6. Cấu trúc luận văn
1.5 Khái niệm phong cách tài liệu
Waren Buckland trong “Nghiên cứu phim” đã chỉ ra những giả thuyết thường thấy ở khán giả điện ảnh về phim tài liệu. Theo đó cảm giác về một bộ phim tài liệu trong cảm nhận của khán giả sẽ bao gồm các đặc điểm sau:
- Thứ nhất: Không có sự dàn dựng đối với các sự kiện được ghi hình. - Thứ hai: Phim tài liệu là hiện thực. Thế giới được mô tả trong phim tài
liệu có tính xác thực, không hư cấu.
- Thứ ba: nhà sản xuất phim tài liệu chỉ quan sát và ghi chép lại mooetj cách khách quan các sự kiện có thật [6, tr246].
Tuy nhiên nhà làm phim tài liệu không chỉ quan sát và ghi chép một cách khách quan bởi họ đã có những lựa chọn về mặt kỹ thuật như: chọn góc máy, ống kính, cách dựng phim…
Như vậy có thể thấy sự lựa chọn và dựng phim là những điều cần thiết khi thực hiện một bộ phim. Phong cách tài liệu của một bộ phim khi ấy chủ yếu dựa vào các lựa chọn do nhà làm phim thực hiện sẽ tác động thế nào đến các sự kiện.
CHƯƠNG 2: PHONG CÁCH TÀI LIỆU TRONG KẾT CẤU PHIM.
Spielberg quyết định phong cách tài liệu cho tác phẩm Schindler’s List
sau khi xem bộ phim tài liệu Shoah (1985) của đạo diễn người Pháp Claude Lanzmann. Bộ phim đã làm cho Spielberg thật sự ấn tượng. Sự thành công ngoài mong đợi của Schindler’s List (1993)đã tạo tiền đề để Spielberg tiếp tục phong cách này trong tác phẩm kế tiếp của mình, đó là bộ phim Saving private Ryan (1998) được thực hiện 5 năm sau đó.
David Bordwell và Kristin Thompson trong “Nghệ thuật điện ảnh” đã đưa ra nhận định về việc phân tích phong cách phim dựa trên 4 bước: Quyết định cấu trúc tổ chức phim, hệ thống hình thức tự sự và phi tự sự của nó; Nhận diện những kỹ thuật chủ chốt được sử dụng; Vạch ra những mô hình kỹ thuật trong một bộ phim hoàn chỉnh và đề xuất những chức năng cho kỹ thuật chủ chốt và mẫu hình mà chúng tạo nên [3, tr 472]. Vậy đây sẽ là cơ sở để chúng tôi có thể đánh giá về phong cách phim của đạo diễn Spielberg được thể hiện trong 2 tác phẩm Schindler’s List và Saving Private Ryan.
2.1. Không sử dụng kịch bản phác họa phân cảnh (Storyboard).
Steven Spielberg thường có thói quen sử dụng kịch bản phác họa phân cảnh Storyboard khi đạo diễn các bộ phim của mình. Và, một điều khác thường của ông khi dàn dựng Schindler’s List và Saving rivate Ryan đấy chính là việc đã không sử dụng storyboard.
Theo quyển sách từ vựng điện ảnh của nhóm tác giả Minh Tùng – Phương Lan – Vinh Sơn thì: “Storyboard là chuỗi tranh vẽ do đạo diễn chuẩn bị, phác thảo các cảnh quay dựa trên kịch bản văn học, mô tả ý đồ thể hiện bối cảnh, tạo hình nhân vật, góc máy… Trước khi khởi quay”,[16, tr126].
Từ lâu storyboard đã được xem là một công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ cho quá trình tiền sản xuất của một bộ phim Với storyboard, nhà sản xuất có thể ước tính chi phí chính xác và do đó phát triển ngân sách thực tế cho một bộ
phim. Storyboard là một công cụ trực quan khả thi cho đội ngũ sáng tạo khi thực hiện các loại phim, từ phim hoạt hình; phim đa phương tiện; phim truyền hình dài tập cho đến các bộ phim truyện chiếu rạp. Việc thực hiện storyboard đã trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc trong quy trình sản xuất của những bộ phim bom tấn Hollywood.
