Ứng xử với gia đình, người thân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 64 - 71)

7. KẾT CẤU ĐỀ TÀI

2.2. Văn hóa ứng xử của người An Nam

2.2.1. Ứng xử với gia đình, người thân

2.2.1.1. Ứng xử trong tình yêu, hôn nhân

Tình cảm lứa đôi, chồng vợ được nhắc đến rất nhiều trong thơ Tản Đà. Đó là tâm sự của một cô gái thôn quê nhân hậu, nguyện kết tóc se duyên với anh học trò nghèo:

Ai xui em lấy học trò,

Thầy nghiên thấy bút, những lo mà gầy. Người ta đi lấy ông Tây,

Có tiền có bạc cho thầy mẹ tiêu.

(Phong dao)

Và bởi em đã lựa chọn, nên dù đói khổ, lầm than, em vẫn cam lòng:

Chồng người xe ngựa người yêu, Chồng em khố đũi em chiều em thương,

Phận hèn kém phấn thua hương, Phong lưu kia cũng như nhường, mặc ai. (Phong dao)

Tình nghĩa ấy, ta đã gặp lại nhiều trong ca dao, nó tự nhiên như hơi thở của người Việt bao đời:

Chồng người áo gấm xông hương mặc người. (Ca dao)

Người phụ nữ An Nam muôn đời vẫn thế. Đó đây có những cô gái tham vàng phụ nghĩa. Nhưng nhìn chung, xét một cách toàn diện, người phụ nữ An Nam vẫn luôn giữ thiện căn là lòng yêu thương chồng con, hi sinh hết thảy vì chồng con.

Chứng kiến cảnh tượng:

Con cò lặn lội bờ sông, Phất phơ đôi dải yếm đào gió bay.

(Phong dao)

ta chạnh lòng nhớ tới con cò trong ca dao xưa:

Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

(Ca dao)

Họ chăm sóc, chiều chuộng chồng với một tình yêu vô điều kiện:

Ai ơi đợi với tôi cùng,

Tôi đi kiếm rượu cho chồng tôi xơi. Chồng hư mang tiếng mang tai, Tiếng tai thiếp chịu hơn ai không chồng.

(Phong dao) Họ lo lắng cho chồng con:

Cô cất lưới lên bồng bỗng tếch, Lấy chi nuôi nấng cái, con, chồng!

Đã nguyện chung tình làm đôi, nên tình nghĩa vợ chồng càng gắn bó, khăng khít. Họ động viên nhau qua cơn đói khổ, điêu linh và mong chờ một ngày mai tươi sáng:

Chung lưng một chiếc thuyền tình,

Sông bao nhiêu nước ta thương mình bấy nhiêu, Khuyên em đừng tủi phận hờn duyên,

Có tài có sắc ta lên tiên có lần. Rồi ra xé lụa may quần,

Đấy loan, đây phượng, ta quây quần lấy nhau.

(Câu hát dậm đò)

Trong gia đình, tình chồng nghĩa vợ ấp iu, nồng đượm. Họ nghĩ về nhau, nghĩ cho nhau. Ta xúc động khi nghe giãi bày của người chồng:

Sự phong lưu xưa kia anh đã trải mọi mùi,

Bây giờ nhà siêu vách nát, vợ đói, con rét, dễ anh ngồi sao yên.

(Xẩm chợ)

Cảnh một gia đình làm nghề đốt than kiếm sống với những nỗi niềm than thở, dường như trở thành bức tranh thu nhỏ của của đời sống thôn quê Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX:

Trong nhà, một ngọn đèn xanh, Dưới đèn mờ vẽ bức tranh ba người. Con thời quấy, vợ thời miệng dỗ, Chồng lui cui đan rỏ đựng than. Đêm khuya con ngủ đèn tàn,

Một hai thế sự, muôn vàn tình thâm.

(Vợ chồng người đốt than trên núi) Không chỉ là câu chuyện về cái đói, cái nghèo trong bối cảnh xã hội nhiều éo le, ngang trái, bài thơ lay động lòng người chính bởi tình đời tỏa sáng. Vợ chồng, con cái sướng khổ có nhau, động viên, dìu dắt nhau qua buổi cơ hàn, thống khổ. Vợ chồng người đốt than ấy dường như chỉ là đại diện cho biết bao gia đình nông dân nghèo khác trên đất nước ta thời bấy giờ. Tâm tình của họ cũng là nỗi lòng của hầu hết người dân An Nam ta khi đó.

Nỗi cô đơn trong đêm lẻ bóng xa chồng của người thiếu phụ được diễn tả tài tình, xúc động:

Đêm thu gió đập cành cau, Chồng ai xa vắng ai sầu chăng ai?

Đêm thu gió hút ngoài tai, Gió ơi có biết chồng ai nơi nào?

