Thực trạng tổ chức thực hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố hà nội​ (Trang 62 - 67)

3.1.1 .Tổng quan về thành phố Hà Nội

3.2. Thực trạng về Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

3.2.2. Thực trạng tổ chức thực hiện

Khi chính sách BHTN có hiệu lực, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã nhanh chóng chỉ đạo 02 Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở thành lập phòng Bảo hiểm thất nghiệp.

Để thuận lợi cho người lao động cũng như giản tiện trong công tác thực hiện chính sách BHTN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố cho ra đời các quy trình liên ngành phù hợp với quy định tại các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN như: quy trình liên ngành số 320/LĐTBXH-BHXH ngày 15/3/2010; số 874/LĐTB-BHXH ngày 02/6/201; số 1093/LĐTBXH-BHXH ngày 21/6/2012

và quy trình liên ngành số 2582/LĐTBXH-BHXH ngày 11/11/2013.

Khi Luật Việc làm 2013 ra đời, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP và Thông tư số 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN được ban hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã nhanh chóng giao Trung tâm DVVL thuộc Sở phối hợp với BHXH Thành phố sửa đổi quy trình liên ngành cho phù hợp với các văn bản hiện hành về BHTN (hiện nay là quy trình liên ngành số 3748/QT-LĐTBXH-BHXH ngày 15/9/2019).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với BHXH Thành phố và với các cơ quan khác có liên quan để chia sẻ thông tin, phối hợp giải quyết thủ tục hồ sơ BHTN và quản lý lao động trên địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện các biểu hiện vi phạm pháp luật như: khai báo tăng giảm lao động tại doanh nghiệp, đăng ký thang bảng lương, số lượng lao động tham gia BHXH, BHTN, bắt buộc doanh nghiệp công khai danh sách lao động trong doanh nghiệp.

Để tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách BHTN trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ năm 2014, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm DVVL Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục và tạo thuận lợi cho người lao động khi giải quyết quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như tổ chức thực hiện Đề án: “Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công về BHTN” tại Trung tâm DVVL Hà Nội theo Quyết định đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 01/7/2014.

Sau khi hợp nhất 02 Trung tâm DVVL theo quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 19/01/2017 của UBND thành phố Hà Nội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong việc chủ động linh hoạt trong công tác sắp xếp, bố trí các vị trí làm việc cho cán bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác phối kết hợp về chuyên môn, nghiệp vụ, giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện công việc.

Kể từ ngày 11/3/2017, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội tại văn bản số 498/TB-LĐTBXH ngày 03/3/2017 theo Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 28/02/2017 của UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm DVVL Hà Nội đã kịp thời triển khai và phân công bố trí nhân sự tại các điểm Tiếp nhận và trả kết quả làm việc sáng thứ 7 hằng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời thông tin tuyên truyền đến người lao động.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn thành phố, tại TTDVVL Hà Nội đội ngũ cán bộ thực hiện BHTN được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, phổ biến chính sách pháp luật mới có liên quan, tập huấn pháp luật lao động, Luật việc làm và các Nghị định thông tư có liên quan, tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, quy trình xử lý và giải quyết các phát sinh vướng mắc, quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết BHTN theo quy trình 1 cửa, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử và ý thức trách nhiệm, rèn luyện thái độ phục vụ cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ trực tiếp thực hiện giải quyết chính sách BHTN;

Hiện nay, ngoài các trụ sở của Trung tâm DVVL Hà Nội tại Yên Hòa và Hà Đông, việc tiếp nhận và trả kết quả BHTN còn được triển khai tại Minh Khai và 13 Điểm tiếp nhận, Sàn GDVL vệ tinh (trừ điểm Hoài Đức) tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ trong việc giải quyết thủ tục BHTN.

Các thủ tục hành chính đều được công bố công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết tại Trung tâm DVVL Hà Nội cũng như tại các điểm tiếp nhận giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Các nội dung cấu thành thủ tục hành chính đều được quy định rõ ràng, chi tiết, giúp người lao động và người sử dụng lao động thuận tiện trong việc theo dõi và thực hiện; thường xuyên được rà soát để bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng thực hiện thủ tục cũng như không phát sinh chi phí của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.

Trước đây, chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội có 03 chế độ với 11 thủ tục hành chính, bao gồm: Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp; chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp (chuyển đi); chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp (chuyển đến); giải quyết hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng. Hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, tuy nhiên cũng chỉ có 11 thủ tục hành chính (bỏ thủ tục đăng ký thất nghiệp theo quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội và bổ sung thủ tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động). Việc sửa đổi quy định này nhằm đơn giản hóa quy trình thực hiện, giảm thiểu thời gian và kinh phí cho người lao động mà vẫn đảm bảo tính chính xác trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Thực trạng triển khai và phối hợp

Có thể nói công tác triển khai BHTN được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Thành phố, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Liên đoàn Lao động Thành phố,...trong việc tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nhân sự, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh.

Các cơ quan, ban, ngành đều xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như sau:

- Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: tập trung công tác khảo sát, nắm tình hình thực hiện chính sách lao động, bảo hiểm thất nghiệp, công tác quản lý lao động để có các điều chỉnh về chính sách, quy trình tổ chức thực hiện hợp lý.

- Đối với Bảo hiểm xã hội Thành phố: tập trung công tác rà soát đối tượng thu, quy trình thu, quy trình chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

- Đối với Sở Tài chính: tập trung hướng dẫn cụ thể về nội dung chi, mức chi, phương thức chi cho các hoạt động bảo hiểm thất nghiệp đặc biệt là hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và các hoạt động liên quan tại trung tâm dịch vụ việc làm từ nguồn kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

- Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư: tiếp tục hình thức trao đổi thông tin nắm tình hình biến động các đơn vị trên địa bàn, tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kiểm soát tình hình đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị.

- Đối với Sở Nội vụ: tập trung công tác hướng dẫn, rà soát đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với cơ quan sự nghiệp nhà nước trên địa bàn, hướng dẫn về vị trí việc làm đối với nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.

- Đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động: tập trung nắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động, người sử dụng lao động để có các điều chỉnh về mặt chính sách, quy trình thực hiện, công tác tuyên truyền phù hợp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động và hạn chế khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp.

- Đối với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất: phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và phối hợp tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp cho người làm công tác bảo hiểm thất nghiệp trong các đơn vị hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố .

- Đối với chính quyền đoàn thể quận, huyện, thị xã: gắn kết với Uỷ ban nhân dân, các quận/huyện/thị xã và phường/xã là nơi nắm rõ nhất tình hình biến động và sử dụng lao động của các đơn vị trên địa bàn là biện pháp hữu hiệu để có các hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố, Liên đoàn lao động Thành phố và các cơ quan có liên quan trong công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp: phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các Quận, Huyện, Thị xã; xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm tại một số Quận, Huyện, Thị xã,… Trong công tác tổ chức thực hiện và chia sẻ thông tin về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp: thường xuyên trao đổi và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, xây dựng phương án kết nối dữ liệu chia sẻ thông tin về thu, chi và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; xác minh thông tin trong quá trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Thành phố thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp giải quyết thủ tục hồ sơ BHTN… nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu việc phải đi lại cho NLĐ khi giải quyết và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố hà nội​ (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)