Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Đánh giá chung về tổng quan định hướng nghiên cứu
Tựu chung lại:
Nông thôn là vùng sinh sống của tập hợp dân cư, trong đó có nhiều nông dân. Tập hợp dân cư này tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, trong một thể chế chính trị nhất định và chịu ảnh hưởng bởi các tổ chức khác.
Phát triển nông thôn là quá trình cải thiện có chủ ý một cách bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Quá trình này trước hết là do chính người dân nông thôn và có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước và các tổ chức khác.
Nông thôn mới là vùng/khu vực nông thôn mới Việt Nam XHCN là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn; được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND xã.
Quy hoạch xây dựng nông thôn mới là sự bố trí, sắp xếp địa điểm, diện tích sử dụng các khu chức năng trên địa bàn xã; khu phát triển dân cư; hạ tầng kinh tế xã hội; các khu sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ…theo chuẩn
nông thôn mới. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và đưa ra định hướng phát triển về kinh tế - xã hội, về không gian nông thôn, về mạng lưới dân cư, cơ sở hạ tầng; khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương, khắc phục những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, đảm bảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, quy hoạch và thực hiện quy hoạch có vai trò quan trọng, nhằm bảo đảm cho việc sử dụng đất và xây dựng hạ tầng thiết yếu, các khu dân cư khu vực nông thôn vừa theo hướng văn minh, hiện đại, vừa giữ được bản sắc văn hóa làng, xã của địa phương. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới giúp nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn, tạo điều kiện mở rộng thị trường để phát triển sản xuất của cả nước, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn ở các vùng nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn.
Tổng quan tài liệu đã khái quát nên tầm quan trọng của quy hoạch xây dựng nông thôn mới cùng vớinội dung, công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của cả nước và trên toàn thế giới. Qua đó, đưa ra cái nhìn tổng quan về nông thôn mới, giúp cho việc nghiên cứu thực trạng và đánh giá được tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Thanh Liêm được cụ thể và khách quan.
Ngoài ra, thông qua tổng quan tài liệu giúp tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện của huyện mà có thể học hỏi và áp dụng vào công tác tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương mang lại hiệu quả cao nhất.
* Bài học kinh nghiệm
Quatình hình lập và thực hiện quy hoạch nông thôn mới của các nước trên thế giới, có thể rút ra bài học kinh nghiệm như sau:
Từ phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ở Nhật Bản, Việt Nam cần lựa chọn những nghề có sản phẩm đặc trưng nhất để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Công nghệ mới cần được đưa vào quá trình sản xuất, vừa nâng cao được chất lượng sản phẩm, cải thiện năng suất lao động,vừa bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư.
Bài học kinh nghiệm trong phong trào Làng mới của Hàn Quốc mà Việt Nam có thể học tập là: Cần phát huy nội lực của nhân dân, phát huy tính dân chủ
để phát triển nông thôn, phát triển sản xuất để tăng thu nhập, đào tạo cán bộ cơ sở đủ năng lực, trách nhiệm và được sự tín nhiệm của người dân. Bên cạnh đó, vai trò của các HTX cũng rất quan trọng trong công tác phát triển nông thôn.
Một số kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Thái Lan đã cho thấy, những ý tưởng sáng tạo, cách làm đột phá, không đi theo lối mòn và sự trợ giúp hiệu quả của nhà nước trên cơ sở phát huy tính tự chủ, năng động, trách nhiệm của người dân để phát triển khu vực này, có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng đối với việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nông nghiệp - tạo nền tảng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh việc coi trọng vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), Trung Quốc còn có những chính sách phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp, lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, thành thị hỗ trợ nông thôn. Qua đó, tạo ra một mối quan hệ tổng hòa giữa các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Trên cơ sở tình hình lập và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam và tỉnh Hà Nam, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thanh Liêm như sau:
Thứ nhất, xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ hai, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.
Thứ ba, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét.
Thứ tư, phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp.
Thứ năm, phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.
Và cuối cùng, phải lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân.