Nhân vật nữ đứng trước những biến cố lớn trong cuộc đời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong mảng kịch khai thác truyện dân gian của lưu quang vũ (Trang 41 - 46)

7. Kết cấu luận văn

2.2. Nhân vật nữ đứng trước những biến cố lớn trong cuộc đời

Cuộc đời mỗi con người giống như một dòng sông uốn lượn. Trên thế gian không có dòng sông nào thẳng tắp chảy ra biển. Số phận con người trôi chảy qua nhiều bến bờ ghềnh thác, cuộc sống chẳng bao giờ dễ dàng với mỗi chúng ta và chẳng bao giờ có con đường nào dẫn tới hạnh phúc mà không trải qua những gian lao thử thách . Sống là một hành trình dài và rộng ở đó luôn có hạnh phúc, niềm vui và cũng có những biến cố không thể biết trước như một sự an bài định mệnh của số phận. Dòng sông ngay cả khi êm đềm tĩnh lặng cũng có thể nổi sóng gió dữ dội, cuộc đời mỗi con người có thể đã có được hạnh phúc bình yên nhưng có thể vẫn gặp nhiều biến cố phía trước.Đó là những sự việc, sự kiện xảy đến bất ngờ ngoài sự mong đợi, dự tính của con người, làm ảnh hưởng lớn lao tới cuộc đời và số phận của họ. Tìm hiểu thế giới nhân vật nữ trong mảng kịch khai thác truyện dân gian của tác giả Lưu Quang Vũ, có một điều dễ nhận thấy các nhân vật nữ chính trong tác phẩm thường phải trải qua nhiều biến cố thăng trầm trong cuộc đời. Ngay cả khi vượt qua những éo le trắc trở trong tình yêu có được hạnh phúc, họ vẫn phải đứng trước những biến cố lớn. Thậm chí có những biến cố đẩy họ vào nghịch cảnh trái ngang khiến họ rơi vào bi kịch, không có lối thoát.

Thanh trong Linh hồn của đá là một số phận đầy bi kịch. Tình yêu sắt son và sự thủy chung đợi chờ của cô sau bao năm xa cách Vịnh những tưởng sẽ được đền đáp bằng cuộc hôn nhân hạnh phúc. Những tưởng mười năm vợ chồng êm đềm hạnh phúc sẽ là trái ngọt của một tình yêu đẹp của hai người.

Nhưng một biến cố dữ dội ập đến khiến cho số phận họ trở thành bi thảm. Tình cờ biết được sự thật Thanh là người em gái thất lạc bao nhiêu năm, Vịnh như chết lặng, anh không thể chịu nổi điều đau đớn này. Anh hét lên trong đau khổ:“Giời ơi, sao lại có thể như thế được? Sao ông trời ghê gớm đến mức sắp đặt ra những chuyện khủng khiếp dường này? Em gái tôi, vợ tôi là em gái tôi! Khủng khiếp! Khủng khiếp! …Tôi mắc vào tội lỗi khủng khiếp! Sao trời lại không giết tôi ngay?...Trời ơi! Có ai trên đời khổ như tôi, đáng chết như tôi?”[46,tr.18]. Sự thật nghiệt ngã oan trái trong câu chuyện tình yêu của hai người được tác giả Lưu Quang Vũ mượn từ tích truyện “Sự tích đá vọng phu” trong dân gian đã từng khiến nhiều người rơi lệ. Đến Linh hồn của đá người đọc một lần nữa xót xa cho bi kịch tình yêu của Thanh và Vịnh. Rõ ràng biến cố kinh hoàng này khiến cho số phận họ thay đổi lớn lao. Vịnh đau khổ chạy trốn sự thật, tìm quên trong men rượu, nhưng rượu cũng không khiến anh nguôi quên vì nỗi đau khổ quá lớn. Anh bơ phờ đau khổ, và nhận ra không còn cách nào khác là phải rời xa Thanh, rời xa cuộc hôn nhân ngang trái éo le này. Thanh lại chờ đợi mỏi mòn, sự chờ đợi tuyệt vọng bởi Vịnh không bao giờ trở về. Sự đợi chờ thủy chung đằng đẵng năm tháng khiến mẹ con nàng hóa thành đá- đá vọng phu, như minh chứng cho một bi kịch tình yêu đau xót thấm tận đáy lòng:

“Em chờ anh, em chờ anh Chuyện buồn đau trên biển xanh

Người đàn bà mong chồng Đã hóa thành tượng đá Sóng ngàn năm còn vỗ Hòn vọng phu bên trời Vẫn ngóng về biển cả xa xôi

Vẫn đợi chờ bên biển cả xa xôi” [46,tr 38]

Biến cố lớn lao của cuộc đời ập đến khiến Thanh hóa đá vọng phu đợi chờ, còn đối với Thảo trong Ông vua hóa hổ biến cố cuộc đời cũng khiến cô phải đánh đổi bằng mạng sống của mình để cứu chồng.

