Tình hình lập và thực hiện quy hoạch nông thôn mới ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thanh liêm, tỉnh hà nam (Trang 32 - 37)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Cơ sở thực tiễn về quy hoạch xây dựng nông thôn mới

2.2.2. Tình hình lập và thực hiện quy hoạch nông thôn mới ở Việt Nam

Thực hiện đường lối của Đảng, trong những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh của cả xã hội.

Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Trung ương đã kế thừa kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng xã nông thôn mới. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Ban Chỉ đạo đã thống nhất các xã lựa chọn những tiêu chí mà đa số người dân thấy cần thì tập trung làm trước, khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, xóm, từng hộ dân có thể tự làm được đã tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng, cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Huy động tổng lực các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, rất chú trọng huy động các nguồn vốn khác, như từ ngân hàng, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân,

như góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền, đóng góp tinh thần và động viên người dân thành đạt tham gia. Bên cạnh đó, đã quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao kỹ năng tay nghề, giải quyết việc làm cho nông dân theo cả hai hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp; quan tâm tới chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn.

Để huy động sức mạnh tổng hợp chung sức xây dựng nông thôn mới, ngày 20/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1620/QĐ-TTg về kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân tham gia xây dựng NTM.

Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.

Đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án.

Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.

Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với

2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM là: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP. HCM), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).Ngoài ra, 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận.Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt. Cụ thể có tới 22.000 mô hình sản xuất nông lâm nghiệp tiên tiến, hiệu quả. Đây là cơ sở để chúng ta nhân rộng, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân(Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2015).

Về lập và phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, đã có 97,4% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch, dự kiến hoàn thành 100% số xã vào năm 2015. Về phát triển giao thông nông thôn, chương trình đã xây dựng được trên 5 nghìn công trình với khoảng 700.000 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, đã có 23,3% số xã đạt tiêu chí giao thông, đến hết năm 2015 đạt khoảng 35,3%. Trên lĩnh vực thủy lợi, hiện có 44,5% số xã đã đạt tiêu chí, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 52,7%; 75,6% xã đạt tiêu chí về điện, đến hết năm 2015 đạt khoảng 80,9%.

Cùng với đó, công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Nhiều địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất với mô hình “cánh đồng lớn”, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ người dân mua máy cày, gặt, sấy, đưa tỷ lệ cơ giới hóa của các khâu này tăng từ 40% - 50% lên 80 - 90% như các tỉnh: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp.

Về hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò hạt nhân lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ xã đã có bước trưởng thành nhanh; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn được quan tâm. Đến hết năm 2014 có 68,2% số xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị, xã hội, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 79,5%.

Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Tiến độ triển khai nhìn chung còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về những nội dung thiết yếu của Chương trình chưa đầy đủ, việc quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thường xuyên, sâu sát; một số cơ chế, chính sách, không phù hợp, chậm được bổ sung điều chỉnh, sửa đổi; công tác sơ kết, nhân rộng mô hình chưa được thường xuyên, kịp thời; bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa đủ mạnh; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phương thức tổ chức mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng. Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tuy có giảm nhưng vẫn cao, thu nhập và mức sống của nông dân còn khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn chưa được giải quyết có hiệu quả, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế; chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở nhiều nơi còn thấp; hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là các vùng miền núi còn lạc hậu, chậm được cải thiện. Nguồn lực Trung ương và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp nhiều so với yêu cầu thực tế.

* Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Ninh

Chương trình Xây dựng Nông thôn mới đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ ở cả 125/125 xã; 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP Hạ Long).Với các giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, trong quá trình thực hiện linh hoạt, sáng tạo nên sau 5 năm triển khai thực hiện toàn tỉnh đã có 03 đơn vị cấp huyện (thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí và huyện Cô Tô) , 23 xã đạt chuẩn NTM và 63 xã cơ bản đạt chuẩn (tổng số 86/125 xã), bình quân số tiêu chí đạt trên một xã của Quảng Ninh cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (đạt 15,17 tiêu chí/xã và 33,74 chỉ tiêu/xã, so với với mức bình quân chung cả nước là 10 tiêu chí/xã).

Trên địa bàn tỉnh, đang triển khai thí điểm mô hình “Nông thôn tiên tiến” ở 3 xã thuộc thị xã Đông Triều nhằm nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Huy động nguồn lực cho chương trình đạt trên 57.704 tỷ đồng (trong đó từ Ngân sách Nhà nước là 6.706,6 tỷ đồng chiếm 11,62%; từ nguồn vốn tín dụng 38.156 tỷ đồng chiếm 66,12%; từ nguồn vốn xã hội hóa là 12.846,7 tỷ đồng chiếm 22,2%). Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là nét riêng có của Quảng Ninh, được tổ chức thực hiện theo mô hình quốc tế, có hệ thống tổ chức và mô hình đồng bộ. Bằng cách làm này, Quảng Ninh đã thực sự lôi cuốn được nông dân vào cuộc tham gia thực hiện chương trình, đưa họ trở thành chủ thể của NTM(Thu Minh, 2016).

* Xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ

Sau 5 năm, bằng sự nỗ lực, chung sức của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh Phú Thọ đã có bước tiến quan trọng trong xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện đã và đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, phục vụ đời sống, sản xuất, vui chơi, giải trí của nhân dân. Đặc biệt, nhiều địa phương đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tạo thêm được ngành nghề phù hợp, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Đến hết năm 2015, bình quân tiêu chí xây dựng NTM toàn tỉnh đạt 11,6 tiêu chí/xã; có 136/247 xã đạt tiêu chí thu nhập; 133/247 xã đạt tiêu chí hộ nghèo; 211/247 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên… Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 22,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,89%. Toàn tỉnh đã có huyện Lâm Thao và 60 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM. Hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Thu nhập của người dân ngày càng tăng; số hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Phát huy những thành tích đạt được, giai đoạn 2016 – 2020, Phú Thọ đặt mục tiêu có 124/247 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn xã NTM (chiếm 50%); bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã, không có xã dưới 8 tiêu chí.

Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc ban hành “Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020”, UBND

tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020”. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM. Tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Thực hiện các biện pháp quy hoạch, dồn đổi, tích tụ ruộng đất; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, công khai, minh bạch trong thực hiện các đề án xây dựng NTM (Khuất Thủy, 2016).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thanh liêm, tỉnh hà nam (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)