Kết quả tính sáng tạo đo bằng Trắc nghiệm TST

Một phần của tài liệu Tính sáng tạo của sinh viên trường đại học hà nội (Trang 71 - 78)

9. Cấu trúc của luận văn

3.4.Kết quả tính sáng tạo đo bằng Trắc nghiệm TST

Để có thể so sánh, kiểm chứng kết quả đo tính sáng tạo theo mô hình ba thành tố, tác giả luận văn tiếp tục tiến hành đo tính sáng tạo theo Trắc nghiệm sáng tạo hữu ngôn TST của K.J.Schoppe do Nguyễn Huy Tú Việt hóa năm 1998.

Trắc nghiệm Sáng tạo hữu ngôn TST được thực hiện tại 07 lớp của Khoa Tiếng Anh Trường Đại học Hà Nội với tổng số 150 sinh viên làm test. Việc chia test ngẫu nhiên về giới tính nhưng có sự lựa chọn sinh viên theo từng năm học, cụ thể như sau:

Sinh viên năm thứ nhất: 02 lớp – 42 sinh viên Sinh viên năm thứ hai: 02 lớp – 46 sinh viên Sinh viên năm thứ ba: 02 lớp – 41 sinh viên Sinh viên năm thứ tư: 01 lớp – 21 sinh viên

Để đảm bảo các sinh viên thực hiện trắc nghiệm có kết quả trung thực, nghiêm túc và đảm bảo quy định khi làm test, tác giả luận văn đã triển khai cho sinh viên làm test dưới sự hướng dẫn của nghiệm viên và sự hỗ trợ của giáo viên dạy trong tiết đó. Sinh viên đảm bảo được hướng dẫn theo yêu cầu đối với việc làm test TST đúng về mặt thời gian cũng như không có sự nhìn bài, sao chép của nhau. Tổng thời gian để hướng dẫn và làm test với mỗi lớp từ 45 đến 55 phút.

Bằng cách chấm điểm như đã nêu trong chương 2 và bằng phần mềm SPSS phiên bản 16.0, kết quả thu được như sau: trong số 150 sinh viên làm trắc nghiệm tính sáng tạo không có sinh viên nào đạt mức độ Cao. Có 26

sinh viên đạt mức độ Khá (chiếm 17.30%), 114 sinh viên (chiếm 76.00%) đạt mức độ Trung bình, có 10 sinh viên (chiếm 6.70%) ở mức độ Kém. Như vậy có thể thấy hầu hết (76.00%) sinh viên đạt mức độ sáng tạo Trung bình, một số đạt mức độ Khá và một số ít ở mức độ Kém. Điều này hoàn toàn phù hợp với những nghiên cứu trước đây về tính sáng tạo của người Việt Nam nói chung cũng như của sinh viên Việt Nam nói riêng.

Bảng 3.7 : Kết quả Mức độ tính sáng tạo theo Test TST

Mức độ Số sinh viên Tỉ lệ phần trăm

Cao 0 0 Khá 26 17.30% Trung bình 114 76.00% Kém 10 6.70% Thấp 0 0 Tổng 150 100%

Biểu đồ 3.5 Kết quả tính sáng tạo theo Test TST

Biểu đồ 3.6: Điểm trung bình của tính sáng tạo đo bằng test TST

Với kết quả 76% sinh viên đạt mức độ sáng tạo trung bình, kết quả đo tính sáng tạo theo trắc nghiệm sáng tạo hữu ngôn TST đã cho thấy một sự khá trùng hợp với kết quả tính sáng tạo đo theo mô hình ba thành tố của Amabile. So với kết quả tính sáng tạo của sinh viên đo bằng trắc nghiệm TST thì tính sáng tạo đo bằng ba thành tố có điểm trung bình cao hơn. Trắc nghiệm tính sáng tạo TST có Mean = 3.11 (Phụ lục 12), đạt mức trung bình, còn tính sáng tạo đo bằng ba thành tố có Mean = 3.29, đạt mức trung bình. Như vậy có sự chênh lệch giữa hai kết quả tuy nhiên sự chênh lệch ở đây không nhiều. Việc so sánh giữa đánh giá đồng thuận và các phương pháp truyền thống đã bổ sung cho nhau, làm cơ sở cho việc kết luận thực trạng

tính sáng tạo của sinh viên. Amabile đã chỉ ra mối quan hệ hài hòa được tạo ra do do sự kết hợp giữa tự đánh giá và đánh giá sản phẩm của chuyên gia. Nhìn chung, các cá nhân đánh giá sản phẩm của mình cao hơn so với đánh giá ngoài trên cùng một sản phẩm [15, tr 60].