Từ một tráng sĩ, võ sư luyện tay cung, đường kiếm nơi xóm nhỏ ven thành, vì nghĩa lớn nước non, người anh hùng áo vải Từ Đạo Hạnh đã dẫn dắt nghĩa binh, khởi quân dựng luỹ xây thành, quét sạch lũ hôn quân vô đạo giúp cho muôn dân thoát khỏi cảnh lầm than. Vì khao khát sức mạnh chiến thắng kẻ thù, Từ Đạo Hạnh đã uống vũng nước xanh để có được sức mạnh muôn người không địch nổi - sức mạnh của hổ - bất chấp lời nguyền sẽ bị biến thành hổ dữ. Đổi lấy sức mạnh thì phải mang thân trả nợ, nên dù làm đến nghiệp đế vương, Đạo Hạnh không thể thoát khỏi món nợ năm xưa. Đặc biệt quan điểm trị dân hà khắc bằng hình phạt nhiều hơn nhân nghĩa đã nhanh chóng kiến Đạo Hạnh không còn là chính mình. Khi Đạo Hạnh ngồi lên ngai vàng cũng là lúc lời nguyền kia trở thành sự thật. Kinh hoàng nhìn xuống cơ thể mình đang dần hoá thành hổ dữ với những lớp lông vằn vện, mặt vua biến dạng, mắt long lên, chân tay mọc móng vuốt co quắp, Đạo Hạnh đau đớn, hoảng hốt, sợ hãi trong hình hài hổ dữ mà trái tim vò xé nát tan, ân hận xót xa. Không còn đâu vị vua oai phong, thay vào đó là hình hài hổ dữ đang cào xé thân mình, lăn lộn, cố chống trọi lại sự biến dạng sang kiếp thú của chính thân thể mình, tiếng nói xen lẫn tiếng gầm gào tuyệt vọng: “Gương mặt của ta đâu? Hình dáng của ta đâu/ Cho ta được là ta/ Cho ta được trở lại chính mình” [47, tr.26]. Những ngày bình yên đã hết, hạnh phúc chưa được bao lâu thì biến cố như một nỗi kinh hoàng này ập đến với ngay chính bản thân Thảo. Không thể nhìn nhà vua bị đoạ đày, cô Thảo - hoàng hậu đã lặn lội đường xa nguy khó để tìm phương thuốc lành chữa bệnh cho vua thoát nạn đau đớn trong thân hình hổ hung dữ. Để cuối cùng Thảo phải lấy máu của mình, mạng sống của mình đuổi hổ trong người Từ Đạo Hạnh.

Chỉ có tình thương, mạng sống, đó là máu của người thân yêu mới cứu được Từ Đạo Hạnh nên người vợ hiền đã nguyện hy sinh thân mình để Đạo Hạnh được làm người và máu từ thân Thảo đã ướt đẫm áo choàng mong cứu chồng qua cơn nguy biến. Hình ảnh đọng lại ấn tượng khó quên nhất và cũng đẹp nhất chính là lúc đức vua mang lốt hổ oằn mình trong nỗi đau tự thiêu đốt chính mình bằng thứ dầu đỏ thẫm từ tấm áo choàng quấn trên lớp cọp đang bùng cháy dữ dội để rũ sạch những con hổ con đang cố bấu víu, không muốn bứt ra khỏi cơ thể vằn vện. Giữa tiếng gầm đau đớn dữ dội của loài thú thoát xác là tiếng tụng kinh niệm Phật của Nguyễn Minh Không và ánh mắt chan chứa yêu thương mong ngóng của Thảo với hi vọng Đạo Hạnh vượt qua tai họa. Từ trong tro bụi lửa thiêu, Đạo Hạnh được làm người trở lại, xóa tan giấc mộng thống trị bạo tàn của loài ác thú. Nơi dòng máu của người con gái dịu hiền đổ xuống, những ngọn cỏ đã xanh trở lại. Thảo đã hoá thành cỏ biếc, cây cỏ yêu thương, cỏ của lòng nhân ái.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, công diễn lần đầu tiên năm 1987, sau đó được diễn lại nhiều lần trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người. Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba bị chết oan. Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba vào một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú và người khác. Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình. Có thể nói Trương Ba đã chết một cách vô lí, ai cũng biết cái chết của Trương Ba là do sự vô tâm và tắc trách của

