Ứng dụng Phê bình Hậu thực dân trong nghiên cứu thể loại tự thuật và du kí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp du hành trình nhật ký của phạm quỳnh dưới góc nhìn nghiên cứu văn hóa (Trang 51 - 54)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.Ứng dụng Phê bình Hậu thực dân trong nghiên cứu thể loại tự thuật và du kí

Mối quan hệ giữa thể loại tự thuật (autobiography), trong đó có du kí (travelogue hoặc travel writing) với vấn đề chủ nghĩa nữ quyền (feminism) và chủ nghĩa thực dân (Colonialism) đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình nửa sau thế kỷ XX cho đến nay. Các nhà nữ quyền cho rằng cách thức trần thuật truyền thống đã bị thể loại hoá, trở thành một thể loại mang tính nam (masculinist genre). Cách thức trần thuật này được thiết lập dựa trên khuynh hướng thiên về miêu tả hành động, chiến công của nhân vật hay sự tự khám phá trí tuệ của bản thân. Nhân vật chính thường là tinh hoa của cả cộng đồng, mang lại danh tiếng, sự tự hào cho cộng đồng. Trong khi đó, vấn đề thân thể con người, lao động sản xuất, trẻ con, những mối quan hệ riêng tư, mật thiết của cá nhân chỉ đóng vai trò yếu tố làm nền và thường vắng mặt. Sự lãng quên hoặc thể hiện có tính bóp méo về người phụ nữ do vậy, đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của lý thuyết về sự tự tái hiện (self-representation). Thể loại tự thuật do vậy, có mối quan hệ chặt chẽ với vấn đề bình đẳng giới trong văn học.

Trong luận án tiến sĩ “Văn du kí nửa đầu thế kỉ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học” (2015), Nguyễn Thị Thúy Hằng đã chỉ ra ở các nước phương Tây, việc nghiên cứu văn du kí cũng bắt đầu khá muộn và một phần quan trọng được kích thích bởi các lý thuyết hậu thực dân và lý thuyết diễn ngôn. Đúng vậy, ở phương Tây, trong những thập kỉ gần đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu văn học du kí từ các lý

thuyết này, thí dụ như: Diễn ngôn của sự khác biệt: một nghiên cứu về văn học du kí

của nữ giới và chủ nghĩa thực dân (Discourses of Difference: An Analysis of Women's Travel Writing and Colonialism, Sara Mills, NXB Routledge, 1991), Viết, du hành và đế chế: tự sự thực dân về các nền văn hóa khác (Writing, Travel and Empire: Colonial Narratives of Other Cultures, Peter Hulme và Russell McDougall, NXB I.B.Tauris &

(Literature, Travel, and Colonial Writing in the English Renaissance, 1545-1625, Andrew Hadfield, 2007) hay Lí thuyết hậu thực dân và thể loại tự thuật (Postcolonial Theory and Autobiography, David Huddart, NXB Routledge, 2008). Văn du kí của phương Tây có những đặc trưng riêng, phản ánh quá trình thâm nhập, phát hiện thế giới, xâm nhập thế giới và thể hiện cái nhìn thực dân của người phương Tây đối với thế giới bên ngoài phương Tây. Trong khi đó, văn du kí ở Việt Nam có một lịch sử riêng, nhưng văn du kí nửa đầu thế kỷ XX có nhiều điểm khác với du kí truyền thống, nguyên nhân cơ bản là văn du kí hiện đại của kiểu tác giả mới đã diễn tả tư tưởng và cảm xúc mới của lớp người sống trong kiểu xã hội khác thời trung đại, dưới ảnh hưởng văn hóa, văn học phương Tây.

Trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, khi xã hội Việt Nam đòi hỏi phải mở rộng, phá bỏ những giới hạn của tầm nhìn để có nhiều điều kiện giao lưu, tiếp xúc với những nền văn minh mới mẻ thì thể loại văn học du kí thường phát triển rất mạnh mẽ. Bởi vì đặc điểm của du kí là ghi chép hiện thực nhưng dựa trên cảm xúc và cái nhìn trực quan của người viết, nên thể tài văn học này thường có sự phát triển mạnh mẽ và năng động nhất trong những giai đoạn đòi hỏi có cái nhìn mới về văn hóa - xã hội. Du kí thường xuất hiện trong các giai đoạn lịch sử có sự đứt gãy, có khoảng trống cần bù đắp. Vượt xa tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, du kí có điều kiện ghi chép được nhiều điều từ thực tế và văn minh tiến bộ các nước phương Tây.

