Thể lục bát và song thất lục bát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 112 - 121)

7. KẾT CẤU ĐỀ TÀI

3.2. Thể thơ

3.2.2. Thể lục bát và song thất lục bát

Trong số 376 bài thơ của Tản Đà mà chúng tôi tiến hành khảo sát, có 106 bài được làm theo thể lục bát, song thất lục bát và phong dao (chiếm 28,2 %). [Phụ lục 2]. Điều này dễ hiểu, bởi Tản Đà là người con của An Nam, cội nguồn

văn hóa, văn học dân tộc thấm nhuần trong ông. Cái nôi của văn học dân gian như mạch nguồn lý tưởng nuôi dưỡng hồn thơ của nhiều thế hệ con người An Nam, trong đó có Tản Đà.

Thể thơ lục bát: Điều khiến Tản Đà gần độc giả hôm nay hơn chính là ý

thức vận dụng kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ của dân tộc vào sáng tác văn chương. Có thể nói, chỉ bắt đầu từ thời của Tản Đà, kho tàng ca dao, dân ca của dân tộc mới được ghi chép lại nhờ có chữ quốc ngữ.

Thơ lục bát rất giản dị về quy luật, dễ làm, không bị bó buộc bởi các luật lệ chặt chẽ về niêm và đối như thơ Đường. Thêm nữa, vì không bị giới hạn về khuôn khổ số câu nên thể lục bát thường được sử dụng để thuật chuyện, một trong những phương thức giải trí không thể thiếu của người xưa.

Thơ lục bát là “những lời nói vần” gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, dễ nhớ, dễ thuộc. Đó là thể thơ do người Việt sáng tạo ra. Thể lục bát trong ca dao bộc lộ trực tiếp những tâm tình nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống; thể hiện từ những bức tranh lao động đến những suy nghĩ về cuộc đời. Có thể thấy lục bát mang đầy đủ dáng dấp của một thể thơ cách luật với những yếu tố đặc thù về tổ chức âm thanh: gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu trong hình thức tối thiểu là một cặp lục bát, gồm 2 câu với số tiếng cố định: 6 tiếng (câu lục) và 8 tiếng (câu bát). Phương thức gieo vần 6 - 8 là thao tác đặc biệt tạo nên được vẻ nhịp nhàng trong ngôn ngữ thơ, là phương tiện tổ chức văn bản và là chỗ dựa cho sự phát triển nhạc tính để hình thành nên những âm hưởng nhiều màu sắc vang vọng trong thơ. Nhịp điệu thơ lục bát về cơ bản là nhịp chẵn 2/2/2, 2/4/2, hoặc 4/4 diễn tả những tình cảm thương yêu, buồn đau. Với cách gieo vần, phối thanh và ngắt nhịp giản dị mà biến hóa vô cùng linh hoạt, thơ lục bát rất dồi dào khả năng diễn tả thế giới cảm xúc phong phú, đa dạng của con người [56].

Về nội dung, lục bát là thể thơ hài hòa với nhịp đập của con tim, nếp nghĩ, lối sinh hoạt của người dân; thơ lục bát diễn đạt tâm trạng nhiều chiều của

nhân vật trữ tình. Thông thường người bình dân hay mượn thể loại văn vần này để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình trong cuộc sống, sinh hoạt, tình yêu (tình yêu trai gái, tình yêu gia đình, xóm làng, yêu đồng ruộng, đất nước, yêu lao động, yêu thiên nhiên...).

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương khẳng định: “Là người am hiểu sâu sắc những thành tựu của thơ ca truyền thống, Tản Đà có ý thức vận dụng một cách điêu luyện và nhuần nhuyễn các thể tài quen thuộc, đã trở thành cổ điển. Ông có hứng thú và sở trường làm thơ lục bát, và số lượng những bài thơ thành công của ông ở thể loại này chiếm một tỉ lệ đáng kể. Ông cũng đã huy động rất nhiều thể loại có trong truyền thống văn học viết như ở ta chưa có những tác phẩm đạt tới giá trị cổ điển và ông đã hoàn thiện chúng, tạo nên những cái cổ điển đó. Trong văn học Việt Nam, không kể những truyện thơ và những tác phẩm diễn ca trường thiên, thì chỉ đến Tản Đà mới xuất hiện những bài lục bát hoàn chỉnh, những viên ngọc không tì vết” [53]. Những bài từ đạt đến độ toàn bích như Cảm thu, Tiễn thu, Tống biệt, Thề non nước, Mị Châu Trọng Thủy; những bài hành như Thu khuê oán... xứng đáng là những tác phẩm mẫu mực. Dụng công lớn trong việc tìm kiếm phương thức thể hiện, Tản Đà tạo ra cả một giọng dân ca riêng của mình. Rất nhiều bài thơ của Tản Đà trở thành những tác phẩm văn học dân gian được lưu truyền khá rộng rãi trong quần chúng nhân dân.

Nhà nghiên cứu Ngô Viết Dinh nhận định: “Tản Đà viết cả bút lông, bút sắt, là người khai phá văn thơ Quốc ngữ. Hơi thở của Tản Đà thấm nhuần hồn dân tộc. Ông làm thơ như sống. Ông dùng chữ tự nhiên, chính ở đây thơ ông đạt được hiệu quả cảm xúc - giấy thông hành để gõ cửa cảm xúc bạn đọc. Tản Đà tự nghĩ, tự viết, bằng sự thúc đẩy nội tâm của sự am hiểu cái Tàu, biết cái Tây để làm nên chín mấy hồn dân tộc ở cái Ta. Thơ Tản Đà như một chiếc bản lề, một lá bắt vít vào thế kỉ XIX, một lá bắt vít sang thế kỉ XX, mà cái trục lõi

xuyên giữa là hồn dân tộc vẫn đang khép mở nói với chúng ta trong thời đổi mới - mở cửa đón gió Tây, gió Tàu để làm giàu cái Ta. Muốn vậy, cần phải bồi đắp bản sắc hồn dân tộc để tiếp thu, hòa nhập, phát triển, nếu không sẽ đánh mất mình trong dồi dào ti vi, tủ lạnh và mạng internet”[32].

Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người An Nam ta, dân quê cần có những câu hò, tiếng hát để động viên nhau, có thêm tinh thần phấn khởi làm việc. Ca dao truyền khẩu vẫn còn thịnh hành trong dân gian. Các nhà thơ nhìn vào cuộc sống sinh hoạt của người lao động chất phác, tần tảo; nhìn vào phong cảnh hữu tình của thôn quê, cũng thấy lòng mình chung hòa một nhịp rung cảm để rồi sáng tác những câu hò, bài hát góp thêm vào kho tàng văn chương bình dân phong phú ấy.

Tản Đà cũng vậy, ông khám phá đời sống tâm hồn phong phú, cuộc sống lao động chất phác của nhân dân cũng như nếp sống giản dị, mộc mạc của thôn quê, bởi vậy, ông thường dùng những bài thơ ngắn mà ông gọi là phong dao để diễn tả cảm xúc của mình. Những bài phong dao này chiếm phần quan trọng trong gia tài thi phẩm của Tản Đà, đưa ông đến gần với dân chúng và nhờ đó, dân chúng thêm mến, thêm yêu thương ông. Thể thơ lục bát và song thất lục bát được ông vận dụng linh hoạt và điêu luyện trong nhiều bài phong dao. Phong dao Tản Đà như một “đặc sản”. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam, khi đặt những bài phong dao này bên cạnh những bài ca dao truyền thống, người ta khó phân biệt được đâu là thơ của ông, đâu là ca dao nguyên thủy.

Chẳng hạn, đọc bài phong dao:

Chồng người xe ngựa người yêu, Chồng em khố đũi em chiều em thương.

Phận hèn kém phấn thua hương, Phong lưu kia cũng như nhường mặc ai.

(Phong dao) ta thấy phảng phất ý vị ca dao:

Chồng em áo rách em thương,

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

(Ca dao)

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người thôn quê, những mối tình trai gái cũng nảy nở và được Tản Đà diễn tả thật tài tình:

Muốn cho đêm ngắn hơn ngày, Sớm vỡ ruộng rậm, trưa cày ruộng chiêm.

Muốn cho ngày ngắn hơn đêm, Đèn khuya chung bóng cho em đỡ sầu.

(Phong dao) hay:

Năm nay em mới mười ba, Còn hai năm nữa thời là mười lăm.

Mong cho trời chóng hết năm, Năm sau dâu tốt cho tằm hơn tơ.

(Phong dao)

Những nét trào phúng dí dỏm cũng xuất hiện nhiều trong phong thi Tản Đà, chẳng hạn như:

Cô kia đen thủi đen thui, Phấn đổ vô hồi cái má vẫn đen. Lắm vàng cho thắm nhân duyên,

Cô kia trắng nõn, không tiền lấy ai!

Trong rất nhiều bài thơ khác, Tản Đà cũng thể hiện rõ sự kế thừa và tiếp thu tinh hoa thể loại văn học dân tộc, trong việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo thể thơ lục bát vào quá trình sáng tác của mình:

Nước non nặng một lời thề, Nước đi, đi mãi, không về cùng non.

