữ cũng thừa nhận: Ngôn ngữ không chỉ chuyển tải ý nghĩa của người phát ngôn mà chúng có thể tạo nên một thế giới độc lập. Với triết học ngôn ngữ đầu thế kỷ XX, bản chất của văn bản văn học được xem xét đặt ra như một phát hiện lại dưới một thứ ánh sáng mới có khả năng soi sáng yếu tố bản thể của tác phẩm văn học...
Nghiên cứu về bản chất của văn bản văn học trong quan hệ với người đọc, chúng tôi xin được nêu lại những vấn đề cơ bản từ những bài nghiên cứu của chuyên gia lí thuyết tiếp nhận Trương Đăng Dung. Theo nhà nghiên cứu: Từ năm 1936, Mukaropxki (người đại diện của trường phái cấu trúc Praha) đã mở rộng tầm quan tâm của khoa học văn học và triển khai các quan điểm của mình. Trong bài Nghệ thuật như là thực tế kí hiệu và bài Chức năng thẩm mĩ, chuẩn mực và giá trị như là những thực tế xã hội ông đã vận dụng những thành tựu nghiên cứu kí hiệu ngôn ngữ.... Theo Mukaropxki đặc trưng quan trọng nhất của văn học đó là tính chất kí hiệu.Vì văn bản văn học làm từ chất liệu ngôn ngữ nên mang tính kí hiệu.Điều đó có thể hiểu là tác phẩm văn học là kí hiệu bởi nó tồn tại trong thế giới cảm xúc của chính nó, đồng thời nó cũng vượt ra khỏi những giới hạn để tồn tại trong ý thức chung. Việc tiếp cận tác phẩm văn học không nên chỉ hạn chế trong việc phân tích các trạng thái tâm hồn tạo ra sự tồn tại của nó, nghĩa là không thể đồng nhất tác phẩm văn học với
trạng thái tâm hồn của người sáng tác. Nêu lên cấu trúc và tính chất kí hiệu tự trị của tác phẩm, tác giả muốn chứng minh rằng có thể hiểu được tác phẩm như là bộ phận của các hệ thống và các mối liên hệ.Tác phẩm văn học bản thân nó vừa là hệ thống lại vừa là bộ phận của các hệ thống xã hội khác. Những hiện tượng nghệ thuật chỉ có thể lí giải được trong mối quan hệ giữa các hiện tượng thẩm mĩ nằm ngoài nghệ thuật, nghĩa là trong mối quan hệ giữa chức năng thẩm mĩ với những chức năng khác. Đây là một bước tiến trong quan niệm của Mukaropxki. Và cũng bởi văn học có tính kí hiệu như vậy nên đến với văn học phải giải mã, khi bạn đọc đến với văn bản văn học thì bạn đọc phải khám phá, giải mã kí hiệu.
Liên quan đến nghĩa của tác phẩm cần nói đến vai trò của nhà kí hiệu học người Ý Umberto Eco. Từ những năm sáu mươi, ông đã có vai trò xuất sắc trong việc nghiên cứu về tính chất mở của tác phẩm, về sự dở dang và không thể kết thúc của sự đọc. Sau đó Umberto Eco lưu ý thêm rằng sự tạo nghĩa không giới hạn của văn bản không có nghĩa là không có gì ràng buộc đối với sự giải nghĩa. Tính chất vô cùng của văn bản không có nghĩa là mọi hoạt động của người lí giải nó đều có hiệu lực. Và không nên hiểu tính chất mở của văn bản văn học là vô cùng vô tận. Để tránh nguy cơ lí giải sai hoặc lí giải quá đáng văn bản, cần phân biệt ý đồ văn bản như là cái gì đó nằm trong mối quan hệ tương hỗ với ý đồ tác giả và ý đồ người lí giải. Tác phẩm văn học được Umberto Eco so sánh với lá thư bỏ vào cái chai nút kín. Sau khi tác giả thả cái chai xuống nước thì anh ta hiểu rằng từ phút đó sự lí giải thông điệp của anh ta không còn phụ thuộc vào ý đồ của chính mình nữa, cũng không phụ thuộc vào ý đồ của một người nhận nào đó. Văn bản từ đây như là khả năng mời gọi đối với một cộng đồng rất đông người đọc. Cái cộng đồng mà không chỉ bị các nguyên tắc ngữ pháp của một thứ ngôn ngữ đã cho mà còn thông qua ngôn ngữ đó là nền văn hóa cùng với các qui ước khác đã có được sự chiếm lĩnh các văn bản trước đó, chi phối. Và như vậy, sự đọc không có gì khác hơn là một sự dàn xếp đặc biệt giữa trang bị của thế giới người đọc và trang bị của văn bản. Và chính nhờ tính chất mở này mà buổi sáng đọc một câu thơ khác với buổi chiều khi đọc. Như vậy tùy thuộc vào tâm trạng mà người đọc cảm nhận văn bản cũng khác nhau.Do đó tiếp nhận văn học cần có một người đọc lí tưởng để tiếp nhận và điều chỉnh.
