Quan niệm nghệ thuật về hiện thực trong văn học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết sao mai (Trang 30 - 32)

7. Đóng góp của luận văn

2.1.1. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực trong văn học

Hiện thực bao gồm thế giới tự nhiên, con người, môi trường xã hội, các quan điểm và học thuyết chính trị, triết học, tôn giáo... trung tâm hiện thực là con người. Nội dung hiện thực của tác phẩm văn học nghệ thuật chủ yếu không phải là ở các chi tiết xã hội, ở việc ghi chép mô tả nhiều sự kiện, hoạt động bên ngoài con người, mà hiện thực độc đáo của văn nghệ là thế giới tâm hồn, tâm linh của con người. Hiện thực cuộc sống như một bức tranh muôn màu, như một bản giao hưởng. Mỗi nhà văn đều có con mắt riêng của mình, để ngắm bức tranh đời sống theo nhiều góc độ hay lắng nghe những âm thanh của cuộc sống rồi lí giải theo quan điểm chủ quan. Hiện thực xã hội chứa đựng rất nhiều điều huyền bí, thế giới nội tâm con người cũng vô cùng phức tạp, mỗi con người là một vũ trụ. Thế giới nội tâm con người chứa đựng nhiều mâu thuẫn, những mặt tốt - xấu, thần thánh - ma quỷ, cao cả - thấp hèn... ngay cả bản thân con người cũng không thể hiểu được cặn kẽ những thay đổi trong con người mình. Cách nhìn đời, nhìn người của người nghệ sĩ có khi sâu sắc, đa chiều, toàn diện nhưng cũng có khi thiên lệch, phiến diện. Do đó, người nghệ sĩ phải thật sự tỉnh táo khi nhìn nhận thế giới hiện thực một cách khách quan.

Mỗi tác phẩm văn học đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, nhà văn phải bám sát vào hiện thực để sáng tạo. Nghĩa là hiện thực trong tác phẩm văn học là hiện thực nghệ thuật. Hiện thực trong tác phẩm là một hiện thực đã được khái quát, chắt lọc, tái tạo lại chứ không phải là một hiện thực ở dạng sao chép, và nó là một hiện thực đầy đủ, toàn diện phản ánh được bản chất của hiện thực xã hội trong tính lịch sử của nó. Nhà văn không tô hồng, bóp méo, không bôi đen nhưng cũng không được né tránh.

25

Quan niệm nghệ thuật được Trần Đình Sử định nghĩa là “cách cắt nghĩa, lý giải hiện thực của người nghệ sĩ”. Trong Từ điển thuật ngữ văn học của lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi cho rằng: “Quan niệm nghệ thuật là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình thức nghệ thuật, nó gắn với các phạm trù phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật và làm thành thước đo của hình thức văn học và cơ sở của tư duy nghệ thuật” [9, tr.230].

Hiện thực cuộc sống là đối tượng phản ánh của văn học và luôn là mảnh đất màu mỡ để văn học khai phá. Thông qua tác phẩm, quan niệm nghệ thuật về hiện thực của nhà văn sẽ được thể hiện. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực là một vấn đề liên quan trực tiếp đến nhận thức về bản chất, chức năng của nghệ thuật. Song, mỗi nhà văn lại có một quan niệm rất riêng về hiện thực. Hiện thực trong văn học vì thế được thể hiện không đơn giản xuôi chiều mà đa dạng, phong phú do được soi chiếu bằng cả kinh nghiệm cộng đồng và kinh nghiệm cá nhân với các quan điểm nhân bản khác nhau. Các nhà văn viết về hiện thực nhưng không nhằm mô tả hiện thực. Hiện thực chỉ là cái nền cho sự diễn biến những cuộc đời, những số phận, những trạng thái tinh thần. Như vậy, cái mà nhà văn hướng đến là trình bày trạng thái tồn tại của con người trong hiện thực. Tiểu thuyết hiện đại tìm kiếm một phương thức phản ánh không lệ thuộc vào thực tại khách quan. Nó không chỉ tái tạo hiện thực mà còn nỗ lực vươn đến sáng tạo những hiện thực mới, một thực tại chỉ có trong ý nghĩ. Nói như thế không có nghĩa là tiểu thuyết hiện đại không phản ánh hiện thực, thực chất nó không loại trừ tiểu thuyết hiện thực nhưng tiểu thuyết hiện thực chỉ là một mảnh đất nhỏ. Như vậy, công việc của người viết tiểu thuyết là phải tạo ra một thế giới mới, thế giới hoàn toàn khác. Ở đó có những yếu tố rất thực lại có những yếu tố ảo do nhà văn sáng tạo nên. Và vì thế, có thể nói những gì được coi là hiện thực trong tiểu thuyết, trên thực tế không gì khác hơn chính là sự hình dung về nó. Từ sự thay đổi và mở rộng quan niệm về hiện thực, mối quan hệ giữa nhà văn với hiện

26

thực đã có sự thay đổi. Nếu ở giai đoạn trước, con người là phương tiện để biểu đạt “cái lịch sử” thì bây giờ “lịch sử lại trở thành phương tiện để biểu đạt con người. Hiện thực không bị đóng cứng bởi tiêu chí lịch sử theo tinh thần sử thi mà mang nội dung linh động, dân chủ hơn nhiều với hứng thú tìm “lịch sử trong mỗi con người”. Lịch sử theo kinh nghiệm cộng đồng chuyển thành lịch sử theo kinh nghiệm cá nhân. Kinh nghiệm cộng đồng dù phong phú đến đâu cũng không thể so sánh được với kinh nghiệm cá nhân về tính cụ thể, sinh động và đa dạng. Nhiều nhà văn đã lấy lịch sử làm chất liệu để truyền đạt những thông điệp hiện tại như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Anh Thái...

2.1.2. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực xã hội trong sáng tác của Sao Mai

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết sao mai (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)