6. Cấu trúc luận văn
3.2 Sự tương phản của ánh sáng: Sự đấu tranh thiện – Ác
Nhà quay phim Kaminski đã mô tả chính xác kết cấu hình ảnh phức tạp trong Schindler’s List là: “Sự pha trộn giữa chủ nghĩa biểu hiện Đức và chủ nghĩa Tân hiện thực Ý”. [25, tr 432]
Với chủ nghĩa Tân hiện thực Ý (thời kỳ của những năm 1940, điều Kaminski nhắc đến đấy chính là phong cách hiện thực của bộ phim với máy cầm tay làm chủ đạo cho những cảnh quay linh hoạt và ngẫu hứng; Kết hợp với việc sử dụng chủ yếu nguồn sáng tự nhiên, không phô trương để tạo hình cho phim. Tuy nhiên, với những cảnh thể hiện trực tiếp cuộc đối đầu giữa hai thế lực thiện - ác trong phim mà đại diện là hai nhân vật Schindler và Goeth, các nhà làm phim đã sử dụng một cách chiếu sáng khác hoàn toàn. Phong cách chiếu sáng này được hình thành trên nền tảng của phim Noir có nguồn gốc từ chủ nghĩa biểu hiện Đức. Phương pháp chiếu sáng này được gọi tên là Chiaroscuro (tiếng Ý có nghĩa là cho ánh sáng tối).
Chiaroscuro là một phong cách chiếu sáng sử dụng ánh sáng chủ thấp (Low key lighting), cách chiếu sáng này nhấn mạnh bóng tối và ánh sáng để tạo ra một cảm giác về chiều sâu và độ tương phản của hình ảnh. So với lý thuyết ánh sáng ba điểm đặc trưng của Hollywood, luôn bao gồm: đèn chủ (key
light), đèn bồi (fill light) có tác dụng hỗ trợ cho đèn chủ nhằm xóa bớt những cái bóng do đèn chủ tạo ra và đèn ánh sáng ngược back light) có tác dụng làm tách đối tượng khỏi phông. Trong phim Noir, những đèn chiếm ưu thế nhất là đèn chủ và đèn ngược. Vì vậy phim Noir thường sử dụng các loại ánh sáng cứng (Hard Light) để tạo ra các loại bóng đổ.
Một đặc điểm nữa vẫn thường thấy của phương pháp chiếu sáng Chiaroscuro là nó luôn tạo ra những chiếc bóng đậm ở hậu cảnh nhằm biểu thị mức độ bí ẩn và nguy hiểm của cảnh phim, giúp làm tăng kịch tính của câu chuyện. Như vậy có thể thấy ưu điểm của phương pháp chiếu sáng Chiaroscuro là chúng tạo ra những hình ảnh với độ tương phản cao, mang tính đối kháng giữa vùng ánh sáng và vùng bóng tối, thể hiện được sự so sánh và ẩn dụ một cách trực quan nhất.
Trong Schindler’s List, ngay từ cuộc đối đầu đầu tiên giữa Schindler và Goeth (sau khi y vừa nhậm chức trưởng trại Plaszow). Cảnh phim (01:15:48 – 01:18:16), Schindler và Goeth ngồi uống rượu. Goeth có ý bóc trần về hoạt động kinh doanh của Schindler. Y muốn nắn gân và ra yêu sách với Schindler. Ở cảnh này các nhà làm phim đã sử dụng chiếu sáng Chiaroscuro nhằm cho thấy sự đối nghịch giữa hai người. Theo đó Goeth được bố trí ngồi ở vị trí trong phần bóng tối và Schindler ở phần được chiếu sáng rõ hơn. Ánh sáng chiếu qua bức rèm (một đặc trưng để nhận biết Chiaroscuro), tạo ra những bóng đổ trên bức tường. Những bóng đổ này “vô tình” chia đôi khuôn hình làm tách biệt hai người ở hai khu vực khác nhau. Điều này mang đến cho người xem sự so sánh một cách trực quan về sự đối chọi giữa hai nhân vật, hứa hẹn sự gay cấn và hấp dẫn của câu chuyện tiếp sau.
