Phần 4 Kết quả nghiên cứu
4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của thành phố Thái Bình tỉnh Thái Bình
4.1.3. Thực trạng phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn
4.1.3.1. Thực trạng phát triển đô thị
Khu vực đô thị gồm 10 phường với diện tích 1.971,04 ha chiếm 28,94% tổng diện tích tự nhiên của thành phố. Ở đây tập trung các cơ sở kinh tế - xã hội; các cơ quan đầu não của tỉnh, thành phố và trung ương. Kiến trúc đô thị của thành phố gần đây đã có nhiều thay đổi, nhiều công trình xây dựng cơ bản của nhà nước, các doanh nghiệp và của nhân dân được thiết kế xây dựng theo kiến trúc mới, hợp mỹ quan.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội như: Giao thông, điện lực, cấp thoát nước, thương mại, bưu chính viễn thông, dịch vụ, du lịch, nhà hàng khách sạn, thể thao - văn hóa… phát triển nhanh, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị và đối ngoại tạo điều kiện cho đô thị phát triển.
Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị được tăng cường dần đi vào nề nếp. Ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý đô thị, bước đầu phát huy hiệu quả. Hệ thống kỹ thuật đô thị được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả. Hệ thống cây xanh được trồng và chăm sóc thường xuyên, đảm bảo đường phố luôn sạch đẹp, giao thông thuận tiện, an toàn.
Hiện nay thành phố Thái Bình có các khu đô thị mới như khu đô thị Trần Hưng Đạo, khu đô thị Trần Lãm đã và đang được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại và là điểm nhấn nổi bật tạo diện mạo mới cho không gian đô thị thành phố.
Tuy nhiên, việc phát triển đô thị của thành phố vẫn còn một số hạn chế: + Quy mô đất đô thị nhỏ hẹp, không còn đáp ứng đủ cho nhu cầu gia tăng dân số, phát triển kinh tế và xây dựng hạ tầng cho giai đoạn tới.
+ Một số khu đô thị và cơ sở tiểu thủ công nghiệp chưa xử lý nguồn nước thải cục bộ.
+ Công tác quản lý đô thị còn nhiều vướng mắc, hạn chế.
4.1.3.2. Thực trạng phát triển khu nông thôn
Khu vực nông thôn gồm diện tích dân cư nông thôn của 9 xã trên địa bàn thành phố với diện tích là 4.838,79 ha, chiếm 71,06% tổng diện tích tự nhiên. Khu dân cư của thành phố tuy còn mang đậm sắc thái của làng xã đồng bằng sông Hồng nhưng gần đây đã có nhiều đổi mới. Hệ thống giao thông được đầu tư cải tạo và làm mới, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều cả về vật chất và tinh thần.
Khu vực này cũng còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đang được bảo vệ và tôn tạo.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như:
+ Đa số hệ thống thoát nước khu dân cư nông thôn là thoát nước tự nhiên, tự phát. Thêm vào đó là nguồn rác thải sinh hoạt tồn đọng chưa được xử lý kịp thời đã ảnh hưởng xấu đến môi trường và sinh hoạt của nhân dân.
+ Mạng lưới cấp điện đã phủ khắp nhưng đầu tư không đồng bộ. Một số thiết bị đã bị xuống cấp cần được cải tạo kịp thời.