6. Cấu trúc luận văn
3.1 Màu sắc biểu tượng cho sự sống và sự hủy diệt
Schindler’s List là một câu chuyện về những chiều sâu đen tối nhất của loài người, nhưng từ độ sâu tối tăm nhất, những tia sáng trong nhân loại vẫn có thể tỏa sáng qua một thông điệp. Đó là ý nghĩa trọn vẹn và sâu sắc nhất mà người xem cảm nhận được trong cách lựa chọn thẩm mỹ của đạo diễn Spielberg khi ông quyết định quay bộ phim bằng hai màu đen và trắng. Spielberg khẳng định, chính màu đen và trắng đã mang ý nghĩa ẩn dụ cho Holocaust.
Đoạn mở đầu phim: 00:00:25 – 00:01:30 được Spielberg xử lý hình ảnh có màu sắc. Âm thanh của tiếng cầu nguyện vang lên khi ngọn nến được thắp sáng, ánh sáng le lói của nó cho thấy một gia đình Do Thái đang hành lễ Shabbat. Nhưng rồi gần như ngay lập tức nguồn sáng này vụt tắt, để lại một sợi khói mong manh sắp tàn. Đến đây, khi ánh lửa chớm tắt cũng là lúc màu sắc trong phim biến mất, màn hình chuyển sang một sắc màu đen trắng ảm đạm, như thể mọi thứ đều sụp đổ, biến mất. Từ cận cảnh làn khói của ngọn nến mong manh như sợi chỉ, hình ảnh phim chuyển sang cảnh sau cho thấy (một cảnh mờ chồng) cột khói mù mịt của đoàn tàu vừa mới dừng lại ở sân ga.
Nếu tính luôn cả tựa phim xuất hiện ở đoạn mở đầu thì thời lượng của cảnh mở phim chỉ vỏn vẹn một phút 5 giây nhưng qua cách chuyển màu mang tính dẫn dắt, đạo diễn đã cho khán giả liên tưởng về một điều gì đó bất thường, báo hiệu những khoảng tối tiếp theo sau của câu chuyện.
Hình ảnh ngọn nến nhỏ nhoi vụt tắt được thay thế bằng cục khói trắng cũng tượng trưng cho sự hủy diệt của những lò sát sinh gợi cho những khán giả dù đã từng nghe về nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) trước đây vẫn không khỏi bàng hoàng.
Một cảnh nữa rất ấn tượng với người xem được Spielberg sử dụng màu đỏ để tô điểm cho một chi tiết quan trọng, đó là hình ảnh cô bé áo đỏ xuất hiện trong cảnh miêu tả đầy hoảng loạn về sự khủng bố khu ổ chuột Krakow.
Một vấn đề nan giải nhất của Spielberg và toàn bộ bộ phim là làm thế nào có thể lý giải được hành động thay đổi đạo đức của Schindler, từ vị trí một kẻ trục lợi chiến tranh, một con người hoạt bát và khôn khéo, người sử dụng lao động rẻ mạt của người Do Thái làm công cụ kiếm chát, sau đó quyết định cung cấp cho họ một nơi trú ẩn an toàn.
Cảnh phim (01: 05:18 – 01:07:40), Schindler và vợ cưỡi ngựa nhìn từ trên đồi quan sát cuộc thanh trừng đẫm máu tại khu Krakow ghetto. Hình ảnh hiển thị Cận cảnh căng thẳng và kinh hoàng của Schidler khi dõi theo một cô bé áo đỏ từ đâu đó xuất hiện:
Cảnh 1: 01:05:18, từ cận cảnh của Emily lia sang cận cảnh Schindler. Cảnh 2: 01:05:23, toàn cảnh từ trên cao cho thấy cuộc bố ráp của lính
Đức.
Cảnh 3: 01:05:32, cận cảnh Schindler.
Cảnh 4: 01:05:37, toàn cảnh trên cao, xuất hiện một bé gái mặc áo khoát đỏ đi giữa dòng người.
