Thể thất ngôn Đường luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 110 - 112)

7. KẾT CẤU ĐỀ TÀI

3.2. Thể thơ

3.2.1. Thể thất ngôn Đường luật

Vốn là nhà Nho, am hiểu nhiều về thơ Đường, Tản Đà đã tiếp thu tinh hoa của thể thơ này vận dụng Đường thi để sáng tác. Trong số 93 bài thơ của Tản Đà viết theo thể Đường luật có 18 bài làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt và 75 bài thất ngôn bát cú. Thơ Đường luật có những quy định hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt về số câu, số tiếng; cách hài thanh, gieo vần và nhịp điệu... Cũng vì vậy mà rất gò bó và khó diễn đạt được những cảm xúc phóng khoáng, nhịp điệu rộng mở.

Cụ thể, với thể thất ngôn tứ tuyệt gồm bảy tiếng, bốn dòng, gieo vần chân, độc vận, có thể gieo vần liền hoặc vần cách. Trong thơ văn Trung Quốc, thể thơ này thường hàm súc, dùng để nói chí, bao nhiêu tình ý sâu xa được gói gọn trong 28 chữ. Vận dụng thể thơ này, Tản Đà đã cho ra đời nhiều bài thơ đạt đến trình độ nghệ thuật xuất sắc:

Quái lạ! Làm sao cứ nhớ nhau, Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu. Bốn phương mây nước, người đôi ngả, Hai chữ tương tư, một gánh sầu.

(Tương tư) Hoặc trong một trường hợp khác:

Năm xưa tết nhất đã suông suồng, Tết nhất năm nay lại quá tuồng. Tiếng pháo nghe nhờ thiên hạ đốt, Cờ vàng, dấu đỏ, đế vương suông.

Hai bài thơ đạt chuẩn mực về hình thức thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, cả luật bằng trắc, hài thanh, ngắt nhịp, vần điệu.... đều tuân thủ quy định của thơ Đường. Tuy vậy, nó dường như đã được Việt hóa bởi đề tài gần gũi, ngôn ngữ thuần dân tộc, cách sử dụng từ láy, cùng những thán từ thuần Việt.

Thể thất ngôn bát cú có quy định chặt chẽ hơn nhiều, một mặt là luật hài thanh, đối xứng giữa các tiếng 2, 4, 6 (có thể theo thể trắc hoặc theo thể bằng), mặt khác, đòi hỏi phải niêm giữa các dòng 2 - 3, 4 - 5, 6 - 7 và 1 - 8. Về bố cục, bài thơ chia làm bốn cặp, tương ứng với hai câu đề, hai câu thực, hai câu luận và hai câu kết. Về vần thường chỉ gieo vần bằng, ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8. Ta hãy điểm qua một số bài thơ của Tản Đà được viết theo thể thất ngôn bát cú:

Đời người lo mãi biết bao thôi? Mái tóc xanh xanh trắng hết rồi! Sự nghiệp nghìn thu xa vút mắt, Tài tình một gánh nặng bên vai. Hợp tan tri kỷ người trong mộng, Rộng hẹp dung thân đất với trời! Sương phủ cành mai năm giục hết, Ngày xuân con én lại đưa thoi.

(Năm hết hữu cảm)

Hay:

Gió gió mưa mưa đã chán phèo, Sự đời nghĩ lại đến buồn teo. Thối om sọt phấn nhiều cô gánh,

Tanh ngắt hơi đồng lắm cậu yêu! Quần tía đùi non anh chiệc vỗ, Rừng xanh cây quế chú mường leo. Phố phường nghe có vui chăng tá? Áo mũ, râu ria, mấy đám chèo. (Sự đời)

Xem xét toàn bộ những bài thơ thất ngôn Đường luật của Tản Đà, ta đều thấy có chung những đặc điểm như trên. Có thể kết luận, thơ thất ngôn của Tản Đà vẫn tuân thủ những quy định của thơ Đường. Tuy vậy nếu thơ Đường viết chủ yếu bằng chữ Hán, cũng có khi là chữ Nôm (một số đại diện tiêu biểu cho thể loại thơ Nôm Đường luật phải kể đến là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương...); thường hướng đến những đề tài phong, hoa, tuyết, nguyệt, lễ nghĩa, chí hướng... thì thơ thất ngôn của Tản Đà lại viết bằng chữ quốc ngữ. Đề tài trong thơ thất ngôn của ông cũng không bó hẹp trong một lĩnh vực nào, nhưng cũng không phải là những đề tài xa vời mà hết sức gần gũi với thực tế cuộc sống. Giọng thơ Đường của ông cũng không quá cổ kính. Lời thơ vì thế vẫn linh hoạt, uyển chuyển, tình cảm tế nhị, gợi cảm xúc mới mẻ. Bởi vậy, tuy mượn thể thơ nước ngoài để sáng tác, nhưng Tản Đà vẫn nói lên được những vấn đề thời sự của đất nước, đặc biệt khắc họa sâu sắc tâm tư, tình cảm của nhân dân lao động. Đọc thơ thất ngôn của Tản Đà, chúng ta không có cảm giác gò bó mà tứ thơ vẫn hết sức phóng khoáng, tự nhiên. Vì thế, nó luôn gần gũi và thân thuộc đối với mỗi người An Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 110 - 112)