Yếu tố từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội huyệnVăn Giang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng tín dụng chương trình cho vay hộ nghèo của ngân hàng chính sách xã hội huyện văn giang, tỉnh hưng yên (Trang 76 - 78)

Bên cạnh những kết quả trong chương trình cho vay đối với hộ nghèo mà Ngân hàng CSXH huyện Văn Giang đã đạt được trong những năm qua thì chương trình cho vay đối với hộ nghèo tại Ngân hàng CSXH huyện Văn Giang cũng còn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, đó là:

a, Chính sách huy động vốn của ngân hàng

Ngân hàng CSXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải tự cân đối chi phí theo chỉ tiêu đơn giá và khoán tài chính được giao đồng thời phải thực hiện bảo tồn và phát triển nguồn vốn. Trên thực tế, hoạt động của NHCS trong thời gian qua, xét về bản chất là vốn tín dụng nhưng đây là vốn tín dụng theo ưu đãi nên nguồn vốn tăng trưởng phụ thuộc vào chủ trương và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước. Do vậy tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn của NHCSXH còn hạn chế.

Theo phương thức tạo vốn trong thời gian qua, nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh chủ yếu do Trung ương phân bổ và chuyển về; tại Trung ương vốn huy động chính thông qua huy động và vay theo lãi suất thị trường (43% tổng nguồn vốn), vay NHNN, Kho bạc Nhà nước, vay nước ngoài (30% tổng nguồn vốn). Khối lượng vốn huy động phụ thuộc vào mức cấp bù chênh lệch lãi xuất từ Ngân sách Nhà nước hàng năm. Tại các Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, nguồn vốn huy động được không được tự sử dụng để tăng trưởng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng mà phải

phụ thuộc vào kế hoạch tăng trưởng do Chính phủ giao theo từng chương trình tín dụng và sự điều hành kế hoạch chung trong toàn hệ thống nên Chi nhánh NHCSXH tỉnh chưa có sự chủ động trong điều hành và cơ cấu kỳ hạn cũng như lãi suất huy động vốn trên thị trường. Đây là vấn đề khó khăn nhất trong quản lý và điều hành vốn tín dụng cho vay hộ nghèo, hạn chế việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, tăng trưởng dư nợ cho vay.

b. Xác định đối tượng hộ nghèo của ngân hàng

Nguyên tắc đặt ra là NHCSXH cho hộ nghèo vay vốn theo chuẩn mực phân loại hộ đói nghèo do bộ Lao động Thương binh và xã hội công bố từng thời kỳ, song phải là hộ nghèo có sức lao động nhưng thiếu vốn sản xuất.

Nhưng trong thực tế việc xác định đối tượng hộ nghèo vay vốn còn nhiều bất cập. Theo cơ chế phải là hộ nghèo thiếu vốn sản xuất nhưng việc lập danh sách hộ nghèo đề nghị vay vốn ở địa phương do cộng đồng dân cư thực hiện (tổ TK&VV phối hợp với trưởng thôn tổ chức bình xét) được Ban XĐGN xã xác nhận nên phụ thuộc vào tình hình cụ thể ở từng địa phương bởi vậy mang tính tương đối và có sự khác nhau về chuẩn mực đói nghèo giữa các địa phương. Phần lớn các địa phương khi rà soát, phân loại, đánh giá và lập danh sách hộ nghèo hàng năm đều chưa phân ra danh sách hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn mà chỉ lập danh sách hộ nghèo chung, trong đó nhiều hộ nghèo không có đủ điều kiện và năng lực tổ chức sản xuất; hộ nghèo già cả neo đơn, tàn tật thuộc diện cứu trợ xã hội; hộ nghèo do mắc các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp hoặc cá biệt có những hộ không phải là hộ nghèo. Chính việc rà soát, lập danh sách hộ nghèo như vậy là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho tổ TK&VV trong việc bình xét cho vay, làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và tính hiệu quả của chương trình.

Hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo là hoạt động có tính rủi ro cao. Ngoài những nguyên nhân như thiên tai bão lụt, dịch bệnh cây trồng vật nuôi... thường xảy ra trên diện rộng, thiệt hại lớn còn có những nguyên nhân khác từ bản thân hộ nghèo như thiếu kiến thức làm ăn, sản phẩm làm

ra không tiêu thụ được...ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư. Bản thân các hộ nghèo là đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất khi có các biến cố tác động ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh nói riêng hay cả nền kinh tế nói chung bởi: hộ nghèo với đặc điểm là tư liệu sản xuất ít, tài sản nhỏ bé, quy mô sản xuất nhỏ lẻ có khi chỉ là 1 vài sào ruộng, con bò hay vài ba con lợn... nên khi điều kiện tự nhiên không thuận lợi gây mất mùa; thiên tai dịch bệnh sảy đến làm thiệt hại đến vật nuôi hay Nhà nước thay đổi về chính sách đất đai,... là sẽ gây ảnh hưởng ngay lập tức tới thu nhập của các hộ nghèo, cận nghèo, làm cho hộ nghèo sẽ càng nghèo thêm hay hộ cận nghèo có thể nhanh chóng tái nghèo trở lại.

c, Quy trình và nghiệp vụ cho vay đối với hộ nghèo

Quy trình nghiệp vụ cho vay hộ nghèo uỷ thác qua các tổ chức chính trị-xã hội chưa được hoàn thiện, còn những bất cập cần hoàn thiện như: việc xét duyệt còn qua nhiều khâu, cách giải ngân còn cồng kềnh, một số khâu ủy thác chưa rõ ràng, phí ủy thác còn tương đối cao, sự phối kết hợp của các tổ chức chính trịc - xã hội với NHCSXH trong việc thực hiện nghiệp vụ ủy thác có lúc có nơi còn chưa tốt nên cũng làm giảm hiệu quả vốn vay ưu đãi.

d, Công tác kiểm tra, kiểm soát

Công tác kiểm tra của cán bộ Ngân hàng và của các hội, đoàn thể, tổ TK&VV nhiều khi vẫn còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả nên vẫn còn để xảy ra những trường hợp vi phạm như hộ vay sử dụng vốn sai mục đích, cá biệt có trường hợp vay sai đối tượng, vay hộ, vay ké để lợi dụng chính sách...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng tín dụng chương trình cho vay hộ nghèo của ngân hàng chính sách xã hội huyện văn giang, tỉnh hưng yên (Trang 76 - 78)