Trong báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Hiện trạng mức độ tính sáng tạo của sinh viên sư phạm” do PGS.TS Nguyễn Huy Tú chủ trì thực hiện vào năm 2005-2006, báo cáo đã chỉ ra:

“Người Việt Nam có tính sáng tạo tương đương với người Âu-Mỹ. Xem xét chi tiết có 27.07% mẫu điều tra có tính sáng tạo dưới trung bình, đa số người Việt Nam (trên 72.35%) có tính sáng tạo trung bình đến khá, chỉ có 0.58% người Việt Nam có tính sáng tạo cao, không có người Việt Nam nào trong số gần 5000 người được điều tra có tính sáng tạo loại cực cao”. Còn cụ thể đối với sinh viên sư phạm là: “Sinh viên sư phạm có tính sáng tạo ở mức trung bình, nghiêng về dưới trung bình, thấp hơn trung bình tính sáng tạo của người Việt Nam, không có sinh viên có sáng tạo cao và cực cao”. Như vậy, so với kết quả nghiên cứu tính sáng tạo của sinh viên Trường đại học Hà Nội có thể thấy hầu hết vẫn ở mức trung bình nhưng nghiêng về trên trung bình và trung bình khá. Tìm hiểu thêm về kết quả học tập của sinh viên, trong số 150 sinh viên, có tới 77.4% sinh viên đạt kết quả học tập từ khá trở lên. Có được kết quả học tập này là một phần do điểm tuyển sinh đầu vào của Trường Đại học Hà Nội mà đặc biệt là điểm đầu vào khoa Tiếng Anh năm nào cũng cao nhất, nhì trường với điểm trúng tuyến khối D thường từ 29 đến 30 điểm. Như vậy, về mặt bằng chung, học sinh đỗ vào Trường Đại học Hà Nội thường đã là học sinh khá và giỏi. Điều này góp một phần vào kết quả tính sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Nội - ở mức trung bình

nhưng nghiêng về trên trung bình và trung bình khá. Kết quả học tập này cũng chính là những kiến thức, trình độ đào tạo, giáo dục chính thống… hay nói cách khác là một phần trong những kỹ năng lĩnh vực phù hợp – một trong ba thành tố cấu thành tính sáng tạo (theo Amabile) mà tác giả đã trình bày ở chương 1.

Có thể thấy, việc sử dụng trắc đạc tâm lý để đo tính sáng tạo được sử dụng phổ biến nhất vào giữa thế kỷ 19 đến những năm 70 của thế kỷ 20, tuy nhiên việc nghiên cứu tính sáng tạo dựa trên kết quả trắc đạc chỉ thể hiện được sáng tạo như là một sản phẩm mà chưa thấy rõ được bối cảnh, tác động của môi trường tới sáng tạo như thế nào. Chính từ đây, Amabile khuyến khích sử dựng phương pháp đánh giá chuyên gia trên cơ sở đồng thuận. Và trong luận văn này, tác giả đã sử dụng cả hai phương pháp để lấy căn cứ so sánh và đối chiếu và kiểm định kết quả nghiên cứu.

Để tìm hiểu xem bản thân sinh viên tự đánh giá mình sáng tạo ở mức độ nào, một câu được đưa vào bẳng hỏi như sau: Bạn tự đánh giá mình sáng tạo ở mức độ nào? Mức sáng tạo chung được đánh giá theo thang 5 điểm (từ 1 đến 5, trong đó:1-Không sáng tạo; 2-Sáng tạo một chút; 3-Sáng tạo trung bình; 4-Rất sáng tạo; 5-Sáng tạo đặc biệt).

Biểu đồ 3.7: Điểm trung bình tính sáng tạo do sinh viên tự đánh giá

Kết quả tính sáng tạo do sinh viên tự đánh giá thì thì điểm trung bình Mean = 2,97, đạt mức sáng tạo trung bình; kết quả đo bằng test TST cho giá trị Mean = 3,11, đạt mức sáng tạo trung bình; kết quả đo bằng ba thành tố cho Mean = 3,29, đạt mức sáng tạo trung bình. Nh ư vậy cả ba kết quả đều cho thấy tính sáng tạo của sinh viên Trường đại học Hà Nội đạt mức trung bình.

