Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu khả năng sản xuất tinh dịch của trâu chiêm hóa tuyên quang và ảnh hưởng của thời gian bảo quản đến chất lượng tinh dịch​ (Trang 31 - 33)

3. Ý nghĩa của đề tài

1.2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Theo Tổng cục thống kê (2017), số lượng đàn trâu trong cả nước đang có xu hướng giảm sút về cả số lượng và chất lượng (năm 2014 là 2.559.213 con, năm 2015 là 2.548.976 con và năm 2016 là 2.519.015 con - năm 2016 đàn trâu giảm khoảng 1,6% so với năm 2014). Sự phân bố đàn trâu ở các vùng rất khác nhau, Trung du và Miền núi phía Bắc luôn cao nhất, chiếm 55,12% tổng đàn, tiếp theo đến Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 31,65%, còn lại các vùng khác đều chiếm rất ít: Đồng bằng sông Hồng 5,14%, Tây nguyên 3,67%, Đông Nam bộ 2,13% và Đồng bằng sông Cửu long 1,56%. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả, nguyên nhân giảm sút về số lượng và chất lượng đàn trâu hiện nay là do việc trao đổi hàng hoá, người dân bán, giết thịt những con phẩm chất tốt, ngoại hình lớn và công tác giống chưa được quan tâm, tình trạng thiếu trâu đực giống có ở nhiều nơi, hiện tượng cận huyết khá phổ biến (Nguyễn Quang Tuyên và Cs., 2006; Đỗ Kim Tuyên và Hoàng Kim Giao, 2009).

Trước thực tế trên, việc sử dụng trâu đực giống khối lượng lớn với sự hỗ trợ của TTNT giúp đàn trâu địa phương nâng cao tốc độ sinh trưởng và tầm vóc, khối lượng nghé từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi tăng từ 8,5% đến 21,1% (Mai Văn Sánh, 2006; Mai Văn Sánh và Cs., 2008).

Hiện nay, ở nước ta những nghiên cứu về số lượng, chất lượng tinh dịch, kỹ thuật đông lạnh tinh và TTNT chủ yếu thực hiện trên bò sữa, bò thịt và đã mang lại những kết quả to lớn trong công tác phát triển chăn nuôi bò (Phùng Thế Hải, 2013). Tuy nhiên, TTNT cho trâu chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều, đến nay mới chỉ có một số công trình nghiên cứu về sinh sản của trâu, TTNT cho trâu, lai tạo trâu và đông lạnh tinh trâu.

Lưu Kỷ (1979), Vũ Ngọc Tý và Lưu Kỷ (1979) đã thành công trong nghiên cứu đông lạnh tinh dịch trâu trên mặt hơi nitơ lỏng (tinh viên), hoạt lực sau giải đông đạt 30%, tỷ lệ thụ thai khi phối TTNT đạt khoảng 50% khi phối kép.

Các tác giả Lê Viết Ly và Võ Sinh Huy (1982), Cao Xuân Thìn (1987), Mai Văn Sánh (1996) nghiên cứu bảo tồn tinh trâu trong môi trường lỏng gồm: Citrat natri H2O, glycacol, trilon B, tetracycline, lòng đỏ trứng gà và nước cất. Kết quả bảo tồn tinh trâu được 2 ngày, hoạt lực tinh trùng đạt 55,2% đến 61%, tỷ lệ thụ thai khi phối TTNT đạt 53,65% khi tiến hành phối kép.

Trịnh Thị Kim Thoa và cs., (2005) nghiên cứu sản xuất tinh trâu đông lạnh dạng viên, mỗi viên chứa hơn 40 triệu tinh trùng và có hoạt lực sau giải đông đạt 30,64 %. Môi trường pha loãng gồm Superoxide dismutase, Tris, axit citric, fructoza, lòng đỏ trứng gà, glycerol, penicillin, streptomycin và nước cất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu khả năng sản xuất tinh dịch của trâu chiêm hóa tuyên quang và ảnh hưởng của thời gian bảo quản đến chất lượng tinh dịch​ (Trang 31 - 33)