- Khái niệm: Theo Nguyễn Thị Thu Hằng (2009) rủi ro là xác suất gặp nguy hiểm từ bất kỳ một sự cố tiêu cực nào như bị thương, mất cắp… do tác động của các yếu tố gây nguy hiểm từ bên trong hoặc bên ngoài gây nên và điều này có thể phòng ngừa và hạn chế được bằng những dự tính từ trước. Dưới góc độ tài chính, rủi ro được định nghĩa là xác suất mà lợi nhuận thực tế thu được từ một khoản đầu tư ban đầu thấp hơn so với mong đợi.
Rủi ro trong kinh doanh Ngân hàng được hiểu là những biến cố không mong đợi mà khi xảy ra sẽ dẫn đến sự tổn thất về tài sản của Ngân hàng, giảm sút lợi nhuận thực tế so với dự kiến hoặc phải bỏ ra thêm một khoản chi phí để có thể hoàn thành một nghiệp vụ tài chính nhất định.
• Các loại rủi ro trong kinh doanh Ngân hàng.
Theo Nguyễn Văn Tiến (2010) trình bày trong sách Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng - Nhà xuất bản thống kê cho rằng:
- Rủi ro tín dụng: Tín dụng là hoạt động chủ yếu của Ngân hàng thương mại. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng thu nghiệp vụ Ngân hàng và đem lại phần lớn lợi nhuận cho Ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng lại là hoạt động có nhiều rủi ro nhất và phức tạp nhất. Hoạt động tín dụng liên quan chặt chẽ đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Mỗi rủi ro trong các lĩnh vực này đều tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng thương mại. Trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng thương mại luôn đặt ra mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, đồng thời tối thiểu hoá rủi ro. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi Ngân hàng thương mại phải có những giải pháp thích hợp để quản lý và phòng ngừa rủi ro tín dụng.
- Rủi ro lãi suất:Đây là loại rủi ro mang tính xã hội, nó ảnh hưởng đến hầu hết các tổ chức kinh tế, các cá nhân trong nền kinh tế quốc dân. Lãi suất là chi phí để vay hoặc giá phải trả để thuê vốn trong một thời gian nào đó. Trong cơ chế thị trường, lãi suất luôn biến động và điều này có thể gây ra rủi ro cho hoạt động của Ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, Ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay một kỳ hạn với lãi suất cố định, sự thiệt hại của Ngân hàng sẽ diễn ra khi lãi suất trên thị trường tăng lên. Ngược lại, khi nhận vốn với một thời hạn và lãi suất ấn định, Ngân hàng sẽ bị thiệt hại khi lãi suất thị trường giảm xuống. Rủi ro lãi suất là loại rủi ro do sự biến động của yếu tố tiền tệ. Rủi ro lãi suất nảy sinh trong những trường hợp sau:
+ Lạm phát tăng, lãi suất buộc phải điều chỉnh theo xu hướng tăng làm chi phí của Ngân hàng phải bỏ ra cũng tăng lên, do đó làm giảm thu nhập của Ngân hàng. Khi lạm phát cao thì thường có lợi cho người vay vốn và bất lợi cho người cho vay.
+ Do cơ cấu tài sản nợ và tài sản có của Ngân hàng không hợp lý. Ngân hàng dùng tài sản nợ ngắn hạn để đầu tư vào tài sản có dài hạn. Nếu lãi suất ngắn hạn tăng, chi phí Ngân hàng phải bỏ ra cũng sẽ tăng lên, trong khi thu nhập ở
tài sản có dài hạn vẫn giữ nguyên, như vậy thu nhập của Ngân hàng không đủ bù đắp chi phí kinh doanh, dẫn đến ăn mòn vào vốn.
+ Ngoài ra, rủi ro lãi suất có thể xảy ra do trình độ thấp kém bị thua thiệt trong việc cạnh tranh lãi suất trên thị trường. Hoặc do yếu tố của nền kinh tế tác động đến lãi suất như cung, cầu, yếu tố thị trường…Khi Nhà nước có quyết định điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm xuống, trong khi tiền gửi có kỳ hạn chưa đến hạn trả. Như vậy, lãi suất cho vay bị giảm thấp nhưng phần trả lãi cho những khoản tiền gửi có kỳ hạn lại không giảm tương ứng dẫn đến rủi ro lãi suất.
- Rủi ro thanh khoản: Rủi ro thanh khoản là rủi ro xảy ra khi Ngân hàng thiếu ngân quỹ hoặc tài sản ngắn hạn mang tính khả thi để đáp ứng nhu cầu của người gửi và người vay. Hiểu theo cách khác, rủi ro thanh khoản xảy ra khi Ngân hàng không dự trữ đủ tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.
- Rủi ro hối đoái: Rủi ro hối đoái là loại rủi ro do sự biến động của tỷ giá hối đoái. Nếu tỷ giá hối đoái bán ra lớn hơn tỷ giá mua vào thì nhà kinh doanh có lãi, ngược lại thì bị lỗ. Sự thay đổi tỷ giá dẫn đến sự thay đổi về giá trị ngoại hối, cụ thể:
+ Nếu Ngân hàng có dư về ngoại tệ (vị thế trường - net long position): Nếu ngoại tệ đó lên giá thì Ngân hàng sẽ có lãi khi đánh giá lại và ngược lại Ngân hàng sẽ lỗ khi ngoại tệ đó xuống giá.
+ Nếu Ngân hàng ở vị thế đoản (net short position) về loại ngoại tệ nào đó, khi ngoại tệ đó lên giá, Ngân hàng sẽ lỗ và ngược lại Ngân hàng sẽ có lãi khi ngoại tệ đó xuống giá. Một trạng thái ngoại hối dù ở thế trường hay thế đoản đều có nguy cơ gây ra tổn thất cho Ngân hàng. Dư về ngoại tệ(vị thế trường) càng lớn thì rủi ro càng cao khi tỷ giá giảm, ngược lại, đoản về ngoại tệ nào đó càng mạnh thì rủi ro cũng không ít khi tỷ lệ tăng. Khi phân biệt tình hình lãi lỗ ngoại hối theo vị thế ngoại hối, người ta so sánh lỗ, lãi thực tế xảy ra so với mức lãi, lỗ dự kiến, qua đó đánh giá chất lượng quản lý rủi ro so với mức lãi, lỗ dự kiến, qua đó đánh giá chất lượng quản lý rủi ro tỷ giá hối đoái của một Ngân hàng.