7. Kết cấu luận văn
2.3.2. Sự chung thủy và đức hi sinh cao cả trong tình yêu
Tình yêu là điều kì diệu của nhân loại. Tình yêu đem lại cho con người những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống. Tuy nhiên, tình yêu cũng luôn cần được bồi đắp nuôi dưỡng từ phía hai người. “Tình yêu là một ông vua mà sự chung thủy là chiếc vương miện” (Danh ngôn). Tình yêu sẽ không còn ý nghĩa nếu như thiếu đi lòng chung thủy. Hay nói cách khác, sự chung thủy là phẩm chất đẹp đẽ và cần thiết của một tình yêu đích thực. Sự son sắt một lòng một dạ trong tình yêu luôn được ca ngợi ở mọi thời đại, được lưu truyền và giáo dục như một phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi con người. Phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn được đề cao
ca ngợi ở sự chung thủy, đức hi sinh trong tình yêu. Họ sống trọn vẹn với tình yêu và hạnh phúc gia đình, không điều gì có thể lay chuyển được:
-“Đôi ta như rượu với nem Đang say ngây ngất, ai dèm chớ xa”
-“Mưa rơi gió tạt vô thành
Đôi ta chồng vợ, ai dỗ dành đừng xiêu”
Qua mọi thời kì, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với vẻ đẹp chung thủy giàu đức hi sinh còn sáng mãi trong tâm hồn chúng ta như một niềm tự hào. Có nhiều câu chuyện, tích chuyện ngợi ca về lòng chung thủy của người phụ nữ Việt Nam như truyền thuyết về đá Vọng Phu, cổ tích Trầu cau… Dù các câu chuyện trên chỉ mang tính dân gian truyền miệng nhưng cho thấy tình yêu son sắt luôn là mối tình đẹp được người đời ngợi ca tôn vinh.
Như đã nói ở trên, trong các tác phẩm kịch của mình, tác giả Lưu Quang Vũ luôn có một cái nhìn trìu mến đối với nhân vật nữ. Trong mảng kịch khai thác từ tích truyện dân gian, nhiều nhân vật nữ mang vẻ đẹp tâm hồn tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam rất đáng tự hào. Họ không chỉ có tâm hồn trong sáng, lương thiện, trung thực, họ còn chung thủy giàu đức hi sinh trong tình yêu. Họ gây ấn tượng mạnh mẽ và để lại ấn tượng tốt đẹp với người đọc về những phẩm giá ấy, họ là Thanh trong Linh hồn của đá, Thảo trong Ông vua hóa hổ, vợ Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt…
Lấy cảm hứng từ cốt truyện cổ tích “Hòn vọng phu”, tác giả Lưu Quang Vũ đã dựng lại bi kịch tình yêu của nàng Tô Thị tên Thanh bồng con chờ chồng hóa đá. Vở kịch Linh hồn của đá đã lấy đi nước mắt người đọc người xem bởi bi kịch tình yêu đầy đau xót của Thanh - Vịnh, đồng thời đậm tô và khắc sâu vẻ đẹp của tình yêu chung thủy sắt son của người phụ nữ. Thanh – nhân vật nữ chính của truyện – một cô gái nghèo chăm chỉ ở xóm Đá đã đem lòng yêu người
lính tên Vịnh. Tình yêu mới chớm nở thì hoàn cảnh buộc họ phải xa cách. Tiếp tục lên đường, Vịnh mang theo lời hẹn ước với Thanh, mong ngày trở về để kết duyên cùng nàng. Chiếc vòng đá hoa cương Thanh trao cho Vịnh là một vật làm tin quý giá với tâm nguyện: “Con gái nhà thợ đá, không nói lời không thật bao giờ. Em sẽ chờ đợi. Dù một năm, hai năm, dù mười năm” [46, tr.8]. Đó là những lời hẹn ước tự đáy lòng của người con gái:
“Em chờ anh. Em chờ anh
Vầng trăng khuyết, vầng trăng tròn Đêm mưa rơi, ngày nắng lóa
Em chờ anh, em chờ anh Giữa cát bay, bên sóng dữ Mùa nước dâng, mùa gió trở Lòng em như đá chẳng phai mòn Em chờ anh, em chờ anh
Dù trăng tàn, dù biển cạn Em chờ anh
Anh hãy trở về” [46, tr.8]
Tình yêu với Thanh cho dù mới chớm nở nhưng đã thực sự sâu đậm. Cho dù trong xóm có nhiều chàng trai đến ngỏ ý nhưng cô kiên định từ chối. Trước lời cầu hôn của anh Gụ và cả Chĩnh, cô kiên quyết sắt đá: “Ông im đi! Ai cho phép ông nói những điều độc địa. Anh ấy sẽ về, chồng tôi sẽ về…”, “Tôi không cần sắt, không cần gỗ. Tôi xin các anh hãy để tôi yên, để tôi yên. Anh ấy sẽ về…”[46, tr.11-12]
Không gì có thể làm mờ nhạt tình yêu sắt son Thanh dành cho Vịnh. Thời gian gần hai năm đã trôi qua, giặc dã đã yên, trai tráng ai còn sống đã lục tục trở về, già Quỹ tỏ ý lo lắng cho sự chờ đợi vô vọng của con. Nhưng Thanh lòng lim dạ đá giữ vững niềm tin ngày Vịnh trở về.
