Phong tục, tập quán

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 45 - 54)

7. KẾT CẤU ĐỀ TÀI

1.4. Phong vị An Nam trong thơ Tản Đà qua đời sống xã hội

1.4.2. Phong tục, tập quán

Đất nước ta là đất nước đa dân tộc. Điều này đã tạo nên bức tranh đa dạng, rực rỡ sắc màu về làng quê An Nam với những phong tục, tập quán đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thơ ca, Tản Đà đã diễn tả một vài phong tục đặc biệt của người An Nam.

Thứ nhất là tục ăn trầu: Với mỗi người An Nam, miếng trầu đã vượt ra

ý niệm về một phong tục để trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống.

Miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu nên dâu nhà người (Tục ngữ). Miếng trầu vì thế đã trở thành biểu tượng cho nhân duyên nam nữ. Ý thơ của Tản Đà gợi nhắc đến nhiều bài ca dao về trầu cau:

Trầu này trầu quế trầu hồi,

Trầu loan trầu phượng, trầu tôi trầu mình. Trầu này trầu tính trầu tình,

Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình, trầu ta. (Ca dao)

Tản Đà nhắc đến tục lệ đó trong những vần thơ trữ tình:

Lại đây ăn một miếng trầu,

Kẻo mai tuyết nhuộm trên đầu huê râm.

(Phong dao)

Miếng trầu vì thế cũng trở nên đậm đà tình nghĩa, nó kéo con người xích lại gần nhau hơn trong tình làng, nghĩa xóm; trong đạo con cái, vợ chồng gắn bó, keo sơn.

Tục cúng ông Công ông Táo: Với người Việt ta, hai mươi ba tháng Chạp âm lịch hằng năm được lấy là ngày “Ông Công ông Táo”. Ông Công, ông Táo hay còn gọi chung là Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng được Việt hóa thành sự tích "hai ông một bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo. Dù sự tích này có nhiều dị bản nhưng đều theo một mô-típ chung đó là câu chuyện về ba người, do những hoàn cảnh éo le mà trở thành hai chồng một vợ. Truyện ca ngợi tình nghĩa giữa con người với con người, đồng thời qua đó, nhấn mạnh vai trò của bếp lửa trong mỗi gia đình. Bếp lửa ngoài công dụng nấu chín thực phẩm, còn là không gian cả gia đình quây quần bên nhau, tề tựu, sum vầy. Một số lễ hội gắn bó với nghi thức thắp lửa thiêng. Lửa xua đuổi thú dữ, tạo bầu không khí ấm áp. Không gia đình nào là không có bếp lửa. Ngày nào lửa không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm. Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) định đoạt cát hung, phúc đức cho gia đình, phúc đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Với mong muốn Thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, vào ngày 23 tháng Chạp, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng. Vào ngày này, các gia đình người Việt sẽ chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ. Đồng thời sẽ làm một mâm cỗ mặn, ba bộ quần áo bằng vàng mã, ba con cá chép sống, cùng xôi, chè mật và hương hoa tiễn ông Táo về chầu trời [52]. Từ đó, tục cúng tiễn ông Công ông Táo trở thành nét phong tục độc đáo của người An Nam ta. Nhân ngày này, Tản Đà cũng sửa biện lễ nghi và khấn rằng:

Gọi có hương vàng cúng tiễn ông, Ngựa cá ông lên chầu Thượng đế.

Trần gian xin nhớ có tôi cùng, Tôi tên Khắc Hiếu, họ là Nguyễn.

(Tiễn ông Công lên trời).

Vẫn là những tâm tư ẩn giấu được thi sĩ bộc bạch, song bài thơ vẫn có giá trị sâu sắc trong việc nhắc nhớ cháu con về một phong tục tập quán có ý nghĩa nhân văn cần được giữ gìn và phát huy.

Tống cựu nghênh tân (tiễn năm cũ, đón năm mới) là một phong tục khá

phổ biến của hầu hết gia đình người Việt ta dịp năm hết Tết đến [52]. Vào những ngày cuối năm, sau khi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa tinh tươm, đại gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên để chờ đón năm mới, cũng là cầu mong một năm mới nhiều an lành:

Tiễn năm ta có mấy vần thơ, Năm hết cho người cũng hết lo. Sắp sửa cành nêu, xuân đón chúa, Thử xem năm mới có ra trò!

