Bức tranh xã hội An Nam buổi giao thời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 54 - 63)

7. KẾT CẤU ĐỀ TÀI

2.1. Bức tranh xã hội An Nam buổi giao thời

Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, phong trào Cần Vương chống Pháp thất bại hoàn toàn. Chính quyền bản xứ nằm gọn trong tay thực dân Pháp. Công cuộc khai thác thuộc địa được thực dân Pháp tiến hành. Nhiều chính sách dã man, tàn bạo được thực thi. Kết quả là nền kinh tế nước ta bị phân giải, bị kéo vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Phụ thuộc vào một nước tư bản nhưng nền kinh tế của ta chưa thoát khỏi sự trì trệ của kinh tế phong kiến. Chế độ thực dân nửa phong kiến hình thành, tiếp tục kìm hãm sự phát triển của đất nước. Kết cấu xã hội Việt Nam có nhiều biến động, nhiều giai tầng mới trong xã hội được hình thành và phát triển. Nhà nho và người nông dân càng ngày càng bị thất thế đã không ngừng phản kháng quyết liệt. Thực tế lớn nhất của cuộc sống là đất nước đã mất vào tay giặc, nhân dân một cổ đôi tròng, chịu nhiều tầng áp bức, bất công; cả dân tộc nghẹt thở, điêu linh... Nền văn hóa, văn học dù có nhiều thay đổi song cũng không bắt kịp với xu thế thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu gọi giai đoạn văn học 1900 - 1930 là giai đoạn giao thời. Có thể nói, đây là giai đoạn văn học có nhiều chuyển biến phức tạp, từ trung đại sang hiện đại. Chính vì vậy, văn học mang tính chất chuyển giao, giữa phương pháp sáng tác cũ mới, tạo nên những nét riêng độc đáo, khó hòa lẫn. [11, tr.3]

“Tản Đà là một trong số những nhà văn, nhà báo đầu tiên của thế kỉ XX. Trong buổi Tây Tàu lẫn lộn, ông luôn mang trong mình khát vọng thoát ly để quên thực tại. Ông là một nhà nho chuyển ra viết báo, viết văn. Sáng tác của ông cũng mang dấu vết của bước chuyển biến vậy. Cuộc đời từ nhà nho thành

nhà văn của Tản Đà có một ý nghĩa tiêu biểu đáng cho lịch sử văn học chú ý” [11, tr.165]:

Thơ lưng chất nặng, tay buồn rỗi, Bán áo mà mua giấy viết ngông. (Dạm bán áo đoạn)

Và ngay sau đó, thứ văn ngông ấy trở nên phổ biến trên các mặt báo. Đem văn chương bán phố phường đi vào cuộc đời của một nhà thơ. Văn chương trở thành một nghề nghiệp, điều mà nhà nho trước đây chưa biết đến.

Ở một bài thơ khác - Hầu trời, tác giả cũng cho ta thấy tâm sự của một “tao nhân mặc khách” giữa chốn trần ai. Bao trùm cả bài thơ là giọng điệu tự trào, hài hước, dí dỏm, xoay quanh câu chuyện được lên tiên, thoát tục của thi sĩ. Nhưng ta vẫn có thể nhận ra chút tâm tình bộc bạch trong cảnh nghèo, giữa thời buổi “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). “Mặc dù ngầm kiêu hãnh bởi sứ mạng Trời giao, nhà thơ không thể ngăn mình bộc lộ tình cảnh thực và nỗi niềm của kẻ sống bằng ngòi bút nơi hạ giới. Lời than thở tuy chỉ nhằm giãi bày cho Trời thấu hiểu những khó khăn của kẻ thực thi “thiên mệnh” nhưng đã vẽ nên bức tranh sinh động về cuộc sống cơ cực của văn sĩ đương thời. Từ cảm hứng lãng mạn phơi phới ở những khổ thơ trên, đến đây, tuy nhà thơ vẫn giữ giọng đùa vui nhưng lại là cảm hứng tự trào - cười ra nước mắt:

- "Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó, Trần gian thước đất cũng không có. Lo ăn lo mặc hết ngày tháng,

Học ngày một kém tuổi ngày cao. Sức trong non yếu ngoài chen rấp,

Một cây che chống bốn năm chiều. (Hầu trời)