Dựa vào phương pháp luận trong công trình Đông phương luận do Edward W.

Said chỉ ra, có thể nhận thấy mỗi tác phẩm tự thuật, du kí được sáng tác trong các xã hội thực dân hay thuộc địa đều giống như một diễn ngôn văn hóa – chính trị. Trong cuốn sách của mình, Said đã phân tích và chỉ ra tính chính trị của các không gian khác nhau, sự chiếm hữu không gian lãnh thổ đã trở thành vấn đề nhức nhối của quyền lực. Đặt vào thực tế dân tộc ta, có thể thấy các tác phẩm du kí ra đời từ ban đầu cho đến những năm 1930 đều phản ánh một quá trình tất yếu của dân tộc Việt. Đó là sự khát khao mở rộng giao lưu, tìm đến những tiến bộ phương Tây và khẳng định bản sắc dân tộc từ trong cốt tủy. Các xã hội thuộc địa như Việt Nam đều có nhu cầu thoát khỏi sự

áp chế của thực dân và mong muốn thoát khỏi tâm lí của một dân tộc nhược tiểu. Dân tộc buộc phải vừa giữ gìn và xây dựng được màu sắc văn hóa của riêng mình, lại vừa phải mở cửa, giao lưu với nước ngoài. Đó là cách để vừa khám phá được chính bản thân mình, lại có thể mở ra con đường tìm ra biển lớn, phát triển một xã hội có sự vận động, giao lưu, thông thương giữa các vùng. Chính vì khát vọng đó, nên trong các tác phẩm du kí của nước ta, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thế kỉ XX bao giờ cũng có sự

khám phá, mở rộng, tìm đến những chân trời mới.

Chủ nghĩa thực dân đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều sáng tác du kí trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Trong đó, các sáng tác du kí Phạm Quỳnh đã thể hiện rõ nét những ảnh hưởng của tư tưởng này theo nhiều chiều hướng phức tạp: có cả xu hướng đồng hóa lẫn kháng cự. Trong những chuyến công du sang nước ngoài, đặc biệt là sang Pháp, Phạm Quỳnh đã xây dựng nước Pháp là một điển hình mẫu mực của văn minh, là một huyền thoại thiêng liêng của thực dân phương Tây mà các nước thuộc địa yếu kém cần phải học tập. Tư tưởng này được tô đậm qua các tác phẩm như:

Pháp du hành trình nhật kí, Thuật chuyện du lịch ở Paris. Từ việc tiếp cận văn minh Tây phương, Phạm Quỳnh đã ghi chép một cách chi tiết, cẩn thận và mong muốn đưa được những văn minh Pháp quốc về với đất Việt. Bên cạnh đó, với những tác phẩm du

kí viết về cảnh sắc quê hương, đất nước như: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kì,

Trảy chùa Hương…, ông đã thể hiện sâu sắc niềm tự hào dân tộc, những giá trị căn bản, truyền thống của dân tộc Việt đều được bảo tồn trước sức mạnh thực dân. Trong những trang du kí của Phạm Quỳnh, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được khôi phục và lưu giữ: “tinh thần được cảm cái hồn xưa của loài giống, thân thể gội được cái khí thiêng của núi sông” [20, 69]. Ông đã say sưa ca ngợi hồn thiêng sông núi, tinh thần tự hào dân tộc được toát lên từ trong từng trang viết, để “muốn hiểu tâm hồn người Việt Nam, muốn biết sức mạnh của cổ điển trong nước, muốn thấu được tôn chỉ cao thượng của tư tưởng nước Nam…thì tất phải đã hằng giờ đi dạo chơi thơ thẩn trong mấy chốn bồng lai tiên cảnh, là những lăng tẩm của các vị đế vương đời xưa, như lăng vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức” [59, 543]. Đây chính là thái độ đầy trách nhiệm với vận mệnh nước nhà, với văn hóa dân tộc của vị học giả tài

ba của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Có thể nói, Pháp du hành trình nhật kí là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho sự ảnh hưởng phức tạp của tư tưởng thực dân lên du kí Phạm Quỳnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp du hành trình nhật ký của phạm quỳnh dưới góc nhìn nghiên cứu văn hóa (Trang 51 - 54)