Kết quả đánh giá đặc điểm quả của các tổ hợp lai cà chua

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định chỉ thị phân tử liên kết chặt với gen ph3 và khảo nghiệm các tổ hợp lai cà chua mang gen ph3 vụ xuân hè tại gia lâm hà nội (Trang 59 - 61)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.4. Kết quả đánh giá năng suất, đặc điểm nông sinh học và tình hình sâu

4.4.2. Kết quả đánh giá đặc điểm quả của các tổ hợp lai cà chua

Cà chua là cây thu hoạch ăn quả, nên các đặc điểm về quả phản ảnh đặc tính thương phẩm tốt của giống. Đặc điểm quả bao gồm chiều cao quả, đường kính, chỉ số hình dạng, khối lượng trung bình quả, độ dầy thịt quả, số ngăn hạt, độ brix và màu sắc quả. Các đặc tính này cơ bản phụ thuộc vào bản chất di truyền của giống đồng thời chịu sự chi phối của điều kiện ngoại cảnh. Tùy theo hướng sử dụng ăn tươi hay chế biến mà có yêu cầu từng đặc tính có khác nhau. Nhìn chung quả nhiều, to vừa phải (80 - 100 g), quả thon dài, màu đỏ, thịt dầy, ít hạt ăn rốt chua được thị trường hiện nay ưu chuộng. Kết quả theo dõi các đặc tính quả của 5 tổ hợp lai được trình bày ở bảng 4.7.

Khối lượng trung bình quả là chỉ tiêu đánh giá kết quả của quá trình tích lũy sản phẩm quang hợp của cây. Nếu như cây sinh trưởng trong điều kiện thuận lợi, quá trình vận chuyển các sản phẩm quang hợp từ lá về quả diễn ra thuận lợi thì quả phát triển tốt nhanh chóng đạt được kích thước tối đa của chúng. Các tổ hợp lai khảo nghiệm có khối lượng trung bình quả sai khác một cách đáng kể, biến động trong khoảng từ 55,80 g đến 102,20 g. Tổ hợp lai có khối lượng trung bình quả cao nhất là V4 với 102,20 g, tiếp đến là tổ hợp lai V2 với 106,63 g. V3 là tổ hợp lai có khối lượng trung bình quả thấp nhất (55,80 g), thấp hơn nhiều so với giống đối chứng V1 (80,60 g).

Đặc điểm quả là yếu tố quyết định giá trị thương phẩm của cà chua. Hình dạng quả là một chỉ tiêu đặc trưng cho giống và ít bị thay đổi bởi điều kiện ngoại cảnh, được đánh giá bằng chỉ số hình dạng quả (I) xác định căn cứ vào tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính quả. Hình dạng quả là chỉ tiêu thương phẩm rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng. Dựa trên hình dạng quả người ta có thể lựa chọn được mẫu quả phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời đánh giá được độ chắc của thịt quả. Thông thường, những quả có hình dạng thuôn dài có độ chắc cao hơn những quả có hình tròn và dẹt. Do đó có thể vận chuyển xa hơn. Qua kết quả nghiên cứu ở bảng 4.7 dưới đây cho thấy, chỉ số hình dạng quả không có sự khác biệt đáng kể dao động từ 0,94 (V2) đến 1,05 (V3). Như vậy, tất cả các tổ hợp lai khảo nghiệm này đều cho quả tròn.

Bảng 4.7. Đặc điểm quả các tổ hợp lai cà chua vụ Xuân Hè năm 2017 tại Gia Lâm- Hà Nội

Dòng Chiều cao quả (mm) Đường kính quả (mm) Chỉ số hình dạng quả (I) Khối lượng trung bình quả (g) Dày thịt quả (mm) Số ngăn hạt/quả Độ Brix (%) Màu sắc quả khi chín V1 51,17c 49,47b 1,03a 80,60c 6,27c 2,50c 3,23b Màu đỏ V2 53,67b 57,30a 0,94b 100,63a 7,17a 3,27a 3,33b Màu đỏ V3 50,10c 56,87a 1,05a 55,80d 6,67b 2,20d 2,97c Màu đỏ vàng V4 55,63a 49,47b 1,04a 102,20a 7,10a 2,97b 3,53a Màu đỏ V5 56,63a 47,90c 1,00a 93,6b 7,13a 2,47c 3,63a Màu đỏ vàng CV (%) 1,11 1,39 4,61 2,46 1,82 4,09 2,54

