Truyện cổ tích sinh hoạt Ba Bể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát truyện kể dân gian bắc kạn lưu truyền ở vùng hồ ba bể từ góc nhìn văn hóa (Trang 44 - 48)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.3. Truyện cổ tích sinh hoạt Ba Bể

Trong truyện cổ tích sinh hoạt Ba Bể, thế giới cổ tích không đậm nét. Những câu chuyện cổ tích sinh hoạt mang màu sắc thế sự. Các câu chuyện này hầu như không có bóng dáng của thế giới cổ tích mà chủ yếu là các câu chuyện diễn ra trong cuộc sống của người dân Ba Bể xưa. Đó là những con người tồn tại trong xã hội có kẻ yêu, người ghét rõ ràng. Mỗi hành động, việc làm của các nhân vật trong truyện cổ tích sinh hoạt Ba Bể đều được soi chiếu bởi sự phán xét của các tác giả dân gian, những người đại diện cho công lí của nhân dân xưa.

Ông trạng Siếng (truyện Ông trạng Siếng) là anh chàng lười biếng nhưng thông minh và có chút may nên có được cuộc sống hạnh phúc. Anh ta nhờ “láu cá” mà từ không có gì mà có cả vàng bạc và đàn trâu về nhà cùng vợ con sống cuộc sống hạnh phúc. Từ gánh cứt, sau anh ta có chó, từ chó anh ta có trâu, khi mất trâu, buồn chán, anh ta rúc vào chuồng ngựa ngủ, vô tình nghe được bí mật nhà vua bị mất ấn tín và hai tên chăn ngựa chính là kẻ trộm. Anh ta giả vờ lấy ống siếng vào tâu với vua là nhờ ống siếng mà anh ta biết bói. Để rồi, nói ra điều mà anh ta biết và được vua thưởng vàng bạc. Trên đường về, anh ta cố tình để đàn trâu giẫm nát ống siếng và vào kiện với vua. Vua bắt người ta đền cho anh một đàn trâu.

Anh chàng mồ côi trong truyện Chàng mồ côi thông minh là người thông minh nhưng nghèo khó. Chính nhờ sự thông minh của mình mà anh đã làm cho cô gái xinh đẹp con nhà giàu vốn ít nói đã nói được ba câu, để rồi anh được làm rể hiền. Anh chàng trong chuyện Anh chàng nhà nghèo thông minh phản ánh: nhờ sự thông minh, anh lừa vua rằng hạt gấc là hòn dái ngựa hồng cư, lừa lính ăn chuối để thoát thân, lừa người bán dầu để được dầu và được giải thoát khỏi chiếc lồng và lại lừa vua là được xuống Long cung để vua nảy lòng tham và muốn xuống long cung một chuyến. Cuối cùng, anh chàng nhà nghèo đã lên làm vua, trị vì đất nước.

Anh chàng con bác nông dân nghèo (truyện Cày ruộng sá tiếp sá, cưỡi ngựa móng tiếp móng) phản ánh việc: nhờ sự thông minh, giỏi chữ nghĩa của mình, anh chàng đã đối đáp lại lời quan văn và được nhà vua tin yêu, trở thành phò mã.

Chàng trai có tên Đại Lãn trong truyện Thằng Đại Lãn là một anh chàng lười biếng, nhờ vào quạ đen cắp cá đến cho công chúa ăn và công chúa sinh con, nhưng nhà vua không chịu gả công chúa cho Đại Lãn và trừng phạt Đại Lãn. Đại Lãn được quạ chúa cho chiếc trống thần. Nhờ trống thần, Đại Lãn đuổi được giặc và được nhà vua nhường cho nửa đất nước.

Như vậy, trong truyện cổ tích sinh hoạt Ba Bể, các câu chuyện mang đậm chất miền núi từ cách suy nghĩ, quan niệm đến hành xử. Nhưng dù vậy, truyện cổ tích sinh hoạt vẫn đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Những kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác, cậy mạnh hiếp yếu đều không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân. Người dân miền núi vốn thật thà, chất phác, hồn nhiên, nên mỗi câu chuyện cổ tích sinh hoạt của Ba Bể đã phản ánh khá chân thực những quan niệm rất cụ thể mà giàu chất khái quát này.