(Gần Tết tiễn năm cũ)

Tục đốt pháo mừng xuân: Tết đến, xuân về, mỗi người dân Việt lại không khỏi xốn xang, náo nức trong tiếng pháo đón mùa mới:

Pháo đốt vui xuân rộn phố phường, Xuân về riêng cảm khách văn chương. Hồng phơi lóa mắt chùm hoa giấy, Trắng nhuộm phơ đầu mái tóc sương.

Đốt pháo là một trong những tập tục không thể thiếu trong ngày tết của cổ nhân. Tập tục này có nguồn gốc từ rất xa xưa và tồn tại qua hàng trăm năm, trở thành nét văn hóa vô cùng độc đáo của người Á Đông, trong đó có người Việt Nam ta:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Trong ngày tết, cổ nhân đốt pháo mừng năm mới là xuất phát từ niềm tin rằng đốt pháo có thể trừ tà, phòng ngừa ôn dịch, mang lại bình an may mắn. Âm thanh của tiếng pháo là một trong những tín hiệu báo Tết đến xuân về, gợi trong lòng người cảm giác phấn chấn, hân hoan.

Phong tục khai bút đầu xuân là một phong tục hay của người An Nam

ta, nhất là đối với những người có chữ nghĩa. Thường là đêm giao thừa, sau khi đốt pháo, nâng rượu mừng năm mới, dân ta thường nắn nót, thận trọng viết những dòng chữ đầu năm, với niềm tin rằng sang năm mới học hành sẽ tấn tới, may mắn, suôn sẻ trong thi cử. Làng xã có nhiều bài khai bút hay, đọc trong buổi bình văn khai hạ, là làng xã có văn phong rạng rỡ, nhân kiệt địa linh [52]. Bài thơ khai bút của Tản Đà lại là một bài thơ chất chứa tâm sự:

Năm nay tuổi đã ba mươi hai, Ta nghĩ mà ta chẳng giống ai.

Khắp bốn phương giời không thước đất, Địa cầu những muốn ghé bên vai.

(Khai bút năm Canh Thân 1920)

Năm nay tuổi đã ba mươi ba, Ta nghĩ mà ai chẳng giống ta. Lo nước, lo nhà, lo thế giới,

Còn thêm lo nợ, gỡ chưa ra!

(Khai bút đầu năm Tân Dậu)

Phong tục chúc Tết, mừng xuân: Đi liền với tục đốt pháo mừng xuân

thì tục chúc tết đầu xuân cũng là một nét đẹp trong văn hóa An Nam, được phát huy và gìn giữ cho đến ngày nay. Xuân sang, nhà nhà, người người hân hoan, gặp nhau tay bắt mặt mừng, trao cho nhau những lời chúc đầu năm sung túc, phát tài:

Vạn vật đắc ý, người thanh tân, Trẻ bé đua vui, già hưởng phước. Mừng xuân ta có thơ hai vần,

Xuân sang năm khác, thơ cũng khác. Thơ này kính chúc toàn quốc dân, Một năm tiến bộ lại một bước.

(Mừng xuân)

hay:

Nước nhà năm mới thơ mừng chung: Vạn sự vạn vật đều hanh thông! Trời Nam hoa thảo xuân vô tận! Đất Bắc giang sơn vận bất cùng! Một giải sông Đà vạn cổ lưu! Ba Vì núi Tản thiên niên thọ!

Tục uống rượu ngày xuân: cũng được coi là một nét văn hóa, một phong cách giao tiếp dân dã nhưng không kém phần lịch thiệp, độc đáo của người An Nam. Ở đây, ta không bàn về hiện tượng xã hội (khi không ít người đã lạm dụng chén rượu để làm mất đi ý nghĩa vốn có của nó), mà nhìn ở góc độ văn hóa, để thấy được, ngày Tết cổ truyền là dịp để chúng ta đoàn tụ; bên ly rượu nồng, anh em bạn hữu, chuyện trò, tâm tình chuyện mới chuyện cũ, chuyện vui trong ngày xuân. Thi sĩ Tản Đà đã viết nên những câu thơ nồng nàn chếnh choáng hơi men:

Mạch nước sông Đà tim róc rách, Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ. Còn thơ còn rượu còn xuân mãi,

Còn mãi xuân còn rượu với thơ.

(Ngày xuân thơ rượu)

Nâng chén rượu đầy chúc nhau ngày Tết, tự bản thân nó là một nét văn hóa thấm đượm nghĩa tình dân tộc:

Gặp xuân ta hãy làm vui,

Kẻo nay xuân đến, kẻo mai xuân về. Vui xuân rượu uống thơ đề.