Nhớ lời nguyện nước thề non, Nước đi chưa lại, non còn đứng không.

(Thề non nước)

Có thể xemThề non nước” là một mẫu mực trong việc vận dụng thể thơ lục bát của thi sĩ Tản Đà. Ngoài những chi tiết nghệ thuật vịnh bức cổ họa, bài thơ "Thề non nước" còn ca ngợi mối tình chung thuỷ sắt son của đôi lứa, đồng thời gửi gắm tình yêu nước thầm kín, sâu nặng. Đó là một bài thơ kiệt tác của thi sĩ Tản Đà, sắc điệu trữ tình dào dạt trong những vần thơ chan chứa thương nhớ, chờ mong. Các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa, điệp từ điệp ngữ, biện pháp phân - hợp đã tạo nên những câu thơ lục bát tuyệt hay, đọc một lần mà nhớ mãi.

Thi sĩ Tản Đà đã nói hộ chúng ta những tình cảm đang nảy nở trong lòng. “Thề non nước" thể hiện tuyệt đẹp cốt cách phong tình tài hoa của thi sĩ. Lời thề xưa cứ ngân nga mãi trong lòng ta. Cả một trời yêu thương, mong nhớ, đợi chờ mênh mang:

Nghìn năm giao ước kết đôi, Non non nước nước chưa nguôi lời thề.

Thể thơ lục bát đậm đà, cách ngắt nhịp, hài thanh theo đúng chuẩn đã góp phần đưa những vần thơ hiện đại của Tản Đà thấm đượm giai điệu truyền

thống dân tộc, thấm đượm phong vị An Nam. Điều đó giúp ta xác nhận, Tản Đà là nhà thơ thuần túy Việt Nam, thơ ông mang đậm phong vị An Nam.

Nhà nghiên cứu Trương Tửu khẳng định: “Thơ Tản Đà rất Việt Nam. Đọc xong một bài thơ của tiên sinh, tôi có cảm tưởng gặp một người quen, quen lắm, tuy tôi chưa hề giáp mặt người này bao giờ. Tôi cảm mơ hồ rằng, người quen vô danh ấy giống tôi, giống bạn tôi, giống anh tôi - không giống hẳn nhưng giống một cái gì, cái cười hay cái dáng đi chẳng hạn. Tôi không phải mất một chút cố gắng nào mới nhận thấy chỗ giống nhau ấy. Tôi nhận thấy ngay. Trái lại, khi tôi đọc một bài thơ Pháp, tôi bỡ ngỡ rất lâu rồi mới tìm thấy một cái gì gọi là quen thuộc, nhưng quen thuộc xa xăm lắm. Hình thư tôi gặp một người lạ, khác hẳn tôi từ đầu móng chân đến cuối sợi tóc. Tôi phải dùng tất cả trí não, kí ức để lục tất cả hình ảnh cũ kĩ, mốc meo trong quá khứ mới khám phá ra rằng, người khách lạ ấy là tôi từ ngày xửa ngày xưa đã trông thấy nhau một lần ở ngã ba đường nào đó. Có gì khó hiểu đâu. Tôi là người Việt Nam mà”! [43]. Như vậy, “Tản Đà vừa đưa thể thơ dân tộc lên đỉnh cao, vừa là người mạnh dạn có những cách tân, phá vỡ dần tính quy phạm, chọn thể loại ít gò bó, dùng ít điển cố điển tích. Có những bài thơ hình thức cũ nhưng nội dung tư tưởng mới lạ, phù hợp với tâm lý, thị hiếu chung của thời đại. Dù ở thể loại nào, ông cũng bộc lộ một phong cách riêng, một hồn thơ độc đáo, một cá tính sáng tạo” [45]. Bởi vậy, thơ ông vừa thể hiện được hồn cốt dân tộc, vừa mang đậm chất hiện đại. “Có thể nói, không tính đến những truyện thơ và những tác phẩm diễn ca trường thiên, trong văn học Việt Nam, chỉ đến Tản Đà mới xuất hiện những bài thơ lục bát hoàn chỉnh, những viên ngọc không tì vết” [48].