Cảnh phim (01:09:00 – 01:10:15), lính Đức ào vào khu ổ chuột Krakow ban đêm để càn quét những người Do Thái còn sót lại, đang lẩn trốn trong tòa nhà. Hình ảnh cho thấy từ cầu thang, âm thanh của đàn piano vang lên dồn dập
bởi người lính Đức đang say sưa đánh đàn trong lúc bọn lính Đức đang ào lên cầu thang bắt người. Ánh sáng lặp lòe từ những làn đạn được thể hiện thành những đốm sáng hủy diệt chói mắt cộng với ánh sáng từ những chiếc đèn pin của lính Đức chiếu ập thẳng vào ống kính tạo ra không khí náo loạn của cảnh phim, gây khó chịu cho khán giả. Ánh sáng chủ đặt thấp, cố ý tạo ra những cái bóng của lính Đức in lên tường như những bóng ma. Ánh sáng trong phim ngoài nhiệm vụ chính như chiếu sáng nhân vật, đồ vật, cảnh trí. Thể hiện chiều sâu của không gian, tạo cá tính cho nhân vật (khi quay cận cảnh), thì trong cảnh phim này, ánh sáng đã tăng cường được kịch tính của câu chuyện. Ánh sáng đã tạo ra một không gian đầy hoảng loạn, chết chóc, thể hiện hình ảnh của lính Đức Quốc xã như những lũ quỉ say mau đang tàn sát đồng loại.
Sự kết hợp giữa hình ảnh tối tăm tràn ngập khung hình, ánh sáng hỗn loạn (của lửa đạn, đèn pin), âm thanh chát chúa, tất cả đã tạo nên một thảm cảnh ghê rợn lột tả sự khát máu và mức độ vô nhân tính của những người lính Đức đang say sưa xả súng giết đồng loại.
Đoạn phim (01:46:40 – 01:51:02), nhân vật thủ ác Goeth – đối thủ của Schindler trong câu chuyện phim, là một kẻ có tính khí phức tạp và thất thường. Ẩn sau gương mặt thư sinh là một con người tàn ác. Y có thói quen bắn giết người vô tội. Ngay từ khi mới bước chân đến trại Plaszow, y đã ngang nhiên ra lệnh giết chết cô kỹ sư xây dựng người Do Thái bởi cô dám nói thẳng ra những sai sót của việc xây trại (cho dù sau đó y đã ra lệnh cho thuộc hạ làm đúng với những gì cô kỹ sư vừa cảnh báo). Goeth bắn người vô tội vạ từ ban công buổi sớm, giết hại cậu bé giúp việc, cũng như giết chết người thanh niên chỉ vì mất một con gà. Tuy nhiên, Goeth lại có cảm tình đặc biệt với cô hầu gái Helen Hirsch, người mà hắn lựa chọn ngay khi vừa nhận nhiệm sở.
Đoạn phim (01:46:40 – 01:51:00), được xây dựng nhằm thể hiện bộ mặt độc ác và tâm lý thất thường của Goeth. Nói như nhà tâm lý học Freud thì đây là dạng
người loại người đặc biệt “mâu thuẫn trong tư tưởng”, vừa yêu vừa ghét những ai được họ quan tâm, [10, tr97].
Spielberg đã xây dựng trường đoạn miêu tả tâm lý của Goeth với 3 bối cảnh phim đan xen nhau: Goeth ở nhà/ Schindler vui vẻ ở phòng trà/ Đám cưới của người Do Thái trong trại tập trung:
- 01:46:40, Goeth cô đơn cầm ly rượu trước ban công.
- 01:46:50, Schindler ngồi vui vẻ với các sỹ quan Đức.
- 01:46:59, Goeth đi xuống tầng hầm chứa rượu và bắt gặp Helen ở đó. - 01:47:10, Goeth hậm hực: “Vậy ra đây là chỗ mày trốn tao. Tao đến để nói với mày, mày là một đầu bếp tuyệt vời. Sau chiến tranh, nếu mày cần giấy chứng nhận, tao sẽ cho mày một tấm” - Goeth vừa đi vừa nói vòng quanh Helen như tra khảo cô, hắn nói không dứt.
- 01:47:49, Goeth tiếp tục: “Thế nào, mày có thể có câu trả lời. Hãy cho câu trả lời đúng cho những gì mà mày đang nghĩ. Sự thật luôn là câu trả lời đúng”.
