Ba yếu tố được sử dụng để giải thích cho việc một cá nhân thực hiện gian lận bao gồm: động cơ hoặc áp lực thực hiện gian lận; một cơ hội để thực hiện hành vi gian lận; và thái độ hoặc sự biện minh cho hành động. Ba yếu tố được phát triển bởi nhà tội phạm học Donald Cressey (1953) [8, trích lại trong Trần Thị Giang Tân 2009]. Ba nhóm yếu tố dẫn đến có rủi ro gian lận luôn tồn tại trong điều kiện kinh tế tăng trưởng, hoặc suy thoái. Gian lận xảy ra khi có:
Động cơ hoặc áp lực phải thực hiện hành vi: áp lực có thể ảnh hưởng cùng chiều hoặc ngược chiều đến việc phải thực hiện gian lận. Khi có một mục tiêu cần đạt được, cá nhân hoặc tổ chức sẽ có áp lực để đạt được mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả. Khi có các yếu tố dẫn đến mục tiêu không đạt được, cá nhân hoặc tổ chức sẽ bị ảnh hưởng nếu tiếp tục thực hiện. Khi đó cá nhân/tổ chức sẽ có áp lực thực hiện hành vi gian lận để đạt được mục tiêu bằng bất cứ giá nào. Theo Hội đồng quốc gia Hoa kỳ về gian lận trên báo cáo tài chính (1987) [21, tr.24], nhà quản lý hoặc một công ty có thể lập báo cáo tài chính gian lận khi có một số áp lực như: giảm doanh thu hoặc thị phần một cách đột ngột, thâm hụt ngân sách, kế hoạch tài chính trong ngắn hạn. Hay theo báo cáo COSO năm 2010 [15, tr.45] áp lực thường dẫn đến gian lận báo cáo tài chính là sự giảm giá chứng khoán, đối diện với khả năng phá sản và khả năng huỷ niêm yết.
Cơ hội để thực hiện hành vi gian lận: Mặc dù có áp lực cao, việc lập báo cáo tài chính gian lận không thể xảy ra nếu không có cơ hội rõ ràng. Cơ hội có thể được tạo ra do môi trường của công ty như văn hoá công ty hoặc hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Theo Hội đồng quốc gia Hoa kỳ về gian lận trên báo cáo tài chính [21, tr.24] cơ hội làm tăng hành vi gian lận trên báo cáo tài chính như HĐQT, ban kiểm soát, chức năng kiểm soát trong hệ thống nội bộ kém hiệu quả hoặc không tồn tại, nghiệp vụ kinh tế phức tạp hoặc bất thường (ví dụ: hợp nhất và sát nhập công ty), nghiệp vụ dựa trên xét đoán (ví dụ: dự phòng khoản phải thu).
Thái độ hoặc sự biện minh cho hành động gian lận: Một số cá nhân có thái độ, tính cách hoặc hệ thống các giá trị đạo đức cho phép họ thực hiện một hành vi gian lận một cách cố ý. Ví dụ như, khi công ty có áp lực đạt được các mục tiêu tài chính theo yêu cầu của bên thứ ba, nhà quản lý có thể đưa ra quyết định, họ không có chọn lựa nào khác ngoài phải điều chỉnh báo cáo dẫn đến gian lận để giữ công việc của mình hoặc của người khác hoặc giữ cho công ty tồn tại.
Nhiều năm qua, ba nhóm yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận giải thích cho một gian lận xảy ra thường được gọi là lý thuyết “tam giác gian lận”. Lý thuyết này đã ảnh hưởng đến nhiều nghề nghiệp khác nhau trong đó có kiểm toán. Các yếu tố dẫn đến có rủi ro gian lận đến việc thực hiện lập báo cáo tài chính gian lận được đề cập trong SAS số 99, VSA số 240 được phân loại làm ba nhóm dựa vào lý thuyết tam giác gian lận. Ngoài lý thuyết tam giác gian lận còn có lý thuyết đại diện cũng giải thích về nguyên nhân dẫn đến gian lận.