Cách diễn đạt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 98 - 102)

7. KẾT CẤU ĐỀ TÀI

3.1.2. Cách diễn đạt

Để đạt đến trình độ chuẩn mực của nghệ thuật viết thơ văn, Tản Đà đã lựa chọn lối diễn đạt độc đáo, sáng tạo, bằng cách sử dụng các biện pháp tu từ; phương thức tổ chức, kết cấu câu thơ, bài thơ...

Về việc sử dụng các biện pháp tu từ: So sánh, ẩn dụ, nhân hóa, chơi chữ,

ngoa dụ... là những biện pháp nghệ thuật rất tiêu biểu trong ca dao truyền thống. Trong sáng tác văn chương, Tản Đà đã tiếp thu và vận dụng linh hoạt những thủ pháp nghệ thuật kể trên. Sự tiếp thu này ở Tản Đà chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà là quá trình sáng tạo có chủ đích, nhằm tạo ra những tín hiệu nghệ thuật độc đáo.

Không khó để chỉ ra việc vận dụng các biện pháp tu từ trong sáng tác của Tản Đà. Đó có thể là điệp từ, điệp ngữ, kết hợp với ẩn dụ tượng trưng:

Nước non nặng một lời thề, Nước đi đi mãi không về cùng non.

Nhớ lời nguyện nước thề non, Nước đi chưa lại non còn đứng không.

Non cao những ngóng cùng trông...

(Thề non nước)

Điệp từ nước, non, nước non điệp lại nhiều lần, cùng với hình thức điệp cấu trúc của thể thơ lục bát 6/8 đã góp phần diễn tả tài tình nỗi niềm tâm sự sâu sắc mà thầm kín của tác giả.

Biệt tài của Tản Đà là sử dụng các hư từ, điệp ngữ, âm điệu, tiết tấu. Chỉ trong 22 câu thơ lục bát, Thề non nước thực sự đã trở thành một điệp khúc đi cùng năm tháng trong lòng người yêu thơ bằng sự khéo léo, tự nhiên mà không

kém phần tinh tế của tác giả khi điệp đến mười lăm lần từ non nước mà không nhàm tai, trái lại, nó gợi cảm xúc quyến luyến, tha thiết của lời thề.

“Thương ai” là bài thơ ngắn gồm hai mươi cặp lục bát, có tới mười lượt cụm từ thương ai được lặp lại, nói lên tâm sự đau buồn của nhà thơ với người con gái út tri phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Yên cũ). Cô gái là một trang tài sắc, bị bố ép làm lẽ một viên tri huyện hậu bổ, con một tổng đốc miền duyên hải để lo chút công danh. Cô gái sinh một con thì bỏ về phủ Vĩnh ở với mẹ, tự coi là ở góa. Cảm thương trước cuộc đời và số phận của cô gái, Tản Đà nức nở:

Thương ai điêu đứng phong trần, Thương ai án tuyết song hoành luống công.

Thương ai tủi liễu oan đào,

Thương ai đi đứng ra vào hổ ngươi. Thương ai nhằm bẽ tu mi,

Thương ai áo khép chân quỳ hôm mai.

(Thương ai)

Đó có khi là những ẩn dụ tượng trưng kết hợp nhân hóa:

Non cao tuổi vẫn chưa già,

Non thời nhớ nước, nước mà quên non! Dẫu rằng sông cạn đá mòn, Còn non còn nước hãy còn thề xưa

Non xanh đã biết hay chưa? Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

“Nước”, “non” được nhân hóa, với những cung bậc cảm xúc nhớ thương, tâm tình, như chuyện tình yêu muôn thuở. Hình tượng nước non song hành, là ẩn dụ cho nỗi niềm, tâm sự của đôi lứa trong tình yêu, nhưng nói rộng hơn, đó là tấm lòng yêu nước sâu sắc, kín đáo được tác giả gửi gắm.

Về kết cấu câu thơ, bài thơ, ta nhận thấy, ngoài những thể thơ Đường

luật và thơ truyền thống, Tản Đà tự tạo ra những thể thơ mới như Hài văn, Từ khúc, Ca khúc...

Lá đào gieo rắc lối Thiên thai,

Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi. Nửa năm tiên cảnh,

Một bước trần ai.

Ước cũ duyên thừa có thế thôi. Đá mòn rêu nhạt,

Nước chảy huê trôi.

(Lưu Nguyễn chơi Thiên thai)

Với kiểu diễn đạt đó, Tản Đà lấy làm thích thú khi vượt ra khỏi vòng cương tỏa của cổ thi. Ông tự đặt ra những câu dài ngắn bất thường, không theo một mẫu mực thường thấy nào:

Đờn là đờn,

Thơ là thơ, là thơ.

Thơ thời có chữ, đờn có tơ.

Nếu không phá cách vất điệu luật, Khó cho thiên hạ đến bao giờ.

Đọc mấy vần thơ sau đây của Tản Đà:

Ngày tháng trải bao cuốn lịch, Nước non cách mấy nhịp cầu. Xuân xanh xuân vẫn nguyên màu, Đèn xanh ai đã bạc đầu chăng ai?

Có thể thấy, câu thơ cấu tạo chặt chẽ, không chút vụng về. Lời thơ điêu luyện, tứ thơ phóng khoáng, ý thơ bay bổng, diễn đạt tinh tế.

Trong cấu tạo câu thơ, bài thơ, không thể không nhắc đến vần điệu. Lối gieo vần của Tản Đà rất mới mẻ, độc đáo:

Gió thu lạnh lẽo mây trời quang, Sân thu, đêm khuya rơi lá vàng. Trăng tà chìm lặn, nhạn kêu sương, Gối chiếc, chăn đơn thiếp nhớ chàng.

Cách dùng chữ trong câu thơ của Tản Đà cũng thật tài tình. Ta thường nói nhiều về chữ “ai” trong thơ ông, bởi ở mỗi trường hợp, từ này lại biểu thị những ý nghĩa khác nhau:

Ai ơi đợi với tôi cùng,

Tôi đi kiếm rượu cho chồng tôi xơi. Ai xui anh lấy được mình, Để anh vun xới ruộng tình cho xanh. Ai đi đường ấy cùng mình, Mình đi để lại gánh tình ngổn ngang.

Dù tả tình, tả người hay tả cảnh, Tản Đà không bao giờ nhiều lời, chỉ mấy chữ đơn sơ, đủ cho ta một bức tranh chấm phá, có giá trị gợi hình, gợi cảm đặc biệt.

Ta hẳn không xa lạ với câu thơ tả cảnh:

Sắc đâu nhuộm ố quan hà, Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương.

(Cảm thu, tiễn thu)

Tả tình:

Đã sinh cùng kiếp cùng thì, Cùng ta không biệt mà ly hỡi mình!

(Khối tình con III)

Tả người:

Thân anh đã xác như vờ, Đồng cân xin chị cho già chớ non.

(Hát tạp)

Có thể nói, Tản Đà là nhà thơ có lối dùng chữ và đặt câu sắc bén nhất. Nhà phê bình Trương Tửu, khi bàn về nghệ thuật dùng chữ của Tản Đà, đã phải công nhận: “Tiên sinh là một ảo thuật gia kì tài về chữ, âm thanh và nhạc điệu” [43].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 98 - 102)