Những công ty doanh thương cần tiền để tài trợ cho hoạt động của chúng. Một cách tổng quát, một công ty có thể chọn lựa một trong ba cách huy động vốn từ bên ngoài để đáp ứng cho nhu cầu của công ty: vay mượn với một ngân hàng, chia lại chủ quyền của công ty bằng cách phát hành cổ phiếu, hoặc vay mượn nợ từ giới đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu.
Trái phiếu của công ty doanh thương (corporate bonds; debentures) được phát hành với nhiều hạn du kỳ: ngắn, trung và dài hạn. Trái phiếu ngắn hạn của công ty doanh thương (short-term corporate bonds) có du kỳ dài từ 1 đến 5 năm. Trái phiếu trung hạn của công ty doanh thương (medium-term corporate bonds) có du kỳ dài từ trên 5 đến 15 năm. Và trái phiếu dài hạn của công ty doanh thương (long-term corporate bonds) có du kỳ dài trên 15 năm.
Thông thường thì trái phiếu do công ty doanh thương phát hành có mức hiểm hoạ cao hơn trái phiếu của chính quyền liên bang. Dầu là được phát hành bởi những công ty to lớn và có danh tiếng tốt, trái phiếu của những công ty doanh thương ẩn chứa hiểm hoạ cao nhất vì những công ty doanh thương, so với chính quyền, rất mẫn cảm với những thay đổi xấu trong điều kiện kinh tế, trong khả năng của ban quản trị, và trong môi trường cạnh tranh doanh thương. Trường hợp chinh quyền địa phương bị phá sản rất hiếm khi xảy ra. Nhưng công ty bị phá sản là chuyện xảy ra rất thường, ngay cả những công ty có tầm vóc, thí dụ như công ty Pan Am, công ty LTV Streel hoặc công ty Chrysler trong năm 1979,
Theo đó, mức lợi nhuận định kỳ của trái phiếu do công ty phát hành cũng cao hơn là mức lợi nhuận định kỳ của những công trái phiếu. Ngoài lý do hiểm hoạ cao hơn, trái phiếu của công ty doanh thương cho mức lợi nhuận định kỳ cao hơn vì một lý do khác nữa, đó là, vì lợi nhuận của trái phiếu do công ty doanh thương phát hành không được miễn thuế.
Trái phiếu do công ty doanh thương phát hành luôn luôn được đánh giá và xếp hạng khả tín bởi những công ty chuyên cung cấp dịch vụ thông tin đầu tư. Hai công ty quen thuộc nhất là Standard and Poor’s Rating Services và Moody’s Investors Service.
Hạng khả tín của một công ty, cũng là phẩm hạng của trái phiếu, được xếp theo mẫu chữ la tinh. Trái phiếu loại A được đánh giá cao nhất và được coi là trái phiếu hảo hạng. Trái phiếu loại B được đánh giá trung bình. Trái phiếu loại C được đánh giá thấp. Trái phiếu hạng BBB theo Standard and Poor’s, tương đương với hạng Baa theo Moody’s Service, và những hạng cao hơn được coi là những trái phiếu tốt, thuộc hạng phù hợp cho mục đích đầu tư (investment-grade), nói theo thuật ngữ chuyên môn. Trái phiếu hạng BB theo Standard and Poor’s, tương đuơng với hạng Ba theo Moody’s, và những hạng thấp hơn được coi là những trái phiếu thuộc hạng phù hợp cho mục đích đánh cá may rủi (less-than-investment grade).
Trái phiếu phát hành bởi những công ty doanh thương thiếu tầm vóc hoặc những công ty doanh thương đang đói khát tài chính thường trả mức lợi nhuận rất cao (high yield) và bán ra dưới mệnh giá rất xa (deep dis- count) thường được gọi chung là những trái phiếu may rủi (speculative bonds). Vào thập niên 1980 loại trái phiếu cho lợi nhuận thật cao rất thịnh hành ở Hoa Kỳ và là phương tiện chính đáng để giúp những công ty nhỏ mượn vốn phát triển. Tuy nhiên phương tiện này đã bị lạm dụng quá mức và bị hủy hoại với một loạt tai tiếng ô nhục vì những hoạt động phi pháp trong lãnh vực đầu tư của những tay chuyên gia phù thủy, thí dụ như Ivan Boesky and Michael Milken, và một loạt phá sản giật nợ (defaults) của những công ty vào đầu thập niên 1990s. Chính vì vậy những trái phiếu loại này bị định danh là những trái phiếu tồi (junk bonds).
Đa số trái phiếu do công ty doanh thương phát hành cho lợi nhuận định kỳ ở một mức cố định, còn gọi là lãi suất cố định. Mức lợi nhuận định kỳ cố định hay lãi suất cố định là mức lợi nhuận định kỳ không thay đổi
trong suốt du kỳ, từ ngày phát hành cho tới ngày mãn hạn. Trái phiếu có mức lợi nhuận định kỳ không thay đổi được gọi là trái phiếu với mức lợi nhuận định kỳ cố định hay là trái phiếu với lãi suất cố định (fixed rate bonds).
Một số trái phiếu của công ty doanh thương cho mức lợi nhuận định kỳ điều chỉnh theo lãi suất hiện hành của thị trường, thường là tùy thuộc vào một biểu số lãi suất nào đó thí dụ như là công trái phiếu ngắn hạn (short- term treasury bills). Trái phiếu cho mức lợi nhuận định kỳ thay đổi theo lãi suất hiện hành trên thị trường được gọi là trái phiếu với lãi suất điều chỉnh (variable rate bonds) hoặc trái phiếu với lãi suất nỗi (floating rate bonds). Thông thường trái phiếu với lãi suất điều chỉnh cho lợi nhuận định kỳ thấp hơn là trái phiếu với lãi suất cố định có cùng một chiều dài du kỳ.
Một số trái phiếu của công ty doanh thương không chi trả lợi nhuận định kỳ theo mỗi 6 tháng một lần như những trái phiếu có phiếu lãi. Thay vào đó lợi nhuận định kỳ sẽ được tính và trừ vào giá bán, do đó, trái phiếu được bán ra với một giá dưới mệnh giá của trái phiếu rất xa (deep discount). Loại trái phiếu này được gọi là trái phiếu không phiếu lãi do công ty doanh thương phát hành (corporate zeros; zero coupon corporate bonds).
Ngoài ra trái phiếu của công ty doanh thương còn được phát hành dưới một số dạng khác sẽ được đề cập sau trong phần “những thể tính của trái phiếu.”