Truyện cổ tích loài vật ở Ba Bể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát truyện kể dân gian bắc kạn lưu truyền ở vùng hồ ba bể từ góc nhìn văn hóa (Trang 40 - 43)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.1. Truyện cổ tích loài vật ở Ba Bể

Các con vật trong thế giới truyện cổ tích loài vật được nhân hóa thành các nhân vật mang đặc điểm như người: tính cách, hành động được diễn ra trong cuộc sống mang màu sắc thế tục khá rõ nét để nhằm thay lời tác giả dân gian gửi gắm các quan niệm, điều răn dạy, các bài học trong cuộc sống của người dân Ba Bể xưa. Trong mỗi câu chuyện thường có hành động, suy nghĩ, tính cách của các nhân vật được thể hiện qua cốt truyện rất đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn nhưng chứa đựng ý nghĩa triết lí sâu xa.

Trong các câu truyện cổ tích loài vật, nhân vật chính là loài vật, vì vậy, các nhân vật là thần như Ngọc Hoàng Thượng đế, Thiên Lôi… thì các nhân vật này chỉ là các nhân vật phụ có vai trò làm người phân xử khó khăn. Chẳng hạn, trong câu truyện Sự tích con kì nhông [56, tr.77], vì cáo vốn bắt gà giỏi nên trên mặt đất cả gà nhà lẫn gà rừng đều vắng bóng nên loài người rủ nhau đi tâu Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng nổi giận nổi sấm sét đùng đùng khiến loài cáo đó chết rất nhiều. Một số con còn lại, do quá sợ hãi mà lẩn trốn, trú vào vách đá, lâu dần da mọc rêu, thành con kì nhông ngày nay.

Thế giới cổ tích trong truyện cổ tích loài vật Ba Bể còn phản ánh cuộc đấu trí giữa những con vật bé nhỏ, yếu đuối với những con vật to lớn, hung bạo như: Gấu bị mèo lừa cho nên khiến bị cụt đuôi (truyện Tại sao ngày nay Gấu cụt đuôi) [56, tr.78]; Rùa lừa ngồi trên mình voi quát mắng khiến Hổ sợ Rùa (truyện Voi và Hổ) [56, tr.81]. Hổ lười làm, tham, trông chờ vào mèo nhỏ bé nuôi nên bị sa bẫy và bị loài người xa lánh. Mèo thì nhanh nhẹn chịu khó, nên được ở trong nhà với người, cuộc sống sung sướng (truyện Hổ và Mèo) [56, tr.87]… Các loài vật với những tính cách khác nhau, hoặc những mặt trái của các nhân vật được nhân dân các dân tộc thiểu số vùng hồ Ba Bể gửi gắm trong các nhân vật trong truyện cổ tích loài vật chính là những ẩn dụ trong cuộc sống, là một cách thể hiện quan niệm của người dân miền núi: Không có gì bằng chân thành, thật thà với nhau. Bất cứ hành động cậy lớn ăn hiếp nhỏ, láu cá, ma ranh... trước sau đều bị phát hiện và không được chấp nhận. Mỗi con vật là một kiểu nhân vật hoặc một nhóm con vật đại diện cho những nhóm nhân vật đều gắn với quan niệm của người dân Ba Bể về cách ứng xử trong cộng đồng, dù chỉ là cộng đồng nhỏ của một tộc người nhất định. Trong các câu truyện cổ tích loài vật ở Ba Bể, còn thể hiện một quan niệm của người dân miền núi, đó là con người ngoài chịu những tác động của xã hội còn chịu rất nhiều tác động của tự nhiên. Vì vậy, trong nhiều truyện cổ tích loài vật, cách xử lí thường nghiêng về quy luật của

tự nhiên hơn là xã hội. Nên trong nhiều truyện cổ tích loài vật lưu truyền ở vùng hồ Ba Bể, các nhân vật hoặc là tự xử hoặc là Trời (tự nhiên) bắt phải chết, hóa kiếp… để đền tội mà không thấy có sự can thiệp của con người như khá nhiều truyện của dân tộc Kinh hoặc các dân tộc khác.

Khảo sát truyện cổ tích loài vật Ba Bể, người đọc nhận thấy tác giả dân gian còn muốn gửi đến người đọc, người nghe những thông tin khác mang tính chất giải thích theo kiểu “thần thoại”. Họ có cách phát hiện và lý giải những đặc điểm sinh vật và thói quen sinh hoạt của những con vật sống quanh mình theo cách riêng của người miền núi một cách chất phác, cô đọng và lý thú. Điều này có thể thấy ngay từ những tên truyện cũng đã gợi lên tính chất đó. Chẳng hạn, tại sao ngày nay gấu cụt đuôi; tại sao ngày nay chó ăn cơm, lợn ăn cám... Sở dĩ có cách quan niệm này là vì hiện tượng “cổ tích hóa thần thoại” của người dân tộc thiểu số. Trước những hiện tượng tự nhiên, đồng bào cũng có xu hướng giải thích chúng bằng cách nghĩ ra một câu chuyện để “hợp lí hóa” những điều suy lí “có vẻ đúng” như trong nhiều truyện cổ tích mà chúng ta từng biết.

Phần lớn trong truyện cổ tích về loài vật, đặc tính của loài vật được nhân dân vùng Hồ Ba Bể nhìn nhận với cách nhìn nhân hóa các loài vật dưới con mắt của xã hội loài người chứ không phải xã hội loài thú. Cho nên, hình ảnh các con vật cùng với mối quan hệ giữa chúng vừa giống như chúng tồn tại ngoài đời thực, nghĩa là trong thế giới hoang dã của chúng, vừa mang theo đặc tính của con người và mối quan hệ giữa người với người trong xã hội loài người. Đó là con mèo tinh khôn trong Viên ngọc quý. Mèo hết sức khôn ngoan, ranh mãnh, chơi khăm bạn bè là chó. Mèo đã cướp công chó trong việc tìm được viên ngọc quý cho chủ. Từ đó, mèo được ông chủ ưu ái cho ở trên sàn gần với người và bếp lửa hơn. Nghĩ là chó vô tích sự nên người liền đuổi chó xuống ở dưới gầm sàn….

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát truyện kể dân gian bắc kạn lưu truyền ở vùng hồ ba bể từ góc nhìn văn hóa (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)