Sự chờ đợi thủy chung ấy đã được đền đáp, Vịnh trở về sau lấm láp bom đạn chiến tranh. Họ nên nghĩa vợ chồng. Mười năm họ sống trong hạnh phúc để rồi sự thật ngang trái đã xảy ra khi Vịnh tình cờ biết được người vợ mà mình vô cùng yêu quý lại chính là người em gái ruột đã thất lạc bao nhiêu năm. Bi kịch giằng xé trong tâm hồn khiến Vịnh đau đớn đến mức không thể chịu nổi. Anh luôn tự trách mình “Tôi đã làm thể xác của em đau, giờ đây tôi lại xé nát tâm hồn em bằng hành động nhơ nhớp” [46, tr.18]. Quyết chôn chặt bí mật để không làm Thanh phải gục ngã và đau đớn, Vịnh đã bỏ đi khỏi xóm Đá không một lời từ biệt. Một lần nữa Thanh chờ đợi đằng đẵng, mỏi mòn. Ngày ngày, mẹ con Thanh đều ra bến đứng chờ mòn mỏi, mong một ngày chồng sẽ trở về với tình yêu bền bỉ không phai mờ. Sự chờ đợi đến tuyệt vọng, hai mẹ con Thanh hóa thành tượng đá: “Em chờ anh, em chờ anh… Để không bao giờ mất đi, để còn chờ anh mãi, em hóa thành tảng đá bên biển xanh. Nhưng em không chết, linh hồn em lặn vào trong đá lạnh. Anh có nhớ lời xưa ta vẫn nói: Mọi thứ qua đi chỉ đá là còn lại. Để được làm người, em phải hóa thành tảng đá chờ mong. Bao nỗi đau hóa đá trên đời. Đá là sự thật của người, sự thật lặng im khong nói nên lời. Đá ở khắp nơi. Không phải chỉ em đâu, mỗi tảng đá trên cõi thế gian này là một hồn người hóa đá, một linh hồn người đã đợi, đã chờ mong…”[46, tr.40]
Bi kịch tình yêu của Thanh và Vịnh và câu chuyện Thanh ôm con chờ chồng hóa đá mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trên dải đất hình chữ S của chúng ta, có bao dáng núi vọng phu, bao nhiêu người phụ nữ đã thủy chung chờ chồng hóa đá. Hình ảnh mẹ bồng con đó đã biểu tượng cho đức tính thủy chung cao
đẹp của người phụ nữ Việt, hi sinh chịu đựng, một đời tận tụy, lo âu khổ cực trăm chiều vì chồng con. Họ tự nguyện hi sinh không cầu được đền đáp bởi họ sống nặng tình nặng nghĩa.
Nhân vật Thảo trong Ông vua hóa hổ lại chịu đựng bi kịch khác, nhưng đứng trước những biến cố éo le của cuộc đời, ở cô vẫn bộc lộ vẻ đẹp của người phụ nữ thủy chung son sắt, sự hi sinh quên mình cho chồng –Từ Đạo Hạnh. Đạo Hạnh từ một tráng sĩ, võ sư luyện tay cung, đường kiếm nơi xóm nhỏ ven thành, vì nghĩa lớn nước non, người anh hùng áo vải đã dẫn dắt nghĩa binh, khởi quân dựng luỹ xây thành, quét sạch lũ hôn quân vô đạo giúp cho muôn dân thoát khỏi cảnh lầm than.Vì khao khát sức mạnh chiến thắng kẻ thù, Từ Đạo Hạnh đã uống vũng nước xanh để có được sức mạnh muôn người không địch nổi - sức mạnh của hổ - bất chấp lời nguyền sẽ bị biến thành hổ dữ. Đổi lấy sức mạnh thì phải mang thân trả nợ, nên dù làm đến nghiệp đế vương, Đạo Hạnh không thể thoát khỏi món nợ năm xưa. Lúc chiến thắng khải hoàn, ngồi trên cương vị hoàng đế là lúc lời nguyền hóa hổ thành hiện thực. Đạo Hạnh kinh hoàng nhìn xuống cơ thể mình đang dần hoá thành hổ dữ với những lớp lông vằn vện, mặt biến dạng, mắt long lên, chân tay co quắp. Niềm kinh hãi truyền khắp châu thân, mỗi thớ thịt, đường gân quặn lên nhức nhối như sắp vỡ tung, đầu lạnh buốt mà thân mình nóng rực. Đạo Hạnh rơi vào tình cảnh đau đớn, hoảng hốt trong lốt hổ mà trái tim vò xé nát tan, ân hận xót xa. Không ai còn nhận ra vị vua oai phong, thay vào đó là hình hài hổ dữ đang cào xé thân mình, lăn lộn, cố chống trọi lại sự biến dạng sang kiếp thú của chính thân thể mình, hai tay chống xuống đất như dáng hổ, tiếng nói xen lẫn tiếng gầm gào tuyệt vọng. Tuy nhiên chịu đựng bi kịch đó đâu chỉ mình Đạo Hạnh mà còn cả người vợ hiền đã cùng chàng đi qua bao gian khó cuộc đời. Những ngày bình yên đã hết, nỗi kinh hoàng như giấc chiêm bao, không thể nhìn chồng bị đoạ đày, Thảo đã lặn lội đường xa nguy khó để tìm phương thuốc lành chữa bệnh