Cuộc sống của văn sĩ đương thời, đặc biệt là cuộc mưu sinh bằng văn chương của những cây bút như Tản Đà, được tái hiện thật rõ nét. Trong câu chuyện hầu Trời tưởng tượng, đây là đoạn thơ có nhiều chi tiết chân thực nhất. Thời đó, Tản Đà từng vật lộn đủ cách để sống bằng tác phẩm: vừa sáng tác, vừa làm xuất bản, tự in và tự bán tác phẩm của mình... Tiếc thay “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, cho nên “Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu”. Một thi sĩ tài năng như Tản Đà mà phải lâm cảnh nghèo khó đến tận cuối đời, phải chăng đó là bi kịch chung của những nhà Nho đương thời, trong cơn khủng hoảng của nền kinh tế thuộc địa. Ở bối cảnh xã hội ấy, văn chương là một thứ xa xỉ, không mang lại miếng cơm manh áo cho người làm ra nó. Không ít nhà văn thời ấy đã chạy trốn hiện thực để Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Xuân Diệu). Tản Đà cũng vậy, nhiều khi bế tắc trong đời thực, ông lại xây mộng văn chương, tìm cách khẳng định mình ở một thế giới xa vời khác. Hơn ai hết, thi sĩ tin tưởng rằng, những nỗ lực của mình sẽ không vô ích, dù người chưa biết thì Trời đã biết:

Rằng: Con không nói Trời đã biết, Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết. Thôi con cứ về mà làm ăn,

Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết.

Đó là lời động viên của Trời cũng là lời tự nhủ, là tâm niệm của chính nhà thơ. Chưa bao giờ ta thấy trong nỗi buồn của Tản Đà có sự lụi tàn, bi quan.

Trong xã hội xưa, bất mãn và bất lực trước cuộc sống thực tại, các nhà nho thường tìm đến con đường lánh đục khơi trong, về quê ở ẩn, tìm thú vui

nơi chốn sơn thủy, điền viên, họ chọn thiên nhiên làm bầu bạn để giãi bày tâm tình. Tản Đà cũng vậy, gặp buổi thất chí, ông tìm cách lánh đời, coi đời là cõi tục, là nơi ở trọ. Nhưng tư tưởng của Tản Đà có phần khác biệt. Ông không chọn cách lánh đời, xa rời thực tại. Ngược lại, ông chọn giải pháp nhập thế. Ở ông luôn có sự đấu tranh giữa lương tâm và trách nhiệm. Chứng kiến cảnh đất nước quằn quại trong cơn bĩ cực, ông không đành lòng chọn con đường thoát tục, lánh đời. Ông dùng cái đầu lạnh và trái tim ấm nóng để phơi bày thực trạng xã hội cũng như tình cảnh thê thảm của nhân dân trước họa xâm lăng.

Năm 1929 cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ trong thế giới tư bản chủ nghĩa và kéo dài đến năm 1933 mới chấm dứt. Đây là cuộc khủng hoảng “thừa” do sản xuất ồ ạt, chạy đua theo lợi nhuận, dẫn đến tình trạng hàng hóa ế thừa trong khi người lao động không có tiền mua. Tản Đà nhận thức được, cuộc khủng hoảng này đã để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế nước nhà:

Non sông như vẽ cỏ hoa tươi, Xuân mới năm nay đã đến rồi. Chín chục thiều quang trời ngó lại,

Bốn nghìn lịch sử nước trôi xuôi.

(Tân xuân cảm)

Tâm trạng sầu khổ của thi nhân trong mùa xuân mất nước phải chăng cũng là tâm trạng chung của hàng triệu đồng bào An Nam ta trong đêm dài nô lệ, lầm than:

Cành liễu đông tây cơn gió thổi, Con tằm sống thác sợi tơ vương, Xuân này biết có hơn xuân trước,

Hay nữa xuân tàn tạ lại sang? (Cảm xuân)

Trước tình cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đói khổ, điêu linh, vốn là nhà Nho mang nhiều tâm sự, Tản Đà trăn trở:

Tháng ba thiên hạ đợi mưa rào, Đợi mãi mưa mà chẳng thấy nao. Kinh tế khó khăn trời tiếc nước, Văn minh hào nhoáng ếch trông sao. Lo nước thương đời đêm chẳng ngủ, Vừng đông trông đã ngọn sào cao.

