7. Kết cấu luận văn
3.2. Khắc họa nhân vật thông qua hành động kịch
Arixtôt từng quan niệm: “Kịch là hành động”. Kịch phản ánh cuộc sống một cách cụ thể và trực tiếp qua hành động của nhân vật. Hành động là phương thức thể hiện chủ yếu của kịch. Nhà viết kịch tư duy bằng hành động, tìm cách
sắp xếp trình tự các hành động kịch sao cho dễ hiểu và hợp lý. Ăng-ghen trong thư gửi cho Minna Kaoxka có viết: “Khuynh hướng tư tưởng phải tự toát ra từ tình huống và hành động, chứ không phải do tác giả nói toạc ra”[13,tr.44]. Tổ chức hành động kịch là tổ chức những hình thức, những lớp đối thoại giữa các nhân vật nhằm xây dựng tính cách nhân vật, miêu tả mâu thuẫn, giải quyết xung đột, qua đó gửi gắm tư tưởng – tình cảm của tác giả.
Do đặc trưng thể loại, khi xem một nhân vật kịch, người ta thường lưu ý đến hai mặt hành động bên ngoài và hành động bên trong của nhân vật đó. Hành động bên trong được bộc lộ kín đáo qua hành động bên ngoài, qua lời nói, cử chỉ, việc làm của nhân vật. Đồng thời khi quan sát những hành động bên ngoài, người xem hiểu được những suy nghĩ, tính toán, cân nhắc, đấu tranh tư tưởng kín đáo ở bên trong tâm hồn nhân vật. Điều hiển nhiên là hành động bên ngoài và hành động bên trong của nhân vật luôn có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, phức tạp và đa dạng. Có nhân vật thì suy nghĩ và hành động thống nhất với nhau, lại có những nhân vật nghĩ một đằng làm một nẻo, tự mâu thuẫn với chính mình. Đặt cá nhân con người vào trung tâm quan sát và thể hiện, nhà văn đã từ số phận, tính cách, đường đời của họ mà soi chiếu trở lại lịch sử và xã hội để từ đấy khơi mở những vấn đề triết lý nhân sinh.
Nhìn chung, trong mảng kịch khai thác truyện dân gian, để góp phần xây dựng nhân vật nữ, Lưu Quang Vũ luôn triển khai tổ chức hành động kịch dựa trên chất liệu hiện thực, lấy sự đa dạng của cuộc sống đời thường làm nền. Tác giả chú ý lựa chọn kiểu kết cấu hành động kịch chặt chẽ, phù hợp, dẫn dắt hành động kịch thống nhất tạo nên giá trị thẩm mỹ cho những kịch bản được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía khán giả. Thông qua hành động kịch, người xem hiểu được nhân vật, từ đó hiểu được quan niệm của nhà viết kịch về con người, về tình yêu, về hạnh phúc, về lẽ sống làm người.
Có thể thấy trước tiên ở nghệ thuật xây dựng kịch Lưu Quang Vũ việc xây dựng hành động kịch hợp logic. Hành động từng lúc của nhân vật tương ứng với những nhiệm vụ từng lúc mà nhân vật phải giải quyết. Hành động kịch gắn với các mâu thuẫn xã hội và tính cách, thể hiện thành các hành động, biến cố của nhân vật, tạo thành cơ sở của cốt truyện kịch. Trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã tạo được hành động kịch tập trung, logic, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hành động bên ngoài và hành động bên trong. Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, thể hiện được sự phát triển của tình huống kịch. Chẳng hạn như bà vợ Trương Ba là người phụ nữ hiền lành, chất phác nhưng cũng dám cầm liềm lên Thiên đình đòi lại công bằng vì chồng mình vô cớ mà chết. Dù tin tưởng chồng nhưng trước sự thay đổi của Trương Ba thì bà dần thất vọng, khóc lóc và còn muốn bỏ đi thật xa. Chị con dâu luôn thấu hiểu, thông cảm cho ba chồng nhưng cũng thốt ra tự đáy lòng sự lo lắng khi nhận ra sự mất mát, lệch lạc, mờ dần của người ba chồng đáng kính. Đặc biệt là cái Gái, trước đây yêu quý, thân thiết với ông nội bao nhiêu thì bây giờ lại tỏ ra căm ghét, xua đuổi bấy nhiêu. Tất cả đều phù hợp với sự thay đổi của hoàn cảnh một cách tự nhiên.