Đạo diễn sẽ sử dụng storyboard cho các cảnh quay: dàn cảnh với diễn viên, thiết lập máy quay và ánh sáng. Thông qua storyboard, người đạo diễn có thể bàn bạc kỹ lưỡng với nhà quay phim để tìm ra phương án nên sử dụng loại máy quay gì, ống kính nào, chất lượng phim nào để phục vụ cho việc ghi hình quay phim. Storyboard còn giúp làm rõ các phẩm chất sáng tạo độc đáo cho mỗi bộ phim, chẳng hạn như việc sử dụng khung hình trong bối cảnh tái tạo hiện thực ba chiều trên màn hình để phân định vị trí và góc nhìn của nhân vật. Từ đó chỉ ra góc máy quay cần thực hiện. Storyboard cũng cung cấp ý đồ thể nghiệm của ánh sáng cho từng bối cảnh, khung hình chủ chốt. Từ sự gợi ý này của storyboard các đạo diễn và nhà quay phim sẽ có thể quyết định việc thiết lập ánh sáng cho toàn thể bộ phim.
Trong lịch sử sáng tác điện ảnh có rất nhiều đạo diễn quan tâm đến việc sử dụng storyboard, có thể kể đến như: Sergei Eisenstein, Francois Truffaut, James Cameron. Đạo diễn Hitchcock (vốn xuất thân là đạo diễn mỹ thuật cho phim), người có lẽ liên quan đến việc xây dựng cốt truyện nhiều hơn bất kỳ đạo diễn nào khác. Ông sử dụng storyboard để tinh chỉnh tầm nhìn của mình và kiểm soát quá trình làm phim. Đối với Hitchcock, sau khi thực hiện storyboard một bộ phim xem như đã hoàn tất. Khi ra đến trường quay ông giao hoàn toàn cho trợ lý thực hiện đúng với những gì đã được thiết lập trong storyboard trước đó.
Spielberg cũng có thói quen sử dụng storyboard cho hầu hết các bộ phim của mình. Tuy nhiên, ông đã không thực hiện storyboard với phim Schindler’s List (1993) và Saving Private Ryan (1998)
Schindler’s List là một câu chuyện thảm khốc về tâm lý xen lẫn cả nghịch lý mà các tác giả cần hóa giải. Làm sao để có thể lý giải nguồn cơn tội ác mà Đức quốc xã đã gây nên cho loài người. Và, cũng chừng ấy rắc rối để có thể thuyết phục được khán giả về hành trình chuyển đổi đạo đức không tưởng của Schindler; từ chỗ là kẻ ăn chơi, hưởng lợi từ sức lao động với giá rẻ mạt của người Do Thái trở thành người cứu trợ cho họ. Đó cũng là câu hỏi hóc búa đặt ra cho Spielberg khi dàn dựng bộ phim.
Vì câu chuyện của Schindler’s List quá bi thương, nằm ngoài sự hiểu biết và hình dung của Spielberg nên có nhiều cảnh trong phim ông đã tái hiện lại theo lời kể của các nhân chứng. Như cảnh những người phụ nữ bị đẩy vào buồng hơi ngạt. Có cảnh phim, Spielberg thậm chí còn không dám nhìn vào monitor (màn hình kiểm soát cảnh quay dành cho đạo diễn), lúc quay cảnh những người Do Thái lớn tuổi bị buộc phải khỏa thân và chạy vòng tròn để quân y Đức quốc xã lựa chọn đưa đi Auschwitz. Trong rất nhiều cảnh phim, khi dàn cảnh ông chỉ thiết lập cảnh quay ban đầu rồi truyền đạt cho các trợ lý cùng nhà quay phim thực hiện các cảnh quay còn lại. Spielberg bình luận rằng ông thấy mình giống như một phóng viên hơn là một nhà làm phim. “Thật khó cho tôi khi ở đó” Spielberg nói: “Tôi không thể nhìn vào nó, tôi phải đảo mắt đi, tôi không thể nhìn” [25, tr433].