Cảnh 5: 01:05:46 cận cảnh Schindler chăm chú nhìn theo cô bé áo đỏ. Cảnh 6: 01:05:50, toàn cảnh bé gái áo đỏ đi giữa nhóm người Do Thái
và vài tên lính Đức.
Cảnh 7: 01:05:55, cận cảnh Schindler.
Cảnh 8: 01:05:59 – 01:06:15, từ khu nhà bên phải máy lia sang khu nhà bên trái thấy cô bé gái đang đi giữa dòng người.
Cảnh 9: 01:06:20, cận cảnh Schindler nhìn theo cô bé. Cảnh 10: cô bé áo đỏ rẻ vào một ngôi nhà.
Cảnh 12: lính Đức tử hình người Do Thái dưới phố.
Cảnh 13: 01:07:10, cận cảnh Schindler vẫn còn nhìn theo đau đáu. Có thể thấy, Spielberg đã không sử dụng cảnh quay dài trong đoạn phim này mà ông đã áp dụng thủ pháp montage để thể hiện cảnh phim. Ý đồ của ông là thông qua “Việc chia cắt một cảnh phim (scene) thành nhiều cảnh quay (shot) cho phép đạo diễn lôi kéo hoàn toàn sự tham gia của khán giả vào hành động phim”, [6, tr48]. Chúng ta thấy có đến 7 cận cảnh Schindler nhìn ra ngoài khuôn hình (các cảnh 1-3-5-7-9-11-13) được nối tiếp liên tục là các cảnh cho thấy cô bé áo khoác đỏ trong cuộc thảm sát (góc nhìn của Schindler). Cảnh quay từ điểm nhìn chủ quan của Schindler cùng với hướng nhìn của khán giả cho thấy rõ suy nghĩ và tâm trạng của nhân vật. Chính việc chứng kiến tận mắt sự tàn ác của Đức quốc xã đã làm thay đổi những suy nghĩ trong con người Schindler từ đây. Có thể nói cảnh phim thể hiện rõ bước ngoặc thay đổi tư tưởng của nhân vật một cách thuyết phục.
Ở một cảm nhận khác, việc sử dụng montage gợi cho chúng ta nhớ đến trường phái dựng phim nổi tiếng của các nhà điện ảnh Liên Xô trước đây, được các nhà lý luận và cũng là nhà làm phim nổi tiếng như: Lev Kuleshov, Seiger Eisenstein, Vsevold Pudovkin và Dziga Vertov áp dụng và tạo nên những tác phẩm điện ảnh kinh điển thế giới như: Chiến hạm Potemkin, Tháng 10, Mẹ, Người đàn ông với một máy quay phim. “ Đối với S. Eisenstein, các cảnh quay chỉ là nguyên vật liệu thô của việc làm phim. Từ nguyên vật liệu thô này người ta sẽ tạo ra ý nghĩa, thứ vốn không tồn tại sẵn bên trong các nguyên vật liệu thô đó” [12, tr 121]. So với cách dựng phim nối tiếp, chỉ đơn giản là ghép các cảnh quay với nhau thì montage lại dùng dựng phim để tạo ra những ý nghĩa ẩn dụ và mang tính biểu tượng cho các sự kiện được quay, [6,tr 55]. Như vậy có thể thấy cách dựng phim của Spielberg là nhằm tạo ra ý nghĩa ẩn dụ.
Cô bé đã được nhìn thấy từ xa, dường như không ai thực sự chú ý đến cô. Cô bé là cả hữu hình và vô hình bởi những nỗi kinh hoàng không kể xiết xuất hiện xung quanh cô ấy. Nhưng nó nói rằng Spielberg đã chọn cách cá nhân hóa vụ giết hại hàng triệu người Do Thái trong hình hài một đứa trẻ. Cái chết báo hiệu không chỉ là cái chết của sự ngây thơ mà cho cả thế giới loài người.