(Phong dao)

Đó còn là nỗi đau không gì bù đắp khi vợ chồng phải âm dương cách biệt:

Trăm năm những nguyện bóng trăng già, Duyên nợ chàng ơi có thế a?

Địa phủ sao anh về đất mãi? Trần gian em có tội chi mà! Kìa con én trắng đâu đâu lại,

Giục cái thoi vàng chóng chóng qua. Buồn quấn mành trông, trông chẳng thấy,

Chồng ai vô số lối đường xa.

(Không chồng, ai dễ sống chi lâu)

Tình vợ chồng một ngày nên nghĩa, vì tình sâu nghĩa nặng, họ nguyện nương tựa vào nhau, hẹn thề sắt son chung thủy:

Đôi ta trăm tuổi cùng già, Con tằm khác kén còn là chung nong.

Chữ đồng tạc núi ghi công. (Phong dao)

Tình cảm lứa dôi, chồng vợ được thể hiện trong thơ Tản Đà dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Qua đó, ta thấy được truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc ta luôn được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

2.2.1.2. Ứng xử cha mẹ và con cái

Tình cha mẹ với con cái trong gia đình không gì đo đếm được, công ơn mẹ cha như trời bể, tình mẹ như nước trong nguồn, tình cha cao cả như núi Thái Sơn, phận làm con phải lấy chữ hiếu răn mình cho phải đạo:

Khắp xã hội nghèo hèn ai đó, Mẹ thương con thời cố công nuôi. Những con nhà khó kia ơi,

Có thương cha mẹ thì vui học hành.

(Cảnh vui của nhà nghèo)

Quan điểm“Mẹ hiền từ, con hiếu thảo, quốc gia tất có trung thần” được coi như kim chỉ nam cho quá trình tu thân của người Việt ta, cho nên có khi tình cảm của người mẹ ghẻ với con chồng cũng làm ta xúc động:

Tình nghĩa đem cân một tấc lòng. Nghĩa nặng cho nên tình phải nhẹ, Suối vàng ai có biết cho không?

(Đề bài: Bà mẹ ghẻ có nghĩa).

Và:

Tám con khác mẹ, mẹ thời chung, Lòng mẹ con ơi, có biết không? Vinh hiển một nhà ơn đức mẹ, Làm gương mẹ ghẻ với con chồng.

(Đề bài: Mẹ Hiền của họ Mang nước Ngụy) Ý thơ ấy xóa tan định kiến xưa nay: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng” (Ca dao). Nó góp phần làm cho tình đời và tình người tỏa sáng, đáng trân trọng.

2.2.1.3. Ứng xử giữa chị em ruột thịt

Tình nghĩa anh chị em trong gia đình cũng luôn được coi trọng. Anh chị em máu mủ ruột rà, khúc ruột trên, khúc ruột dưới, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” (Tục ngữ), cha ông ta vẫn thường khuyên răn:

Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

(Ca dao)

Bởi vậy trong thơ Tản Đà, lời chị ru em nghe sao thấm thía:

Mẹ cha công đức sinh thành, Mai sau em học thông minh nhờ giời.

Giời cho tai mắt ở đời, Nhớ công cha mẹ, nhớ lời chị ru.

Mẹ cha biết mấy công phu, Chị ru em ngủ đêm khuya canh gà.

Ấy ngày em mới lên ba,

Em còn quấy khóc, mẹ cha lo phiền. (Ru em)

Lời ru ấy nhắc nhớ về công ơn cha sinh mẹ dưỡng; phận làm con phải ngoan ngoãn, hiếu thuận, không để cha mẹ lo âu phiền muộn.

Hay như lời chị khuyên em vừa sâu sắc vừa chân thành biết bao:

Em nghe lời chị, chị khuyên em, Chỉ nhủ đừng hay giở dậy đêm. Thân gái như mày đương nụ dại, Thế gian lắm kẻ muốn dòm xem. Phải cho ngoan mịn ra nền nếp, Rồi sẽ theo đòi với chỉ kim. Có nết, có khôn thời có giá,

Phong thu ai bảo bóng trăng thèm. (Chị khuyên em)

Trong lời dặn dò, khuyên bảo ấy, có cả những tâm tư giấu kín, nhưng trên tất cả, đó là lời răn về đạo lý ở đời mà chị muốn nói với em.

Tóm lại, thơ ca Tản Đà viết về mối quan hệ gia đình, người thân luôn là những trang thơ đặc sắc, lời thơ giản dị nhưng thấm đượm nghĩa tình. Gia đình

là rường cột của quốc gia, bởi vậy, khi các mối quan hệ trong gia đình thuận hòa, đầm ấm, trên kính dưới nhường thì xã hội mới mong ổn định, phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 64 - 71)