Bêlinxki nói: “Mọi hành động trong một kịch bản đều hướng về một mục đích, một ý đồ”. Điều thứ hai có thể thấy ở các vở kịch khai thác truyện dân gian đặc điểm chung là có kết cấu hành động kịch chặt chẽ, thống nhất trong việc thể hiện chủ đề. Kịch của Lưu Quang Vũ không phải là một mớ hành động vụn vặt, lẻ tẻ, không ăn nhập gì với nhau mà mọi hành động kịch đều xoay việc phục vụ cho tư tưởng chủ đề. Bởi vì nếu tư tưởng cốt lõi của kịch bản chỉ được phát biểu qua miệng một nhân vật thì người xem sẽ quên ngay tư tưởng đó. Hành động kịch dù mang tính chất đúng hay sai, tốt hay xấu đều dẫn đến những hành động phản xạ, phản ứng lại; quá trình đó diễn ra liên tiếp cho đến khi xung đột chính được giải quyết. Phan Trọng Thưởng nhận xét rằng trong kịch của
Lưu Quang Vũ: “Mỗi người, mỗi hành vi đều được đặt vào hoàn cảnh thích hợp để nhân vật tự bộc lộ” [14,tr.351]. Trong vở Lời nói dối cuối cùng, Cuội cố gắng thực hiện một loạt mẹo lừa, mục đích là để giúp đỡ những con người nhỏ bé bất hạnh. Nhưng vì Cuội hành động dối trá nên chẳng những không giúp được người khác mà chính Cuội lại rơi vào bế tắc. Hành động của Cuội đã tạo ra hành động phản ứng của Lụa - người con gái mà Cuội yêu thương nhất, cô nghĩ nếu Cuội nói dối cả thế gian, ắt sẽ có một ngày nào đó, Cuội dối lừa cô. Do đó, cô không thể chấp nhận những hành động dối trá triền miên của Cuội. Lụa mong muốn một phương cách hành động trung thực hơn, để bản chất người trung thực không bị tha hóa,để cuộc sống thực sự tốt đẹp và công bằng khi con người không còn phải đối mặt với những điều dối trá. Khi biết Cuội muốn cứu mình khỏi đám cưới với công tử Lãn –người mà cô khinh ghét thì cô đã đi theo Cuội. Nhưng khi nhận ra những trò lừa bịp dối trá của Cuội, cô cũng cương quyết ra đi từ bỏ Cuội và chốn phồn hoa kinh kì để trở về quê, chọn lối sống giản dị nhưng chân thật, được là chính mình và sống bằng đôi bàn tay mình. Thông qua các hành động của Lụa cho thấy cô là người cương quyết đấu tranh cho sự thật và lòng trung thực. Cũng thông qua sự sắp xếp chuỗi hành động xuyên suốt kịch bản, đặc biệt của cả nhân vật Cuội và Lụa, Lưu Quang Vũ muốn khẳng định rằng mọi kiểu dối trá đều gây ra hậu quả khó lường; đồng thời ông cũng chia sẻ với người xem một quan niệm về mục đích và phương tiện hành động. Theo ông, con người không thể lấy mục đích để biện minh cho phương tiện, mục đích càng cao quý thì phương tiện hành động càng phải hướng tới tính chất chân, thiện, mỹ. Nêú không thì con người không bao giờ có thể thực sự vươn tới điều cao cả, tốt đẹp. Lưu QuangVũ là vậy, đằng sau cái vẻ giản dị của các lớp kịch, các hành động kịch thường gửi gắm một lớp ý nghĩa sâu sắc.
Thứ ba, hành động kịch trong các vở kịch dân gian của Lưu Quang Vũ không chỉ bộc lộ tính cách nhân vật mà còn cho thấy tác động của các sự kiện, biến cố, của hoàn cảnh khách quan đến mỗi cá thể trong cuộc sống. Mỗi tính cách đều là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể. Trong vở Ông vua hóa hổ, khi Đạo Hạnh rơi vào tình cảnh đau đớn, hoảng hốt trong lốt hổ mà trái tim vò xé nát tan, ân hận xót xa thì không ai còn nhận ra vị vua oai phong lẫm liệt ngày nào. Mọi người run sợ và xa lánh, tuy nhiên Thảo vẫn kiên nhẫn ở bên cạnh chồng động viên an ủi Đạo Hạnh. Tuy nhiên, không thể nhìn chồng bị đoạ đày đau đớn trong lốt hổ dữ, Thảo đã lặn lội đường xa nguy khó để tìm phương thuốc lành chữa bệnh chồng. Thảo không quản khó khăn tìm đến người bạn năm xưa là Nguyễn Minh Không nơi núi thẳm, rừng sâu về cứu người trên ngôi cao trong thân xác hùm beo đã không còn nói được tiếng người. Thậm chí nàng nguyện sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để cứu chồng. Hoàn cảnh ngang trái éo le đã khiến Thảo trở thành người phụ nữ bản lĩnh, hành động cương quyết, dũng cảm.
Như vậy có thể thấy rõ trong mảng kịch khai thác truyện dân gian của Lưu Quang Vũ, tác giả đã xây dựng hành động kịch hiệu quả để thể hiện rõ nét phẩm chất tính cách và số phận nhân vật, trong đó có nhân vật nữ. Từ đó, thể hiện rõ tư tưởng chủ đề của vở kịch.