Tuy nhiên, việc không sử dụng storyboard của Spielberg đã khiến cho việc thực hành quay phim gặp nhiều trở ngại; bởi khi ấy sẽ thiếu đi những gợi ý về bố cục khuôn hình, về góc độ máy quay cũng như thứ tự sắp xếp của các cảnh quay từ trước. Khi ấy việc quay phim tại hiện trường sẽ hoàn toàn phải trông đợi vào sự ngẫu hứng của ê kíp, vào khả năng bắt chộp hình ảnh của nhà
quay phim. Cách quay này của Schindler’s List cho thấy nó áp dụng y chang cách quay của một bộ phim tài liệu. Năm năm sau, khi thực hiện bộ phim Saving private Ryan, Spielberg cũng không sử dụng storyboard. “Tôi không có storyboard, không sự có hình dung trước.” [28, tr182]. Điều này cho thấy cách quay phim theo kiểu tài liệu vẫn được Spielberg tiếp tục tin dùng. “Tôi chỉ nghĩ rằng sẽ không tự nhiên lắm khi tôi thực hiện một cảnh có phương pháp trong việc quay cảnh phim trái ngược với cố gắng tìm hiểu xem tôi sẽ ở đâu nếu tôi là một quay phim chiến trường” [25, tr 463], Spielberg nói.
Đối với phim tài liệu, vì đối tượng quan sát luôn nằm ngoài sự hình dung của nhà làm phim nên việc bắt chộp được những khoảnh khắc của sự kiện và nhân vật là một đòi hỏi thường xuyên và đầy thách thức. Vì không thể sắp xếp các yếu tố tạo hình theo mong đợi nên bố cục khuôn hình của phim tài liệu thường mang tính ngẫu hứng tự phát, khó đảm bảo được tính hoàn mỹ. Điều này lý giải vì sao khi xem phim Saving Private Ryan và Schindler’s List một số khán giả sẽ cảm thấy không vừa lòng và khó chịu với những hình ảnh phim có bố cục lệch, không cân bằng và hầu như bỏ qua tính đối xứng. Thậm chí đôi lúc hình ảnh phim còn bị nhòe, mất nét trong các cảnh đàn áp khủng bố (Schindler’s List) cũng như trong các cảnh chiến trận (Saving Private Ryan). Tuy nhiên, những bố cục không cân bằng này ngoài việc thể hiện chính xác ý đồ của đạo diễn, đó là chuyển tải sự lệch lạc và mất phương hướng của chiến tranh; nó còn nói lên rằng việc quay những khuôn hình không chỉn chu, thô ráp đích thực là hình thức quay phim ngẫu hứng, tự phát thường thấy trong các bộ phim tài liệu.
Có thể thấy, vì Spielberg đã lựa chọn phong cách tài liệu cho tác phẩm của mình do đó ông đã không sử dụng storyboard. Bởi, “việc vẽ kịch bản phác thảo phân cảnh (storyboard) sẽ hạn chế tính sáng tạo và ngẫu hứng bởi diện mạo và cấu trúc của phim đã được quyết định trước khi quay phim”, [6, tr 47].