* Tính không chính xác của các tình huống. Khi nhà văn viết ra một cuốn tiểu thuyết thì mỗi người đọc nhân vật tình huống vẫn khác nhau. Mỗi người đọc trang bị cho mình tầm đón đợi khác nhau như tri thức, thị hiếu cuộc sống khác nhau. Mỗi
người sẽ có cụ thể hóa khác nhau. Bản chất của kí hiệu ngôn ngữ tạo ra khả năng bổ nghĩa...Nhà lí luận Paul deMan cho rằng đọc đúng văn bản là đọc sai văn bản. Nhờ tính chất này các tình huống tình tiết trong văn bản luôn không chính xác (Hình ảnh kích hoạt vào bạn không giống như người khác) Điều này cho phép người đọc thả sức tưởng tượng.
* Tính dễ thay đổi chuẩn mực thẩm mĩ
Mỗi một chủ thể tiếp nhận đều là thành viên của cộng đồng văn hóa xã hội nào đó, chuẩn thẩm mĩ cộng đồng có ý nghĩa tác động tích cực tiêu cực đến chuẩn thẩm mĩ của người tiếp nhận.
Theo Le Bon trong cuốn Tâm lí học đám đông" phân tích: trong đám đông có những tình cảm quan niệm thị hiếu chuẩn lây nhau. Chuẩn thẩm mĩ cộng đồng là cái ta quen dùng để đo giá trị và chủ thể tiếp nhận luôn bị chi phối bởi điều đó. Vì vậy tiếp nhận văn học cần phải biết vượt lên những chuẩn mực thẩm mĩ cộng đồng, vượt lên giới hạn của cộng đồng.
* Sự khác biệt giữa nghĩa và ý nghĩa của văn bản. Khi phân tích văn bản cần phân biệt nghĩa là nội dung cốt truyện còn ý nghĩa là cái mà người đọc sau khi đọc văn bản tự mình nhận ra rút ra thông điệp. Và phần rút ra ý nghĩa văn bản là phần quan trọng.
Chúng ta không thể không thừa nhận, bước đột phá đầu tiên và quan trọng nhất, mở đầu cho cuộc cách mạng về lý luận văn học thế kỷ XX là việc “phát hiện” ra văn bản. Phát hiện này đã đưa văn bản văn học vào trung tâm của sự chú ý và theo đó, là sự hoán đổi ngôi vị của các yếu tố trong hệ thống văn học. Thay vì vị trí trung tâm thuộc về tác giả như trước đó, nay đến lượt văn bản lên ngôi, vai trò chủ thể của tác phẩm văn học dịch chuyển từ tác giả sang văn bản. Với việc lên ngôi của văn bản, người ta coi tác phẩm văn học là một khách thể thuần tuý tồn tại khép kín, độc lập, tự trị trong văn bản. Văn bản văn học - đó là một cấu trúc, một tập hợp ngôn ngữ với những câu chữ,thủ pháp, những mối liên hệ theo cấu trúc nội tại của tác phẩm. Thông qua cấu trúc ngôn ngữ ấy ý nghĩa được tạo thành. Văn bản văn học, do đó, là một trung tâm tạo nghĩa. Lúc đó, nghĩa của văn bản là ổn định, nó nằm ngay trong những thông điệp có trong văn bản, được tạo ta từ trong cấu trúc ngôn ngữ, trong sự tương tác giữa các yếu tố hình thức của tác phẩm. Đương nhiên,nghĩa của văn bản không phụ thuộc vào yếu tố hiện thực, không phụ thuộc vào tư tưởng, ý đồ, chủ ý của nhà văn. Một hệ quả tất yếu là người ta đã đồng nhất tác phẩm với văn bản. Trước khi
phát hiện ra người đọc, người ta tưởng rằng cái được tác giả viết ra là tác phẩm. Dựa trên tinh thần của Mỹ học tiếp nhận, nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung viết cuốn Từ văn bản đến tác phẩm văn học [11] đã nêu lên cái hành trình đi từ văn bản đến tác phẩm văn học và các vấn đề đặt ra sau đó. Nhà kí hiệu học Xô viết Iu. M. Lotman nói: “Định nghĩa được văn bản là một việc khó. Trước hết cần loại bỏ quan niệm đồng nhất văn bản với toàn bộ tác phẩm”.