- 01:48:10, Goeth vòng ra sau lưng : “Phải, mày đúng. Đôi khi chúng ta cùng cô đơn”.
- 01:48:30, Goeth tiếng gần, hắn muốn chạm vào người Helen, hắn muốn hôn cô: “Tao rất muốn với tay ta chạm vào mày”.
- 01:48:40, Goeth tiến về phía ống kính, bỏ lại Helen sau lưng: “Vào nỗi cô đơn của mày”.
- 01:48:42, Goeth xoay mặt về Helen: “Như vậy có gì sai không”.
- 01:48:48, Goeth vừa nói vừa đi xa Helen: “Tao thấy mày không phải là người theo đúng nghĩa từ đó, nhưng…”.
- 01:48:56, Goeth xoay người bước đi: “Không có lẽ về chuyện đó, mày cũng đúng”.
- 01:49:02, Goeth nhăn mặt: “Có lẽ điều sai lầm không phải…Không phải chúng ta… Đó là việc này”.
- 01:49:10, Goeth tiếp tục: “Tao muốn nói, khi so sánh mày với Vermin, hay Rodentf hay Lice”.
- 01:49:20, Goeth dừng lại ngay sau lưng Helen, như muốn nuốt chưng lấy cô: “Không, mày làm khá lắm”
- 01:49:37, Goeth chồm người ra trước mặt Helen bàn tay hắn chạm vào những sợi tóc trên gương mặt cô: “Đây là khuôn mặt của kẻ phản bội à. Đây là mắt của kẻ phản bội à. Không phải mắt của dân Do Thái sao?”.
- 01:50:02, Schindler dõi theo tiết mục của cô ca sỹ đang làm động tác vươn tay.
- 01:50:10, Goeth vuốt ve gương mặt Helen, bàn tay hắn chạm vào cơ thể cô.
- 01:50:14, cô ca sĩ ôm lấy gương mặt Schindler. Cô kề gương mặt áp sát anh ta.
- 01:50:20, Goeth chồm người định hôn Helen. - 01:50:24, cô ca sĩ ôm hôn Schindler.
- 01:50:28, Goeth gần chạm vào gương mặt Helen, hắn chợt dừng lại: “Không, tao không nghĩ thế. Mày là đồ chó Do Thái. Mày đã suýt nói với tao chuyện đó, phải không Helen”.
- 01:50:40 (Cảnh đám cưới của người Do Thái), đặc tả một chiếc bóng đèn được cuộn trong chiếc khăn và bị đạp nát.
- 01:50:42, chú rể Do Thái giơ chân đạp bể bóng đèn. - 01:50:44, Goeth tát Helen.
- 01:50:45, Schindler và mọi người vỗ tay khi tiết mục của cô ca sĩ vừa dứt.
- 01:50:48, Goeth tiếp tục tát Helen. - 01:50:50, Schindler hôn gió cô ca sĩ. - 01:50:51, Goeth xô ngã Helen.
- 01:50:52, mọi người vui vẻ chúc phúc nhau trong đám cưới - 01:50:53, Goeth tát Helen.
- 01:50:54, mọi người chúc phúc nhau trong đám cưới. - 01:50:56, Goeth tát liên tục vào mặt Helen.
- 01:50:58, cô dâu và chú rể hôn nhau giữa tiếng vỗ tay chúc mừng. - 01:50:59, Goeth xô đẩy tủ rượu xuống đất.
Để làm tăng kịch tính của tình huống, Spielberg đã dàn dựng ba hành động ở ba khu vực khác nhau (Goeth ở nhà hành hạ Helen/ Schindler vui vẻ cùng cô ca sĩ và sĩ quan Đức ở phòng trà/ Đám cưới tràn đầy hạnh phúc của đôi trẻ người Do Thái trong trại tập trung). Việc lồng ghép các đoạn phim này cho khán giả chứng kiến sự mâu thuẫn về hành động và cảm xúc của ba sự kiện cùng lúc, có tác dụng vừa so sánh vừa ẩn dụ. Điểm chung về hình thức tạo hình của cả trường đoạn này là đạo diễn đã sử dụng cách chiếu sáng Chiaroscuro đầy tương phản để thể hiện kịch tính cho đoạn phim.