Ban đầu, Spielberg và tác giả kịch bản Steven Zaillian chỉ dự tính tạo ra hình ảnh “Cô bé mặc áo khoác đỏ” như một chi tiết mang giá trị nghệ thuật. Một chi tiết Rosebud (nụ hồng) trong bộ phim kinh điển Citizen Kane (Đạo diễn Orson Welles), nhắc nhớ cho chúng ta câu chuyện về số phận của con người.
Trong câu chuyện về cuộc đời oanh liệt của nhà tư sản Kane, cho đến lúc chết tay luôn kè kè một quả cầu bằng thủy tinh trong suốt, trong đó có một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ phủ tuyết, miệng mấp máy hai từ “Rosebud! rosebud!” (nụ hồng! nụ hồng!). Lời thốt ra trước khi lìa trần của Kane đã tạo ra bao nghi ngờ, lý giải. Nhà báo Thompson, người nhận trách nhiệm của tòa báo nhằm truy tìm và giải mã câu nói ấy của Kane. Thompson đã gặp rất nhiều người, từ người thân, vợ cũ cho đến các đối thủ của Kane để tìm hỏi song không ai có thể đưa ra những lý giải hợp lý. Cuối cùng, khi Thompson quay về lại lâu đài Xanadu đúng vào lúc người ta đang lập biên bản tài sản của Kane để lại. Giữa đống đồ đạc quý giá, người quản gia đã nhặt ra những thứ vớ vẩn để cho vào lửa. Trong những thứ vớ vẩn đó người ta thấy có chiếc xe trượt tuyết bằng gỗ trên có viết chữ Rosebud. Hóa ra những lời âu yếm Kane thốt ra trước khi từ giã cuộc đời là tên gọi chiếc xe trượt tuyết bằng gỗ mà ông đã mang theo mình từ những ngày thơ ấu.
Điều đó có nghĩa là, giống như tên gọi trong Citizen Kane, Rosebud có tầm quan trọng trung tâm trong việc hình thành tính cách của Kane, nên một thứ tương tự sẽ có ý nghĩa lý giải về tính cách của Schindler, bí ẩn về lý do
Schindler làm những gì ông đã làm. Hình ảnh “Cô bé áo đỏ” do vậy đã mang ý nghĩa biểu tượng cho sự chuyển đổi đạo đức của nhân vật Schindler. Spielberg đã mô tả hợp lý và thuyết phục tâm trạng tan vỡ của Schindler sau khi chứng kiến cái chết của cô bé mặc áo khoác đỏ. Từ đây Schindler đã hiểu rõ hơn về kế hoạch thảm sát người Do Thái của Đức quốc xã. Điều này đã thúc đẩy hành động cứu những công nhân Do Thái của ông.
Giáo sư Andre Caron của đại học Montreal đã tự hỏi phải chăng màu đỏ tượng trưng cho “ Sự vô tội, hy vọng hay màu đỏ của những người Do Thái đang hy sinh trong nỗi kinh hoàng của thời kỳ Holocaust”.
Có thể thấy, màu đỏ của áo khoác cô bé mặc trong phim tượng trưng cho sự ngây thơ, hy vọng hay dòng máu đỏ của người Do Thái. Những chi tiết này kết hợp với ngọn lửa của nến trong lễ kỷ niệm Shabbat xuất hiện ở đầu phim và cả hai bông hoa hồng được đặt trên ngôi mộ của Schindler cuối phim. Chiếc áo khoác màu đỏ, hoa hồng, ngọn lửa và ánh sáng rực rỡ đều đại diện cho sự sống – Một biểu tượng đầy ý nghĩa và nhân văn mà Steven Spielberg đã sử dụng một cách tài tình và thành công trong tác phẩm của mình, chứng tỏ khả năng xuất chúng của ông khi xử lý một đề tài rất khó khăn với mức độ tăng cao, chạm đến mọi giới hạn xấu xa nhất của con người, đó là nạn diệt chủng.
