Những kết quả đã đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển doanh nghiệp công nghiệp thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 88 - 90)

5. Bố cục của luận văn

3.4.2. Những kết quả đã đạt được

Trong những năm qua, thành phố Uông Bí đã có sự chuyển biến phù hợp với quá trình tăng trưởng và dịch chuyển cơ cấu kinh tế chung của cả tỉnh theo

hướng: tập trung vào phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp. Trong sự phát triển chung đó, các DNCN đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng cao, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn và truyền thống do đó đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả tỉnh, cũng như tạo cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành phát triển.

Nhờ giữ được nhịp độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với tốc độ cao (12,9% năm) nên các DNCN của tỉnh đã góp phần giải quyết một số lượng đáng kể nhân công lao động. Một số ngành công nghiệp sau một số năm thay đổi cơ cấu lại sản xuất, sắp xếp và thu hẹp qui mô lao động, nay đã bước đầu sử dụng có hiệu quả số lao động hiện có, thu hẹp diện lao động chờ việc làm và tuyển thêm nhiều lao động xã hội mới. Nhiều cơ sở do kết quả kinh doanh khá nên đã từng bước nâng cao thu nhập và các khoản phúc lợi cho công nhân. Đây là yếu tố góp phần bảo đảm ổn định đời sống xã hội.

Sự phát triển mạnh mẽ của các DNCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một lượng lớn vốn nhàn rỗi trong nhân dân đầu tư vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Cơ cấu nội ngành công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các DNCN chế biến, chế tạo đã tăng nhanh so với các DNCN truyền thống khác như luyện kim, khai thác và chế biến khoáng sản nhằm đảm bảo sự chuyển dịch theo đúng quy hoạch phát triển công nghiệp đã xây dựng, đảm bảo xu hướng phát triển DNCN theo chiều sâu.

Doanh thu và lợi nhuận của các DNCN ngày càng gia tăng, đóng góp đáng kể vào ngân sách chung của thành phố, trong đó phần lớn là sự góp phần của các DNCN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Các chính sách của thành phố đã được xây dựng nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ rất lớn cho các DNCN trên địa bàn.

Trình độ của người lao động cũng như trình độ, kỹ năng của cán bộ quản lý trong các DNCN thành phố đã được cải thiện dần qua các năm với tỷ lệ ngày càng cao của trình độ đại học và tỷ lệ giảm dần hàng năm của trình độ cao đẳng, trung cấp.

Với số lượng lớn, nhiều thành phần tham gia, hoạt động đa dạng, khu vực công nghiệp đã góp phần làm phong phú thêm chủng loại sản phẩm công nghiệp của thành phố, đồng thời tạo ra được một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.

Sự phát triển của các loại hình DNCN một mặt tạo điều kiện để phát triển các loại ngành nghề thích hợp, mặt khác chính nó lại tạo cơ sở để phát triển cơ cấu nhiều thành phần trên địa bàn tỉnh. Giờ đây, trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh đã có đầy đủ các thành phần kinh tế tham gia với các loại hình thích hợp. Sự hình thành và phát triển của các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã cổ phần, xí nghiệp liên doanh và đặc biệt là các hộ sản xuất công nghiệp đã làm phong phú và đa dạng hơn, tạo sự sôi động trong quá trình phát triển chung. Nhờ vậy trong quá trình phát triển chung, dần dần các loại hình doanh nghiệp càng xác định rõ hơn về vai trò, vị trí, lợi thế và hạn chế của mình để có sự phối hợp cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển chung.

Quá trình phát triển trong thời gian qua của các DNCN trên địa bàn thành phố đã giúp các chủ DNCN và các cán bộ quản lý kinh tế rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quí báu, đồng thời tạo cơ sở để họ đưa ra những định hướng để cải tiến, hoàn thiện công tác quản trị tại doanh nghiệp mình cũng như công tác quản lý kinh tế của các phòng ban chức năng thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển doanh nghiệp công nghiệp thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 88 - 90)