cho vua thoát nạn đau đớn trong thân hình hổ dữ. Thảo không quản khó khăn tìm đến người bạn năm xưa là Nguyễn Minh Không nơi núi thẳm, rừng sâu về cứu người trên ngôi cao trong thân xác hùm beo đã không còn nói được tiếng người. Thậm chí nàng nguyện sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để cứu chồng:
“Thảo:
- Làm người một mình ư? Để làm gì? Để cho ai? Và có thực sự mãi mãi lánh xa tất cả được không? Có làm người thực sự được không, nếu dửng dưng với mọi niềm đau khổ? Minh Không, xin chàng hãy cứu Từ Đạo Hạnh, điều đang diễn ra còn khủng khiếp hơn cả cái chết…Xin chàng…
-“Dù thân này phải chết, để chàng được làm người, để ngọn cỏ trong vườn xanh trở lại…” [47,tr.45-46]
Chỉ có tình thương, mạng sống, đó là máu của người thân yêu mới cứu được Từ Đạo Hạnh nên người vợ hiền đã nguyện hy sinh thân mình để Đạo Hạnh được làm người. Máu từ thân Thảo đã ướt đẫm áo choàng với mong muốn cứu chồng qua cơn nguy biến. Giữa tiếng gầm đau đớn dữ dội của loài thú thoát xác là tiếng tụng kinh niệm Phật của Nguyễn Minh Không và ánh mắt chan chứa yêu thương mong ngóng của Thảo với hi vọng Đạo Hạnh vượt qua tai họa. Từ trong tro bụi lửa thiêu, Đạo Hạnh được làm người trở lại, xóa tan giấc mộng thống trị bạo tàn của loài ác thú. Nơi dòng máu của Thảo - người con gái dịu hiền thủy chung giàu đức hi sinh đổ xuống, những ngọn cỏ đã xanh trở lại. Nàng đã hoá thành cỏ biếc, cây cỏ yêu thương, cỏ của lòng nhân ái, của sự hi sinh và sắt son:
“Em nguyện là lá cỏ
Cho người em yêu được trở lại làm người Em làm cỏ không lời
Cho chàng là tiếng nói Em làm cỏ lãng quên
Cho trí nhớ con người còn mãi
Không chịu chết dưới thẳm sâu đất tối
Em hóa thành sắc cỏ để yêu thương” [47, tr.53]
Nhân vật vợ Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt lại bị đẩy vào sự éo le ngang trái đặc biệt. Người phụ nữ này tự dưng mất chồng vì sự tắc trách của Nam Tào Bắc Đẩu. Tình cờ đốt nén hương được lên trời biết chồng mình chết oan vì nhầm lẫn của Nam Tào Bắc Đẩu, đau đớn xót xa trước cái chết vô lí của người chồng, bà đã một mực đòi Nam Tào Bắc Đẩu trả quyền sống lại cho chồng mình:
- “Vợ Trương Ba: Chết! Các ông có biết chết là thế nào không? Các ông đã phải mất người thân bao giờ chưa?
… Chao ôi, chồng tôi… Các ông bắt chồng tôi chết được thì các ông cũng phải làm chồng tôi sống lại được! Trả chồng tôi đây! [21,tr.343] Vở kịch còn gây kịch tính sau khi hồn Trương Ba sống lại nhập vào xác anh hàng thịt dẫn tới “vụ tranh chấp” chồng của vợ Trương Ba với người vợ anh hàng thịt. Cả hai bà đều không muốn chấp nhận cái chết của chồng, đều mong muốn con người kia vừa được trả cho sống lại kia là chồng mình. Khi hồn Trương Ba được sống “hợp pháp” trong xác anh hàng thịt, mọi sự càng trở nên rắc rối hơn. Ông Trương Ba- người chồng mà bà thương yêu rất mực nay mang hình vóc của người hành thịt đã hoàn toàn thay đổi. Vợ Trương Ba không thể đối diện với sự thật này, bà đau khổ: “ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa” [21,tr.411]. Người vợ của Trương Ba dù rất mực yêu thương chồng, nhẫn nhịn, giàu lòng vị tha nhưng cuối cùng vẫn rơi vào sự bế tắc. Nhưng trước sự đổi thay của chồng, không tìm thấy con người Trương Ba trước kia, bà đau xót không sao chịu nổi. Nỗi đau hiện tại còn kinh
khủng hơn giây phút bà tiễn thân xác chồng khỏi thế gian.Cuối truyện Trương