(Tháng ba không mưa)

Đại hạn tượng trưng cho cảnh đất nước quằn quại dưới áp lực ngoại bang. Muốn thoát khỏi cảnh tôi đòi, há phải ngồi đợi mưa? Hai câu thực bóng bảy mỉa mai nền văn minh Tây phương mới du nhập. Nếp sống dân Việt có thể ví như lớp nhung trên mặt lá, hương sắc trên cành hoa, nay đã được gió khan, nắng mới đập tan. Quan niệm bảo thủ của nhà nho còn sót lại trong trí óc Tản Đà khiến ông khinh ghét những ảnh hưởng Tây phương. Con đường cứu nước của ông là ở đâu? Là ở chỗ lo suốt đêm không ngủ vậy!

Bối cảnh xã hội đen tối, nhân dân chìm đắm trong đêm trường nô lệ đã dẫn đến hệ quả tất yếu là tình trạng suy thoái đạo đức ở một bộ phận người dân An Nam. Đồng tiền lên ngôi, làm cho những cương thường đạo lý có nguy cơ băng hoại:

Đồng tiển đồng tiền,

Vừa xinh vừa đẹp, Vừa trắng vừa tròn.

(Đồng tiền) Đồng tiền ngự trị, là thước đo phẩm giá con người:

Có nhiều là giầu, Có ít là nghèo. Ai mà không có, Khốn khó trăm chiều.

Đó là bài thơ nhỏ nằm ở phần đầu truyện Thần tiền, thuật câu chuyện của hai chị em đồng tiền nói chuyện với nhau trong năm canh. Qua đó, dư vị xót xa của thực tế xã hội được tô đậm:

Trong tay sẵn có đồng tiền, Dễ dàng đổi trắng thay đen khó gì!

(“Truyện Kiều”, Nguyễn Du)

Nhiều người con gái, lấy hơi đồng tiền để mua duyên chồng vợ:

Cô kia đen thủi đen thui, Phấn đổ vô hồi, cái má vẫn đen. Lắm vàng cho thắm nhân duyên, Cô kia trắng nõn, không tiền lấy ai.

(Phong dao)

Nhiều cô tham vàng bỏ ngãi, phụ bạc người thương, để dấn thân nơi bạc vàng:

Tham đồng bạc trắng mới gán mình vào cái chú Tây đen. Sợi tơ hồng ai khéo xe duyên,

Treo tranh tố nữ đứng bên anh tượng đồng: - Chị em ơi ba bẩy đường chồng.

(Cô Tây đen)

Tôn ti, trật tự trong gia đình, vì thế cũng trở nên lỏng lẻo, đứng trước nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng. Đâu đó còn gặp cảnh, đạo vợ chồng thiếu tôn kính, thủy chung. Theo lẽ cương thường, “tam tòng tứ đức” là kim chỉ nam đánh giá đức hạnh, phẩm tiết của người phụ nữ, nhưng vào buổi Tây Tàu nhố nhăng, lẫn lộn, nhiều người đã quên đi phúc phận của mình. Họ mải ăn chơi đua đòi, không chăm lo cho chồng con, gia đình:

Hỡi cô yếm trắng kia là, Chồng cô cô bỏ ở nhà đi chơi.

(Phong dao)

Dẫn tới tâm lý nơm nớp lo sợ nạn mất cắp vợ - chồng:

Đêm qua mất cắp như chơi, Có chỗ mất vợ, có nơi mất chồng.

Ông tơ nghĩa chẳng thẹn thùng, Còn đương chắp mối tơ hồng xe ai?

(Phong dao)

Chứng kiến thực trạng đau lòng đó, vốn là một nhà nho sống theo lẽ cương thường, giờ mang thân phận của người dân mất nước, Tản Đà không khỏi xót xa, đau đớn, bởi lẽ đời, giờ trở nên mong manh, dễ sụp đổ hơn bao giờ hết. Ông cay đắng thốt lên:

Luân thường đổ nát, phong hóa suy, Tiết nghĩa rẻ rúng, ân tình ly.