Như vậy, bằng ba kênh đánh giá tính sáng tạo của sinh viên: (1)căn cứ vào ba thành tố cấu thành tính sáng tạo thông qua sự tự đánh giá của sinh viên bằng hệ thống bảng hỏi, (2) sử dụng trắc nghiệm tính sáng tạo hữu ngôn TST của K.J.Schoppe do Nguyễn Huy Tú Việt hóa, (3) thông qua việc tự đánh giá của sinh viên, có thể rút ra kết luận thực trạng tính sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Nội còn chưa cao, chỉ đạt mức trung bình và có chiều hướng nghiêng về mức trung bình khá.

Vậy với kết quả thực tế về tính sáng tạo của sinh viên như trên thì bản thân sinh viên đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa của tính sáng tạo đối với người học cũng như vai trong của tính sáng tạo trong học tập, công việc tương lai.

Bảng 3.8: Ý nghĩa của tính sáng tạo đối với người học

STT Nội dung Điểm Thứ bậc

1 Sáng tạo rất quan trọng đối với việc học tập 3,63 2

2 Việc học tập đòi hỏi sáng tạo ở mức độ nào 3,02 3

3 Tính sáng tạo có ảnh hưởng đến sự thăng tiến của anh chị trong tương lai

4,41 1

Điểm trung bình 3,69

Điểm trung bình cho tất cả các nội dung liên quan đến đánh giá về ý nghĩa của tính sáng tạo với người học là 3,69 điểm, đạt mức quan trọng. Điều này cho thấy sinh viên đánh giá khá cao vai trò của tính sáng tạo trong việc học tập cũng như trong nghề nghiệp tương lai. Trong đó, hầu hết sinh viên đều cho rằng tính sáng tạo có ảnh hưởng lớn đến sự thăng tiến trong công việc của các bạn trong tương lai. Trao đổi với bạn L.M.T - lớp 9A-12, sinh viên năm thứ nhất khoa Tiếng Anh, tác giả luận văn được biết: “Chúng em đều nhận thấy tính sáng tạo vô cùng quan trọng trong học tập cũng như trong công việc và với em, đặc biệt đánh giá cao vai trò của tính sáng tạo trong công việc với những lý do sau: Thứ nhất: nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển dụng những người có tính sáng tạo bởi người sáng tạo sẽ có nhanh nhạy hơn, linh hoạt hơn trong cách giải quyết công việc và có kỹ năng thích nghi cao hơn; thứ hai, nếu có tính sáng tạo cao thì bạn sẽ có nhiều phương pháp giải quyết vấn đề, tiến độ công việc cũng như hiệu quả công việc cũng sẽ

cao hơn; thứ ba: theo em người sáng tạo ít nhất phải là người có trí tuệ tốt và em nghĩ đó cũng là người thông minh mà người thông minh, sáng tạo thì giải quyết công việc cũng sẽ dễ dàng hơn do đó sáng tạo thực sự rất quan trọng trong nghề nghiệp cũng như sự thăng tiến trong nghề nghiệp của bản thân sau này” (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Với sự đánh giá cao về ý nghĩa của tính sáng tạo trong học tập và trong công việc như vậy, có thể thấy nhận thức của sinh viên về vai trò của tính sáng tạo là rất tốt.

Tóm lại, từ kết quả nghiên cứu ở trên, có thể rút ra kết luận như sau: Tính sáng tạo của sinh viên Trường đại học Hà Nội đạt ở mức trung bình, nghiêng về trung bình khá. Trong số ba thành tố cấu thành tính sáng tạo, thì yếu tố Động cơ nội sinh có vai trò thúc đẩy cao nhất đối với tính sáng tạo của sinh viên. Kết quả khảo sát kiểm chứng việc đo tính sáng tạo bằng ba thành tố và đo tính sáng tạo bằng một trắc nghiệm sáng tạo đã được Việt hóa (Trắc nghiệm sáng tạo hữu ngôn TST) cho thấy có sự tương đồng về kết quả đo tính sáng tạo của sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên Trường đại học Hà Nội có nhận thức về tính sáng tạo là quan trọng trong học tập cũng như trong công việc tương lai.

Với những kết quả như trên, phần tiếp sau đây tác giả luận văn muốn tìm hiểu thêm về các yếu tố ảnh hưởng đến tính sáng tạo của sinh viên.

Một phần của tài liệu Tính sáng tạo của sinh viên trường đại học hà nội (Trang 71 - 78)