Ánh sáng của bối cảnh nhà Goeth được chiếu sáng thành từng điểm sáng tối xen kẽ (phần tối vẫn chiếm chủ yếu), khi nhân vật di chuyển qua từng vị trí sẽ nhận được sự thay đổi sáng tối liên tục, tạo sự đáng ngờ. Gương mặt của Goeth luôn nhận được phần chiếu sáng theo tỷ lệ 50/50 cho thấy tính phức tạp trong con người y.
Với bối cảnh phòng trà, ánh sáng chủ đạo được thiết kế theo luồng sáng của đèn sân khấu (đèn Follow, tác dụng bám theo cô ca sĩ trong tiết mục biểu diễn). Nguồn sáng mạnh này cũng hoàn toàn contrast với phần tối còn lại trong khán phòng. Tuy nhiên, khi cô ca sĩ liên tục tiếp cận với Schindler, ánh sáng chiếu vào Schindler giống như vầng hào quang bao phủ nhân vật.
Còn với đám cưới trong trại, ánh sáng được chiếu tập trung vào gương mặt sáng ngời của cô dâu và chú rể, thấy được vẻ hạnh phúc đang dâng trào của đôi trẻ.
Hậu cảnh tuy tối nhưng được phụ trợ bởi vài điểm sáng nhỏ nhoi, vẫn thể hiện sự tù túng ngột ngạt của họ song le lói có nguồn sáng hy vọng cuối đường hầm.
Có thể thấy cách chiếu sáng cho cả 3 cảnh phim này đã tạo ra những vùng tối sáng đầy tương phản, mâu thuẫn thể hiện được tâm trạng khác biệt của từng nhân vật, giúp cho khán giả có thể xâu chuỗi để tự cảm nhận câu chuyện một cách trọn vẹn và thuyết phục. Sự đối lập giữa các nhân vật, thể hiện sự đấu tranh giữa điều thiện và cái ác trong từng tình huống của cảnh phim.
Đoạn phim (02:17:09 – 02:19:12), Schindler và Itzhak Stein ngồi cả đêm để thiết lập danh sách những người Do Thái mà họ sẽ cứu. Công việc đấu tranh để dành lại sự sống khỏi tội ác diệt chủng Holocaust đã được nhà làm phim thể hiện qua mức độ tương phản cao của ánh sáng. Phương pháp chiếu sáng chỉ sử dụng duy nhất một ngọn đèn xuất hiện trong bối cảnh, luồng sáng hướng đến Itzhak cùng chiếc máy chữ đang vội vã gõ tên từng người vào danh sách. Mảng đen còn lại của bối cảnh được kết hợp bởi hiệu ứng của khói (do Schindler hút thuốc liên tục suốt đêm) giống như một luồng hào quang bao phủ quanh Schindler, chiếu sáng rõ và nhấn mạnh cho hành động hành thiện của anh ta. Cách xử lý ánh sáng đầy chủ ý nghệ thuật của các nhà làm phim đã tạo được cảm xúc vừa hồi hộp cho khán giả lại vừa thể hiện được sự tôn vinh đối với hành động đạo đức của Schindler.
Đoạn phim 02:25:26, đoàn tàu chở những người Do Thái đến Auschwitz để thực thi biện pháp cuối cùng. Hiệu quả ánh sáng được thiết lập trong cảnh quay từ nguồn sáng hiệu quả của ngọn đèn pha của trạm gác. Ánh sáng mạnh và trực diện, quét tới quét lui, thậm chí chiếu thẳng vào ống kính máy quay đã tạo ra mức độ chênh lệch sáng rất cao. Vùng được chiếu sáng thì lóa sáng,
những vùng tối thì gần như không thể nhận diện khiến cho khán giả rất khó chịu khi xem phim. Bởi khi ấy mắt người xem sẽ luôn phải điều tiết để có thể nhận diện được hình ảnh phim. Nguồn sáng mạnh duy nhất từ đèn pha cũng khiến làm nổi bật cảnh tuyết rơi, giúp cho khán giả có thể cảm nhận được mức độ khắc nghiệt của thời tiết lạnh giá mà những người Do Thái đang phải gánh chịu. Đây là bằng chứng có giá trị tố cáo tội ác không thể dung thứ mà Đức Quốc xã đã gây ra cho loài người.