Phần 4 Kết quả nghiên cứu
4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của thành phố Thái Bình tỉnh Thái Bình
4.1.5. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội
a. Lợi thế
- Thành phố Thái Bình là một thành phố trẻ, năng động, có vị trí thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các huyện trong tỉnh và với tỉnh bạn. Đặc biệt, thành phố nằm gần vùng tam giác kinh tế trong điểm Bắc Bộ là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đó là thị trường tiêu thụ lớn, là trung tâm đầu tư kỹ thuật, công nghệ, cung cấp thông tin, kinh nghiệm cho thành phố Thái Bình.
- Đất đai bằng phẳng, màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, bức xạ nhiệt cao thuận lợi cho sự phát triển các ngành. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.
- Trình độ dân trí tương đối cao, nguồn lao động dồi dào, trình độ học vấn cao. Lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Người dân có truyền thống cần cù chịu khó, một bộ phận dân cư, cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý bước đầu tiếp cận được với thị trường, biết vận dụng công tác quản lý, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.
- Nền kinh tế - xã hội đang phát triển, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh trong giai đoạn tới.
b. Hạn chế
- Mật độ dân số cao, mức gia tăng dân số hàng năm là sức ép đối với nền kinh tế về khả năng tạo việc làm cho người lao động, đồng thời khả năng tích lũy tái đầu tư cũng bị hạn chế. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp.
- Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngay trong nội bộ từng ngành còn chậm.
- Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện nhưng còn một bộ phận dân cư có thu nhập chưa cao, đời sống khó khăn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và nhân dân trong giai đoạn tới thành phố sẽ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng.