7. KếT CấU CủA Đề TÀI NGHIÊN CứU
5.2.2.1 Tăng cường các DNKT có quy mô lớn, giảm thiểu các DNKT có
quy mô nhỏ
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy nhân tố quy mô của DNKT có ảnh hưởng đáng kể và có mối quan hệ tỉ lệ thuận với CLKT. Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu trên thế giới (Francis, 2004; DeAngelo, 1981; Jong Hag Choi và cộng sự, 2010; Husam Al-Khaddash và cộng sự, 2013). Do đó, để nâng cao CLKT cần tăng quy mô của các DNKT tại VN.
Theo Báo cáo của BTC, tính đến ngày 31/10/2014, cả nước có 141 DNKT đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Trong đó, chỉ có khoảng 10% DN có quy mô lớn, 20% DN có quy mô vừa và còn lại 70% DN có quy mô nhỏ. Như vậy, nhìn chung các DNKT có quy mô nhỏ chiếm đa số trong thị trường kiểm toán tại VN. Bên cạnh đó, kết quả KSCL của VACPA qua 3 năm 2010, 2011, 2012 cũng cho thấy CLKT của các DNKT đang ở mức trung bình thấp. Vì vậy, để nâng cao CLKT tại VN, thì việc giảm thiểu các DNKT có quy mô nhỏ và tăng cường các DNKT có quy mô lớn là điều cần thiết.
Để tăng cường các DNKT có quy mô lớn, giảm thiểu các DNKT có quy mô nhỏ, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Khuyến khích các DNKT nhỏ sáp nhập hoặc hợp nhất lại thành các DNKT có quy mô lớn hơn.
Vì các DNKT có quy mô nhỏ chiếm đa số trong thị trường kiểm toán VN nên việc thành lập thêm các DNKT chỉ có thể làm tăng thêm các DNKT có quy mô nhỏ. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những chính sách khuyến khích các DNKT nhỏ sáp nhập hoặc hợp nhất lại thành các DNKT có quy mô lớn hơn nhằm gia tăng vốn điều lệ, vị thế cạnh tranh cũng như năng lực hoạt động.
Bên cạnh đó, các điều kiện đăng kí kinh doanh dịch vụ kiểm toán cũng cần được nâng dần lên nhằm thúc đẩy quá trình sáp nhập và hợp nhất giữa các DNKT nhỏ. Cụ thể, trong thời gian tới VACPA cần phối hợp với BTC chỉ đạo các DNKT thực hiện TT 183/2013/TT-BTC về KTĐL đối với đơn vị có lợi ích công chúng nhằm đẩy mạnh quá trình tăng quy mô của các DNKT nhằm tuân thủ các quy định.
Gia tăng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn
Kết quả khảo sát cho thấy có 68% KTV đồng ý với nhận định “DNKT lớn có trình độ nguồn nhân lực cao hơn nên có thể cung cấp CLKT cao hơn”. Như vậy, bên cạnh việc khuyến khích các DNKT có quy mô nhỏ sáp nhập hoặc hợp nhất lại thành các DNKT có quy mô lớn hơn thì việc bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cho thị trường kiểm toán sẽ thúc đẩy quá trình hình thành các DNKT có quy mô lớn hơn, qua đó gia tăng CLKT.