Spielberg cho biết ý đồ thể hiện của cảnh quay “ Cô bé áo đỏ” của ông còn nhằm mục đích tượng trưng cho những nhân vật cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ tuy biết biết đến sự việc Holocaust nhưng đã không làm gì để ngăn chặn. Ông nói: “Rõ ràng là một cô bé mặc áo khoác đỏ đi xuống phố, nhưng không có gì được thực hiện để đánh bom các tuyến đường sắt của Đức. Không có gì được thực hiện để quét sạch lò hỏa táng. Không có gì được thực hiện để làm chậm sự hủy diệt của Do Thái châu Âu”. Ông nói, “Vì vậy, đó là thông điệp của tôi khi để cảnh đó có màu”,[28, tr161-162].
Trước khi vào cảnh kết, sau một số cảnh miêu tả cuộc hành quyết Goeth và tóm tắt cuộc đời của Schindler sau chiến tranh, bộ phim đen trắng lại chuyển sang cảnh có màu, quay những người Do Thái đã được Schindler cứu tại ngôi mộ của ông ở Jerusalem. Spielberg cho biết ông đã nghĩ ra cảnh kết cho bộ phim trong lúc Schindler’s List quay được phân nửa. Đoàn phim đã mời những người Do Thái đã được Schindler cứu sống tham gia vào cảnh phim. Họ sánh bước cùng các diễn viên đóng vai họ. Tất cả đều thành kính đặt các hòn đá lên nấm mộ của Schindler. Đây thực sự là một cảnh quay đầy cảm động, nó thể hiện được ý nghĩa của hành động nhân đạo của Schindler đã mang đến cuộc sống cho những người được ông cứu.
Màu sắc được trả lại cho màn ảnh, thay cho sự ảm đạm đầy bi kịch của câu chuyện kéo dài 3 tiếng đồng hồ nặng nề trên phim. Sự diệu kỳ của những sắc màu thể hiện những giá trị của cuộc sống đang trở lại. Với cách làm này, Spielberg đã đưa câu chuyện trong phim, thế giới hư cấu trong phim trả về với thế giới của thực tế. Giống như lúc vở kịch kết thúc, khi tấm màn nhung khép lại, tất cả các diễn viên sẽ bỏ lại vai diễn của mình để trở lại sân khấu chào từ biệt khán giả. Đấy là lúc mọi hành động kịch của vở diễn chấm dứt, đưa khán giả trở về với cuộc sống thường ngày.
Nhà lý luận điện ảnh người Anh Baldry từng chỉ ra rằng: “Màn bạc phân ly giữa hình ảnh tưởng tượng điện ảnh với thế giới thực, và hình ảnh tưởng tượng điện ảnh tạo nên thế giới trong tưởng tượng” [11, tr 93]. Khán giả thông qua màn bạc nhìn thấy được thế giới tưởng tượng trong phim. Cho dù nhân vật và hình ảnh trên màn ảnh là hư ảo nhưng vẫn được khán giả coi là chân thực. Tuy nhiên qua cách dàn dựng sáng tạo này, Spielberg đã đưa câu chuyện của Schindler từ thế giới tưởng tượng trong phim trả về với thế giới của thực tế và khẳng định giá trị hiện thực cho tác phẩm của mình. Bộ phim thật ấn tượng, để
lại cho khán giả những cảm xúc không dứt về một câu chuyện đã từng diễn ra trong lịch sử.
Đồng thời, với cách làm này, Spielberg đã đưa Schindler’s List vượt qua ranh giới của một bộ phim hư cấu, thể hiện rõ nét đặc trưng của dòng phim tài liệu: “ Một cuốn phim tài liệu thường phản ánh các thông tin có thật về thế giới ngoài phim [3, tr 170], và bởi: “ đối lập với phim tài liệu, phim hư cấu thể hiện những nhân vật, địa điểm hay sự kiện tưởng tượng” [ 3, tr 173]. Đây thực sự là một cách làm phim mới, đầy chất nghệ thuật mà Spielberg đã thể hiện một cách thuyết phục trong một bộ phim về đề tài lịch sử.