Yêu cầu của mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội trong định hướng phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội trong quá trình phát triển ở vĩnh phúc hiện nay (Trang 27 - 29)

và chính sách xã hội trong định hướng phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa

Tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội phản ánh mối quan hệ giữa lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội. Trong thực tiễn cuộc sống, tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội có mối quan hệ hữu cơ. Mỗi chính sách kinh tế đều có mục tiêu xã hội nhất định. Trong các chế độ của giai cấp bóc lột, mục tiêu xã hội của các chính sách kinh tế là hướng vào đảm bảo lợi ích của giai cấp thống trị và phần nào góp phần xoa dịu mâu thuẫn giai cấp, hạn chế xung đột xã hội. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mục tiêu xã hội của chính sách kinh tế là hướng tới một xã hội công bằng cả trong sở hữu, phân phối kết quả sản xuất lẫn tạo cơ hội cho mọi người phát huy, cống hiến cao nhất khả năng của mình, đồng thời phát triển những năng lực của mình. Thực chất sâu xa của công bằng xã hội nhìn từ quan điểm nhân đạo và nhân văn là công bằng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Chính sách kinh tế là cơ sở trực tiếp để giải quyết các vấn đề như lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống... Trình độ và khả năng phát triển kinh tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện chính sách xã hội, kinh tế tăng trưởng mới có điều kiện giải quyết các chính sách xã hội... Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa cứ đạt được tăng trưởng kinh tế là giải quyết được các vấn đề xã hội, mà sử dụng các thành quả tăng trưởng kinh tế như thế nào lại phụ thuộc vào quan điểm và cách làm của thể chế cầm quyền. Không chỉ chính sách kinh tế là cơ sở cho chính sách xã hội mà chính sách xã hội cũng có tác động đến thực hiện các mục tiêu kinh tế. Chính sách xã hội công bằng, hợp lý, tiến bộ sẽ tạo động lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kích thích sản xuất phát triển, tăng trưởng kinh tế cao, đời sống vật chất của toàn xã hội được nâng lên lại tạo điều kiện vật chất để thực hiện tốt các chính sách xã hội. Trong hệ thống các chính sách xã hội có những chính sách xã hội

tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế như: dân số, lao động, việc làm, đào tạo nguồn nhân lực...

Tuy nhiên, giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện chính sách xã hội trong thực tế cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Về mâu thuẫn khách quan: Quá trình tăng trưởng kinh tế thường kéo theo những vấn đề xã hội như: Vấn đề việc làm, các tệ nạn xã hội làm đảo lộn các giá trị truyền thống... mà hậu quả là các chính sách xã hội chưa thể xử lý được. Tăng trưởng kinh tế thường kéo theo sự huỷ hoại môi trường sinh thái làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con người mà cuối cùng xã hội phải giải quyết thông qua chính sách xã hội. Lại có mô hình kinh tế có tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng trước mặt mà không đưa đến sự phát triển thực sự khi tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại, thành quả tăng trưởng rơi vào thiểu số giới chủ sở hữu lớn tư liệu sản xuất hoặc tầng lớp quan liêu. Kinh tế thị trường nếu không có sự quản lý có hiệu quả của nhà nước sẽ dẫn tới tình trạng tách biệt xã hội và bần cùng hóa đối với một bộ phận dân cư. Đó là nạn thất nghiệp, nghèo khổ, mức sống quá thấp, sự phân cực xã hội về mức sống đã tiềm ẩn và nung nấu những xung đột xã hội. Điều này càng gia tăng trong điều kiện kinh tế suy thoái, lạm phát đi liền với nạn đầu cơ, tài sản quốc gia bị lãng phí, bị xâu xé bởi các thế lực có sức mạnh trong xã hội nhưng đã xa rời lợi ích của cộng đồng dân tộc.

Về mâu thuẫn chủ quan: Yêu cầu phát triển kinh tế và giải quyết mặt xã hội của đời sống xã hội hiệu quả, tương ứng song do chủ thể ban hành chính sách xã hội bị hạn chế tầm nhìn, hạn chế về nhận thức, chưa đạt tư duy chiến lược, bao quát nên chưa thiết kế được chính sách xã hội như một hệ thống với cấu trúc xác định và khi thực hiện nó thường thiếu đồng bộ, sự chủ quan duy ý chí của các chủ thể khi thiết kế và thực thi chính sách xã hội hoặc do giới hạn của bản chất, lợi ích giai cấp chế định.

Mặt khác cũng cần nhận thức rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội là quan hệ thống nhất biện chứng nên không thể cầu toàn giải quyết triệt để và toàn bộ các vấn đề kinh tế, xã hội thông qua chính sách kinh tế, chính sách xã hội một cách tách biệt, thuần tuý. Điều này có nghĩa là phải kết hợp được và tìm ra được cái ngưỡng phù hợp giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội trên cơ sở trình độ phát triển kinh tế-xã hội cho phép.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội trong quá trình phát triển ở vĩnh phúc hiện nay (Trang 27 - 29)