Theo báo cáo của VACPA, số lượng nhân viên chuyên nghiệp và KTV đăng ký hành nghề kiểm toán trong ba năm gần đây như sau:
Bảng 5.1: Số lượng nhân viên chuyên nghiệp và KTV đăng kí hành nghề
Chỉ tiêu 2013 2014 2015
Số lượng nhân viên (người) 9.445 9.880 10.437
Trong đó: - KTV đăng kí hành nghề 1.421 1.344 1.511 - N/v chuyên nghiệp khác 8.024 8.536 8.926 Số lượng DNKT 152 155 134 Bình quân NVCN/DNKT 62 64 78 Bình quân KTV/DNKT 9 9 11
Nguồn: Báo cáo VACPA 2015
Qua 3 năm gần đây, bình quân NVCN/DNKT dao động từ 62 đến 78 người và bình quân KTV/DNKT dao động từ 9 đến 11 KTV. Nếu xét về tính bình quân, thì số lượng nhân viên chuyên nghiệp hiện tại đảm bảo cho các DNKT có quy mô vừa và số lượng KTV hoàn toàn có thể đáp ứng được quy định của Luật KTĐL về số lượng KTV tối thiểu trong một DNKT là 5 KTV. Tuy nhiên trên thực tế số lượng nhân viên chuyên nghiệp và KTV được phân bố không đồng đều mà tập trung ở các
công ty lớn. Ví dụ như trong mẫu khảo sát gồm 31 DNKT thì có tới 48% công ty có số lượng nhân viên ít hơn 50 người và có 42% công ty có số lượng KTV thấp hơn 10 KTV.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm 31/10/2015 thì chỉ có 141 DNKT được phép kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong khi có hàng triệu DN đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Nhất là đối với các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán thì hiện tại chỉ có 27 DNKT đủ điều kiện kiểm toán theo thông báo đợt 1 và đợt 2 của UBCKNN vào ngày 20/11/2015 và 03/12/2015.
Như vậy, mặc dù tổng số lượng nhân viên chuyên nghiệp trong các DNKT đang có xu hướng tăng dần qua các năm, nhưng tốc độ tăng không đủ để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ở giai đoạn hiện nay có thể là do:
-Công tác đào tạo và cấp chứng chỉ KTV tại nước ta còn nhiều bất cập, chưa hoàn thiện. Ví dụ như số lượng đối tượng tham gia dự thi còn khá ít do giới hạn về điều kiện đối tượng được dự thi, nội dung nặng về lý thuyết dẫn đến một số KTV dù được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng chưa thể hành nghề trong thực tế do gặp vấn đề về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế.
-Tính chất đặc thù của công việc kiểm toán với áp lực và thời gian làm việc lớn hơn so với các ngành nghề khác
-Chính sách về tiền lương, mức đãi ngộ tại các DNKT còn chưa tương xứng với yêu cầu công việc. Dẫn đến xảy ra tình trạng chảy máu chất xám về nhân lực kiểm toán.
-Quy trình tuyển dụng chưa chặt chẽ, nhất là tại các DNKT vừa và nhỏ Vì vậy, để gia tăng nguồn nhân lực cho thị trường kiểm toán, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Cải cách trong việc đào tạo và cấp chứng chỉ KTV, hướng đến quốc tế hóa chứng chỉ KTV hành nghề của VN
-Mở rộng điều kiện dự thi để tạo điều kiện cho nhiều người được dự thi hơn như điều kiện về số năm kinh nghiệm là 3 năm thay vì 4 năm như hiện nay
-Tổ chức thi chứng chỉ KTV 2 đợt/năm ( có thể là vào tháng 5 và tháng 10 để tránh những tháng vào mùa kiểm toán). Kế hoạch thi KTV trong năm cần được
công bố ngay từ đầu năm để người dự thi có kế hoạch chủ động.
-Nội dung bài thi cần phối hợp giữa lý thuyết và thực hành, nâng cao chất lượng đề thi theo tiêu chuẩn quốc tế, mang tính thực tiễn hơn. Theo kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề theo yêu cầu của Liên đoàn kế toán quốc tế thì KTV phải qua ba cấp độ: (i) Kiểm tra năng lực chuyên môn, kiến thức cơ bản; (ii) Kiểm tra kỹ năng chuyên ngành; (iii) Kiểm tra kinh nghiệm chuyên môn. Vì việc gia tăng chất lượng đề thi theo hướng hội nhập với quốc tế cũng là một trong những cách để quốc tế hóa chứng chỉ KTV của VN.
