Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng quy trình chế biến phân bón hữu cơ sinh học từ bã dong riềng tại xã xuân vân, huyện yên sơn, tỉnh tuyên quang​ (Trang 36 - 38)

3. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài

3.1. Điều kiện tự nhiên

Xuân Vân là một xã miền núi nằm ở trung tâm cụm phía bắc thuộc khu vực thượng huyện Yên Sơn, dọc theo trục đường tỉnh lộ 185 (nay là quốc lộ 2C, chạy song song với dòng sông Gâm), cách tỉnh lỵ Tuyên Quang 22 km, cách huyện lỵ Yên Sơn 17 km. Phía bắc giáp 2 xã Quý Quân và Lực Hành, phía nam giáp với xã Tân Long, phía đông giáp với xã Trung Trực, phía tây giáp với xã Phúc Ninh. Xuân Vân nằm trong hệ thống núi thuộc vòng cung Lô - Gâm, trải dọc hai bên bờ sông Gâm, bởi vậy hàng năm nhận được một lượng phù sa tương đối lớn, tạo nên một vùng đất bồi dọc theo hai bờ sông Gâm rất thuận lợi cho việc trồng trọt. Có lẽ đây chính là lý do vì sao mà cây trái nơi đây quanh năm luôn xum xuê, tươi tốt, phong phú và đa dạng.

Về địa hình, so với các vùng trong huyện, Xuân Vân là một xã thuộc vùng trung du bán sơn địa, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam, độ cao trung bình từ 280m - 650m so với mặt nước biển. Đất đai của xã chia thành ba phần rõ rệt:

Phần địa hình núi cao thuộc các thôn: Vông Vàng 1, Đèo Mủng, Khuôn Khán, Lương Trung, Đô Thượng 3, Đô Thượng 5, Đồng Dài.

Phần địa hình núi thấp và đất đồi thuộc các thôn: Vông Vàng 2, An Lạc, Tân Sơn, Vân Giang, Đô Thượng 1+2 +4 +6, Sơn Hạ 1+2+3 +4.

Phần địa hình đất bồi tụ và soi bãi thuộc các thôn: Soi Hà, An Lạc, Soi Đen, Soi Éo.

Bên cạnh đó, có chỗ địa hình phân bổ không đều, xen kẽ nhau giữa vùng đất cao và đất thấp. Có nhiều con suối nhỏ đổ ra sông Gâm. Tất cả các vùng đồi, núi này xưa kia đều là rừng rậm, có nhiều thú dữ như hổ, báo… và nhiều loài chim quý, nhiều loài gỗ quý như lim, lát, trò… Hiện nay, rừng tự nhiên của Xuân Vân không còn, song với cơ chế mới, Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Vân đã và đang đẩy mạnh phong trào trồng rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi

trọc, nhằm phát triển kinh tế, cân bằng hệ sinh thái môi trường cũng như làm đẹp thêm cảnh quan nơi đây.

Xuân Vân có loại hình đất đai khá phong phú. Trước hết vì nằm ở vị trí địa lý dọc theo sông Gâm nên xã có hệ thống đất bồi, phù sa rất rộng lớn, tập trung chủ yếu ở các thôn Vông Vàng 2, An Lạc, Soi Hà, Vân Giang. Đây là loại đất thích hợp trồng màu như ngô, lạc, đậu tương, dong riềng và các cây hoa màu ngắn ngày.Thứ hai, là loại đất được bồi tụ lắng đọng đất màu từ các thung lũng, sau đó được người dân cải tạo làm ruộng lúa nước. Loại đất này được phân bổ rải rác trên toàn xã, trong đó, nơi nhiều nhất phải kể đến là ở các thôn: Sơn Hạ, Đô Thượng, Đèo Mủng… Thứ ba, là loại đất núi thấp và đất đồi, tập trung ở các thôn Vông Vàng, Quang Trung, An Lạc, Tân Sơn… Đất này thích hợp trồng cây công nghiệp, trồng rừng như keo, mía, bạch đàn. Cuối cùng là loại đất núi cao, loại đất này tuy có diện tích ít hơn so với các xã xung quanh nhưng cũng đảm bảo vai trò làm vành đai bảo vệ rừng đầu nguồn, cung cấp nước tưới cho việc trồng lúa và các loại hoa màu khác.

Cả bốn loại trên tổng hợp lại có thể phân ra 2 thành phần chính là: Đất thịt và đất sét chiếm ưu thế chủ yếu chiếm 60%. Đất Ferarít và FeS (đất đá biến chất do cấu tạo núi hình thành) chiếm 40%.

Về thủy văn, địa bàn xã có con sông Gâm chảy theo hướng bắc nam dọc theo trung tâm xã. Sông Gâm chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân các làng xã Xuân Vân. Sông Gâm không những tạo điều kiện giao thông đường thuỷ, cung cấp tưới tiêu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, dòng sông Gâm còn tạo ra cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp góp phần phát triển du lịch.

Với vị trí địa lý như trên, khí hậu của Xuân Vân một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, chia thành hai mùa nóng ẩm và khô lạnh rõ rệt. Mùa nóng ẩm từ cuối tháng ba đến đầu tháng mười. Mùa khô lạnh từ tháng mười đến tháng ba năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 20oC đến 25oC. Những năm rét đậm, có nhiệt độ xuống thấp 8oC. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.600mm – 1.700mm. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm dao động

60% đến 80%. Hướng gió chủ yếu là gió Đông Nam vào mùa nóng ẩm và gió Đông Bắc mùa khô lạnh.

Như vậy, tính chất xen kẽ giữa hai mùa khô lạnh và nóng ẩm mưa nhiều diễn ra rất rõ nét ở Xuân Vân. Điều kiện khí hậu nói trên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng nó cũng gây không ít khó khăn cho đời sống nhân dân. Mùa lũ lụt gây sạt lở đất ven sông Gâm, các triền núi cao, gây ngập lụt thiệt hại hoa màu, gia súc gia cầm. Đôi khi thiệt hại đến tính mạng và tài sản người dân. Mùa khô lạnh gây nên hạn hán trở ngại cho cây trồng vật nuôi [11].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng quy trình chế biến phân bón hữu cơ sinh học từ bã dong riềng tại xã xuân vân, huyện yên sơn, tỉnh tuyên quang​ (Trang 36 - 38)