5. Bố cục của luận văn
1.2.2. Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp công nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao. Với mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và là thành phố trực thuộc Trung Ương năm 2020. Bắc Ninh đã coi cải cách thủ tục hành chính là bước đột phá quan trọng và ngày càng tiến hành cải cách sâu rộng trên các lĩnh vực. Cụ thể:
- Ngày 10/4/2006 UBND tỉnh ra Quyết định số 31/2006/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2006-2010 tỉnh Bắc Ninh; Kế hoạch số 757/KH-UBND ngày 29/6/2007 triển khai thực hiện Đề án “Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010” .
- Ngày 27 tháng 11 năm 2009 UBND tỉnh ra Quyết định số 165/2009/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng của doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh. Quyết định 165 ban hành giúp doanh nghiệp nắm rõ, thực hiện đúng quy định khi đầu tư xây dựng ngoài KCN trên địa bàn tỉnh; giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư từ trên 111-151 ngày xuống còn 83-110 ngày và rút gọn các loại hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư từ trên 62 loại trước đây xuống còn từ 27-33 loại, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí về thời gian và tài chính.
- Đến nay, tỉnh đã áp dụng cơ chế một cửa đối với tất cả các xã, phường, thị trấn, các cấp, các ngành. Đặc biệt, tại một số huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động một cửa liên thông hiện đại, đã thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và con dấu cho doanh nghiệp, giảm số lần đi lại của công dân trong thành lập doanh nghiệp từ 13 lần xuống còn 03 lần, giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian và chi phí, sớm gia nhập thị trường.
- Từ tháng 12/2008 đã tiến hành áp dụng thống nhất một mã số cho đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế. Trong việc đăng ký kinh doanh đã thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, đảm bảo đúng trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh, thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật;
- Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và DNCN nói riêng, các cấp, các ngành đã tăng cường thanh tra, kiểm tra DNCN, uốn nắn, xử lý các sai phạm để các DNCN hoạt động đúng quy định của pháp luật. Đã tiến hành điều tra khảo sát doanh nghiệp để hình thành cơ sở dữ liệu doanh nghiệp của toàn tỉnh; đã nối mạng quốc gia về doanh nghiệp nhằm quản lý tốt hơn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới có hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
- Xây dựng chương trình ứng dụng thông tin trong quản lý doanh nghiệp, bao gồm: cơ sở dữ liệu, nối mạng thông tin giữa các cơ quan chức năng, trước hết là giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an tỉnh; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.
- Thực hiện tốt đề án đơn giản hóa thủ tục đầu tư và tăng cường khả năng tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp. Xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh; các ngành thường xuyên phối hợp, thông tin về doanh nghiệp, từng ngành, cấp theo chức năng có trách nhiệm quản lý doanh nghiệp.
- Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DNCN: Xây dựng kế hoạch huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, cũng như nguồn vốn quỹ bảo lãnh tín dụng DNCN, nhằm giúp các DNCN được tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn tín dụng. Đẩy nhanh phê duyệt và triển khai tổ chức thực hiện phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đối với cơ chế, chính sách khuyến khích các Ngân hàng thương mại tăng mức dư nợ tín dụng cho các DNCN.
- Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới đối với các DNCN: Xây dựng báo cáo thống kê tổng hợp về chuyển giao công nghệ; xây dựng quy định hướng dẫn nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ nhằm hình thành các tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ. Xây dựng cơ chế hỗ trợ tra cứu thông tin khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ để các DNCN có thể tiếp cận một cách có hiệu quả hơn nguồn thông tin sáng chế phục vụ nhu cầu sản xuất và đổi mới công nghệ.
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các DNCN: Tập trung nâng cao năng lực quản trị cho các DNCN. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DNCN. Rà soát và lồng ghép các giải pháp tăng cường đầu tư phát triển dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật. Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động; thu thập, xử lý, phân tích, dự báo, quản lý và cung cấp thông tin thị trường lao động theo các cấp trình độ, các ngành nghề, lĩnh vực; phát triển các hình thức thông tin thị trường lao động nhằm kết nối cung-cầu lao động; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động phối hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân, nhằm trang bị các điều kiện cần thiết để thích ứng và phát triển với nền KTTT theo định hướng XHCN. Hàng năm, căn cứ kế hoạch sẽ tổ chức mở các lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp, các lớp quản trị doanh nghiệp nhằm giúp người dân, giúp doanh nghiệp tiếp cận được những thông tin mới nhất về quản lý và phát triển doanh nghiệp.