Trong cuốn Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Trương Đăng Dung chỉ ra: Văn bản là sản phẩm cuối cùng của sự sáng tạo nghệ thuật khi nhà văn đặt dấu chấm hết và in thành sách. Vì lẽ đó mà Rolend Bartter viết cuốn "Cái chết của tác tác giả" có cho rằng: Khi văn bản xuất bản thành sách thì lúc ấy tác giả chết từ nay sản phẩm văn bản tùy thuộc vào người đọc. Khi nhà văn kết thúc tác phẩm, ấy là lúc cuộc sống của tác phẩm mới thực sự bắt đầu.
Nhà văn chết, nhân vật từ trang sách Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai
(Nhân vật - Nguyễn Đức Mậu)
Có thể nhận thấy có văn bản nhưng chưa thành tác phẩm. Để có tác phẩm cần hoạt động đọc hoạt động cụ thể hóa văn bản... văn bản có khả năng tạo nghĩa, tác phẩm là sự cụ thể hóa văn bản trong người đọc (văn bản chỉ trở thành tác phẩm khi người đọc xuất hiện... Như vậy, cuối thế kỷ XX tư duy lí luận văn học đã có những khám phá quan trọng về bản chất, đặc trưng và phương thức tồn tại của tác phẩm. Việc tiếp cận văn học từ tác giả, từ cấu trúc nội tại của văn bản dần dần bộc lộ những nhược điểm của nó. Nhiều vấn đề của tác phẩm văn học sẽ không giải thích được nếu chỉ dựa vào hai nhân tố tác giả và văn bản. Tác phẩm văn học trong cách hiểu mới hơn không còn là một hiện tượng ngôn ngữ thuần tuý, là cái văn bản cố định trong sáng tác của nhà văn như một thế giới khép kín nữa mà là một thế giới mở hướng về người tiếp nhận. Tác phẩm văn học là quá trình đồng hành cùng thế giới người đọc sinh động. Vấn đề trung tâm của tác phẩm lúc này không còn là văn bản mà chính là người đọc. Những phát hiện mới mẻ của lý luận về tác phẩm văn học có ý nghĩa khai mở một đường hướng mới để khám phá bản chất tác phẩm văn học: nghiên cứu tác phẩm trong mối quan hệ với người đọc, với hoạt động tiếp nhận. Từ mối quan hệ bộ ba Văn bản - Độc giả - Tác phẩm làm nảy sinh một số vấn đề về lí luận cần được giải quyết. Đó là một văn bản có thể có nhiều tác phẩm. Bởi vì, khi đọc, văn bản được cụ thể hoá khác với điều mà tác phẩm chỉ ra, nó làm phong phú hoặc phương hại đến giá
trị của tác phẩm.Nghĩa là đứng trước văn bản, mỗi người sẽ có một sự cụ thể hoá văn bản khác nhau. Lí do là, một, ở văn bản ngoài phần chủ ý, tức ý đồ của tác giả trước và trong khi sáng tác, còn có một phần không chủ ý, nằm ngoài ý muốn của tác giả, đó là cái vô thức. Chính phần không chủ ý này tạo ra một khoảng trống để người đọc được tham dự vào tác phẩm, trở thành kẻ đồng sáng tạo với tác giả. Hai là sự giải mã một văn bản rất tuỳ thuộc vào vốn văn hoá và kinh nghiệm sống, đặc biệt kinh nghiệm thẩm mỹ của người đọc. Đọc là một đối sánh kinh nghiệm giữa độc giả và tác giả. Cả hai lí do trên đều liên quan đến người đọc, mà theo lí thuyết tiếp nhận, người đọc đến với tác phẩm thường có một “tầm đón đợi” nào đó. Vấn đề này sẽ được đề cập ở phần sau.