Vợ chồng kết tóc chưa khăng khít, Nhân tình nhân ngãi còn kể chi

(Trần ai tri kỉ)

Bên cạnh mặt trái của xã hội khiến thi nhân nhức nhối, trăn trở, thì nhìn lại, ta vẫn phải ghi nhận một điều rằng, những mặt trái kia chỉ là cá biệt, tập trung ở một số hạng người chứ không mang tính đại diện, tiêu biểu cho cả xã hội.

Từ bao đời nay, nước Nam ta sinh ra từ nền nông nghiệp, lớn lên cũng bởi nghề ấy. Nền nông nghiệp tuy còn nhiều lạc hậu, nghèo nàn nhưng đã góp phần nuôi dưỡng con người. Trong lao động, con người Việt Nam bộc lộ phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó:

Rủ nhau lên núi cắt gianh, Đường đi rậm rạp, thân anh nặng nề.

Giời mưa nước lũ qua đèo,

Trăm nghìn cay đắng theo chiều chảy xuôi.

(Phong)

Đó là tâm sự của một người lao động lam lũ, nghe như một lời than với xiết bao cay đắng, ngậm ngùi trong bối cảnh xã hội nhiều xô bồ:

Người ta đi võng đi xe, Thân e cày mướn đi về lấm chân. Một con sông ba bảy con sóng đào,

Trăm công nghìn nợ trông vào một em.

(Phong)

Đôi khi, trong cái nghèo, ta vẫn thấy ánh lên trong họ niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống:

Người ta hơn tớ cái phong lưu, Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo. Cảnh có núi sông cùng xóm ngõ,

Nhà không gạch ngói chẳng gianh pheo.

(Sự nghèo)

Trăn trở về cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn, vất vả, Tản Đà tự nhủ:

Vui buồn ai cũng có khi, Có hoan lạc, có sầu bi, lẽ thường.

Trăm năm một giấc mơ màng, Nghĩ chi cho bận gan vàng, hỡi ai.

(Đời lắm việc)

Trong bài thơ Cảnh vui của nhà nghèo, bên cạnh việc tái hiện lại cảnh nghèo của người lao động thôn quê, Tản Đà tâm sự:

Trong trần thế cảnh nghèo là khổ, Nỗi sinh nhai khốn khó qua ngày. Quanh năm gạo chịu tiền vay, Vợ chồng lo tính hôm rày, hôm mai.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây, kìm hãm bao ước mơ, khát vọng của con người, nhưng có lẽ, đằng sau sự than thở, giãi bày bởi lẽ đời dở dang, bất hạnh,

nhiều hẩm hiu, ngang trái, ta vẫn thấy ánh lên tình đời, tình người cao quý và khát vọng mang tính nhân bản:

Trong trần thế nhiều nơi phú quý, Nỗi buồn riêng ai ví như ai.

Bày ra cái cảnh có trời, Vui buồn cũng ở tự người thế gian.

Đời người không thể tránh khỏi hỉ, lộ, ái, ố hay những thăng trầm chìm nổi; dù có là ai, có làm nghề gì, họ cũng có nỗi khổ tâm riêng, phàm là con người trần thế, điều đó là định mệnh. Chủ trương của Tản Đà là không bận tâm nhiều đến những cảm xúc tiêu cực, làm thui chột nghị lực của con người. Với ông, tất cả chỉ là chất xúc tác khiến tâm hồn ông thăng hoa, khiến cho khát vọng nhân bản trong thi sĩ mãi dạt dào. Với người nghệ sĩ phóng khoáng, phong tình ấy, cho dù lòng trĩu nặng u hoài, nặng nỗi bất bình với đời, nhưng tâm hồn ông vẫn không hề mòn mỏi, tuyệt vọng. Ông luôn hướng tới sự thanh tao, phóng khoáng, truyền nguồn năng lượng tích cực đến hết thảy mọi kiếp người trong nhân gian.

Như vậy, bối cảnh xã hội An Nam giai đoạn giao thời cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX có sức ảnh hưởngvô cùng to lớn tới đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của dân ta đương thời. Dưới góc nhìn của một nhà nho yêu nước, bị chi phối mạnh mẽ bởi thời buổi nhiễu nhương, Tản Đà đã kịp thời ghi lại thực trạng của giai đoạn lịch sử nhiều biến động đó bằng những vần thơ tả thực, chạm đến tận đáy lòng người yêu nước An Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong vị an nam trong thơ tản đà (Trang 54 - 63)