Với việc không sử dụng kịch bản phân cảnh storyboard, nhà làm phim sẽ phải chọn lựa cách dàn cảnh (Mise-en-scene) và cách lấy cảnh quay (mise- en-shot) mang tính ngẫu hứng. Đây là cách thức dàn dựng điển hình của 1 bộ phim tài liệu, bởi các sự kiện và hành động của nhân vật trong phim tài liệu đều không thể định trước, luôn nằm ngoài sự hình dung và tầm kiểm soát của nhà làm phim. Đối với các đạo diễn phim truyện thì khác, “một bộ phim hư cấu điển hình sẽ dựng cảnh tất cả hoặc hầu hết các sự kiên có trong phim; chúng được thiết kế, sắp xếp, tập dượt quay đi quay lại” [3 tr 174]. Do vậy với việc dàn cảnh và quay phim theo cách thức ngẫu hứng người đạo diễn sẽ phải đối diện với những thách thức mà nhà làm phim tài liệu thường hay gặp phải. Với chọn lựa này, việc không sử dụng storyboard của Spielberg trong 2 bộ phim
Schindler’s List và Saving Private Ryan là một quyết định dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý.
Theo cấu trúc của Spielberg, toàn bộ câu chuyện Saving Private Ryan
được trình bày thông qua điểm nhìn (về quá khứ) của Ryan. Bộ phim bắt đầu từ người đàn ông (Ryan lúc về già) bước vào nghĩa trang để tưởng nhớ đồng đội. Qua ánh mắt nhìn về xa xăm của ông là toàn bộ câu chuyện của quá khứ được kể lại. Khởi đầu từ trận tuyến ngày 06/06/1944 (D-day) trên tuyến lửa Normandy. Tuy nhiên trong cảnh mô tả chiến trận trong quá khứ, Spielberg lại mở đầu bằng cận cảnh của đại úy Miller. Điều này khiến cho khán giả nghĩ rằng ông già trong nghĩa trang chính là Miller nhưng cuối cùng chúng ta mới biết rằng ông già đó thực sự là James Ryan, khi Spielberg sử dụng cảnh mờ chồng cuối phim, chuyển từ hình ảnh Ryan trong quá khứ về lại cảnh hiện tại trong nghĩa trang.
Spielberg đã không sử dụng kịch bản phác họa phân cảnh storyboard khi quay cảnh trận chiến mở đầu phim trên bãi biển Omaha. Từ vài trang kịch bản ban đầu, trận chiến mở màn lẽ ra sẽ có thời lượng vừa phải vì chỉ là nguyên cớ
giao đãi cho mục đích chính của bộ phim (là nhiệm vụ truy tìm và giải cứu Ryan). Kết quả cuối cùng thu được là 26 phút phim quá hoành tráng và khốc liệt, điều này cho thấy sự thiếu thống nhất giữa ý định sáng tác ban đầu và kết quả dàn dựng cuối cùng của đạo diễn; Và trong 26 phút của cuộc chiến ác liệt ấy Miller đã trở thành nhân vật trung tâm cho câu chuyện. Đó là lý do vì sao Spielberg lại xây dựng phần mở đầu phim, trong trận chiến mở màn từ điểm nhìn của nhân vật này (Miller). Spielberg thừa nhận: “Tôi hoàn toàn không biết trình tự (D-Day) sẽ ra sao, bởi vì tôi đã quay toàn bộ bộ phim liên tục không có cốt truyện” [25. tr 464]. Có thể thấy, việc không sử dụng storyboard của Spielberg cũng đồng nghĩa ông đã chọn cách quay phim hoàn toàn mang tính ngẫu hứng-một cách quay đặc trưng của phim tài liệu.