Từ những lí giải trên đây, chúng tôi thấy rằng, không có một tác phẩm duy nhất trong bạn đọc. Mỗi tác phẩm triển khai một hay nhiều nghĩa của văn bản, nó là “cái nhìn” của người đọc. Từ thời đại này qua thời đại khác, từ người này qua người khác, những con mắt khác nhau sẽ nới rộng không gian thẩm mỹ của tác phẩm. Tác phẩm mở ra vô tận những cái nhìn. Bởi vậy, có người nói không ngoa rằng lịch sử văn học là lịch sử của những cách đọc.
Tóm lại, văn bản văn học, sản phẩm cuối cùng của sự sáng tạo nghệ thuật tưởng như đã được hoàn thành khi nhà văn đặt dấu chấm hết và Nhà xuất bản in thành sách, nhưng thực ra đó mới chỉ là bước đầu tiên quan trọng để nó trở thành tác phẩm văn học. "Với lớp câu chữ phi vật thể ẩn chứa nhiều nghĩa khác nhau, luôn biến động và không thể khoanh vùng, tác phẩm văn học có phương thức tồn tại riêng thông qua người đọc. Một sáng tác văn học được gọi là tác phẩm văn học nếu nó có giá trị văn học. Những giá trị văn học (nếu có) chỉ hình thành trong quá trình đọc và sau khi đọc mà thôi" [11, tr.24]. Dựa trên những thành tựu của tư duy lí luận văn học hậu hiện đại có thể khẳng định rằng: tác phẩm văn học không đồng nhất với văn bản, với chính nó, mà là một sản phẩm mang tính quan hệ, nó chỉ được xác lập một đời sống cụ thể nhờ mối quan hệ đối với người đọc. Tác phẩm văn học chính là sự cụ thể hoá văn bản trong người đọc. Nếu trước đây, tư duy lí luận văn học hiện đại lấy văn bản làm trung tâm thì từ nay, tư duy lí luận văn học hậu hiện đại lại xem tác phẩm văn học như là hình thức đọc đặc trưng. Với hướng tiếp cận này, chúng ta nhìn nhận tác phẩm như là quá trình. Quá trình văn học cho thấy, văn học không chỉ là con số cộng của các tác phẩm viết ngày một gia tăng về mặt số lượng mà còn là sự thay đổi lịch sử chất lượng thẩm mĩ liên quan đến số phận của tác phẩm. Mà số phận tác phẩm chỉ phụ thuộc vào
người đọc mà thôi. Như vậy, "Lần đầu tiên, sau một thời gian dài chỉ chú ý đến tác giả, văn bản, người ta đã quan tâm đến người đọc, nghiên cứu vai trò của người đọc đối với sự tồn tại của tác phẩm văn học. Lần đầu tiên, văn bản văn học được xem như là lời mời gọi bạn đọc "cụ thể hoá" những cảnh tượng được "mô thức hoá" trong nó. Với mĩ học tiếp nhận, có thể nói hành trình của một tác phẩm văn học chỉ thực sự bắt đầu khi người ta đọc nó. Đó là cuộc hành trình cho thấy không thể quan niệm một cách đơn giản truyền thống văn học như là lịch sử truyền thống của những giá trị văn học được sắp xếp ổn thoả và nhất trí theo những tiêu chí bất biến nào đó"[14, tr.176].