4.1. Định hướng quản lý hoạt động du lịch tại di tích Văn Miếu –Quốc Tử Giám –
4.1.2. Quan điểm định hướng quản lý hoạt động du lịch
Để hoạt động du lịch tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, việc quản lý phải được định hướng theo những quan điểm “đổi mới” như sau:
Thứ nhất, cơ quan quản lý tập trung vào việc đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc tại Di tích, từ việc quản lý theo kiểu đóng cửa, mở cửa di tích hàng ngày sang tư duy phục vụ khách tham quan, đáp ứng nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm, tiếp cận với những giá trị độc đáo của di tích. Bên cạnh đó, cần thường xuyên đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động du lịch của trung tâm, không chỉ phát triển hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu, sản vật, còn ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin, tư liệu hiện đại, các biện pháp cung cấp dịch vụ mang lại hiệu quả cao. Thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên với các cán bộ quản lý, bổ sung thêm các cán bộ về sơ cấp cứu y tế, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy. Các dịch vụ du lịch phải vừa đáp ứng nhu cầu của du khách vừa quản lý chặt chẽ bảo tồn di sản, tránh những hành vi không đúng gây hậu quả ảnh hưởng xấu tới khu di tích. Nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch ở di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thông qua việc tuyên truyền ở phường, thành phố nhất là ở các khu vực dân cư trực tiếp tham gia hoạt động liên quan đến du lịch tại điểm di tích về văn hoá giao tiếp, thái độ với khách du lịch và ý thức giữ gìn môi trường du lịch.
Thứ hai, phát triển các sản phẩm văn hóa du lịch trên cơ sở những giá trị của Văn Miếu- Quốc Tử Giám, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa giáo dục, văn hóa nghệ thuật từng bước tăng khả năng tương tác của du khách với các hoạt động được tổ chức tại Di tích; sử dụng công nghệ hiện đại để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Nhu cầu hưởng thụ văn hoá của du khách ngày càng cao nên việc tìm hiểu nhu cầu trở thành vấn đề cấp thiết để đổi mới các hoạt động du lịch. Không chỉ đa dạng hoá các dịch vụ du lịch, các sự kiện văn hoá được tổ chức định kỳ, cơ quan quản lý còn cần có những hoạt động riêng nhằm phục vụ những đối tượng khách hàng khác nhau, không nằm ngoài mục tiêu phát triển của di tích.
Thứ ba, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, bổ sung các dịch vụ có chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của du khách, kết nối khu Nội tự với hồ Văn và vườn Giám thông qua các hoạt động văn hóa phù hợp với di tích, kéo dài thời gian thăm di tích của du khách.
Thứ tư, mở rộng kết nối giữa di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám với các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội. Kết nối các hoạt động của di tích với các hoạt động của doanh nghiệp du lịch để hợp tác đưa ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp và hiệu quả nhất trong khai thác giá trị di sản.
Thứ năm, cải thiện hoạt động truyền thông tại Di tích theo hướng truyền thông có trách nhiệm, hiệu quả; hoàn thiện bộ nhận diện Di tích để quảng bá hình ảnh Di tích với khách tham quan trong nước và nước ngoài. Đầu tư kinh phí thích đáng cho công tác quảng bá và xây dựng hình ảnh di tích trong nước và quốc tế.