Khắc họa nhân vật thông qua xung đột kịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong mảng kịch khai thác truyện dân gian của lưu quang vũ (Trang 70 - 76)

7. Kết cấu luận văn

3.1. Khắc họa nhân vật thông qua xung đột kịch

Pha-đê-ép cho rằng “xung đột là cơ sở của kịch”. Điều đó cho thấy đặc trưng tiêu biểu của kịch là tạo dựng các xung đột kịch. Xung đột kịch chính là hình thức hiện thực khách quan thông qua các mâu thuẫn. Những vấn đề của đời sống được cô đọng, trưng cất ở các xung đột mà qua đó nhân vật tự thể hiện rõ nhất tính cách, tâm hồn mình, chuyển tải được tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Một vở kịch hấp dẫn là một vở kịch có xung đột ngày càng phát triển gay gắt thể hiện sự đấu tranh giữa các khuynh hướng, giữa các nhân vật, hoặc bên trong một nhân vật, được giải quyết một cách hợp lí thể hiện rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Xung đột kịch thường xảy ra ở ba hình thức:

Một là, xung đột xuất phát từ những nguyên nhân ở ngoài con người như bệnh tật, thiên tai.

Hai là, xung đột giữa con người và quyền lợi hay với những quan hệ mang tính ràng buộc như gia đình, tình bạn, tình yêu, đạo đức, phẩm giá, giai cấp, tổ quốc.

Ba là, xung đột trong nội tâm, những xung đột lý tưởng xuất phát từ đấu tranh nội tâm của bản thân nhân vật.

Kịch của Lưu Quang Vũ thường xảy ra ở hai hình thức xung đột chính, đó là xung đột giữa con người với quyền lợi, với quan hệ mang tính ràng buộc như gia đình, tình bạn, tình yêu, đạo đức, phẩm giá, giai cấp và xung đột nội tâm. Ở các vở kịch của ông, con người thường xuất hiện với vai trò là chủ thể cuộc sống cùng những đòi hỏi về quyền sống tốt đẹp hơn, quyền được yêu, quyền được hạnh phúc và mong muốn vươn tới những giá trị cuộc sống cao đẹp hơn.

Từ sự phân loại trên, có thể xếp các vở kịch khai thác truyện dân gian của Lưu Quang Vũ vào các hình thức xung đột như sau:

+ Xung đột giữa cái tốt và cái xấu hay thiện và ác như vở: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời nói dối cuối cùng, Ông vua hóa hổ

+ Xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh như vở: Linh hồn của đá.

Cùng trong những xung đột đó thì con người – nhân vật nữ trong kịch của ông được thể hiện rõ nét, đầy đủ tính cách và phẩm chất. Dù xấu hay tốt họ luôn trăn trở đấu tranh để bảo vệ chân lí, hoàn thiện mình, giữ gìn phẩm giá tốt đẹp của mình.

Trước hết ở hình thức xung đột giữa cái tốt và cái xấu hay cái thiện và cái ác, có thể thấy rõ nét ở 3 vở kịch: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời nói dối cuối cùng Ông vua hóa hổ.

Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt tác giả Lưu Quang Vũ rất khéo léo xây dựng các xung đột lồng ghép, xung đột này là cơ sở để nảy sinh và đưa đẩy xung đột khác đẩy nó đến cao trào, khiến cho vở kịch biến hóa, linh hoạt và giàu kịch tính. Truyện có các xung đột: Có xung đột của hồn và xác (xung đột trong nội tâm nhân vật Trương Ba), có xung đột giữa cái tốt và cái xấu (giữa vợ Trương Ba, chị con dâu và cái Gái với Trương Ba trong hình hài xác hàng thịt)… Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi chỉ bàn đến hình thức tổ chức xung đột giữa cái tốt và cái xấu để nhân vật nữ trong truyện thể hiện rõ tính cách cũng như phẩm chất của mình.

Khi Trương Ba mang thân xác anh hàng thịt đã gây ra rất nhiều rắc rối cho chính Trương Ba và những người thân của ông. Hồn Trương Ba cao khiết đã có sự đấu tranh quyết liệt với xác anh hàng thịt phàm phu tục tử. Qua màn đối thoại này, Trương Ba đã đuối lí, đành chấp trở lại thân xác hàng thịt. Tuy nhiên, điều khiến Trương Ba ý thức rõ hơn bi kịch mình đang vướng phải chính là thái độ của những người thân với ông. Ở đây tác giả Lưu Quang Vũ đã xây dựng xung đột mạnh mẽ quyết liệt của những người thân của Trương Ba với con người Trương Ba hiện tại. Trước con người mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt, với những biểu hiện bên ngoài thay đổi, họ phản ứng rất mạnh mẽ và cảm thấy không thể chấp nhận được điều này. Cái xác hàng thịt đó đã làm thay đổi con người của Trương Ba, làm cho hồn Trương Ba giờ đây không còn là của Trương Ba trước kia nữa. Mang xác hàng thịt, hồn Trương Ba trở nên thô vụng hơn (làm gãy cây trong vườn, gãy diều của cu Tị,...); hung hãn, bạo lực: tát thằng con trai tóe máu mồm máu mũi, thậm chí run rẩy rung động trước vợ người hàng thịt…. Vợ Trương Ba buồn bã nói:"ông đâu còn là ông, đâu còn là

ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”[21,tr.411], thậm chí bà muốn bỏ đi để "ông được thảnh thơi... với cô vợ người hàng thịt"[21,tr.411]. Cái Gái phản ứng mạnh mẽ, không nhận ông vì "ông nội đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy", nó phủ nhận: “Ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội tôi hiện về được sẽ bóp cổ ông”

[21,tr.412] Nó còn rủa ông và xua đuổi: "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!" [21,tr.413]. Ngay cả chị con dâu, người thông cảm với hồn Trương Ba hơn cả, cũng thấy lo lắng khi bố chồng "mỗi ngày một đổi khác dần, mất mát dần"[21,tr.415]. Đây chính là điều đau đớn nhất của hồn Trương Ba, khiến cho bi kịch của Trương Ba lớn hơn, làm mâu thuẫn đẩy tới cao trào.

Qua ba lượt đối thoại: đối thoại với vợ, Hồn Trương Ba đau khổ đến độ thẫn thờ, đối thoại với cháu gái, đau khổ khổ đến độ run rẩy và đối thoại với người con dâu, Hồn Trương Ba đau khổ lặng ngắt như tảng đá. Lưu Quang Vũ rất tài khi diễn tả nỗi đau khổ của Hồn Trương Ba ở mỗi đối tượng một khác. Đó là bi kịch của Hồn Trương Ba càng bị đẩy lên tới đỉnh điểm. Những người thân thiết nhất cũng không chấp nhận nổi tình trạng hai mảnh hồn, người bất nhất của chồng, cha, ông mình. Họ kiên quyết đấu tranh không thể chấp nhận những biểu hiện xấu xa trong con người Trương Ba. Xung đột kịch đến đây trở thành xung đột giữa cái tốt và cái xấu, các nhân vật nữ trong truyện qua xung đột này đã thể hiện rõ nét tính cách của mình. Họ đấu tranh và không chấp nhận những điều xấu xa dung tục mà Trương Ba đang có. Xung đột này đã được đẩy đến cao trào, và bắt buộc Trương Ba phải có sự lựa chọn để thoát khỏi bi kịch của chính mình: trở về thân xác của mình, chấp nhận cái chết và trả lại thân xác cho anh hàng thịt. Như vậy qua việc xây dựng mâu thuẫn đến xung đột kịch, nhà văn đã để không chỉ Trương Ba mà các nhân vật nữ được bộc lộ tính cách hành động của mình. Từ đó thể hiện ý nghĩa tư tưởng của truyện: cuộc sống cần vươn đến sự hài hoà giữa thể xác và tinh thần, con người cần phải biết đấu

tranh chống lại nghịch cảnh, với chính bản thân mình, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