-Chuyển giao công việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán cho VACPA vì theo thông lệ quốc tế thì hội nghề nghiệp sẽ thực hiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề. Việc chuyển giao công việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán cho VACPA là cơ sở để VN triển khai đàm phán để thực hiện Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau về hành nghề kế toán, kiểm toán giữa các nước thuộc khối ASEAN đã được ký kết vào tháng 8/2008.
Khuyến khích các DNKT có những chính sách đãi ngộ dành cho các KTV, nhằm giữ nguồn nhân lực, tránh tình trạng chảy máu chất xám
Do tính chất đặc thù của công việc kiểm toán với áp lực và thời gian làm việc lớn hơn so với các ngành nghề khác nên người làm nghề kiểm toán thường có xu hướng rẽ sang một ngành nghề khác khi đã làm việc trên 3 năm. Điều này gây khó khăn cho các DNKT khi phải tuyển dụng và đào tạo lại nguồn nhân lực mới. Tình trạng chảy máu chất xám này cần phải được ngăn chặn bằng cách các DNKT cần có nhiều chính sách đãi ngộ hơn nữa nhằm giữ lại nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có trình độ. Một số chính sách được đề nghị như: chính sách về phát triển nghề nghiệp rõ ràng, xét tăng lương hàng quý, hàng năm, có những đãi ngộ về bảo hiểm nhân thân, tạo điều kiện đi học các chứng chỉ kiểm toán quốc tế….Bên cạnh đó, việc tạo lập môi trường làm việc công bằng, thân thiện, chuyên nghiệp và có văn hóa lành mạnh cũng góp phần giữ lại nguồn nhân lực.
Các DNKT cần xây dựng quy trình tuyển dụng chặt chẽ nhằm lựa chọn được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp
Để gia tăng nguồn nhân lực thì việc việc xây dựng một quy trình tuyển dụng chặt chẽ là rất cần thiết. Trong đó các tiêu chí lựa chọn ứng viên phải cụ thể và phù
hợp với yêu cầu của từng vị trí tuyển dụng. Bên cạnh đó cần chú trọng đến các yếu tố đạo đức, tính cách, phẩm chất cá nhân. Hình thức tuyển dụng cũng cần được đa dạng để có thể tối đa khả năng tiếp cận với các ứng viên ví dụ như đăng tuyển trên các trang web nghề nghiệp, tổ chức các buổi giới thiệu tại các trường đại học…
Xây dựng quy trình kiểm toán hữu hiệu
Kết quả khảo sát cho thấy có 57% KTV đồng ý với nhận định “DNKT lớn có quy trình kiểm toán tốt hơn nên mang lại CLKT cao hơn”. Vì vậy, việc khuyến khích các DNKT xây dựng một quy trình kiểm toán hữu hiệu sẽ thúc đẩy quá trình hình thành các DNKT có quy mô lớn hơn, qua đó gia tăng CLKT.
Theo báo cáo kiểm tra của VACPA qua 3 năm 2010, 2011, 2012, nhiều DNKT còn sử dụng các quy trình kiểm toán lạc hậu. Một số công ty sử dụng chương trình kiểm toán mẫu do VACPA ban hành nhưng chưa đầu tư thời gian, công sức xây dựng, thiết kế cho phù hợp với đối tượng khách hàng của công ty. Vì vậy trong thời gian tới, các DNKT nên dựa vào chương trình kiểm toán mẫu do VACPA ban hành để xây dựng nên quy trình kiểm toán cho công ty mình, sao cho phù hợp với đặc điểm công ty, loại hình dịch vụ và đối tượng khách hàng trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. Đối với các DNKT có quy trình kiểm toán riêng thì cần thường xuyên cập nhật sao cho phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, khi đã có quy trình kiểm toán thì các DNKT cần nghiêm túc thực hiện, tránh tình trạng bỏ sót các thủ tục kiểm toán quan trọng.