Hình 4.4: Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ
(Nguồn: Tạp chí tài chính 2013)
Biểu đồ trên cho thấy nợ xấu của khối Ngân hàng thương mại Việt Nam tăng liên tục qua các năm. Đặc biệt năm 2007 tăng trưởng tín dụng lên tới 53% đi kèm với nợ xấu là 3,5%, cao nhất trong các năm qua. Tăng trưởng tín dụng nóng, cùng với chất lượng quản lý tín dụng không tốt của các Ngân hàng thương mại là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của nợ xấu trong thời gian vừa rồi. Chỉ riêng Vinashin đang trong quá trình tái cấu trúc đã có tổng công nợ khoảng 4 tỷ USD tương đương với tổng lợi nhuận sau thuế của cả hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong 3 năm gần đây (2008-2010) và chiếm khoảng 4% dư nợ của toàn hệ thống. Hơn nữa, cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu vào năm 2008 ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp, vay vốn khó khăn và lãi suất vay cao, thị trường đầu ra thu hẹp, thua lỗ từ đầu tư vào thị trường chứng khoán khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ. Ngoài ra, thị trường bất động sản xuống dốc nghiêm trọng khiến cho các khoản vay liên quan đến bất động sản trở nên khó thu hồi. Từ nhiều yếu tố như lạm phát cao, thâm hụt ngân sách nhà nước và đặc biệt là vụ Vinashin mà cả 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s và S&P đã hạ bậc tín nhiệm của 6 Ngân hàng thương mại Việt Nam bao gồm ACB, BIDV, MB, SHB, VIB và Techcombank. Việt Nam sẽ khó khăn hơn trên thị trường vốn quốc tế và
tăng thêm rủi ro cho các Ngân hàng thương mại. Trong năm 2010, tình hình có vẻ khả quan hơn khi tỷ lệ nợ xấu giảm chỉ còn 2,11% và đây cũng là năm mà tình hình nợ xấu của Ngân hàng giảm nhiều nhất trong giai đoạn 2005 – 2013. Nợ xấu tích tụ từ nhiều năm trước nhưng bộc lộ rõ nét nhất trong năm 2012 cụ thể là 4.86% và trở thành lực cản lớn đối với việc mở rộng tín dụng.