Là một nhà viết kịch giàu tâm huyết, Lưu Quang Vũ tin vào cái Thiện và luôn luôn kêu gọi lòng tốt. Có thể thấy ông sử dụng lòng tốt như một động lực của kịch, tức là lòng tốt là yếu tố để mở những nút thắt. Điều này được thể hiện rất rõ trong Lời nói dối cuối cùng. Dựa trên những truyện có tính chất dân gian đã từ lâu đời như truyên thằng Cuội, thằng Bờm và cả những bài đồng dao, Lưu Quang Vũ đã xây dựng nên vở kịch vui này để lý giải về cái xấu và cái tốt, cụ thể là sự dối trá và lòng trung thực. Xuất phát từ tình yêu đối với Lụa, Cuội đã dùng trí thông minh của mình để cứu Lụa và trả thù bọn tham quan ô lại. Cuội đã lầm tưởng rằng con người ta chỉ cần sống giàu sang đầy đủ ắt là sung sướng. Những việc làm tốt bụng của Cuội đối với mọi người lúc đầu tưởng là tốt đẹp, nhưng về sau chính Cuội lại phải hứng chịu hậu quả. Lụa là cô gái có tâm hồn trong trắng, ngay thẳng, cô kiên quyết đấu tranh và một mực không chấp nhận những điều dối trá Cuội làm, mặc dù đích đến của những hành động đó là tốt đẹp. Khi nhận ra Cuội với những trò bịp bợm giả dối, Lụa kiên quyết không nhận sự giúp đỡ của Cuội bởi cô là người ngay thẳng không chấp nhận những lời dối trá, dù có phải chấp nhận một mình thân gái giữa nơi phường phố xa lạ. Đỉnh điểm của những chuyện rắc rối của Cuội gây ra, Lụa phải lưu lạc lên kinh kì và bất đắc dĩ trở thành mệnh quan triều đình với danh xưng Nam trang tài nhân. Lụa không chấp nhận sống giả dối trong một cái vỏ bọc và hình hài không phải của chính mình. Cuối cùng cô đã bộc bạch hết nỗi lòng mình và quyết định rời bỏ Cuội, gỡ mình ra khỏi câu chuyện dối trá của Cuội. Xung đột của vở kịch là xung đột quyết liệt của cái tốt với cái xấu, để qua đó các nhân vật bộc lộ rõ nét tính cách và phẩm chất của mình. Nhân vật cô Lụa qua đó được nhà văn gửi gắm tư tưởng của mình: Đấu tranh không khoan nhượng cho sự chân thật trong cuộc sống, mọi ý định dù tốt đẹp nhưng được xây dựng trên sự giả dối

cũng không đem lại hạnh phúc mà phải xây dựng dựa trên lòng tin và sự chân thực.