LSD0,05 1,12 1,40 0,09 4,02 0,24 0,21 0,16

Ghi chú: Các số theo sau bởi các chữ cái giống nhau có nghĩa là không sai khác ở mức ý nghĩa α= 0,05.

Số ngăn hạt là một chỉ tiêu để đánh giá độ chắc của quả. Nếu quả có số ngăn hạt nhiều thì các ô hạt nhỏ do đó lượng dịch quả trong các ô không nhiều dẫn đến hương vị và khẩu vị bị ảnh hưởng, không phù hợp với mục đích ăn tươi. Tuy nhiên nếu số ngăn hạt trên quả ít thì độ rỗng quả lớn nên độ chắc của quả sẽ kém dẫn đến khả năng bảo quản và vận chuyển khó khăn. Theo kết quả thu được ở bảng 4.7 khi tiến hành phân tích các tổ hợp lai trong thí nghiệm nghiên cứu có số ngăn hạt biến động từ 2,20 đến 3,27 ngăn hạt, trong đó các tổ hợp lai V2 và V4 có số ngăn hạt/quả tương đối cao lần lượt là 3,27 và 2,97 ngăn hạt. Giống đối chứng V1 có 2,5 ngăn hạt.

Một đặc điểm quả không kém phần quan trọng đó là độ dày thịt quả. Độ dày thịt quả ngoài ý nghĩa làm tăng giá trị sử dụng của quả còn là yếu tố xác định độ chắc của quả. Những giống có độ dày thịt quả cao thường có khả năng bảo quản và vận chuyển tốt hơn. Mặt khác, lớp thịt quả càng dày giá trị sử dụng càng cao và ngăn đựng hạt càng bé chất lượng thương phẩm càng cao. Vụ Xuân Hè năm 2017 các giống/tổ hợp lai có độ dày thịt quả biến động từ 6,27 mm đến 7,17 mm. Giống đối chứng V1 (Savior) có độ dày thịt quả thấp nhất (6,27 mm), sau đó là tổ hợp lai V3 với 6,67 mm. Các tổ hợp lai có độ dày thịt quả cao nhất, không có sự khác biệt đáng kể giữa các tổ hợp lai theo thứ tự lần lượt là V2 (7,17 mm), V5 (7,13 mm) và V4 (7,10 mm).

Về độ Brix, hiện nay trên thị trường đòi hỏi cà chua phải có độ Brix >3% mới đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, còn đối với nhóm cà chua chế biến thì yêu cầu độ Brix cao hơn (>3.5%). Qua phân tích chúng tôi nhận thấy hầu hết các tổ hợp lai cà chua đều có độ Brix đạt chuẩn. Độ Brix được đánh giá cao nhất ở tổ hợp lai V5 (3,63%), tiếp đó là V4 (3,53 %) và thấp nhất ở tổ hợp lai V3 (2,97%) thấp hơn nhiều so với đối chứng V1 (3,23%).

Về màu sắc quả chín đóng góp nhiều vào giá trị thương phẩm của quả, nó đặc trưng cho giống. Màu sắc quả tương tác với màu sắc thịt quả tạo thành màu sắc quả khi chín. Cà chua trồng có màu vàng, đỏ vàng, đỏ, đỏ thẫm... Vì sinh trưởng trong vụ nóng nên màu quả cà chua chín có màu không đậm bằng vụ Thu Đông. Các giống có quả khi chín màu đỏ đó là V1, V2 và V4; còn các giống khác đều có màu đỏ vàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định chỉ thị phân tử liên kết chặt với gen ph3 và khảo nghiệm các tổ hợp lai cà chua mang gen ph3 vụ xuân hè tại gia lâm hà nội (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)