Thể song thất lục bát: là một thể thơ quen thuộc của người Việt, được

nhiều tác giả ưa chuộng dùng để sáng tác trong thời kì văn học trung đại. Thể thơ này có đặc điểm: về hình thức, mỗi bài có ít nhất hai cặp câu, trong đó cặp đầu gồm hai câu 7 chữ; cặp sau là cặp lục bát. Câu song thất vần trắc xen câu

lục bát vần bằng; có vần chân và vần lưng khiến cho âm điệu rất đặc biệt, thích hợp với việc diễn tả tình cảm ai oán, thương xót; tạo cảm giác câu thơ vừa quen vừa lạ, vừa trang trọng vừa bình dân. Về mặt nội dung, thơ song thất lục bát phản ánh nhiều cung bậc của đời sống tình cảm con người, thường phù hợp để ngâm nga, than vãn nhằm bộc lộ những tâm trạng, tình cảm buồn phiền đau xót triền miên day dứt, nhân vật trữ tình thể hiện nỗi niềm hồi tưởng mong nhớ, sầu muộn, suy tư, ai oán, xót thương cho số phận mình...

Vận dụng thể thơ song thất lục bát trong sáng tác, Tản Đà một mặt phát huy hết được tính ưu việt của thể loại này trong việc diễn tả các cung bậc cảm xúc của bản thân, mặt khác góp phần giữ gìn và lưu truyền thể thơ truyền thống của dân tộc.

Trong nhiều bài song thất lục bát của Tản Đà, nỗi niềm tâm sự của ông tuy buồn nhưng không hề bi lụy:

Trông khắp trần gian hết thú chơi, Thèm trông con hạc nó lên giời.

Hạc kia bay bổng tuyệt vời,

Hỏi thăm cung nguyệt cho người trọ không?

(Trông hạc bay)

Chán cảnh đời nhiễu nhương, ngang trái, Tản Đà thèm lên tiên thoát tục nhưng ông không hề có ý định trốn tránh trần gian, ngược lại ông ước được như cánh hạc bay bổng, mang theo khát vọng sống mãnh liệt và đặc biệt ông chỉ có ý lên “trọ” tạm trên “cung nguyệt” để chờ thời chờ thế.

Khiêm tốn về tài năng và đức độ của mình, Tản Đà tự nhận thức, trong mênh mông cuộc đời, cái thân mình chỉ như hòn cuội, cây lau:

Khoảng đất trời chưa kể vào đâu. Xem như núi cả rừng sâu,

Cái thân hòn cuội, cây lau xá gì. (Nước thu)

Cảm thức về đời người, về trách nhiệm của thân nam nhi với non sông, nhất là nỗi niềm dân nước đã mang đến cho người thi sĩ của núi sông ấy nỗi “thẹn” cao cả của một nhân cách lớn:

Bước lận đận thẹn thùng sông núi, Mớ văn chương tháng lụi năm tàn. Lụy trần ngày tháng lan man,

Nỗi lòng riêng nghĩ muôn vàn càng thêm.

(Đêm đông hoài cảm)

Bởi vậy, ta thêm trân quý tấm lòng kẻ tha phương hướng về non nước:

Mưa, mưa mãi, ngày đem rả rích, Giọt mưa thu dạ khách đầy vơi.

Những ai mặt biển chân trời, Nghe mưa ai có nhớ lời nước non.

(Mưa thu đất khách)

Cảm hứng đời thường thế sự cũng được nói đến nhiều trong thơ thất ngôn bát cú của Tản Đà. Đó nhiều khi chỉ là nỗi niềm tâm sự với một người tình nhân không quen biết:

Cơn gió thảm có khi cùng khóc,

Gượng vui cũng một nét cười,

Nguyệt hoa cùng trải nước đời như nhau.

(Thư đưa người tình nhân không quen biết) Hay đơn giản chỉ là sự trải lòng về một cảnh sống éo le, nhiều khó khăn, thiếu thốn:

Con thời quấy, vợ thời miệng dỗ, Chồng lui cui đan rỏ đựng than. Đêm khuya con ngủ đèn tàn, Một hai thế sự, muôn vàn tình thâm.

(Vợ chồng người đốt than trên núi)

Như vậy, thực tế phát triển của nền văn học dân tộc buổi giao thời, trước làn sóng cái mới phương Tây ồ ạt chảy vào, thậm chí lấn lướt cái truyền thống, đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt, khiến cái vốn gốc rễ của văn hóa, văn học dân tộc có nguy cơ bị mai một. Với việc dùng những thể thơ thuần dân tộc như lục bát, song thất lục bát để sáng tác văn chương, Tản Đà thực sự đã góp phần đưa những thể thơ này vượt qua ranh giới của những thể tài văn học để trở thành thể thơ chuyên chở tinh thần dân tộc, ý thức thời đại, nói lên tiếng nói bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trước sự xâm nhập của những thế lực ngoại lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 112 - 121)