Xung đột kịch trong vở Ông vua hóa hổ không chỉ là xung đột giữa cái tốt và cái xấu mà còn tồn tại xung đột giữa thiện - ác rất rõ nét. Hình ảnh Từ Đạo Hạnh sau khi trở thành vua với sự cai trị hà khắc, bạo tàn, trị nước bằng hình phạt nhiều hơn nhân nghĩa đã đi ngược lại với quyền lợi nhân dân và đạo lí tình thương cần có của con người. Chất hổ dữ đã lấn chiếm và chế ngự Đạo Hạnh đúng như lời nguyền năm xưa trong rừng sâu. Cũng thông qua xung đột này, nhân vật nữ chính trong vở diễn đã được thể hiện rõ nét phẩm chất của mình. Không can tâm nhìn thấy chồng đang bị linh hồn và thể xác hổ dữ chế ngự, Thảo đã quyết tâm lặn lội đường xa nguy khó để tìm phương thuốc lành chữa bệnh cho Đạo Hạnh. Thậm chí nàng nguyện sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để cứu chồng. Kết thúc câu chuyện, xung đột được giải quyết, Thảo đã hi sinh thân mình, lấy máu của mình để cứu được Từ Đạo Hạnh trở lại làm người. Mượn tích dân gian, xây dựng xung đột đầy kịch tính tác giả đã thông qua Ông vua hoá hổ đặt ra lại là chuyện không bao giờ cũ, đó là: Tình yêu, sự thù hận bạo tàn, sự thỏa hiệp trước cái xấu để đạt mục đích cá nhân, chất “hổ” trong từng con người. Dù có bao nhiêu hoài bão, khát vọng cháy bỏng, nhưng nếu cá nhân đó (hay dân tộc đó) vay mượn sức mạnh để đạt được tham vọng, sẽ đánh mất bản ngã (tính nhân văn) cũng là đánh mất chính mình, trở thành thú tính. Sức mạnh của con người (hay sức mạnh của một triều đại) chỉ có được bằng chính sức mạnh của bản thân mỗi người (hay mỗi dân tộc). Sức mạnh ấy chính là cái thật, là bản ngã, là sự nỗ lực thể hiện của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, không thể vay mượn. Chỉ có tình yêu thương và sống thật với chính mình mới là gốc rễ cuộc đời.

Loại xung đột thứ hai là xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh có thể thấy qua vở kịch Linh hồn của đá. Bi kịch tình yêu của Thanh và Vịnh đã lấy đi

nước mắt người đọc người xem, đồng thời đậm tô và khắc sâu vẻ đẹp của tình yêu chung thủy sắt son của người phụ nữ. Xung đột kịch được đẩy đến cao trào khi Vịnh tình cờ biết được người vợ mà mình vô cùng yêu quý lại chính là người em gái ruột đã thất lạc bao nhiêu năm. Bi kịch giằng xé trong tâm hồn khiến Vịnh đau đớn đến mức không thể chịu nổi. Quyết chôn chặt bí mật để không làm Thanh phải gục ngã và đau đớn, Vịnh đã bỏ đi khỏi xóm Đá không một lời từ biệt. Hoàn cảnh nghiệt ngã đẩy mỗi nhân vật vào bi kịch riêng. Nhưng trong hoàn cảnh bi kịch ấy nhân vật của Lưu Quang Vũ đã được thể hiện phẩm giá một cách rõ rệt. Thanh là người vợ tỏa sáng tình yêu chung thủy. Ngày ngày, mẹ con Thanh đều ra bến đứng chờ mòn mỏi, mong một ngày chồng sẽ trở về với tình yêu bền bỉ không phai mờ. Sự chờ đợi đến tuyệt vọng, hai mẹ con Thanh hóa thành tượng đá. Bi kịch tình yêu của Thanh và câu chuyện Thanh ôm con chờ chồng hóa đá mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hình ảnh mẹ bồng con đó đã biểu tượng cho đức tính thủy chung cao đẹp của người phụ nữ Việt, hi sinh chịu đựng, một đời tận tụy, lo âu khổ cực trăm chiều vì chồng con.

Cuộc sống không chỉ có duy nhất một xung đột mà nó vốn chứa đựng rất nhiều xung đột phức tạp. Kịch của Lưu Quang Vũ theo sát cuộc sống nên có khi nhà văn miêu tả nhiều xung đột trong một kịch bản, cùng lúc có thể tồn tại bên cạnh xung đột chính là xung đột phụ. Vì thế câu chuyện kịch không đơn giản, nhiều xung đột chồng chéo, người xem được quan sát một mảng hiện thực phức tạp, bộn bề. Nhưng điều dễ dàng nhận thấy đó là thông qua việc tạo dựng xung đột đầy kịch tính, nhà văn đã để nhân vật của mình, trong số đó các nhân vật nữ được bộc lộ rõ nét tính cách và vẻ đẹp tâm hồn mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong mảng kịch khai thác truyện dân gian của lưu quang vũ (Trang 70 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)