Biểu đố 2 .24 Sự hài lòng của du khách
2.1.2 Điều kiện kinh tế xã hội
Bình Định là 1 trong 5 tỉnh, thành phố ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Bình Định có vị trí địa hình kinh tế đặc biệt quan trọng trong việc giao lưu với các quốc gia ở khu vực và quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc – Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên và Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn.
Trên lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá so sánh 1994 của tỉnh tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là 9,2%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 40,1 triệu đồng, tăng 22,4 triệu đồng so với năm 2010. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm 2011-2015 ước đạt 2.888 triệu USD, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (2.800 triệu USD). Thu ngân sách của tỉnh luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra hàng năm và tăng bình quân 9,7%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 5 năm 2011-2015 đạt 24.178 tỷ đồng; trong đó, năm 2015 ước đạt 5.500 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Biểu đồ 2.1 Biểu đồ cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Bình Định 2015
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP tăng từ 29,2% lên 30,4%; dịch vụ tăng từ 36,2% lên 41,9%; nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 34,6% xuống còn 27,7%; trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển toàn diện với
năng suất, sản lượng cao; công nghiệp đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình; dịch vụ ngày càng khởi sắc
Hầu hết các chỉ tiêu về xã hội và môi trường đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Sau 5 năm, cơ sở vật chất ngành giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học, công nghệ tiếp tục được tăng cường. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở,
quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học mầm non, phổ thông và các cơ sở dạy nghề phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh. Trên 98% trạm y tế có bác sĩ, hệ thống bệnh viện các tuyến được đầu tư hoàn thiện, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Công tác xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, đào tạo nghề được chú trọng, an sinh xã hội được đảm bảo. Khoa học, công nghệ có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, cung cấp một số luận cứ khoa học cho việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động văn hoá, thể thao được đẩy mạnh, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.
Cùng với việc từng bước đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong 5 năm 2011-2015, tỉnh Bình Định cũng đã chú trọng công tác xây dựng, quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư, du lịch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và đào tạo nhân lực, coi đây là những yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Bình Định hiện được xem là một trong những địa phương có môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, cởi mở, đã và đang là điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư tiềm năng và du khách trong, ngoài nước. Với các chính sách tích cực trong đào tạo, thu hút, giữ chân người tài, trình độ nguồn nhân lực của tỉnh cũng đang được nâng lên, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và tình hình mới.