Một điều nữa có thể thấy, tuy Ryan là nhân vật chính của câu chuyện song anh ta lại không phải là nhân vật trung tâm của bộ phim. Ryan khá mờ nhạt xét theo vai trò của nhân vật đối với sự phát triển của truyện phim, “đặc điểm của tự sự cổ điển: Cốt truyện được thúc đẩy bởi nhân vật chính” [7, tr 96]. Tần suất xuất hiện trong phim của Ryan là khá ít, cho đến giữa màn 2 Ryan mới góp mặt, khi nhóm của Miller tìm thấy anh ta tại Ramelle. Trong gần hết hành trình sinh tử của nhóm Miller, Ryan không có sự can dự nào. Ryan vừa là mục đích vừa là nguyên nhân dẫn đến kết cục của câu chuyện. Cho đến cuối của bộ phim, ngoài Ryan ra nhóm của đại úy Miller đã hy sinh gần hết (trong đó có cả Miller), chỉ còn Upham-anh lính tân binh hèn nhát, người gần như trốn chạy khỏi cuộc chiến và Reiben-người từng có hành động đào ngũ còn sống. Về nguyên tắc, Saving Private Ryan hoàn toàn có thể được kể lại từ một trong hai nhân vật này trừ Ryan. Bởi họ là những người đã tham gia từ đầu cho đến khi kết thúc câu chuyện. Ryan không thể kể khi anh ta không hề có mặt trong suốt nửa đầu của bộ phim, từ lúc bắt đầu cuộc đổ bộ tại Omaha. Tuy nhiên thực
tế là Spielberg đã chọn Ryan là người kể lại câu chuyện. Đây là một sự vụng về của Spielberg về mặt cấu trúc của bộ phim.
Saving Private Ryan được Spielberg cấu trúc theo màn. Trừ đoạn mở và kết phim được sử dụng thủ pháp hồi tưởng, còn lại diễn tiến của câu chuyện được mô tả theo đúng hành trình thực thi nhiệm vụ của nhóm Miller, từ lúc bắt đầu trận tuyến tại bãi biển Omaha, cho đến khi tàn cuộc bên chiếc cầu Ramelle. Spielberg đã không tổ chức các sự kiện thành một câu truyện theo chuỗi nhân quả. Đây chính là hình thức phi tự sự thường gặp trong các bộ phim tài liệu, “một dạng khác của phim phi tự sự, phim tài liệu trình bày những sự kiện có thật mà không tổ chức những sự kiện đó như một câu chuyện” [7, tr 102]. Như vậy, qua cấu trúc của Saving Private Ryan chúng ta có thể hiểu được ý đồ dàn dựng phim theo phong cách tài liệu của Spielberg.
Ngược lại với Saving Private Ryan, Spielberg đã dàn dựng Schindler’s List theo cấu trúc 3 hồi cổ điển của Hollywood, diễn tiến câu chuyện theo thời gian tuyến tính. Đây vốn là cấu trúc kể chuyện yêu thích và thường được áp dụng trong hầu hết các bộ phim của ông.
Điểm tương đồng trong cách tự sự của Schindler’s List và Saving Private Ryan đó chính là việc Spielberg đã sử dụng tự sự theo mô hình phát triển đặc trưng từ mở đầu cho đến kết thúc trong cả 2 bộ phim. Sáng tạo độc đáo của đạo diễn được thể hiện qua cách xử lý màu sắc.
Schindler’s List mở phim bằng hình ảnh có màu sắc, mô tả 1 gia đình Do Thái đang hành lễ Shabbat, đó là giây phút hiếm hoi thể hiện sắc màu của cuộc sống trước khi xảy ra sự kiện Holocaust. Khi ngọn nến tắt, màu sắc trong phim hoàn toàn biến mất. Hình ảnh phim chỉ còn lại sắc đen và trắng bắt đầu cho một giai đoạn bi thương thảm khốc trong cốt truyện. Cho đến cuối phim màu sắc mới được trả lại khi sự sống dần trở lại, bắt đầu từ ánh lửa hành lễ mà Schindler đã cho phép các công nhân Do Thái của mình được thực hiện trong nhà máy.
Tương tự, trong Saving Private Ryan sau cảnh mở phim cho thấy một người đàn ông thăm mộ đồng đội trong nghĩa trang, màu sắc của phim bắt đầu chuyển sang sắc màu u ám khi câu chuyện chết chóc của quá khứ hiện về. đến cuối phim khi những biến cố khủng khiếp đã qua, màu sắc trở lại cho màn ảnh