Nam Tào. Nhưng sự sửa sai của Nam Tào và Bắc Đẩu theo lời khuyên của Đế Thích nhằm trả lại công bằng cho Trương Ba lại đẩy Trương Ba vào một nghịch cảnh vô lí hơn là linh hồn mình phải trú nhờ trong thể xác của kẻ khác. Do phải sống nhờ thể xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu hiển nhiên của xác thịt. Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay vì phải sống mượn, chắp vá, tạm bợ và lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác thịt thô phàm của anh hàng thịt mà trái lại còn bị cái xác thịt ấy điều khiển. Đáng sợ hơn, linh hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt anh đồ tể. Đó là một biến cố lớn không chỉ của riêng trong cuộc đời Trương Ba, đó cũng là biến cố đối với những người thân trong gia đình ông: Vợ Trương Ba, chị con dâu, cái Gái.

Biến cố dữ dội khiến vợ Trương Ba buồn bã, đau khổ. Gặp nghịch cảnh trái ngang bà không thể quen nổi chồng mình trong xác anh hàng thịt trẻ tuổi mới chỉ ngoài ba mươi. Trước sự đổi thay của chồng, bà cũng không sao chịu nổi, bà đau khổ vì bất lực: “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”[21, tr.411]. Nỗi đau hiện tại còn kinh khủng hơn giây phút bà tiễn thân xác chồng khỏi thế gian. Bà càng khó xử hơn khi chị hàng thịt suốt ngày sang đòi chồng. Buồn bã và đau khổ bà nhất quyết đòi bỏ đi, nhường Trương Ba cho cô vợ anh hàng thịt. Với bà “đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được… còn hơn là thế này” [21,tr. 411]

Chị con dâu trong câu chuyện là người hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông khổ lắm,“khổ hơn xưa nhiều lắm” [21,tr.414]. Nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình “như sắp tan hoang ra cả” khiến chị không thể bấm bụng mà đau, chị đã thốt thành lời nỗi đau đó: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày

thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nối có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…” [21, tr.415]

Cái Gái- đứa cháu Trương Ba yêu mến đứng trước biến động lớn lao này thì phản ứng quyết liệt và dữ dội. Tâm hồn tuổi thơ vốn trong sạch, không chấp nhận sự tầm thường, dung tục nên không chấp nhận người ông trong thể xác anh hàng thịt thô lỗ. Cái Gái với tâm hồn tính cách trẻ con giờ đây đã không cần phải giữ ý. Nó một mực khước từ tình thân “tôi không phải là cháu ông… Ông nội tôi chết rồi” [21, tr.412].Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có “bàn tay giết lợn”, bàn chân “to bè như cái xẻng” đã làm “gãy tiệt cái chồi non”, “giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong mảnh vườn của ông nội nó. Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cu Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó,“Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy”[21,tr.413]. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự cự tuyệt xua đuổi quyết liệt: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”[21,tr.413].

Nhân vật nữ trong mảng kịch khai thác truyện dân gian của Lưu Quang Vũ phần lớn là những nhân vật bi kịch. Cho dù được yêu thương ,tìm được tình yêu đích thực và có lúc những tưởng hạnh phúc đã đến với họ nhưng những biến cố cuộc đời lại không buông tha cho họ. Những biến cố ấy khiến số phận họ thay đổi, thậm chí có nhân vật phải đối diện với cái chết, sự ra đi mãi mãi. Tuy nhiên điều khiến người đọc trân trọng mến yêu họ đó là khi đứng trước những biến cố, những ngang trái éo le của cuộc đời, họ đã thể hiện rõ những vẻ đẹp phẩm chất tâm hồn, nhân cách của mình. Đó là một trong những giá trị nhân văn chiều sâu của kịch Lưu Quang Vũ nói chung và kịch khai thác truyện dân gian của Lưu Quang Vũ nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong mảng kịch khai thác truyện dân gian của lưu quang vũ (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)