Tiểu kết chương 2

Nhìn từ phương diện nội dung trong khảo sát truyện cổ Ba Bể cho phép chúng tôi có những nhận xét như sau:

Những quan niệm về thiên nhiên và lịch sử trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích lưu truyền ở vùng hồ Ba Bể phản ánh tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích Ba Bể là tấm gương phản chiếu, đồng thời lưu giữ những giá trị văn hóa của các tộc người trong vùng. Dưới sự tri nhận về thiên nhiên của tác giả dân gian, những hình ảnh thiên nhiên vừa li kì nhưng lại gắn bó với thực tại. Đó đều là không gian thiên nhiên miền núi với những hình ảnh tự nhiên như nương rẫy, rừng sâu, dòng suối, đèo dốc, thác ghềnh, hang động…. Sự khác biệt của thiên nhiên trong các truyện kể ở Ba Bể đã làm nên một thế giới khác hẳn với thế giới trong các câu truyện cổ của dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Trong thần thoại, truyền thuyết ở vùng hồ Ba Bề, truyện kể về người khổng lồ Tài Ngào, sau đó là hai vợ chồng Tài Ngào là những truyện kể tiêu biểu, mở ra một thế giới về thời kì đồ đá xa xưa nhất của lịch sử. Trong thời đại đồ đá ấy, Tài Ngào, hai vợ chồng Tài Ngào được coi là những con người đầu tiên của vùng đất Ba Bể. Miêu tả Tài Ngào với sức khỏe phi phàm, tác giả dân gian thể hiện khát vọng của người dân bản địa xưa kia về công cuộc chinh phục thiên

nhiên: đắp đập, ngăn sông phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nhân dân và cải tạo thú dữ.

Truyện cổ tích Bắc Kạn lưu truyền ở vùng Hồ Ba Bể với những quan niệm về con người và xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng này là thế giới mang chất miền núi ở Ba Bể rõ nét. Chính chất miền núi trong từng chi tiết này đã làm nên những câu chuyện cổ tích mang đậm chất vùng miền với những địa danh cụ thể, góp phần làm phong phú vốn truyện cổ dân gian mà vẫn đảm bảo những nét đặc trưng của thể loại cổ tích. Trong thế giới cổ tích loài vật, các con vật được nhân hóa thành các nhân vật mang đặc điểm như người: tính cách, hành động được diễn ra trong cuộc sống mang màu sắc thế tục khá rõ nét để nhằm thay lời tác giả dân gian gửi gắm các quan niệm, điều răn dạy, các bài học trong cuộc sống của người dân tộc Ba Bể xưa. Trong mỗi truyện kể, không có các yếu tố kì ảo, biến hóa như truyện cổ tích thần kì mà chỉ có hành động, suy nghĩ, tính cách của các nhân vật được thể hiện qua cốt truyện rất đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn nhưng chứa đựng ý nghĩa triết lí sâu xa. Nếu như thế giới cổ tích trong truyện cổ tích loài vật mang màu sắc của cuộc sống thế tục, gần gũi với đời sống thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số Ba Bể thì thế giới cổ tích trong truyện cổ tích thần kì lại đầy biến ảo, li kì, hấp dẫn người nghe cho dù thế giới ấy chỉ có trong truyện cổ tích.

Trong truyện cổ tích sinh hoạt Ba Bể, thế giới kỳ ảo vốn là thế mạnh của cổ tích, thì ở đây hầu như không phát huy thế mạnh, do đây là những câu chuyện mang màu sắc thế sự là chính. Các câu chuyện này hầu như không có bóng dáng của thế giới cổ tích mà chủ yếu là các câu chuyện diễn ra trong cuộc sống thường nhật của người dân Ba Bể xưa. Đó là những con người tồn tại trong xã hội có kẻ yêu, người ghét rõ ràng. Mỗi hành động, việc làm của các nhân vật trong truyện cổ tích sinh hoạt Ba Bể đều được soi chiếu bởi sự phán xét của các tác giả dân gian, những người đại diện cho công lí của nhân dân xưa.

Chương 3

GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN BẮC KẠN LƯU TRUYỀN Ở VÙNG HỒ BA BỂ TỪ PHƯƠNG DIỆN

NGHỆ THUẬT

3.1. Những đặc điểm văn hóa tộc người trong thế giới nghệ thuật truyện kể dân gian lưu hành ở vùng Hồ Ba Bể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát truyện kể dân gian bắc kạn lưu truyền ở vùng hồ ba bể từ góc nhìn văn hóa (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)