(Vui xuân)

Ở một bài thơ khác, tác giả không giấu nổi sự xúc động khi gặp xuân, nâng chén rượu hồng:

Gặp xuân ta giữ xuân chơi, Câu thơ chén rượu là nơi đi về.

Nghìn thu nét mực thơ đề vẫn xuân. (Gặp xuân)

Rượu hồng mừng xuân vì thế đã thành nét đẹp văn hóa truyền thống, giúp kết nối những con người cùng cội nguồn và chí hướng.

Ai đi, đợi tôi với cùng, Tôi đi kiếm rượu cho chồng tôi xơi.

Chồng hư mang tiếng mang tai, Tiếng tai thiếp chịu, hơn ai không chồng.

(Phong dao)

Nghe tâm tư của người đàn bà, có thể thấy, vượt lên trên việc phản ánh một phong tục, ý thơ Tản Đà còn phảng phất ý vị của tình nghĩa vợ chồng sắt son, gắn bó.

Trong “Bài hát mừng Bắc Kì Nam tửu”, Tản Đà viết:

Người An Nam nay uống rượu An Nam. Thật tha hồ cất chén với tri âm,

Bõ nhớ vụng thương thầm bao những lúc.

Không còn là chuyện chén rượu, mà nó đã trở thành vấn đề tinh thần và ý thức dân tộc. Đó là chén rượu của tình thân, của người tri âm tri kỷ, của con người An Nam yêu nước thương nòi.

Viết câu đốitrong những dịp đặc biệt cũng là một trong những phong tục

đẹp của người Việt ta. Tản Đà từng viết câu đối dâng đền Hùng Vương:

Có tôn, có tổ, có tổ, có tôn; tôn tổ tổ tôn, tôn tổ cũ.

Câu đối mừng khao:

Trong hộ có đàn anh, sóng gió đỡ đần ba mặt bể.

Làm con thế là hiếu, tuyết sương tươi tỉnh một cành huyên.

Câu đối viếng bạn rượu:

Bác đã về thôi, đời đáng chán! Tôi còn sống mãi, rượu cùng ai?

Câu đối mừng cưới:

Cháu nay mới thành đôi: đôi cây xa cội liền cành, đuốc hoa một ngọn, Cậu thấy cũng có mộ: một mối se tơ kết tóc, chỉ hồng trăm năm.

Hay câu đối mừng xuân:

Ai đẻ mã ra xuân; xuân ấy đi, xuân khác về, năm nay năm ngoái xuân hơn kém?

Nhà lại sắp có khách; khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng đông?

Tục lệ viết câu đối như nói trên đã trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội của người dân An Nam ta từ thời của văn học dân gian, được tiếp nối qua văn học trung đại với những câu đối nổi tiếng của nhà thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến... Đến Tản Đà, ông tiếp nối mạch truyền thống đó và nâng nó lên thành một thể tài văn học, gọi là văn thù tiếp (thể văn giao tiếp với đời), góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Điểm qua một vài phong tục của người An Nam trong thơ Tản Đà để thấy được bản sắc văn hóa dân tộc thấm đượm trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta, thành mạch nguồn nuôi dưỡng niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy ý thức giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp, quý báu của cha ông trong đời sống hiện đại muôn đời sau.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Tóm lại, trong thơ Tản Đà, làng quê Việt Nam được cảm nhận bằng những dáng vẻ cổ truyền, từ mỗi tên đất, tên miền, đến hình ảnh làng quê thân thuộc, gần gũi với phong cảnh bốn mùa như thơ, như họa, đặc biệt là những món ăn dân dã, mang phong vị làng quê; những phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc. Tất cả đều làm nên nét đẹp vừa hùng vĩ vừa mộc mạc, gần gũi của cảnh sắc đất trời. Đồng thời in dấu đậm nét vẻ đẹp của cốt cách và tâm hồn Việt. Qua đó, thấy được tài năng, tâm huyết, sự gắn bó máu thịt và tình cảm chân thành, thiêng liêng mà Tản Đà dành cho sông núi, con người quê hương xứ sở.

CHƯƠNG 2

PHONG VỊ AN NAM TRONG THƠ TẢN ĐÀ QUA VĂN HÓA ỨNG XỬ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 45 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)